"Nếu thích hát hãy hát thật hay, chơi game hãy học chơi thật giỏi"

28/08/2016 07:09
Thùy Linh
(GDVN) - Để khởi nghiệp, các bạn trẻ cần quan tâm đến các vấn đề của xã hội, tạo nên cơ hội kinh doanh và nắm bắt được cơ hội đó.

Với mong muốn thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết và cống hiến của Thủ khoa Hà Nội, tham gia giao lưu, 100 thủ khoa xuất sắc cùng đông đảo đoàn viên thanh niên Thủ đô đã được nghe các doanh nhân trẻ thành đạt của Thủ đô chia sẻ bí quyết và kinh nghiệm khởi nghiệp.

Tại buổi giao lưu Thắp sáng ước mơ thủ khoa Hà Nội 2016 với chủ đề “Thủ khoa với khởi nghiệp” do Thành đoàn Hà Nội tổ chức sáng 27/8, chuyên gia, doanh nhân thành đạt đã những chia sẻ thẳng thắn với các bạn trẻ, Thủ khoa hiểu trọn vẹn về thế nào là khởi nghiệp và tại sao phải khởi nghiệp? 

Các khách mời chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp (Ảnh: V.Đ)
Các khách mời chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp (Ảnh: V.Đ)

Chia sẻ những điều kiện trở thành doanh nhân, anh Nguyễn Xuân Phú (Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ  Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Sunhouse) tâm sự: 

Lúc trẻ, lựa chọn nghề nghiệp, trường đại học để thi, tôi băn khoăn mãi bởi từ nhỏ bản thân đã ao ước trở thành nhà Toán học.

Hồi ấy, cả làng tôi chỉ có 1 – 2 cái ti vi, nhìn hình ảnh nước ngoài thấy khác nước mình, thấy cuộc sống của họ sung túc hơn mình… tôi bắt đầu thay đổi suy nghĩ, không theo ngành Toán học nữa mà thi kinh tế để tìm hiểu tại sao đất nước mình nghèo”.

Đến khi học xong trường kinh tế khi không nhận được tiền “viện trợ” của bố mẹ nữa, thì anh Phú bắt đầu suy nghĩ đến việc khởi nghiệp. 

Còn anh Trần Quân, chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển, chia sẻ: “6 năm trước, tôi cũng giống như các bạn ở đây, tham dự lễ tuyên dương sinh viên tiêu biểu toàn quốc, có cơ hội được tiếp xúc với các bạn thủ khoa. Đó là các bạn rất xuất sắc, có tố chất, lập hội sinh viên tiêu biểu 2010”. 

Còn trẻ, sinh năm 1989, được tiếp xúc với nhiều môi trường kinh doanh hiện đại lớn như vậy, nhưng mong muốn khởi nghiệp của anhh Quân không phải là cái gì quá xa vời. Anh bắt nguồn khởi nghiệp từ cách thái miếng thịt, bán cọng rau, giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn cho 50,000 hộ gia đình. 

Anh Quân tâm sự: “Ước mơ của tôi là mở được chuỗi 1.000 cửa hàng thực phẩm sạch. Ước mơ để thay đổi vấn nạn thực phẩm bẩn như hiện nay và thay đổi thực trạng phân phối nông sản Việt đang còn nhiều bất cập. Khó khăn luôn có nhưng phải luôn có đam mê, khát vọng, ý chí để vượt qua khó khăn ấy”.

Khi bạn Phạm Thị Ngọc Anh (thủ khoa Đại học Ngoại thương) băn khoăn:

Trong số 100 thủ khoa xuất sắc năm 2016, có đến 30 bạn thuộc lĩnh vực kinh tế, các khách mời có lời khuyên gì dành cho thủ khoa nói chung, thủ khoa ngành kinh tế nói riêng trên con đường lập nghiệp?”.

Thủ khoa xuất sắc Đại học Ngoại thương đặt câu hỏi dành cho các khách mời (Ảnh: V/Đ)
Thủ khoa xuất sắc Đại học Ngoại thương đặt câu hỏi dành cho các khách mời (Ảnh: V/Đ)

Anh Nguyễn Xuân Phú giải đáp: “Khi làm gì đó, hãy cảm nhận khát khao, mong muốn cái gì để có động lực. Khởi nghiệp không phải là làm kinh tế, nếu thích hát hãy hát thật hay, chơi game hãy học chơi game thật giỏi”. 

Ở một góc độ khác, anh Lê Vĩnh Sơn - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà lại cho rằng: “Ngành kim khí xuất phát từ gia truyền, hãy khởi nghiệp với những gì mình hiểu nhất, đừng khởi nghiệp những gì quá xa vời. 

Cuộc sống phân bổ cơ hội cho tất cả mọi người. Ai càng chủ động nhiều thì càng có nhiều cơ hội để đến thành công
”. 

Mặt khác, mỗi thủ khoa cũng cần tự hỏi xem bản thân mình có thật sự là người muốn làm doanh nhân hay không, mình có sở trường gì để có thể phát huy sở trường đó thì mới có thể khởi nghiệp thành công được…

Đừng lo mình bị trễ, hãy đi đúng quy trình, bạn sẽ thành công” – anh Sơn nhấn mạnh.

Ở góc độ kinh tế ,Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng (Tổng thư ký phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp Việt Nam) nhận định:

Khó khăn của các bạn chính là cơ hội của người khác. Để khởi nghiệp, các bạn cần quan tâm đến các vấn đề của xã hội, tạo nên cơ hội kinh doanh và nắm bắt được cơ hội đó. 

Theo Tiến sĩ Hằng: "Có 3 yếu tố để trở thành người thành công: phải đam mê, có kỹ năng, có lợi nhuận. Thực tế cho thấy vấn đề kỹ năng, sáng tạo trong kinh doanh rất quan trọng. Nếu các bạn nhìn thấy cơ hội, cần chuẩn bị kĩ năng kinh doanh và kĩ thuật. 

Nếu chưa đủ điều kiện này, thì bạn cần thử làm việc tại doanh nghiệp lớn, học hỏi kinh nghiệm của họ, kĩ thuật của họ, bí quyết của họ, sau này vận dụng nó vào chính công việc của mình sau này. Đó là con đường học tập để khởi nghiệp nhanh nhấ
t”.

Thùy Linh