Nghèo mới học giỏi, học giỏi thì chắc là nghèo?

11/08/2012 06:01
Đỗ Quyên Quyên
(GDVN) - Năm nào cũng thế, trong danh sách thủ khoa các trường đại học thì phần lớn là những em học sinh đến từ nông thôn, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Điều này khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ. Phải chăng con nhà nghèo lại học giỏi còn nhà giàu thì lười học và học dốt?
Ngày càng xuất hiện nhiều thủ khoa "chân đất"

Các trường cao đẳng, đại học đã công bố kết quả tuyển sinh năm 2012. Theo đó, thủ khoa các trường đại học đang dần lộ diện. Và năm nào cũng vậy, trong bản danh sách vàng này lại có rất nhiều những học sinh xuất thân từ nông thôn, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Nghèo mới học giỏi, học giỏi thì chắc là nghèo?

Lê Đức Duẩn đạt danh hiệu Thủ khoa ĐH Dược Hà Nội sinh ra và lớn lên tại Phú Xuyên, Hà Nội. Lý do chính để anh chàng thủ khoa 29 điểm này thi vào ĐH Dược là vì anh trai và bố em bị mất do bệnh ung thư, mẹ lại đau ốm triền miên. Muốn tìm ra những phương thuốc và cách chữa trị cho những người thân yêu, Duẩn đã chăm chỉ đèn sách và thi đỗ ĐH Dược.
Hàng ngày, Duẩn đạp chiếc xe đạp cũ mèm đã mất một bên bàn đạp, lốp thủng phải buộc tạm bằng dây chun, cọc cạch tới lớp. Nhà nghèo, bữa ăn còn chạy từng ngày huống chi chuyện ăn mặc. Áo quần suốt 3 năm THPT của Duẩn là 2 chiếc áo dài (mùa hè) và 2 áo ấm mùa đông là đồng phục của trường. Tất cả đã sờn, có cái đã rách, phải vá lại. Mùa đông hay hè bạn ấy cũng chỉ có đôi dép tổ ong đã mòn gót tới trường. Cậu học trò này lên lớp 12 nhưng chỉ nặng vẻn vẹn 33kg.

Bạn Nguyễn Văn Khuynh (Quế Sơn, Quảng Nam) suýt nữa đã bỏ thi vào khối B khoa Y Dược (ĐH Quốc gia HN). Lý do chính là để dành tiền thuốc thang cho bà ngoại. Nhưng nhờ sự động viên của bố, Khuynh đã tiếp tục dự thi và đạt 28 điểm (sinh: 8,25; toán: 9,75; hóa: 9,75).
Nhà Khuynh rất nghèo, 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào hơn 1 mẫu ruộng, 2 con heo nái và đàn gà chục con. Ngoài thời gian đến trường, Nguyễn Văn Khuynh dành nhiều thời gian để chăm sóc bà ngoại già yếu và phụ giúp công việc gia đình.

Nghèo tiền chứ không nghèo ý chí

Hoàn cảnh khó khăn giúp các em có thêm ý chí, nghị lực để vượt lên số phận. Hơn ai hết, các em nhận ra rằng chỉ có học giỏi mới có thể thay đổi được cuộc sống. Đây vừa là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo, vừa là niềm tự hào của đất nước vốn có truyền thống hiếu học từ ngàn xưa. Mạc Đĩnh Chi, con nhà nghèo, người đen đui, xấu xí. Tuy còn nhỏ, nhưng ngày nào cậu bé cũng vào rừng kiếm củi giúp đỡ cha mẹ. Không được đi học, mỗi lần gánh củi qua trường cậu lại ngấp nghé học lỏm. Buổi tối ngồi học không có dầu thắp, cậu bé đã nghĩ ra cách bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng làm đèn. Miệt mài học tập với ngọn đèn đom đóm ấy, chẳng bao lâu, Mạc Đĩnh Chi trở thành người học rộng tài cao, đi thi đỗ Trạng nguyên (khoa khi năm 1304). 
Điều đáng sợ trong xã hội này là nghèo ý chí chứ không phải nghèo tiền. Rất nhiều cậu ấm, cô chiêu được đưa đi thi bằng xế hộp, áo quần bảnh bao bước vào phòng thi miệng còn chóp chép nhai kẹo cao su, phát đề thi chưa được bao lâu đã gục đầu xuống bàn ngủ. Phải chăng những thí sinh đó đang mong chờ kết quả thi đại học khả quan như một “vận may” từ “trên trời rơi xuống”? 

Năm nào cũng thế, trong danh sách thủ khoa các trường đại học thì phần lớn là những em học sinh đến từ nông thôn, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Điều  này khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ. Phải chăng con nhà nghèo lại học giỏi còn nhà giàu thì lười học và học dốt? Những bạn trẻ xuất thân trong gia đình giàu có, ngay từ bé đã được chăm bẵm quá kỹ, lớn lên trong sự che chở của gia đình, vô tình làm cho các em trở nên dựa dẫm, sống thiếu lý tưởng, khát vọng. Khi lớn lên, các em trở thành những chú..."gà công nghiệp" bởi không có được những kinh nghiệm sống, sự rèn giũa, dạy dỗ của cuộc đời. Đó là những thứ rất cần thiết để bước vào cuộc sống.

Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận sự nỗ lực, cố gắng của những em học sinh con nhà khá giả. Tất nhiên, đã là thủ khoa thì rất đáng được khen. Những thủ khoa xuất thân từ nông thôn, kinh tế gia đình khó khăn thì được khen ngợi vì đã vượt lên số phận, hoàn cảnh. Còn những thủ khoa xuất thân từ những gia đình giàu có thì được khen bởi chính các em đã vượt qua được những cám dỗ, hào nhoáng của đồng tiền để vững tâm học tốt.

Lối đi nào cho những thủ khoa nghèo?

Đã làm cha mẹ thì hẳn sẽ rất vui khi nghe tin con đỗ đại học, mà lại là đỗ thủ khoa thì niềm vui ấy càng được nhân lên gấp bội. Thế nhưng, riêng với những phụ huynh nghèo thì dù khấp khởi vui mừng nhưng trong lòng cũng vẫn canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền những tháng ngày sắp tới. Họ lại lo chắt bóp, nhặt nhạnh những đồng bạc lẻ để cho con nộp học phí. Bậc làm cha mẹ chỉ biết ngậm ngùi trong niềm hy vọng vào con đường tương lai của con mình. Bản thân các em cũng phải đi làm thêm thì mới mong tồn tại được ở thành phố phồn hoa nhưng cũng đầy khắc nghiệt.

Thân Nhân Trung đã từng nói: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia", vì vậy để một đất nước phát triển cần coi giáo dục nhân tài là trọng điểm. Khi giáo dục đang trở thành quốc sách hàng đầu, khi văn hoá, khoa học và đội ngũ trí thức đang giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước thì đội ngũ thủ khoa hàng năm là những nguồn nhân lực lớn.

Là thủ khoa, các em trở thành niềm tự hào của gia đình, đất nước. Nhưng rồi sau đó thì sao? Các em có được hỗ trợ, tạo điều kiện để trở thành thủ khoa đầu ra, cống hiến trí tuệ, làm nên nhiều thành tựu nữa hay không? Hay sống giữa xã hội mà phương châm: "thứ nhất là hậu duệ, thứ nhì là quan hệ, thứ ba là tiền tệ, thứ tư mới đến trí tuệ" ăn vào máu con người thì những thủ khoa con nhà nghèo không có cơ hội lựa chọn công việc, thăng tiến như "con ông cháu cha" hoặc "đại gia"?

Bên cạnh đó, để phát huy nguồn nhân lực thủ khoa còn phụ thuộc vào sự chăm lo, hỗ trợ của toàn xã hội và các tổ chức khuyến học. Đất nước ta còn nghèo, nhưng cũng cần đầu tư "dài hơi" cho trí tuệ để mang lại những giá trị lớn. Giúp đỡ các em ăn học thành tài cũng là chăm lo cho tương lai của đất nước. Bởi những trí tuệ sớm được nảy nở, vun trồng tốt sẽ đáp ứng đủ nguồn nhân lực, tránh tình trạng chảy máu chất xám.
Đỗ Quyên Quyên