Nâng cao vai trò của Đoàn thanh niên để chống bạo lực học đường, dâm ô trẻ em

09/04/2019 06:40
Phương Linh
(GDVN) - Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Du, quận 10, cần nâng cao vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên để chống bạo lực học đường, dâm ô trẻ em.

Ngày 8/4/2019, Báo Tiền Phong tổ chức buổi tọa đàm “Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em – Chống được không?” tại Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Vài năm gần đây, số vụ bạo lực học đường, dâm ô trẻ em ở nước ta ngày càng tăng, với mức độ vi phạm ngày càng dã man, tinh vi hơn.

Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “Bạo lực học đường” trên Google, đã cho ra kết quả 28 triệu kết quả chỉ trong vòng 0,33 giây. Còn từ khóa “Dâm ô trẻ em” cho ra gần 21 triệu kết quả chỉ trong vòng 0,27 giây tìm kiếm.

Buổi tọa đàm “Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em – Chống được không?” được diễn ra trong ngày 8/4 (ảnh: P.L)
Buổi tọa đàm “Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em – Chống được không?” được diễn ra trong ngày 8/4 (ảnh: P.L)

Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em cho đến nay không còn là vấn đề mới, những vẫn luôn là nỗi bức xúc của người dân, cần có cách giải quyết thỏa đáng, nếu không sẽ gây ra bất an cho thế hệ trẻ, cộng đồng xã hội.

Các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm đã nói rằng, nguyên nhân khiến cho tình trạng bạo lực học đường, dâm ô trẻ em ngày càng phức tạp, vấn đề mấu chốt chính là ở vấn đề nhận thức, giá trị sống, sự tuân thủ pháp luật của người vi phạm.

Những trang mạng xã hội đăng tải các thông tin tràn lan, thiếu kiểm chứng dẫn đến khó kiểm soát cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho bạo lực học đường, dâm ô trẻ em ngày càng trầm trọng hơn.

Theo Thạc sĩ Phạm Anh Thắng – Trưởng Văn phòng đại diện Bộ Lao Động Thương Binh và Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, để chống lại bạo lực học đường và dâm ô trẻ em, cần tăng cường sân chơi cho học sinh ở trong trường học, lồng ghép thêm các nội dung về giáo dục kỹ năng sống, phát triển thêm phong trào người tốt, việc tốt…

Hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em ở nước ta khá đầy đủ, xuyên suốt từ trung ương tới địa phương, tương đối đồng bộ và đầy đủ, nhưng nhiều khi chính các em lại chưa hiểu đúng, đủ về quyền, trách nhiệm của mình, nhất là nhiều học sinh không hiểu biết về Luật trẻ em.

Võ sư Trần Trung Sơn hướng dẫn cho học sinh cách phòng chống xâm hại tình dục (ảnh: P.L)
Võ sư Trần Trung Sơn hướng dẫn cho học sinh cách phòng chống xâm hại tình dục (ảnh: P.L)

Chính vì vậy, ông Phạm Anh Thắng đề nghị cần phải tăng cường công tác truyền thông nhiều hơn nữa, đặc biệt là tuyên truyền về kiến thức pháp luật.

Thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10 chia sẻ: Muốn ngăn chặn nạn bạo lực học đường, dâm ô trẻ em, cần nâng cao vai trò của tổ chúc Đoàn Thanh niên trong các cơ sở giáo dục, tăng cường nhiều hoạt động vui chơi, lành mạnh, bổ ích, thu hút các học sinh tham gia, tạo cho học sinh có môi trường tâm lý thoải mái, có niềm tin với công tác giảng dạy tại nhà trường.

Các trường cũng cần quan tâm, phát triển các phòng tư vấn tâm lý, đầu tư đội ngũ giáo viên giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh.

Ngay tại buổi tọa đàm này, các học sinh của Trường Nguyễn Du cũng đã được Võ sư Trần Trung Sơn hướng dẫn các kỹ năng tự vệ, phòng chống xâm hại tình dục.

Học sinh của Trường Nguyễn Du cũng đã đặt ra hàng loạt câu hỏi về những vấn đề các quy định của pháp luật trong việc xử lý hành vi bạo lực, dâm ô trẻ em, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự…và các chuyên gia cũng đã trả lời trực tiếp ngay tại buổi tọa đàm.

Phương Linh