Nếu đã muốn gian lận, kiểu gì họ cũng làm được

17/07/2018 06:53
HỮU SƠN
(GDVN) - Thực ra mọi chuyện tiêu cực, gian lận thi cử đều có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc.

LTS: Đưa ra những nghi vấn về việc có gian lận trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia vừa qua tại tỉnh Hà Giang, thầy giáo Hữu Sơn đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để xác minh rõ sự thật.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong bài viết "Bốn giả thuyết đặt ra cho kết  quả cao bất thường ở Hà Giang" đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 14/7, tác giả Sông Trà đã nêu lên những số liệu, dẫn chứng cụ thể và đưa ra bốn giả thuyết cho kết quả cao bất thường ở Hà Giang trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018.

Trước đó, ngày 12/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra công văn số 2868 do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký.

Công văn nêu ban chỉ đạo thi quốc gia năm 2018 đã nhận được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả điểm thi có dấu hiệu bất thường tại hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang.

Kết quả thi môn Toán, ở Hà Giang, số thí sinh có mức điểm 8 - 8,75 là 50 em. Số thí sinh có điểm từ 9 trở lên là 57 em. (Ảnh: Vtv.vn).
Kết quả thi môn Toán, ở Hà Giang, số thí sinh có mức điểm 8 - 8,75 là 50 em. Số thí sinh có điểm từ 9 trở lên là 57 em. (Ảnh: Vtv.vn).

Ban chỉ đạo thi quốc gia 2018 yêu cầu ban chỉ đạo thi quốc gia tỉnh Hà Giang kiểm tra, rà soát, xác minh toàn bộ các khâu của kỳ thi và báo cáo bằng văn bản về thi quốc gia 2018 qua Cục quản lý chất lượng trước ngày 17/7.

Cũng trong ngày 14/7, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng do ông Mai Văn Trinh dẫn đầu đã đến tỉnh Hà Giang để phối hợp làm rõ thông tin về điểm thi bất thường.

Dư luận xã hội rất hoan nghênh những động thái tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm sáng tỏ nghi vấn điểm thi cao bất thường ở tỉnh Hà Giang, đem lại sự yên tâm cho mọi người về một kỳ thi được đánh giá là an toàn, đúng quy chế và thành công đẹp.

Tuy nhiên, nhiều người quan ngại rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho địa phương này làm việc kiểm tra, rà soát, xác minh lại toàn bộ các khâu của kỳ thi và báo cáo bằng văn bản qua Cục quản lý chất lượng, xem ra không ổn, mọi chuyện đâu lại vào đấy, chẳng qua là một kiểu hình thức để xoa dịu dư luận xã hội mà thôi.

Nếu đã muốn gian lận, kiểu gì họ cũng làm được ảnh 2Bốn giả thuyết đặt ra cho kết quả cao bất thường ở Hà Giang

Kể cả, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do ông Mai Văn Trinh dẫn đầu đến Hà Giang nhằm phối hợp làm rõ thông tin về điểm thi bất thường cũng khó tìm ra những biểu hiện gian lận, tiêu cực trong thi cử ở đây có thể được tổ chức, dàn xếp một cách rất kín kẽ, tinh vi với sự tham gia của nhiều người “trong cuộc”, một, hai người không thể nào làm được.

Có ý kiến đề xuất, công an cần vào cuộc làm sáng rõ vụ việc phức tạp này.

Tôi cho đó là một đề xuất rất xác đáng và khả thi, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm xem xét. 

Trước khi kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2017 và 2018 diễn ra, trên các mặt báo, nhất là báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều độc giả, thầy cô giáo có không ít tâm tư, lo lắng về tính nghiêm túc, công bằng, khách quan trong khâu coi thi, chấm thi Quốc gia khi Bộ giao về cho các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các trường đại học, cao đẳng.

Trong bài: "Tôi vẫn chưa hết lo về tiêu cực có thể phát sinh trong coi thi", đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 24/7/2018, tác giả Kiên Trung đã từng nhận định:

"Không phải ngẫu nhiên kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 sắp diễn ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Hội đồng coi thi, điểm thi quản lý chặt số lượng phiếu trả lời trắc nghiệm.

Nếu thí sinh làm hư hỏng hoặc thừa, thiếu phiếu trả lời trắc nghiệm đều phải lập biên bản, vì các kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia có hiện tượng tiêu cực, đánh tráo, thay đổi phiếu trả lời trắc nghiệm cũ bằng phiếu trả lời trắc nghiệm mới trong quá trình giao nộp bài thi và tổ chức chấm thi trên máy.

Năm nay, trưởng, phó điểm thi, các cán bộ coi thi đều phải đăng ký mẫu chữ ký, sau đó niêm phong gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo (bảo lưu trong thời gian 2 năm) và sẽ sử dụng, đối chiếu trong những trường hợp có vấn đề về giả chữ ký cán bộ coi thi ở phiếu trả lời trắc nghiệm, túi đựng bài thi của thí sinh.

Do các năm trước ở một số hội đồng coi thi, chấm thi có dấu hiệu nghi vấn mất niêm phong, chữ ký giả, điểm số cao bất thường, không thể kiểm chứng được.

Mặc dù mỗi phòng thi, môn thi luôn có 1 cán bộ coi thi của trường đại học, cao đẳng và 1 cán bộ coi thi của trường trung học phổ thông qua việc bốc thăm ngẫu nhiên.

Nhưng, liệu việc bốc thăm cán bộ coi thi lên phòng thi có sự dàn xếp được hay không?

Kết quả thi môn Vật lý, tỉnh Hà Giang có 65 điểm 9 đến 10, và có 28 bài đạt mức 8 đến 9 điểm. (Ảnh: Vtv.vn).
Kết quả thi môn Vật lý, tỉnh Hà Giang có 65 điểm 9 đến 10, và có 28 bài đạt mức 8 đến 9 điểm. (Ảnh: Vtv.vn).

Theo tôi, đối với số người, đặc biệt là trưởng điểm thi, thư ký của trưởng điểm thi (chủ động làm phiếu thăm) cùng các cán bộ coi thi, nếu cố tình tiêu cực, giúp đỡ “gà” của mình thì có thể làm được.”  

Trong bốn giả thuyết mà thầy giáo Sông Trà đặt ra, với tư cách là người từng tham gia công tác coi thi, chấm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, thi Trung học phổ thông Quốc gia trên 20 năm, tôi nhận thấy giả thuyết thứ tư là khả nghi nhất:

"Công tác bảo mật bài thi, quá trình chấm trắc nghiệm bằng máy ở Hội đồng chấm thi tỉnh Hà Giang có vấn đề gian lận, tiêu cực. 

Một nhóm người có thể thông đồng với nhau, đánh tráo phiếu trả lời trắc nghiệm cũ bằng phiếu trả lời trắc nghiệm mới khi đưa vào máy chấm.”

Các công đoạn, quy trình từ in, sao, vận chuyển đề thi, tổ chức coi thi, rọc phách, chấm thi… đều rất chặt chẽ, nghiêm ngặt theo Quy chế 04/2017 và các văn bản khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Nhưng tất cả quy trình, phương tiện, máy móc (máy chấm trắc nghiệm, camera theo dõi) …để phục vụ cho kỳ thi, đặc biệt là khâu chấm trắc nghiệm bằng máy lại do con người, hội đồng coi thi, chấm thi ấy điều khiển, vận hành.

Nếu đã muốn gian lận, kiểu gì họ cũng làm được ảnh 4Nếu không làm rõ sẽ gây thiệt thòi cho hàng ngàn học sinh

Nếu những con người vận hành đó thiếu trách nhiệm, bất chấp pháp luật, cố tình thông đồng, cấu kết với nhau để đạt những lợi ích riêng cho mình thì thứ máy móc, phương tiện, quy trình, lực lượng này, lực lượng kia… có thể bị “ tê liệt” hết.   

Trước ý kiến cho rằng có kẽ hở trong việc bảo quản bài thi, trước khi rọc phách người làm có thể gian lận ở khâu này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang Vũ Văn Sử bày tỏ:

Những tình huống đó, tôi cho rằng, mọi người có quyền đặt ra. Tuy nhiên, sự chặt chẽ của nó cũng không thể xem thường được.

Ví dụ khi mở phong bì đựng bài thi thì phải có mấy người theo quy định, theo quy chế người cầm chìa khoá là trưởng ban, người thứ hai là sự chứng kiến của công an, người thứ ba ít nhất là uỷ ban thư ký.

Chuyện gì có ba người là tập thể”.

Đó là cách nói theo Quy chế của ông Giám đốc. Chứ thực ra mọi chuyện tiêu cực, gian lận thi cử đều có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc.

Ông, bà nào trong ban bệ ấy đều “có phần” cả trong số bài thi của các thí sinh cần điểm cao ngất ngưởng (để trúng tuyển vào Công an, Quân đội hoặc trường đại học tốp đầu) thì ai đấu tranh ai đây?

Kịch bản một nhóm người (có cả thành phần là lãnh đạo hội đồng chấm thi) cùng thông đồng, cấu kết với nhau, sửa hoặc đổi các phiếu trả lời trắc nghiệm môn Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh… khi đưa vào máy chấm… cũng không loại trừ.

(Bộ Giáo dục và Đào tạo từng đặt nghi vấn ở kết quả kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2017 có dấu hiệu bất thường tại một số địa phương).

Ngoài việc kiểm tra, rà soát, xác minh toàn bộ quy trình coi thi, chấm thi một cách nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, nếu thấy cần thiết, tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công an đem tất cả các bài thi điểm cao bất thường của Hà Giang gửi đến Viện Khoa học hình sự Công an nhân dân Việt Nam để kiểm định.

Như vậy thì sẽ biết ngay có hiện tượng sửa đi tô lại hay không, có hiện tượng rút phiếu trả lời cũ thay bằng phiếu trả lời mới hay không…

HỮU SƠN