Nền giáo dục huyền thoại, hay nhất thế giới có thực sự như mơ?

27/06/2015 05:08
Võ Xuân Quế
(GDVN) - Các phương tiện truyền thông khắp nơi, trong đó có Việt Nam không ngớt lời ca ngợi ”kỳ tích”, ”huyền thoại” và coi Phần Lan là ”cường quốc về giáo dục".

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của tác giả Võ Xuân Quế, Việt kiều ở Phần Lan. Ông từng là người đã lên tiếng chỉ ra rằng Phần Lan không bỏ dậy học các môn cơ bản, mà chỉ thay thế phương pháp dạy học.

Hôm nay, ông gửi bài viết này riêng cho Tòa soạn Giáo dục Việt Nam, nhằm giúp mọi người có cách hiểu, góc nhìn về nền giáo dục của quốc gia này, đồng thời là bài học cho chúng ta.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Những năm gần đây, nhất là sau khi kết quả chương trình khảo sát kiến thức của học sinh phổ thông (PISA) do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tiến hành được công bố, Phần Lan được biết đến như là một quốc gia có nền giáo dục thành công nhất trên thế giới. 

Có tác giả cho rằng: các hội thảo về giáo dục chưa thể kết thúc nếu chưa nói đến giáo dục Phần Lan. 

Tuy nhiên, nhiều bài viết về vấn đề này đã cho thấy có một số điều chưa được biết và chưa được hiểu đúng về nền giáo dục của nước này.

1. "Cường quốc” về giáo dục phổ thông chứ không phải giáo dục Đại học

Cũng như ở nhiều nước, hệ thống giáo dục chính quy của Phần Lan bao gồm: giáo dục Cơ sở -peruskoulu (9 năm, từ lớp 1-9), giáo dục Trung học - lukio (3 năm, từ lớp 10-12) và giáo dục Đại học - yliopisto và ammattikorkeakoulu (4-6 năm). 

Song song với lukio là các trường ammattikoulu (trường dạy nghề). Một số người, có lẽ vì không biết tiếng Phần Lan nên đã dịch từ perus (koulu) từ hai từ tương đương trong tiếng Anh là basic (school) và comprehensive (school) sang tiếng Việt là: ”cơ bản” và ”toàn diện” là chưa thật chính xác. 

Có tác giả, có lẽ không hiểu lukio tương đương với cấp phổ thông Trung học của Việt Nam nên đã viết ”cấp học General Secondary School (thời gian học chuyển từ bậc giáo dục cơ bản lên Đại học) (http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150616/ky-2-nhung-nguoi-thay-o-thien-duong-giao-duc/762300.html).

Như đã nói ở trên, giáo dục Phần Lan được thế giới biết đến và ca ngợi từ khi có kết quả các cuộc khảo sát PISA (chứ không phải là một cuộc thi như được viết trong bài Huyền thoại giáo dục Phần Lan (Tia Sáng 5/4/2012). 

Lớp học tại Phần Lan (Ảnh: Võ Xuân Quế)
Lớp học tại Phần Lan (Ảnh: Võ Xuân Quế)

Chương trình PISA chỉ khảo sát kiến thức các môn: Toán, Đọc hiểu và khoa học, của học sinh ở độ tuổi 15, tức năm cuối của bậc học cơ sở (basic) được thực hiện 3 năm một lần. 

Kể từ lần đầu tiên (năm 2000) đến năm 2012, PISA đã được tiến hành 5 lần, trong đó 3 lần học sinh Phần Lan đứng đầu, còn lần thứ 4 Phần Lan được xếp thứ 2 về khoa học, thứ 3 về đọc hiểu, và thứ 6 về toán trong tổng số 65 nước tham gia khảo sát. 

Nhưng lần gần đây nhất, học sinh Phần Lan đã tụt xuống vị trí thứ 12. Điều đáng chú ý nhất là kết quả của Phần Lan không có sự chênh lệch lớn giữa học sinh các trường, giữa nam và nữ cũng như giữa thành thị và nông thôn. 

Peruskoulu là bậc học phổ cập và bắt buộc đối với tất cả trẻ em từ 7-15 tuổi ở Phần Lan. Gia đình và chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu như có trẻ em trong độ tuổi nói trên không được đi học. 

Peruskoulu do các địa phương quản lý (nếu là trường công) và các hội đoàn quản lý (nếu là trường tư). Năm 2009 Phần Lan công bố ”chiến lược xuất khẩu giáo dục”.

Đến nay họ đã xuất khẩu giáo dục phổ thông tới nhiều nước trên thế giới, như: Trung Quốc, Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập, Ả rập Xê Út.
  
Về giáo dục Đại học: 

Phần Lan gồm có hai loạị trường: yliopisto  và ammattikorkeakoulu (có thể coi như ”Cao đẳng” trước đây ở Việt Nam). 

Trước năm 2010, Phần Lan có 20 yliopisto và 20 ammattikorkeakoulu. Từ năm 2010 giáo dục Đại học và Cao đẳng có một số đổi mới.

Hiện nay loại hình yliopisto gồm có 10 trường Đại học đa ngành và 6 trường chuyên ngành. Cònammattikorkeakoulu gồm 27 trường (được dịch sang tiếng Anh là Polytechnic, institute of technology hay University of applied sciences)[1]. 

Chất lượng đào tạo và yêu cầu vào các trường yliopisto cao hơn các ammattikorkeakoulu. Vì lý do này và do có nhiều chương trình đào tạo bằng tiếng Anh hơn nên các ammattikorkeakoulu có nhiều sinh viên nước ngoài đến học hơn các yliopisto

Hiện nay, ở một số trường, sinh viên có thể thi vào thạc sĩ ngay từ khi thi vào mà không cần đợi đến khi hoàn thành chương trình cử nhân mới thi thạc sĩ.

Cho đến nay, trong số 43 trường Đại học và Cao đẳng ở Phần Lan chỉ có duy nhất 1 trường là Đại học Helsinki được xếp vào danh sách 100 trường tốt nhất thế giới (xê dịch từ thứ 69 năm 2003 và 73 năm 2014, theo bảng xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải) và 5 trường có tên trong danh sách 500. 

Không biết dựa vào nguồn nào mà có bài báo đã viết rằng: "Giáo dục cao đẳng năm nào cũng được Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF xếp hạng hàng đầu toàn cầu.” (Siêu cường giáo dục! Vietnamnet 28/2/2012).

Trước năm 2000, số sinh viên đại học người nước ngoài ở Phần Lan ít hơn sinh viên Phần Lan đi học ở nước ngoài. 

Gần đây, sinh viên nước ngoài đến học ở các trường Đại học và Cao đẳng Phần Lan có tăng lên (14.000 năm 2009), nhờ chính sách miễn học phí (song con số đó vẫn thấp hơn số sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ năm 2011). "Cường quốc về giáo dục Đại học” có lẽ phải dành cho Hoa Kỳ mới thích hợp.

2. Trường công và trường tư

Không ít người nghĩ rằng ở Phần Lan tất cả trường học đều là trường công lập, do nhà nước quản lý. 

Thậm chí, một số người Phần Lan và cả tác giả cuốn sách “Finnish Lessons: What Can the World Learn from Educational Change in Finland?” xuất bản đầu năm 2012, gây xôn xao trong giới giáo dục Mỹ cũng cho rằng: “Phần Lan không có trường tư”. 

Người viết bài này đã tìm hiểu vấn đề này và được biết Phần Lan có hai loại trường: yhteiskoulu(trường công) và yksityiskoulu (trường tư). 

Nền giáo dục huyền thoại, hay nhất thế giới có thực sự như mơ? ảnh 2

Thế giới học được gì từ hiện tượng cường quốc giáo dục Phần Lan?

(GDVN) - Thế giới đã và đang lần lượt đến Phần Lan để tìm hiểu về hiện tượng cường quốc giáo dục mới nổi này. Có lẽ họ sẽ lần lượt công bố cho chúng ta biết nhiều điều thú vị nhưng đến nay ít nhất họ đã gợi ra 2 điều quan trọng.

Có điều, khác với trường tư ở nhiều nước, yksityiskoulu do các công ty, hội đoàn hay quỹ thành lập và nhận kinh phí từ Nhà nước hoặc các tổ chức thành lập, chứ không thu học phí của người học (trừ một số ít như Trường Quốc tế và Trường Châu Âu ở Helsinki). 

Yksityiskoulu
 hoạt động phi vụ lợi, tự chủ và độc lập về tài chính và đào tạo, nhưng phải tuân theo chương trình chung (core curriculum), với sự giám sát của cơ quan quản lý giáo dục của Nhà nước (của Nha giáo dục) giống như trường công [2]. 

Theo con số mới nhất, hiện ở Phần Lan có 85 yksityiskoulu [3]. Tuy nhiên, cho đến nay, Phần Lan chỉ có trường tư ở bậc học phổ thông mà chưa có ở bậc Đại học. Có ý kiến cho rằng, tên gọiyksityiskoulu không nên hiểu là private schoolmà là independent school.

3. Miễn phí và phải trả tiền

Cho đến thời điểm này từ bậc học Cơ sở đến Đại học đều không phải đóng học phí. Học sinh Tiểu học và Trung học còn được miễn phí bữa ăn trưa ở trường. 

Chỉ một ít trường cung cấp miễn phí bữa ăn chiều nhẹ cho những học sinh nào có nhu cầu ở lại trường buổi chiều để học. 

Song nói là “Học sinh Tiểu học và THCS tại các nhà trường địa phương được hưởng các bữa ăn miễn phí” (Bí quyết 'đứng trên đỉnh thế giới' của giáo dục Phần Lan, Vietnamnet 16/1/2012) thì chưa thật đúng (vì không chỉ có trung học cơ sở, mà cả trung học phổ thông và chủ yếu là chỉ có bữa ăn trưa chứ không có bữa ăn chiều).

Giáo dục Cơ sở (từ lớp 1-9, chứ không phải “12 năm”), là bắt buộc nên học sinh cơ sở được cấp miễn phí sách giáo khoa và đồ dùng học tập, còn từ bậc Trung học trở lên, người học phải tự bỏ tiền mua. 

Học sinh cơ sở có “quyền và nghĩa vụ” học ở trường học gần nơi ở nhất, và chỉ được miễn phí tiền đi lại từ nhà đến trường nếu trường gần nhất này cách xa nhà hơn 5 km.

Nếu không muốn học trường gần mà chọn học trường xa thì học sinh phải tự trả tiền phương tiện đi lại. 

Hoàn toàn không phải “Toàn dân được hưởng miễn phí chế độ giáo dục nghĩa vụ 12 năm. .. đi học không mất tiền xe. Học sinh ở cách trường hơn hai ki lô mét được cấp vé đi xe bus” như trong bài Siêu cường giáo dục! (Vietnamnet 28/2/2012). 

Cũng không phải tất cả “Những học sinh đi học xa nhà (hơn 5 km) hoặc đường đi nguy hiểm thì được miễn phí tiền phương tiện.” (Bí quyết 'đứng trên đỉnh thế giới' của giáo dục Phần Lan, Vietnamnet 16/1/2012). 

Và càng không có chuyện "Học sinh, sinh viên đến trường đều được miễn phí 100% học phí và sách vở từ bậc Tiểu học đến Tiến sỹ” như viết trong bài "Tại sao nên du học Phần Lan?” (Giaoduc.net 5/6/2012).

Có điều rất đáng nói là các trường cơ sở ở Phần Lan không được phép thu bất cứ khoản tiền nào của học sinh để chi phí cho việc học, kể cả việc học dã ngoại ở nước ngoài.  

4. Kiểm tra, đánh giá và thi

Từ lớp 1 đến lớp 12, học sinh Phần Lan chỉ có một kỳ thi duy nhất là thi kết thúc trung học gọi làylioppilas kirjoitus chứ không phải là “Thi vào Đại học” như trong bài Siêu cường giáo dục! (Vietnamnet, 28/2/2012)

Đây là kỳ thi quan trọng nhất, được tổ chức 2 lần vào mùa thu và mùa xuân của mỗi năm học để người thi tự chọn. 

Ngoài ra, trong suốt 12 năm học chỉ có các bài kiểm tra do các giáo viên bộ môn chấm điểm hoặc đánh giá. Việc chuyển lên cấp cao hơn chỉ dựa vào điểm tổng kết của năm cuối ở cấp thấp hơn mà không cần thi. 

Nền giáo dục huyền thoại, hay nhất thế giới có thực sự như mơ? ảnh 3

Công nghệ "biến" HS cá biệt thành xuất sắc của Phần Lan

(GDVN) - Phần Lan đứng trong Top 10 quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới, với 10% học viên có bằng Thạc Sĩ sau khi rời trường học.

Vào mùa xuân hàng năm (giữa tháng 2) học sinh cuối cấp (lớp 7 và lớp 9) phải đăng ký vào các trường ở cấp học cao hơn để đến sau khi nghỉ hè khoảng 2 tuần (tức vào giữa tháng 6) các trường sẽ công bố điểm và danh sách học sinh được nhận vào 2 lớp đầu cấp (lớp 7 và lớp 10). 

Ở bậc Trung học phổ thông, học sinh có thể chọn trường trên phạm vi toàn quốc nếu đủ điểm nhận vào của trường, chứ không phải “Nhà trường không lựa chọn học sinh nhưng học sinh có thể lựa chọn trường cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình” như trong bài Bí quyết 'đứng trên đỉnh thế giới' của giáo dục Phần Lan (Vietnamnet, 16/1/2012)

Việc tuyển sinh vào Đại học do các trường tự tổ chức thi hoặc tự chọn theo kết quả của kỳ thi kết thúc lớp 12 hoặc kết quả của các môn học ở trung học phổ thông (mà không cần thi), chứ hoàn toàn không phải "thi Đại học, kỳ thi duy nhất sau 12 năm học, cạnh tranh cũng rất quyết liệt” như trong bài Huyền thoại giáo dục Phần Lan (Tia Sáng, 5/4/2012).

5. Cạnh tranh và xếp hạng trường học

Ở Phần Lan, việc kiểm định và xếp hạng chỉ có ở các trường Đại học. Còn các trường phổ thông không thực hiện xếp hạng và đánh giá chất lượng hàng năm. 

Tuy nhiên không phải vì thế mà giữa các trường không có sự cạnh tranh. Sự cạnh tranh giữa các trường, nhất là các trường trung học phổ thông xuất phát từ việc xếp hạng do các cơ quan truyền thông (báo, đài truyền hình) thực hiện hàng năm dựa trên kết quả của kỳ thi hết lớp 12 của học sinh các trường. 

Dựa vào kết quả và việc xếp hạng đó mà danh tiếng của các trường có được trong xã hội và thu hút học sinh, phụ huynh. 

 Tài liệu tham khảo:

[1] http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_polytechnics_in_Finland

[2] http://igs.kirjastot.fi/en-GB/iGS/questions/question.aspx?ID=e8c2451b-e0ec-42b2-a817-cf6456b237fe

[3] http://www.yksityiskoulut.fi/

Quan điểm, góc nhìn và cách hành văn là của riêng tác giả.

Võ Xuân Quế