Nghệ Tĩnh xưa có hai mô hình giáo dục mà người làm chương trình mới nên biết

11/06/2018 07:49
Nguyễn Đình Anh
(GDVN) - Thời gian trước năm 1990 khi Nghệ Tĩnh chưa tách tỉnh thì Giáo dục Nghệ Tĩnh đã xây dựng được 2 mô hình giáo dục điển hình chung cho cả nước.

LTS: Đưa ra những giải pháp nhằm góp phần tinh giản biên chế trong ngành giáo dục, làm cho chất lượng đào tạo được nâng lên, tác giả Nguyễn Đình Anh đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thời gian trước năm 1990 khi Nghệ Tĩnh chưa tách trở thành hai tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh thì Giáo dục Nghệ Tĩnh đã xây dựng được 2 mô hình giáo dục điển hình chung cho cả nước.

Một là trường cấp 2 Nghĩa Đồng thuộc xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ (nay là Trường trung học cơ sở Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An).

Trường cấp 2 Nghĩa Đồng là điển hình cả nước về công tác tổ chức lao động hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp 2.

Hai là Trường phổ thông 3 cấp Cẩm Bình thuộc xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên. Trường này có cả 3 cấp học: cấp 1, cấp 2, cấp 3 (nay gọi là tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông).

4 nguyên tắc và 8 giải pháp tinh giản biên chế giáo dục

Là mô hình của một nhà trường tạo thuận lợi cho học sinh các xã nghèo trong việc hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên của các xã thuần nông còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng lại có vị trí địa lý cận kề nhau.

Với những cố gắng của nhà trường và địa phương, Trường phổ thông 3 cấp Cẩm Bình thời đó đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng lao động.

Được sự đồng ý của Bộ Giáo dục, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh giai đoạn
đó đã tổ chức Hội nghị và ra Nghị quyết về việc triển khai nhân rộng mô hình trường học 3 cấp Cẩm Bình trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ Tĩnh. 

Rất tiếc sau đó chỉ ít năm lại có chủ trương tách tỉnh Nghệ Tĩnh trở lại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cho nên việc triển khai Nghị quyết nói trên không được tiếp tục thực hiện.

Hiện nay, trong bối cảnh cả nước tinh giản biên chế ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đang tích cực lựa chọn các giải pháp để thực hiện chủ trương trên.

Tinh giản biên chế trong ngành giáo dục (Ảnh minh họa: laodongthudo.vn).
Tinh giản biên chế trong ngành giáo dục (Ảnh minh họa: laodongthudo.vn).

Điều mà chúng ta dễ nhận ra là các Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đang hướng tới để tinh giản biên chế là đối tượng nhân viên văn phòng, phục vụ, cán bộ thiết bị thí nghiệm.

Theo suy nghĩ của chúng tôi, để công bằng hơn trong việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế các địa phương, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần phải hướng tới cắt giảm số lượng cán bộ quản lý. 

Các cán bộ hành chính, cán bộ văn phòng, nhân viên thiết bị, thí nghiệm đồng lương vốn đã ít ỏi, khó khăn đã lâu dài nay giảm biên thì lấy đâu tiền lương mà sống.

Nên dành biên chế để lưu giữ bộ phận nhân lực này lại. Bởi họ cũng đã được đào tạo bài bản, có bằng cấp đầy đủ và cũng được làm thủ tục tuyển dụng như giáo viên đứng lớp.

Hơn nữa chương trình giáo dục phổ thông mới hết sức coi trọng công tác thực hành.

Nhà trường đang thực sự cần sự có mặt của lực lượng nhân viên thiết bị, thí nghiệm thực hành. Bởi vậy chúng tôi xin kiến nghị.

Ngành giáo dục cần tinh giảm bao nhiêu biên chế quản lý?

Rút kinh nghiệm từ bài học có được từ Trường phổ thông có 3 cấp học Cẩm Bình của tỉnh Nghệ Tĩnh trước đây, trường chỉ cần một hiệu trưởng, 2 hiệu phó là quản lý được một nhà trường có 3 cấp học.

Nay các Sở Giáo dục và Đào tạo có thể chọn một trong hai phương án.

Phương án một: Nhập các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có vị trí gần nhau thành trường phổ thông có 3 cấp học.

Trường phổ thông 3 cấp nếu có quy mô lớn sẽ bố trí hiệu trưởng và 2 hiệu phó (hiệu trưởng phụ trách chung và phụ trách khối trung học phổ thông, 1 phó hiệu trưởng phụ trách trung học cơ sở và 1 phó hiệu trưởng phụ trách tiểu học).

Nếu trường có 3 cấp học quy mô nhỏ, chỉ bố trí hiệu trưởng và một phó hiệu trưởng. Hiệu trưởng phụ trách chung và khối trung học phổ thông và trung học cơ sở, phó hiệu trưởng phụ trách tiểu học.

Phương án hai: Nhập các trường trung học cơ sở và phổ thông trung học có vị trí địa lý gần nhau thành trường trung học phổ thông có 2 cấp học. Loại trường này bố trí 1 hiệu trưởng và 1 phó hiệu trưởng.

Khi sát nhập các trường lại với nhau, cơ sở vật chất của các trường vẫn để nguyên như cũ. Học sinh học cấp nào thì học tại trường cũ của cấp đó.

Chất lượng giáo viên là nhân tố quyết định thành bại của đổi mới giáo dục

Trường trung học phổ thông được gọi là cơ sở chính, cơ sở của các trường còn lại được gọi là cơ sở 2, cơ sở 3... của nhà trường.

Mục đích tinh giản biên chế là làm cho chất lượng giáo dục được nâng lên.

Chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên khi các nhà trường vẫn bảo đảm sự đoàn kết, phấn đấu nỗ lực của các thành viên trong nhà trường để mỗi thành viên trong nhà trường tự giác làm việc hết nhiệt tâm của mình.

Nguyễn Đình Anh