Ngày Tết thầy cô, món quà của các trò là những bông hoa dại

16/11/2015 07:18
Thùy Linh
(GDVN) - Không phàn nàn về cuộc sống vất vả, về nỗi buồn cô quạnh, ngày qua ngày, những người thầy, cô giáo vẫn thầm lặng đưa con chữ đến với những bản làng xa xôi.

Người thầy dân tộc Thái "cắm bản" vùng biên

Thầy giáo Vi Văn Thỏa – người dân tộc Thái, sinh năm 1983 hiện đang công tác tại trường Tiểu học Trung Lý 2- huyện Mường Lát- tỉnh Thanh Hóa.
 
Trường tiểu học Trung Lý 2 là trường mới được tách ra từ trường tiểu học Trung Lý thuộc xã biên giới vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Nhà trường có 6 điểm trường nằm cách xa nhau, điểm trường xa nhất cách trường chính 15km, giao thông đi lại khó khăn hay bị chia cắt về mùa mưa lũ. 

Thầy Thỏa nhớ như in chiều mưa tháng 8 trong buổi đầu tiên đi nhận công tác tại bản Lìn thuộc trường tiểu học Trung Lý 2, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa khi đẩy xe máy qua những đoạn đường đất lầy lội “thậm chí trên đường đi còn nhìn thấy con lươn chết giữa đường”, thầy Thỏa kể lại.

Mùa mưa, con sông Mã ngập lên buộc các thầy cô muốn vào điểm trường thì phải đi bè do người dân tự đóng bằng cây luồng đưa cả xe và người qua vùng nước ngập và đến bây giờ vẫn như vậy.

Thầy giáo Vi Văn Thỏa trong lễ tuyên dương thầy, cô giáo "cắm bản" tiêu biểu đang công tác tại 64 huyện nghèo tại chương trình " Sẻ chia cùng thầy cô" 2015 (Ảnh: Thùy Linh)
Thầy giáo Vi Văn Thỏa  trong lễ tuyên dương thầy, cô giáo "cắm bản" tiêu biểu đang công tác tại 64 huyện nghèo  tại chương trình " Sẻ chia cùng thầy cô" 2015 (Ảnh: Thùy Linh)

Vào tới điểm trường thì không có điện mọi sinh hoạt diễn ra bằng đèn dầu và đến nay cũng chưa có điện về tới bản. Mọi sinh hoạt khi ấy đều lấy nước ở suối, múc nước suối để nấu cơm, rửa bát, để tắm giặt…

Biết trước rằng Mường Lát là địa bàn cực kỳ khó khăn, biết trước lên đó sẽ vất vả nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ nghề bởi tôi nghĩ một điều rằng, mình chọn học nghề này và đã tốt nghiệp và hơn hết là cảm thấy hạnh phúc khi đứng trên bục giảng. 

Chính niềm hạnh phúc đó đã thôi thúc để đưa ra quyết định lên Mường Lát công tác, may mắn thay tôi luôn nhận được sự động viên của gia đình nên phần nào yên tâm công tác.

Và lại, càng ở địa bàn khó khăn thì tình cảm với đồng nghiệp, với bà con dân bản sống rất tình cảm, quý thầy cô giáo, càng ngày càng thân thiết dần dần thành quý mến nên cứ thế làm mình cố gắng hơn
”, thầy Thỏa tâm sự. 

Học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc H’Mông. Đời sống khó khăn nên bố mẹ các em phải miệt mài phát nương, làm rẫy, ít có điều kiện đốc thúc con cái đến lớp.

Ngày Tết thầy cô, món quà của các trò là những bông hoa dại ảnh 2

Gian nan con chữ vùng cao

(GDVN) - Không chỉ thiếu ăn, thiếu mặc quanh năm, trẻ con người Đan Lai (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An) cũng thiếu cả cái chữ.


Thầy Thỏa kể rằng: Bây giờ chúng tôi đang phải đi vận động học sinh tới trường vì mùa này là mùa làm nương, học sinh thường theo bố mẹ lên rẫy hoặc ở nhà chăn bò, trông em giúp bố mẹ nên cứ thấy học sinh vắng là chúng tôi phải đi vào bản ngay. 

8 năm “cắm bản” vùng biên nghèo khó Mường Lát không có điện lưới, thông tin liên lạc khó khăn nên có nhiều hoàn cảnh khiến mỗi lần nhớ lại không khỏi xót xa.

Trong một lần, học sinh bỏ về giữa buổi, tối hôm đó, tôi vào nhà học sinh mong gặp phụ huynh để vận động em tới trường nhưng khi bước vào căn nhà làm bằng tre, nứa thấy học sinh đang ăn bát cơm chan nước sôi, bên cạnh là nồi tóp mỡ và biết rằng tối hôm đó em phải ở nhà một mình, bố mẹ em ngủ lại trên nương, không về”, thầy ngậm ngùi chia sẻ. 

Thầy Thảo xót ra: “Tôi chỉ mong cho đời sống kinh tế người dân ở đây được nâng lên để giảm bớt đi phần nào sự thiệt thòi của học trò nhất là khi mùa đông đến nhiều em vẫn đi chân đất, không có quần áo ấm, ngồi trong lớp học mà run cầm cập. Thương lắm. Và nhìn thấy học sinh tiến bộ mỗi ngày là vui rồi”. 

Khi hỏi về món quà nhận được từ học sinh mỗi dịp 20/11, thầy Thảo tươi cười chia sẻ: “Ngày Nhà giáo Việt Nam thì học sinh sẽ hát, múa những bài hát, điệu múa mà chúng tôi đã dạy các em để gửi tới các thầy cô trong buổi lễ. Và nếu thầy cô nào lên giao lưu văn nghệ thì các em sẽ tặng những bông hoa dại hái được”. 

Nhiệt huyết cháy bỏng của thầy cô dành trọn tuổi thanh xuân để “cõng” cái chữ lên non

Khó có thể hình dung một cô giáo hàng tuần vượt mười mấy cây số đường núi, gánh gồng sách vở, lương thực từ nhà đến trường để chăm cho lớp học gồm cả học sinh lớp 4, lớp 5 dân tộc Mường. Ấy vậy mà cô giáo Lê Thị Hằng đã vượt qua để tới lớp dạy tại trường tiểu học Đồng Lương suốt 15 năm qua. 

Trường tiểu học Đồng Lương cách trung tâm huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa khoảng 20km nhưng con đường mòn duy nhất đến trường chỉ có thể đi bộ. 

Thông thường giáo viên luân chuyển đến các bản miền núi, vùng sâu sẽ trở về trường sau 3 năm, nhưng tình yêu nghề với tấm lòng mong muốn chia sẻ khó khăn với người dân nơi đây khiến cô Hằng quyết định ở lại. Cô bày tỏ mong muốn tha thiết bản có điện để học sinh được học tập bởi hiện nay cứ mỗi khi trời mưa là cô trò lại nhấc bàn, ghế ra ngoài hiên lớp để có ánh sáng viết bài”.

Cô giáo Lê Thị Hằng đã vượt hàng chục cây số mỗi ngày để tới lớp dạy tại trường tiểu học Đồng Lương suốt 15 năm qua. (Ảnh: Thùy Linh)
Cô giáo Lê Thị Hằng đã vượt hàng chục cây số mỗi ngày để tới lớp dạy tại trường tiểu học Đồng Lương suốt 15 năm qua. (Ảnh: Thùy Linh)

Với cô món quà ý nghĩa nhất trong ngày 20/11 là “sự nỗ lực học tập từng ngày của các em học sinh, trong suốt 39 năm dạy học và 15 năm dạy tại điểm lẻ Đồng Lương cô chưa nhận được bất kỳ món quà về vật chất nào nhưng đổi lại học sinh học càng ngày càng đông lên, học cũng tốt hơn. Đó là điều hạnh phúc, quý giá nhất đối với mỗi người giáo viên như chúng tôi”, cô Hằng tâm sự. 

Còn thầy giáo trẻ Vừ A Dy người dân tộc Mông, năm 1996 vừa ra trường đã được phân công về điểm trường Noong Quang, xã Khoen On, huyện Than Uyên (Lai Châu). Điểm trường mới được thành lập nên chỉ có một lớp 1 với 11 em học sinh người Mông. 

Do là người địa phương, lại biết tiếng Mông, cứ tưởng hành trình dạy chữ của thầy Dy sẽ đỡ vất vả hơn.

Nhưng cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, lo cái ăn chưa xong nên nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con em mình.

Với mong muốn tác động để phụ huynh cho con em đến trường, thầy Dy đã đến tận nhà từng trò, dùng chính kinh nghiệm của mình để giảng giải cho phụ huynh bởi nhiều người định kiến “đi học cũng không để làm gì cả”. 

Cứ kiên trì bền bỉ vậy, học trò lần lượt lên lớp, thầy cô đông hơn, học trò đông hơn. Đến năm học 2001- 2002 là năm học đầu tiên học sinh của thầy hoàn thành chương trình tiểu học.

Thầy cùng các thầy cô trong xã lại tiếp tục cuộc hành trình thứ hai để huy động các em theo học lớp 6. Với lòng nhiệt tình, thầy và các thầy giáo trường đã huy động đủ 11 em ra học lớp bổ túc tại bản.

Sau 4 năm học sinh cùng thầy cô thực hiện chương trình bổ túc THCS tại bản, thầy lại bắt đầu cuộc hành trình thứ ba: vừa huy động học sinh ra học tiểu học, vừa huy động bà con ra học lớp xóa mù chữ và tuyên truyền để học sinh xuống ở bán trú, học từ lớp 6 ở điểm trường trung tâm.

Cứ thế 19 năm liền, thầy giáo Vừa A Dy gắn bó với điểm trường bản Noong Quang. Thầy nổi tiếng với việc dạy học “3 ca” vì có thời điểm không có giáo viên mầm non nên thầy được phân dạy 3 ca liên tục: Buổi sáng dạy tiểu học, chiều dạy mầm non, tối dạy xóa mù chữ cho bà con trong bản.

Thầy Dy chia sẻ: “Điều tâm đắc nhất là các em sau khi học xong cấp tiểu học, vẫn tiếp tục lên học trung học và khóa đầu tiên đã có 4 em theo học đại học. Dù dạy ở vùng sâu vùng xa đồng nghiệp không được gần nhau vì phải phân chia đi các điểm nhưng bà con dân bản tình cảm nên rất vui”. 

Thùy Linh