Ngày khai giảng đi qua, những xót xa còn đọng lại

07/09/2018 06:43
Nguyễn Văn Khánh
(GDVN) - Ngày khai trường năm nào cũng đem đến cho chúng ta nhiều cảm xúc, nhiều những bùi ngùi cho thầy và trò ở vùng cao.

LTS: Trước những khó khăn, thiếu thốn của thầy và trò nơi vùng cao vào ngày khai giảng, thầy Nguyễn Văn Khánh đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngày khai giảng đã đi qua với rất nhiều những cung bậc cảm xúc còn đọng lại với hàng triệu giáo viên, học sinh, các bậc phụ huynh đang có con đi học.

Ngày khai giảng, ngành giáo dục cũng đón nhận nhiều sự quan tâm của các ban ngành, các lãnh đạo từ trung ương xuống đến các địa phương, các bậc phụ huynh học sinh đã chung tay làm nên nét đẹp cho ngành giáo dục.

Trong ngày khai giảng ta bắt gặp những hình ảnh đẹp, trang trọng của các trường ở phố phường tạo nên những điểm nhấn cho ngày đầu năm học.

Nhưng, chúng ta cũng không khỏi xót xa nhìn về những hình ảnh còn thiếu thốn, khó khăn của các trường vùng sâu, vùng xa, đặc biệt hình ảnh thầy trò những vùng vừa bị lũ lụt.

Các em học sinh trong buổi lễ khai giảng năm học mới (Ảnh: Hải Phong)
Các em học sinh trong buổi lễ khai giảng năm học mới (Ảnh: Hải Phong)

Ngày khai giảng, những trường học ở phố phường thì được trang trí lộng lẫy cờ hoa, nhiều lãnh đạo ngành, địa phương đến dự nên buổi Lễ càng thêm trang trọng.

Tuy nhiên, có lẽ nhiều người sẽ mãi ám ảnh khi nhìn vào những tấm hình ngày khai giảng năm học của một số trường học.

Chẳng hạn, Trường Trung học cơ sở Nậm Ngà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu được chuẩn bị quá đơn sơ, có phần xót xa bên bờ suối. 

Và, không chỉ Trường Nậm Ngà mà còn biết bao nhiêu ngôi trường đang trong hoàn cảnh tương tự. Lũ lụt đã cuốn trôi trường lớp, lũ lụt đã vùi lấp nhiều ngôi trường.

Những ngôi trường miền núi đã nghèo lại còn như được cộng hưởng bởi cơn mưa, những đợt xả lũ của các nhà máy thủy điện.

Nhiều trường tan hoang, xác xơ. Nhiều thầy cô từ đồng bằng lên lại nơi công tác phải đi bộ, thậm chí được máy múc để đưa qua những chỗ lầy lội, sụt lún. Nhiều học sinh đến trường phải băng qua sông bằng túi ni lông…

Ngày khai giảng đi qua, những xót xa còn đọng lại  ảnh 2Trường tôi khai giảng rưng rưng lệ sầu...

Những cơ cực đang bủa vây thầy trò không biết đến khi nào mới dọn dẹp xong trường lớp.

Nhìn những tấm hình trong những ngày đầu năm học, ngày khai giảng, chắc ai cũng rưng rưng cảm xúc trong lòng…

Rõ ràng, những tấm hình “biết nói” đó đã khiến cho chúng ta chạnh lòng thương cảm cho cả thầy và trò ở trường học đang phải chịu đựng những khó khăn, vất vả, sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên tai.

Đôi lúc, những rủi ro từ thiên tai đã vượt quá sức chịu đựng của con người.

Nhiều trường học tổ chức ngày khai giảng xong thì thầy cô phải vội vàng ăn gói mì tôm lót dạ để lại tiếp tục căng mình rọn dẹp bùn đất đang ngập khắp trường lớp. Những giọt mồ hôi rơi khiến cho chúng ta chạnh lòng.

Cũng là những người thầy, nhưng các thầy cô vùng cao đang chịu quá nhiều thua thiệt, thiếu thốn.

Những giọt mồ hôi, những vất vả của thầy cô đang chịu đựng cũng với một mục đích là nhanh chóng khôi phục lại hoạt động dạy và học của nhà trường.

Thực tình, chúng tôi, cũng như bao người rất trân trọng tấm lòng, tình yêu nghề của các thầy cô vùng cao, các thầy cô đã hi sinh rất nhiều cho ngành, cho sự phát triển của giáo dục nước nhà.

Bởi, ngôi trường của các thầy, cô đang công tác phải chịu quá nhiều khổ cực.

Nơi đó, có nhiều trẻ em nghèo, đời sống người dân còn nghèo túng quá mà thiên tai, lũ lụt, thậm chí những ngày nắng ráo cũng đi lại khó khăn.

Vậy mà, các thầy cô đã sẵn sàng dấn thân cho sự phát triển của ngành giáo dục. Sự tận tụy không ngơi nghỉ của thầy cô có lẽ không bao giờ kể hết được.

Thầy cô đã vậy, học trò ở những nơi đó cũng nào có sung sướng gì hơn. Nhìn những tấm hình ngày khai trường, bất chợt, chúng tôi lại liên tưởng đến những học sinh ở miền xuôi, ở phố phường đang được cha mẹ chăm sóc, đón đưa, trên tay là những chùm bóng bay hay những bó hoa tươi thật đẹp, thật sặc sỡ.

Ngày khai giảng đi qua, những xót xa còn đọng lại  ảnh 3Học trò Quảng Ninh náo nức trong lễ khai giảng năm học mới

Các em được học trong một ngôi trường khang trang nên khuôn viên nhà trường đã được bê tông hóa hoàn toàn.

Ngày khai giảng, các em được ngồi đàng hoàng trên những chiếc ghế nhựa theo hàng, theo thứ tự, tạo nên sự ngay ngắn, đẹp đẽ vô cùng.

Và, quan trọng hơn, con đường đến trường của các em bằng phẳng hơn, ít gập ghềnh, gian nan hơn.

Tuổi thơ của các em dưới đồng bằng được phát triển đầy đủ, không phải canh cánh nỗi lo cái ăn, cái mặc, không phải chập chờn giấc ngủ khi lũ lụt bất thình lình ập đến.

Vậy mà nhiều trẻ em vùng cao hàng ngày vẫn đến trường bằng những khuôn mặt tươi vui, đầy lạc quan trên con đường đầy sình lội hay những con đường rừng hàng tiếng đồng hồ.

Nhiều em phải ở lại trường để học tập trong những những túp lều tạm, mặc những bộ áo quần bạc phếch thời gian, nhiều em đi chân trần trong ngày khai giảng…

Nhưng, ẩn sâu trong khuôn mặt các em là ánh mắt sáng trong veo, vụ cười thánh thiện đến vô cùng.

Cho dù, phía trước các em còn nhiều khó khăn, còn nhiều chông chênh lắm. Nhưng, các em luôn khát khao đến trường, khát khao đi tìm con chữ…

Ngày khai trường năm nào cũng đem đến cho chúng ta nhiều cảm xúc, nhiều những bùi ngùi cho thầy và trò ở vùng cao.

Ở đó, không chỉ là sự hi sinh, sự khát khao cống hiến của hàng ngàn thầy cô giáo cho giáo dục nước nhà mà ta còn thấy những nghị lực phi thường của thầy cô, của các em nhỏ và các phụ huynh ở những vùng khó khăn.

Sự cộng hưởng để vượt qua muôn vàn gian nan thử thách của cả thầy và trò ở những nơi này thật đáng trân trọng và đáng tin yêu biết bao.

Ngày khai giảng đi qua, những xót xa còn đọng lại  ảnh 4Chà Nưa lễ khai giảng hồi sinh sau lũ dữ

Các thầy cô cũng như các em học sinh vùng cao đã chịu nhiều thiệt thòi về vật chất, về điều kiện sống.

Vì thế, mọi cấp, mọi ngành cần có sự quan tâm nhiều hơn để thầy cô và các em học sinh ở những khu vực khó khăn sớm đi vào ổn định để tiếp tục năm học mới.

Những tấm hình chưa nói được hết những khó khăn, nhưng những tấm hình đó khiến cho chúng ta phải nghĩ suy, trăn trở về công việc, hoàn cảnh của nhiều thầy trò nơi đây.

Vì thế, ngày khai giảng đã đi qua, nhưng những nỗi xót xa còn đọng lại trong lòng nhiều người.

Chúng tôi chỉ biết nghiêng mình trân trọng tấm lòng của thầy cô vùng cao - những người đang góp phần rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, giữa trẻ em vùng cao với đồng bằng ngày càng gần lại hơn.

Và, vẫn luôn hy vọng, các em học sinh vùng cao sẽ biết vượt qua khó khăn để học tập để ngày mai, các em sẽ thay đổi được cuộc sống của bản thân, của gia đình và cộng đồng của mình.

Nguyễn Văn Khánh