Ngành giáo dục phải phát hiện, nhân rộng những nhân tố tốt trong ngành

07/03/2017 07:46
Tấn Tài
(GDVN) - Hình ảnh hàng trăm giáo viên ở Quảng Ninh xếp hàng chờ hiến máu cứu học sinh bị tai nạn trong giờ ra chơi đã gây xúc động mạnh, thể hiện tính nhân văn cao cả.

Tại hội nghị giao ban cụm thi đua số 9 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng ngày 4/3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã yêu cầu ngành giáo dục phải phát hiện và nhân rộng những nhân tố tốt, hình ảnh đẹp của ngành.

Bạo lực học đường và đạo đức nhà giáo đã đến mức báo động

Một vấn đề nóng được Thứ trưởng Nghĩa đề cập là vấn nạn bạo lực học đường đang xảy ra liên tiếp tại nhiều trường học trên cả nước.

Thực trạng này đã lên đến bàn hội nghị của quốc hội. Trước đó, tại các kỳ họp của quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, tình trạng bạo lực học đường (ở lứa tuổi 14-18 tuổi) diễn ra ở mức độ nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Hàng trăm giáo viên ở Quảng Ninh đã tập trung trước cổng bệnh viện để chờ hiến máu cứu học sinh là hình ảnh gây xúc động mạnh mẽ trong xã hội. Ảnh: thanhnien.vn
Hàng trăm giáo viên ở Quảng Ninh đã tập trung trước cổng bệnh viện để chờ hiến máu cứu học sinh là hình ảnh gây xúc động mạnh mẽ trong xã hội. Ảnh: thanhnien.vn

Nếu như trước đây, bạo lực chỉ tập trung ở nam giới thì mấy năm gần đây lan sang cả học sinh nữ rất nhiều.

Ngành giáo dục phải phát hiện, nhân rộng những nhân tố tốt trong ngành ảnh 2

Gặp lại người thầy của sáu vị tướng lừng lẫy chiến công

(GDVN) - Trong ký ức của vị giáo già, hình ảnh sáu người học trò vốn là sáu vị tướng lừng lẫy của đất nước vẫn hằn sâu trong từng câu chuyện, nếp nghĩ.

Nghiêm trọng hơn là học sinh đánh nhau còn quay clip tung lên mạng xã hội, còn nhiều bạn vây quanh thì cổ vũ hò hét rất phản cảm.

Bà Nghĩa cho rằng, chất lượng giáo dục không chỉ đơn thuần là số lượng học sinh giỏi, xếp loại, tỷ lệ tốt nghiệp… mà còn là đạo đức, nhân cách.

“Bây giờ, bạo lực học đường đã nóng rồi. Nhất là tại các thành phố lớn, chúng ta phải quan tâm hơn nữa hai vấn đề là bạo lực học đường và đạo đức nhà giáo” bà Nghĩa nói.

Thứ trưởng cũng dẫn chứng, vừa rồi ở TP.HCM xảy ra vụ cô giáo xốc ngược trẻ lên rồi bảo là đùa (quản lý nhóm lớp mầm non Apollo Bình Thạnh hù dọa trẻ biếng ăn bằng cách dốc ngược đầu trẻ và đe dọa vứt qua cửa sổ - pv).

Nhưng giờ ai chứng minh là đùa đây, ai tin mình là đùa? Chúng ta phải quản lý thế nào để hạn chế những tình trạng như vậy.

Bà Nghĩa chia sẻ thêm, Bộ GD&ĐT đánh giá cao các địa phương về việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, quản lý nhưng không chỉ nên chú trọng quá về trình độ đào tạo mà còn về đạo đức nhà giáo nữa.

Vừa rồi xảy ra nhiều vụ việc là liên quan đến đạo đức nhà giáo và kỹ năng nghề nghiệp nhưng cách xử lý các tình huống đều rất yếu.

“Chúng ta cần phải xây dựng môi trường học đường thực sự an toàn, lành mạnh, thân thiện. Đây là vấn đề nóng mà quốc hội đang rất quan tâm” bà Nghĩa nói.

Đại diện Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, ngành giáo dục phải tăng cường phát hiện và nhân rộng những nhân tố tốt trong ngành.

“Sự việc một học sinh lớp 6 ở Quảng Ninh leo cầu thang nô đùa và ngã từ tầng 4 xuống. Em ấy mặc dù không cứu được nhưng mà động thái của nhà trường lúc đó là đưa em đến bệnh viện cùng với gia đình.

Và hình ảnh các giáo viên xếp hàng để chờ hiến máu cứu học sinh đã gây xúc động mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh rồi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã gửi thư khen. Xã hội cũng ghi nhận những cách ứng xử nhân văn như thế và cần nhân rộng ra” Thứ trưởng Nghĩa nói.

Hạn chế doanh nghiệp đưa các cuộc thi vào trường học

Trước các phản ánh về việc học sinh và giáo viên bị “bội thực” bởi hàng loạt cuộc thi trong nhà trường, Thứ trưởng Nghĩa đề nghị các Sở giáo dục phải tiến hành rà soát lại và loại bỏ các cuộc thi không thiết thực.

Ngành giáo dục phải phát hiện, nhân rộng những nhân tố tốt trong ngành ảnh 3

Bộ Giáo dục yêu cầu rà soát các cuộc thi trong trường học

(GDVN) - Bộ GD&ĐT vừa có công văn về việc rà soát thực trạng các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh phổ thông đang được tổ chức.

“Bây giờ phải rà soát lại, chỉ tổ chức một số cuộc thi thiết thực và không gây tốn kém, phiền hà.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chúng ta tổ chức nhiều cuộc thi thì sẽ rất vất vả cho giáo viên và học sinh”.

Bà Nghĩa cũng đặt ra một vấn đề “nhạy cảm” khác là nên hạn chế doanh nghiệp, công ty đưa vào nhà trường để thi.

Bởi vì họ (doanh nghiệp) tổ chức thi mà không có Sở, Bộ cho phép thì họ không thi được.

Theo tìm hiểu, hiện tại các trường học vẫn còn hàng chục cuộc thi vô bổ, chạy theo thành tích gây “đau đầu” cho cả giáo viên lẫn học sinh.

Nhiều cuộc thi có tên gọi rất kêu, “gắn mác” quốc tế nhưng thực chất là để quảng cáo hình ảnh cho một đơn vị nào đó hoặc chỉ mang tính giao lưu.

Tấn Tài