Nếu thầy cô biết ứng xử đúng mực thì nghề giáo đâu đến nỗi "bạc như vôi"

12/03/2016 07:53
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Nếu mỗi giáo viên hôm nay có cách ứng xử đúng mực với học sinh thì nghề giáo không đến nỗi “bạc như vôi” như suy nghĩ của một số giáo viên.

LTS: Từ trước đến nay khi nói đến bạo lực học đường thì người ta luôn cho rằng giáo viên đánh đập, trù dập học trò.

Tuy nhiên hiện nay vấn đề bạo lực lại đang diễn ra theo chiều ngược lại (học trò, phụ huynh bạo hành thầy cô) thể hiện rõ qua một số bài viết của cô Phan Tuyết về mối quan hệ giữa học sinh - gia đình - nhà trường

Nhưng thực tế, thầy cô đã ứng xử đúng mực, đã làm tròn trách nhiệm của mình hay chưa? Trong bài viết này, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc kể câu chuyện của chính bản thân mình với hi vọng có thể là một ý kiến giúp thầy cô tham khảo trong cách ứng xử với học sinh hư, học sinh "cá biệt". 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Năm 1995, tôi được phân công thực tập sư phạm tại lớp 10A2 của thầy Tính tại trường THPT số 2 Mộ Đức (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi). 

Lớp có vài học trò cá biệt nên khiến tôi đau đầu, vất vả đặc biệt là trường hợp của em N.V.L thường xuyên bỏ học nếu đi học thì quậy phá, mất trật tự trong các giờ học. 

Tôi còn nhớ như in hành vi của L. trong giờ trả bài kiểm tra số 5, do bị điểm kém (2,5 điểm) nên L. đã vò, xé nát ngay trước lớp. 

Xé xong, L. tỉnh bơ nhìn tôi như chưa có chuyện gì xảy ra. Tất cả học sinh trong lớp hướng ánh mắt về phía tôi và L. nhưng tôi không phê bình, trách mắng gay gắt mà vẫn nhẹ nhàng bước ra khỏi lớp. 

Nếu thầy cô biết ứng xử đúng mực thì nghề giáo đâu đến nỗi "bạc như vôi" (Ảnh: vtc.vn)
Nếu thầy cô biết ứng xử đúng mực thì nghề giáo đâu đến nỗi "bạc như vôi" (Ảnh: vtc.vn)

Đúng một tuần sau, tôi mời riêng em N.V.L lên phòng hội đồng nhà trường để trao đổi. 

Sau khi nghe tôi phân tích, chia sẻ, em L. nhận ra khuyết điểm của mình trong thời gian qua và hứa sẽ khắc phục, không tái phạm. 

Khi ấy, tôi đọc đề mới và yêu cầu L. về nhà làm, tuần sau đem nộp để thầy chấm, thay thế cho bài viết trước. 

Tới tuần nộp bài, L. hoàn thành tốt bài viết, tôi thông báo trước cả lớp bài làm của L. đạt 6,5 điểm, khi đó em rất phấn khởi.

Nếu thầy cô biết ứng xử đúng mực thì nghề giáo đâu đến nỗi "bạc như vôi" ảnh 2

Vì nhiệt tình, yêu thương trò mà giáo viên phải lạy phụ huynh và bồi thường sao?

(GDVN) - “Hiện nay, hình phạt ghi tên vào sổ đầu bài không còn hiệu quả nữa bởi trong một học kỳ vừa qua, học sinh lớp tôi đã “xử lý” xong 3 cuốn sổ".

Về nguyên tắc, việc tôi cho học sinh làm lại bài kiểm tra như vậy là hoàn toàn sai, thiếu công bằng…nhưng việc làm ấy của tôi đã làm thay đổi tích cực, nhanh chóng ý thức, thái độ học tập của L.  

Ngày tôi kết thúc đợt thực tập, L. cùng một số học sinh nam trong lớp đứng ra tổ chức bữa liên hoan nhỏ để chia tay tôi. 

Bữa liên hoan chỉ mấy món đơn sơ, đạm bạc nhưng thấm đượm tình cảm thầy trò khiến tôi nhớ mãi. 

Cứ như thế, sau nhiều năm dù cách khoảng 30 cây số nhưng có đến ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Tết Nguyên Đán thì L. cùng các bạn lại qua nhà thăm tôi (tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), thầy – trò vui mừng khôn tả. 

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Quảng Ngãi) được thành lập năm 1992 (trước năm 2011 là mô hình trường bán công) tôi đã có 20 năm công tác tại đây. 

Khi nhận công tác, mấy đứa bạn của tôi đã ngăn cản: “Ông đừng có dạy trường ấy, trường đó toàn học sinh yếu kém, cá biệt, hư hỏng, ông bạc tóc, kiệt xác sớm thôi”. 

Phải công nhận rằng, từ trước tới nay trường tôi luôn xếp loại ở “hạng ba”, có nhiều học sinh yếu kém, cá biệt

Với thời gian 15 năm làm công tác giáo viên chủ nhiệm, tôi nếm trải đủ mùi vất vả, cực nhọc nhất là trong việc giáo dục, uốn nắn học sinh cá biệt. 

Tôi nhớ nhất là năm học 2006-2007, nhà trường phân ra nhiều đối tượng học sinh để sắp xếp lớp, tôi được Ban giám hiệu phân công chủ nhiệm lớp toàn học sinh yếu kém, cá biệt. 

Nhưng tôi chẳng nề hà, so đo, chấp nhận dấn thân và giờ nhìn lại những gì đã qua tôi luôn cảm thấy vui và tự hào vì nhiều học sinh cá biệt lớp tôi đã thay đổi, trưởng thành rất nhiều. 

Nếu khi ấy có em rất lỳ lợm, quậy phá khiến giáo viên bực tức, nổi cáu thì nay các em ra trường, đi học xa, đi làm, gặp lại thầy giáo cũ lễ phép, đàng hoàng đến không ngờ. 

Em Đ.V.D từng là học sinh cá biệt lớp 12C10 (năm 2003) ham chơi, nghỉ học nhiều, cuối năm lớp 12 còn có ý định bỏ học đi bụi. Khi đó, gia đình, bạn bè khuyên bảo không được nên mấy lần tôi chủ động đến tận nhà vận động, thuyết phục em quay lại trường sau 20 ngày bỏ học. 

Nếu thầy cô biết ứng xử đúng mực thì nghề giáo đâu đến nỗi "bạc như vôi" ảnh 3

Những phụ huynh “bá đạo”

(GDVN) - Những hành động thái quá của nhiều phụ huynh hiện nay đã làm thui chột lòng tâm huyết, sự yêu nghề của thầy cô.

Kỳ thi tốt nghiệp năm ấy, tôi đứng ra “bảo vệ” em D. đến cùng và đề nghị Hội đồng nhà trường cho D. thêm cơ hội được sửa sai và dự thi tốt nghiệp. 

Do được tôi “bảo lãnh” nên D. được dự thi tốt nghiệp THPT, khi đó D. và gia đình mừng khôn tả, thời gian ôn thi em đã “lột xác” hoàn toàn. 

Nay D. đã trở thành kỹ sư xây dựng của một công ty lớn ở Sài Gòn, có thu nhập ổn định và thường xuyên gọi điện hỏi thăm, tới nhà thăm tôi cùng lời cảm ơn chân tình vì đã giúp em có được nghề nghiệp, cuộc sống tốt hôm nay. 

Hay Q. (học sinh lớp 12C3), từng là học sinh cá biệt, chán học, bị bạn bè xấu lôi kéo nên bỏ học giữa chừng năm 2009. Q. từng “hành hạ” tôi 3 tháng trời với hàng trăm tin nhắn, lời lẽ xúc phạm, đe dọa…vì cho rằng tôi là nguyên nhân khiến Q. phải nghỉ học.

Cuối cùng, tôi biết được “thủ phạm” của những dòng tin nhắn đó chính là Q., khi đó, tôi chủ động nói chuyện, phân tích đúng, sai, chỉ rõ nguyên nhân cho Q. thấy sự sai trái, nông nổi của mình. 

Hôm đó, Q. đã nhận lỗi và hứa năm sau sẽ đi học trở lại. Đúng như lời hứa, năm 2010, Q. vào học lớp 12C16 – lớp tôi giảng dạy, từ đây quan hệ thầy – trò trở nên tốt đẹp. 

Nếu thầy cô biết ứng xử đúng mực thì nghề giáo đâu đến nỗi "bạc như vôi" ảnh 4

Bạo lực, gốc rễ và hậu quả

(GDVN) - Bạo lực là sức mạnh được dùng với mục đích cưỡng ép, hay trấn áp. Vì vậy, cho dù được sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào, bạo lực đều có tính tiêu cực.

Vào giờ học, Q. thường xuyên xung phong phát biểu xây dựng bài trong các tiết học môn Ngữ văn của tôi. Ngày nhận tấm bằng tốt nghiệp, Q. đến cảm ơn tôi và nói: “Em không ngờ thầy lại tốt với em đến vậy.”

20 năm trong nghề, hàng chục thế hệ học trò ra trường, bước vào đời, có nhiều em từng là học sinh cá biệt nhưng giờ đã dành cho tôi và gia đình tôi sự quan tâm, động viên rất lớn về mọi mặt. 

Hễ gia đình tôi gặp khó khăn gì thì các em đều giúp đỡ nhiệt tình khiến tôi rất xúc động. 

Bốn tháng tôi nhận công tác trong TP. Hồ Chí Minh (năm 2012), không tuần nào là không có 2,3 nhóm học trò đến thăm…

Tất cả những điều ấy khiến tôi suy ngẫm rằng, phải chăng sự nhiệt tình, độ lượng trong giáo dục học sinh cá biệt, sự giản dị, chan hòa trong ứng xử với học trò khi ra trường đã giúp tôi trở thành một người thật may mắn và hạnh phúc. 

Và tôi cũng vội tưởng tưởng, nếu mỗi giáo viên hôm nay có cách ứng xử đúng mực với học sinh thì nghề giáo không đến nỗi “bạc như vôi” như suy nghĩ của một số giáo viên. 

Đỗ Tấn Ngọc