Nghệ An xuất hiện "thần đồng" 5 tuổi giải toán lớp 9

06/05/2012 17:25
NH (Tổng hợp)
(GDVN) - Những ngày qua, huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An đang xôn xao vì thông tin về một cậu bé mới 5 tuổi đã giải được toán lớp 9; Trung tâm ngoại ngữ Alpha hiện đã đóng cửa và đang bị nghi ngờ "xù" lương giáo viên.

Thần đồng Việt hay những đứa trẻ bị rối loạn?

Báo Pháp luật TP.HCM cho hay, gần đây tại xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An xuất hiện lời đồn câu bé “thần đồng” 1 tuổi đã giải toán lớp 5, và 5 tuổi đã giải thành thạo toán lớp 9. Đối với những bài đơn giản, em không cần đặt phép tính mà chỉ tính nhẩm là ra kết quả. Được biết, không những thông minh, giải được các bài toán cấp II, Bảo còn có một trí nhớ đáng ấn tượng. Đó là biệt tài nhớ tên thủ đô và quốc kỳ của gần 90 nước trên thế giới.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Văn Như Cương, trường hợp em Bảo không thể coi là“thần đồng” mà chỉ là một cậu bé bình thường, tất cả những kiến thức đó là do nhồi nhét, nhào nặn mà ra. Trên thực tế, nhiều trẻ em còn có khả năng cao siêu hơn Bảo. Cách đây vài năm, chỉ trong vòng 10 tháng, thầy giáo Trần Phương (PGĐ Trung tâm nghiên cứu phát triển các sản phẩm trí tuệ) đã luyện cho 5 học sinh lớp 6 giải đề thi ĐH môn Toán đạt điểm trung bình tới 8/10.

Không nên nhồi nhét kiến thức cho trẻ quá sớm để biến chúng thành "thần đồng" (Ảnh minh họa)
Không nên nhồi nhét kiến thức cho trẻ quá sớm để biến chúng thành "thần đồng" (Ảnh minh họa)

Có thể kể ra thêm ví dụ về em Trần Như Tùng, sinh năm 1999 (nhà ở phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cũng biết đọc khi 2 tuổi rưỡi, sau 6 tháng biết nói. Mẹ cháu cho biết, cả nhà đều sốc khi thấy con đọc vanh vách những dòng chữ được chỉ trên TV, sách báo. Và phải đến 1 năm sau khi biết đọc, Tùng mới biết nhận mặt các chữ cái cụ thể. Tuy nhiên, khi em học đến lớp 2, em vẫn học giỏi, khả năng của em vẫn như trước chứ không có gì tỏ ra đặc biệt nổi trội.

Phải thừa nhận những đứa trẻ biết đọc, biết làm toán sớm rất thông minh, nhưng theo các chuyên gia tư vấn tâm lý và giáo viên, đừng tạo thêm áp lực tâm lý khi gọi các em là “thần đồng”, mà chỉ nên xem các em như người có năng khiếu đặc biệt. Được phong danh “thần đồng” quá sớm đã khiến những em bé có năng khiếu đặc biệt luôn phải gồng mình lên thể hiện sự thông minh tài giỏi hơn người. 

Bác sĩ Ngô Thanh Hồi - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), cảnh báo, người ta nói ranh giới giữa thần đồng và bệnh tâm thần rất mong manh. Do đó, cha mẹ nên hiểu sự hiểu biết phiến diện sẽ không thể đem lại một phông văn hóa toàn diện, sâu sắc mà phải tạo cho trẻ một cuộc sống bình thường, với những niềm vui bình thường của con trẻ.
 
Còn PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết - Trường ĐH Sư phạm HN cho rằng, cha mẹ đừng thấy con mình sớm biết đọc, làm toán, giỏi vẽ, giỏi nhạc hơn hẳn các bạn cùng trang lứa mà đã vội vui mừng. Một đứa trẻ không chỉ cần có tài năng mà còn cần các kỹ năng hoà nhập xã hội, kiểm soát hành vi của mình cho phù hợp với môi trường.

Trung tâm ngoại ngữ “xù” lương giáo viên

Báo Tuổi trẻ đưa tin, sáng 5/5, nhiều phụ huynh đưa con đến học tại Trung tâm ngoại ngữ Anpha (TP.HCM) phát hiện trung tâm ngừng hoạt động mà không hề thông báo.

Trong khi đó, nhiều giáo viên, nhân viên của trung tâm này cho biết họ bị “xù” lương đã hai tháng. Không đòi được nợ, tập thể giáo viên, nhân viên đã làm biên bản nhờ bảo vệ trung tâm xác nhận “tạm mượn” hai máy tính để làm vật chứng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ trưa cùng ngày, bà Diệp Thị Kim Xuân, giám đốc Công ty TNHH tư vấn - đào tạo ngoại ngữ Thái Dương (đơn vị chủ quản của Trung tâm ngoại ngữ Anpha) cho biết công ty đã chuyển nhượng bốn cơ sở của trung tâm tại Q.5, Q.Bình Thạnh, Q.Thủ Đức và thị xã Dĩ An (Bình Dương) cho ông Trần Tất Trung (một Việt kiều Úc) vào ngày 5/4 nên không còn trách nhiệm pháp lý với trung tâm nữa.

Tuy nhiên, ông Trần Tất Trung lại cho rằng hợp đồng chuyển nhượng bà Xuân đưa ra không có giá trị pháp lý do “giấy tờ chuyển nhượng không trung thực”. Ông Trung cho rằng mình chỉ chịu trách nhiệm pháp lý của Trung tâm ngoại ngữ Anpha từ ngày 27-4. Ông Trung cũng cho biết hiện Trung tâm ngoại ngữ Anpha còn nợ lương giáo viên, nhân viên khoảng 300 triệu đồng và học phí của 300 học viên. “Quyền lợi của giáo viên, nhân viên, học viên sẽ được xem xét dựa trên kết quả chuyển nhượng giữa hai bên rõ ràng, trắng đen về mặt luật pháp” - ông Trung nói.

Chiều 5-5, ông Phạm Anh Ba, trưởng phòng giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Ngay sau khi nghe về việc trung tâm đóng cửa, chúng tôi đã liên hệ với nhà đầu tư cũ nhưng thông tin cũng chỉ mới là một chiều. Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết quyền lợi cho học viên và giáo viên”.

Không dạy trước chương trình cho trẻ 5 tuổi trong dịp hè

Theo Báo Dân trí, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có công văn hướng dẫn tổ chức hoạt động hè cấp học mầm non năm 2012. Cũng theo công văn này, phụ huynh có con đang học ở trường có nhu cầu gửi con trong hè phải có đơn xin học hè. Nhà trường tuỳ theo điều kiện cụ thể về đội ngũ giáo viên (GV), nhân viên, cơ sở vật chất… để xem xét việc tổ chức hoạt động hè. Tuyệt đối không dạy trước chương trình ở các độ tuổi. Đối với trẻ 5 tuổi, không được dạy trước chương trình lớp 1 dưới bất kỳ hình thức nào.

Các trường tổ chức hoạt động hè báo cáo kế hoạch với phòng GD-ĐT. Việc tổ chức hoạt động hè được thực hiện khi phòng GD-ĐT đồng ý bằng văn bản. Các trường cần sắp xếp giảm bớt số cháu/lớp và bố trí cho GV được nghỉ hè. Ngoài ra cần phải quan tâm đến các chế độ đãi ngộ đối với GV đi làm hè.

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu các trường mầm non khi tổ chức hoạt động hè cần phải đảm bảo an toàn cho trẻ mọi lúc mọi nơi. Cụ thể, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.

Khi phát hiện có nguy cơ gây mất an toàn phải có biện pháp khắc phục ngay. Đối với những đơn vị đang xây dựng, cải tạo, sửa chữa trường, lớp cần có giải pháp đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ. Tuyệt đối không trả trẻ cho người lạ khi không có sự uỷ quyền của cha mẹ trẻ. Làm tốt công tác tuyên truyền với phụ huynh không để trẻ một mình đến trường và về nhà.

Ban giám hiệu các trường cần phân công, bố trí ít nhất 2 GV/1lớp theo đúng Điều lệ trường mầm non. Tuyệt đối không nhận trẻ khi trường, lớp chưa đảm bảo các điều kiện an toàn cho trẻ…

NH (Tổng hợp)