Nghi vấn Hiệu phó ĐH Bách khoa HN “đạo luận án”?

26/12/2013 10:33
Xuân Trung
(GDVN) - Nhiều dấu hiệu, chứng cứ “đạo luận án” của Hiệu phó trường ĐH Bách khoa Hà Nội liên quan tới một đề tài luận án phó tiến sĩ cách đây hơn 20 năm.

Trong đơn tố cáo của ông Nguyễn Ngọc Thành, giảng viên Bộ môn Hàn (Viện Cơ khí – Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) gửi tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tố cáo đối với luận án phó tiến sĩ khoa học Toán – Lý của PGS. TS. Nguyễn Cảnh Lương, hiệu phó trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Đơn tố cáo ông Thành gửi tới báo Giáo dục Việt Nam.
Đơn tố cáo ông Thành gửi tới báo Giáo dục Việt Nam.

Trong nội dung đơn tố cáo của ông Thành có nói, luận án Phó tiến sĩ khoa học Toán – Lý của PGS. TS. Nguyễn Cảnh Lương được bảo vệ năm 1996 đã chép lại gần 100% nhiều nội dung trong luận án Phó tiến sĩ Khoa học của PGS. TS Đặng Văn Khải, được bảo vệ trước đó 10 năm (1986). Ông Thành khẳng định, nếu có khác cũng chỉ là một vài câu chữ và kí hiệu nhỏ đã được chỉnh sửa, nhưng về bản chất là chép lại?

Trao đổi với chúng tôi, ông Thành cho biết mọi chứng cứ ông đều có và đã được ông trực tiếp đi điều tra: “Quá trình điều  tra thấy đúng thì tôi tố cáo, tôi không sợ, tôi sẵn sàng bảo vệ sự uy tín của trường” ông Thành khẳng định.

Tại trang 41 Luận án của PGS. TS Nguyễn Cảnh Lương có nhiều dấu hiệu giống với nội dung tại trang 25 trong Luận án của PGS. TS Đặng Văn Khải
Tại trang 41 Luận án của PGS. TS Nguyễn Cảnh Lương có nhiều dấu hiệu giống với nội dung tại trang 25 trong Luận án của PGS. TS Đặng Văn Khải

Được biết, hiện cả hai công trình nghiên cứu này đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia. Để xác minh nội dung đơn tố cáo chúng tôi đã đối chiếu ngẫu nhiên một số bài của PGS. TS. Nguyễn Cảnh Lương (có tên: Hệ CAUCHY-RIEMANN và hàm chỉnh hình trong đại số CLIFFORD có kí hiệu thư viện là LA 96.664.1) và bài của PGS. TS Đặng Văn Khải (có tên: Một lớp mở rộng hệ CAUCHY-RIEMANN trong không gian nhiều chiều, có kí hiệu thư viện là LA 86.0029.1) tại thư viện quốc gia Việt Nam.

Đây là nội dung trong trang 25 Luận án của PGS. Đặng Văn Khải.
Đây là nội dung trong trang 25 Luận án của PGS. Đặng Văn Khải.

Theo quan sát của chúng tôi, tại Chương II trong Luận án của PGS. TS. Nguyễn Cảnh Lương, chương này đề cập tới “Các véc tơ chỉnh hình trong R”, ở mục 2.1: Khái niệm véc tơ chỉnh hình trong R. Tại trang thứ 41, dòng thứ 4 đến dòng thứ 10 có dấu hiệu giống với Chương I trong Luận án của PGS. TS. Đặng Văn Khải nói về “Các véc tơ chỉnh hình trong không gian EUCLIDE m chiều, trong phần “Các véc tơ chỉnh hình trong không gian R” tại trang 25, dòng thứ 11 đến trang 26 và dòng 1 đến dòng 7.

Đây là một trang nội dung trong Luận án của PGS. TS Nguyễn Cảnh Lương.
Đây là một trang nội dung trong Luận án của PGS. TS Nguyễn Cảnh Lương.

Tiếp tục chọn một cách ngẫu nhiên ở trang 84 Luận án của PGS. TS. Nguyễn Cảnh Lương, tại Chương II về “Các hàm chỉnh nhận giá trị trong đại số CLIFFORD”, ở mục 3.4: Lý thuyết phân tích Cauchy tại dòng 13 đến trang 85, và dòng 1 đến dòng 4 ở mục “Định lí 3.4.1…”“Chứng minh…” cũng có dấu hiệu giống với trang 85 tại Luận án của PGS. TS. Đặng Văn Khải ở Chương II với đầu đề: Các hàm chỉnh hình nhận giá trị trong đại số CLIFFORD. Tại mục 3 về: Lý thuyết phân tích Cauchy, ở dòng 14 đến trang 86 và dòng 1 đến trang 4, tại “Mệnh đề 16…”“Chứng minh…”. 

Đây là nội dung trong Luận án của PGS. TS Đặng Văn Khải. Đối chiếu hai nội dung này có nhiều dấu hiệu giống nhau. Luận án của PGS. Khải (năm 1986) và được bảo vệ cách Luận án của PGS. Lương 10 năm (năm 1996)
Đây là nội dung trong Luận án của PGS. TS Đặng Văn Khải. Đối chiếu hai nội dung này có nhiều dấu hiệu giống nhau. Luận án của PGS. Khải (năm 1986) và được bảo vệ cách Luận án của PGS. Lương 10 năm (năm 1996)

Lãnh đạo Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng cho biết, hiện nay các luận án tiến sĩ đã được số hóa và đưa lên website của Thư viện để phục vụ bạn đọc. Để tìm đọc và đối chiếu hai Luận án này độc giả có thể xem tại website của Thư viện quốc gia Việt Nam.

Sự giống nhau tới “kì lạ” giữa hai Luận án này cho thấy việc tố cáo là có cơ sở. Tuy nhiên, đúng hay sai, giống hay khác nhau tới mức nào chúng tôi xin phép không bình luận, các Hội đồng thẩm định về chuyên môn và các cơ quan thẩm quyền cần sớm vào cuộc làm rõ sự việc này để không làm tổn hại  tới uy tín của cá nhân cũng như các đơn vị. 

Khẳng định quan điểm trong đơn tố cáo, ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết, ông sẵn sàng đối chất công khai với Hội đồng khoa học trong đề tài trên của PGS. TS. Nguyễn Cảnh Lương, thậm chí ông sẵn sàng thảo luận công khai với các nhà toán học trong cả nước, các nhà khoa học đầu ngành để làm rõ nội dung trong đơn tố cáo của ông, vì ông quan niệm trong khoa học phải khách quan chứ không thể là một nhóm người.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc này.
Xuân Trung