Nên bỏ hẳn hay chỉ thay đổi phương thức thi tốt nghiệp THPT?

15/08/2013 08:08
Lê Hoàng
(GDVN)- "Mọi người cho rằng xét tốt nghiệp 12 thì học sinh sẽ lười học, khó đánh giá chất lượng giáo dục của thầy cô giáo. Theo tôi mình phải tìm ra cách xét khách quan và phù hợp. Thiết nghĩ xét tốt nghiệp 12 chúng ta vẫn chọn 6 môn trong tất cả các môn học để xét, kể cả các môn như giáo dục công dân, thể dục, … Vậy học sinh sẽ học đều các môn, tâm lý nhẹ nhàng thoải mái...".
Đó là những lời chia sẻ của một độc giả gửi đến báo Giáo Dục Việt Nam thể hiện quan điểm và suy nghĩ riêng của mình

Tôi thích câu nói của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đó là “Ai cũng học được” và với vai trò của người giáo viên tôi coi ý kiến trên như một lời nhắc nhở mình phải dạy làm sao cho học sinh của mình tất cả đều học được. Ai cũng học được, một điều hiển nhiên là khi cắp sách đến trường bất kỳ học sinh nào cũng muốn mình học được, học được nhiều thứ.

Còn giáo viên thì luôn mong học sinh của mình hiểu bài và vận dụng giải bài tập tốt. Muốn vậy, giáo viên là người đóng vai trò quan trọng là làm sao thiết kế được một giáo án “chuẩn” để dạy từ học sinh yếu nhất lớp đến học sinh giỏi nhất lớp cũng đều học được tiết học đó. Thậm chí học sinh cá biệt cũng phải chăm chú tập trung học và học được.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thử hỏi, tất cả học sinh đều học được thì việc kiểm tra, thi cử trên lớp chắc cũng “sạch”. Từ đó chất lượng giáo dục của trường cũng tự thân nó nâng lên. Nhưng cũng còn số ít thầy cô vì kinh tế gia đình mà buộc phải dạy “không thật” để  học sinh mình tự thân đến nhà xin đăng ký học thêm. Số khác rất yêu nghề nhưng cũng không có thời gian để mà thiết kế một bộ giáo án “chuẩn” để cho học sinh mình học được, nguyên nhân thì ai là giáo viên đều hiểu cả.

Nói về chuyện thi cử, tôi là giáo viên và cũng từng được triệu tập coi và chấm thi tốt nghiệp THPT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động “Hai không”.  Thật tình năm đó giám thị tụi tôi đều có cùng tâm trạng là lo sợ, Thanh tra và lãnh đạo hội đồng thi rất căng, nếu chúng tôi bị họ lập biên bản thì về bị kỷ kuật, trừ lương, không đạt lao động tiên tiến cho năm sau, … Do đó, chúng tôi coi thi cũng rất nghiêm túc, làm rất đúng quy chế thi.

Kết quả kỳ thi thì  những năm sau này mọi người ai cũng biết không cần nói. Thực tế tôi thấy rằng, tổ chức thi tốt nghiệp THPT tốn nhiều tiền thật. Trước hết, học sinh đóng tiền mua tài liệu, đóng tiền ôn thi tốt nghiệp, mua thêm tài liệu tham khảo, thức thâu đêm để học bài. Khi giáo viên xuống địa phương làm công tác coi thi thì được hội cha mẹ học sinh chăm sóc rất long trọng và cẩn thận, lo từ A đến Z cơm ngày 4 bữa, bia bọt, đặc sản địa phương, thậm chí hát cả nhạc sống mỗi tối.

Sáng ra coi thi giám thị nào cũng “mắt nhắm mắt mở”- hiểu theo cả hai nghĩa. Cũng hiểu cho phụ huynh học sinh là con mình chỉ có kỳ thi này thôi, phụ huynh nào đóng góp bao nhiêu thì mình cũng đóng bấy nhiêu, nếu để con mình thi rớt tốt nghiệp 12 thì tương lai không tốt, không vào được cao đẳng, đại học, còn mất mặt với bạn bè, làng xóm. Còn tiền Nhà nước bỏ ra tổ chức thi và chấm thi thì cũng không phải ít.

Nói đến chấm thi theo tôi mình nên xét tốt nghiệp thì hơn. Bởi vì, giáo khảo chấm không như chấm bài kiếm tra thường ngày ở trường, nếu chấm thi tốt nghiệp như chấm bài ở trường thì coi như rất ít bài đạt điểm 7 (chỉ nói môn ngữ văn) trở lên. 

Hiện nay, có nhiều người tốt nghiệp cao đẳng, đại học vẫn chưa xin được việc làm và đang là vấn đề chúng ta cần giải quyết. Thử hỏi họ có bằng cấp cao đến vậy mà còn chưa xin được việc huống chi sách bằng 12 đi xin việc làm. Có chăng chỉ xin làm công nhân lao động phổ thông, còn như muốn vào các công ty, xí nghiệp hay cơ quan Nhà nước để tương lai “tốt hơn” thì họ phải học thêm chuyên môn nghiệp vụ nào đó.

Vậy tại sao ta không tạo điều kiện cho họ có thể học nghề, học chuyên môn nào đó để kiếm một công việc mà sống. Muốn thế họ phải có Bằng TN 12. Vì không có bằng 12 thì không học thêm chuyên môn nghiệp vụ gì được. Lại nói, học sinh học xong lớp 9 (có bằng Tốt nghiệp lớp 9) các em có thể đi học nghề. Có ai thống kê điều này chưa?

Ít có ai mà học mới lớp 9 mà không muốn đi học nữa mà chọn học nghề cả, một phần vì các em nhận thức chưa tới vấn đề, chưa xác định được nghề phù hợp với mình, mặc khác tâm lý cha mẹ đều khuyên con mình là cố gắng học giỏi đến nơi đến trốn để sau này đỡ khổ như cha mẹ, chỉ có học mới thoát nghèo,…

Vấn đề là ở chỗ đó. Tất cả học sinh trải qua 12 năm ngồi trên ghế nhà trường đều có chung một mơ ước? Đó là có bằng tốt nghiệp 12. Có thể gọi đây là một cánh cửa để các em bước vào đời. Tin rằng khi đã có bằng 12 rồi tâm lý mọi người sẽ nhẹ nhàng hơn và bắt đầu thực hiện lý tưởng của mình chọn học một nghề yêu thích hay học cao đẳng, đại học. Hay ít ra cũng tự tin là mình đã trưởng thành và bắt đầu gia nhập vào xây dựng quê hương đất nước.

Bởi họ có kiến thức nền tảng và cơ bản từ mái trường rồi thì khi ra đời quan trọng gì bằng cấp mà không cho họ. Quan trọng là ta xiết chặt đầu vào đại học để có chất lượng đúng nghĩa của đại học chứ không phải học đại học là “học đại”.

Mọi người cho rằng xét tốt nghiệp 12 thì học sinh sẽ lười học, khó đánh giá chất lượng giáo dục của thầy cô giáo. Theo tôi mình phải tìm ra cách xét khách quan và phù hợp. Thiết nghĩ xét tốt nghiệp 12 chúng ta vẫn chọn 6 môn trong tất cả các môn học để xét, kể cả các môn như giáo dục công dân, thể dục, … Vậy học sinh sẽ học đều các môn, tâm lý nhẹ nhàng thoải mái.

Sau khi kết thúc chương trình thi kiểm tra học kỳ 2 là thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 6 môn xét TN. Đôi khi xét 6 môn để được công nhận tốt nghiệp 12 phải xét cả ba khối lớp 10, 11, 12.

Lại nói, nếu thường ngày trên lớp giáo viên ưu ái học sinh trường mình thì sao? Bác Hồ có dạy chúng ta là thi đua là yêu nước, yêu nước là thi đua. Được biết nếu giáo viên dạy cuối năm học mà tỉ lệ học sinh không bằng chỉ tiêu của nhà trường thì coi như bị trừ điểm thi đua và có thể không đạt lao động tiên tiến cuối năm học, điều này vô tình làm giáo viên nâng điểm cho học sinh của mình nên mới có hiện tượng học sinh ngồi sai lớp. Điều này đòi hỏi nhà trường, và tất cả phải đổi mới thi đua.
Lê Hoàng