Ngân sách mua sản phẩm không đúng quy định cho Sữa học đường làm sao quyết toán?

07/03/2019 14:27
Hồng Thủy
(GDVN) - Dùng ngân sách mua các sản phẩm không có trong Quyết định 1340/QĐ-TTg, Quyết định 5450/QĐ-BYT cho Chương trình Sữa học đường, sẽ khó được kiểm toán chấp nhận.

Tiếp theo bài trước, Chính phủ chỉ đạo dùng sữa tươi, địa phương mua sữa pha lại cho học sinh.

Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế đã quyết định sử dụng sữa tươi cho chương trình Sữa học đường nhằm cải thiện tầm vóc, nâng cao thể trạng cho trẻ em nhưng một số địa phương không tuân thủ.

Trước thực trạng này, ngày 21/12/2018 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có công văn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Chủ tịch tỉnh Hà Nam đề nghị cung cấp thông tin và cho biết quan điểm của lãnh đạo tỉnh.

Sản phẩm sử dụng cho Chương trình Sữa học đường tại Khánh Hòa không đúng quy định theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016. Ảnh chụp màn hình phóng sự của Đài truyền hình tỉnh Khánh Hòa.
Sản phẩm sử dụng cho Chương trình Sữa học đường tại Khánh Hòa không đúng quy định theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016. Ảnh chụp màn hình phóng sự của Đài truyền hình tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên, đến nay Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam mới nhận được công văn số 199/SGDĐT-GDMN đề ngày 13/02/2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, trả lời Báo theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh. 

Chúng tôi chưa nhận được công văn trả lời chính thức từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đồng chí Chủ tịch tỉnh Hà Nam.

Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ dùng sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường từ 2019

Công văn số 199/SGDĐT-GDMN đề ngày 13/2/2019 về việc trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam của Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa, cho biết:

Quyết định số 1340/QĐ-TTg chưa đề cập và quy định hàm lượng đối với các vi chất dinh dưỡng cần được bổ sung cho sản phẩm sữa phục vụ Chương trình Sữa học đường, cũng như không có quy định nào hạn chế sản phẩm khác phục vụ Chương trình Sữa học đường.

Quyết định 1340/QĐ-TTg không có nội dung nào giải thích "sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường được hiểu là Sữa học đường".

Hà Nội pha thêm những chất gì vào sữa học đường mà sữa ngoài không có?

Vì thế, Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đã phối hợp với Sở Y tế tỉnh này lựa chọn loại "Sữa dinh dưỡng tiệt trùng có đường" theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg và Quyết định 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế.

Hiện nay, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xây dựng Dự thảo (lần) 3 Thông tư Quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường (thay thế Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016).

Dự thảo (lần) 3, phần giải thích từ ngữ có nêu:

Sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sảm phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT và đáp ứng hàm lượng vi chất dinh dưỡng theo quy định tại Quyết định này.

Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa sẽ thực hiện tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm sữa tươi tiệt trùng có đường để phục vụ Chương trình Sữa học đường kể từ năm học 2019-2020.

Còn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tuy chưa trả lời các vấn đề Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nêu về việc tại sao lại dùng sản phẩm không phải là sữa tươi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế cho Chương trình Sữa học đường, nhưng đã có động thái điều chỉnh.

Ngày 27/02/2019 Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành kế hoạch số 399/KH-SGDĐT về việc thực hiện đề án sữa học đường năm 2019.

Lễ phát động ngày hội Sữa học đường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2017, sản phẩm sử dụng cho Chương trình Sữa học đường không đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế. Ảnh: phumy.baria-vungtau.gov.vn.
Lễ phát động ngày hội Sữa học đường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2017, sản phẩm sử dụng cho Chương trình Sữa học đường không đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế. Ảnh: phumy.baria-vungtau.gov.vn.

Phần Nội dung thực hiện, trang 2 của Kế hoạch số 399/KH-SGDĐT do Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Trần Thị Ngọc Châu ký, nêu rõ:

Loại sữa sử dụng cho trẻ là Sữa tươi tiệt trùng có đường - hộp 180 ml, có biểu tượng "Chương trình Sữa học đường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu" (từ Quý II/2019). [1]

Còn với tỉnh Hà Nam, đề án Chương trình Sữa học đường được ban hành theo Quyết định số 2459/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 chỉ ghi sản phẩm sữa có đường hoặc không đường.

Tiêu chuẩn chọn đơn vị cung cấp của Hà Nam là doanh nghiệp "sản xuất loại sữa tiệt trùng có đường 110 ml/hộp và 180 ml/hộp", không có yêu cầu nào về sữa tươi được nêu ra.

Hình thức lựa chọn đơn vị cung cấp sản phẩm cho Chương trình Sữa học đường tại Hà Nam là "đấu thầu rộng rãi". Tuy nhiên chúng tôi không tìm thấy bất kỳ thông tin nào về hoạt động "đấu thầu rộng rãi" này.

Dư luận chỉ có thể biết Hà Nam đang sử dụng sữa pha lại tiệt trùng và nhà cung cấp sản phẩm cho chương trình sữa học đường thông qua hình ảnh các lễ phát động, lễ tổng kết chương trình này hàng năm.

Mâu thuẫn trong trả lời của Khánh Hòa, ngân sách mua sản phẩm không đúng quy định, làm sao quyết toán?

Thứ nhất, công văn số 199/SGDĐT-GDMN của Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa nói Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ không có quy định nào hạn chế sản phẩm khác phục vụ Chương trình Sữa học đường, là không đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

"Đừng nghĩ nhà tôi giàu có, uống gì loại sữa đấy, nhầm hết"

Về giải pháp cơ chế chính sách, Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường đến năm 2020.

Về tổ chức thực hiện, Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao Giao Bộ Y tế chủ trì, xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường.

Nói cách khác, các sản phẩm không phải "sữa tươi" thì không được đưa vào Chương trình Sữa học đường.

Thứ hai, Điều 1 Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế ghi rõ:

Các sản phẩm SỮA TƯƠI thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT đáp ứng các quy định về kĩ thuật và quy định về quản lý của Quy chuẩn này được sử dụng trong Chương trình Sữa học đường.

Theo QCVN 5-1:2010/BYT, có 4 loại sản phẩm sữa tươi được tham gia Chương trình Sữa học đường, gồm: sữa tươi nguyên chất thanh trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng

Thứ ba, Khánh Hòa quyết định đấu thầu loại "sữa dinh dưỡng tiệt trùng có đường" cho Chương trình Sữa học đường, đây là loại sản phẩm hoàn toàn không có trong QCVN 5-1:2010/BYT.

Thiết nghĩ đây mới là vấn đề căn bản liên quan đến cơ sở pháp lý cho việc thanh quyết toán ngân sách nhà nước trong các gói thầu sản phẩm phục vụ Chương trình Sữa học đường mà các địa phương cần hết sức lưu ý.

Hà Nam cũng đang sử dụng sản phẩm không đúng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế cho Chương trình Sữa học đường. Ảnh: baohanam.com.vn.
Hà Nam cũng đang sử dụng sản phẩm không đúng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế cho Chương trình Sữa học đường. Ảnh: baohanam.com.vn.

Luật pháp hiện hành quy định:

Kết thúc năm ngân sách, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến thu, chi ngân sách thực hiện khóa sổ kế toán và lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước.

Số liệu quyết toán ngân sách nhà nước phải chính xác, trung thực, đầy đủ.

Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định, nhiệm vụ tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm được giao cho kho bạc nhà nước thực hiện.

Để đảm bảo tính đúng đắn, trung thực của số liệu quyết toán ngân sách nhà nước, Luật Ngân sách nhà nước quy định:

Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương trước khi gửi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê chuẩn. [2]

Chúng tôi thiết nghĩ, việc dùng ngân sách mua các sản phẩm không có trong Quyết định 1340/QĐ-TTg, Quyết định 5450/QĐ-BYT cho Chương trình Sữa học đường, sẽ khó có thể được kiểm toán nhà nước chấp nhận, bởi yêu cầu quản lý chi ngân sách nhà nước hiện nay rất chặt chẽ.

Khi đó, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc dùng ngân sách mua sản phẩm không phải sữa tươi, không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế qua Quyết định số 1340/QĐ-TTg và Quyết định số 5450/QĐ-BYT, cho Chương trình Sữa học đường?

Trong trường hợp ngân sách không quyết toán được cho các gói sản phẩm không đúng quy định đã đấu thầu, thì ai sẽ phải đền bù cho nhà cung cấp lẫn người dân?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://bariavungtau.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=8503:399kh-sgdt&catid=84:africa&Itemid=459

[2]http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/noi-dung-co-ban-ve-quyet-toan-ngan-sach-nha-nuoc-117636.html

Hồng Thủy