Nghịch lí đại học: Đầu vào hạ hết cỡ, đầu ra nâng kịch khung

05/04/2017 07:23
Nguyễn Cao
(GDVN) - Nếu tỉ lệ khá giỏi tương đồng với chất lượng thật của người học thì là một niềm vui lớn cho ngành giáo dục nhưng chạy theo thành tích thì lại rất nguy hiểm.

LTS: Bàn về chất lượng giáo dục, thầy giáo Nguyễn Cao chỉ ra những nghịch lí trong mức điểm đầu vào và đầu ra của các trường học.

Từ bậc thấp đến bậc cao, các trường đều mắc phải “căn bệnh thành tích” khi chấp nhận điểm đầu vào thấp, sau đó lại sẵn sàng nâng điểm cho các em để có bảng điểm đẹp, có thành tích tốt.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Chuyện “bệnh thành tích” trong ngành giáo dục đã nói nhiều và có lẽ sẽ còn được nói mãi.

Bởi lẽ, hàng năm khi tổng kết năm học thì các trường vẫn thống kê và báo cáo bằng những bảng số liệu rất đẹp, tỉ lệ học sinh đạt loại khá giỏi rất cao. 

Vậy, vì sao mà cũng là những học sinh, sinh viên ấy lại bị cấp học cao hơn, hay các nhà tuyển dụng luôn phàn nàn về chất lượng? 

Trong bài viết này chúng tôi muốn đề cập đến những chuyện các cấp học luôn muốn làm đẹp cho bảng thành tích của nhà trường, của cá nhân giáo viên và học sinh, còn mọi chuyện phía sau giống như là chuyện “qua cầu gió bay”… vì đã hết trách nhiệm.
    
Học sinh từ cấp Tiểu học lên cấp Trung học cơ sở ngày trước đều có tỉ lệ học sinh khá giỏi cao, mấy năm gần đây thì toàn là hoàn thành tốt và xuất sắc. 

Thế nhưng, khi các em thi khảo sát đầu năm thì chất lượng rất thấp, điểm yếu, kém rất nhiều, tỉ lệ học sinh có điểm khá giỏi rất ít.

Vậy mà, chỉ cần học một năm thì những học sinh ấy lại có những “bước tiến vượt bậc”.

Chất lượng giáo dục cần tránh chạy theo "bệnh thành tích". (Ảnh: Báo Đại đoàn kết)
Chất lượng giáo dục cần tránh chạy theo "bệnh thành tích". (Ảnh: Báo Đại đoàn kết)

Cuối năm học, nhìn môn nào cũng có đến 60-80% khá giỏi, thậm chí có những môn trên 90% khá, giỏi? Những học sinh trung bình rất ít và chuyện học sinh yếu kém thì vô cùng hiếm.

Và, cứ thế, các em lên lớp đều đều, nhiều em đương nhiên khoác trên mình các danh hiệu như học sinh giỏi và học sinh tiên tiến. 

Điều này cũng đồng nghĩa đa số các em lớp 9 được xét tốt nghiệp. Phần lớn các trường có tỉ lệ 100% tốt nghiệp.

Một số trường có tỉ lệ thấp hơn là do có một số em bỏ học nhưng chưa đến thời gian được tính bỏ học nên phải đưa vào số lượng tốt nghiệp…
     
Chỉ có điều có gần 100% học sinh trung học cơ sở tốt nghiệp và phần lớn các em đều xếp loại khá giỏi ấy nhưng khi các em thi tuyển sinh 10 thì sự thật quá phũ phàng. 

Chỉ có một số trường chuyên, trường điểm của các tỉnh mới có điểm đầu vào dao động từ 5-7 điểm/ môn. Đối với các trường huyện tốp trên thì nằm ở mức 4-5 điểm, còn phần lớn có điểm đầu vào dao động chỉ 2-3,5 điểm/ môn.

Nghịch lí đại học: Đầu vào hạ hết cỡ, đầu ra nâng kịch khung ảnh 2

Bệnh thành tích phải điều trị cho đội ngũ quản lý từ cấp trường đến Bộ

Nhiều trường chỉ lấy ở mức 7-10 điểm/ 3 môn (trong đó có hai môn nhân hệ số 2) thậm chí nhiều em có điểm 0 vẫn được tuyển (?).

Vậy, câu hỏi đặt ra là học sinh lớp 9 tốt nghiệp 100% hay phần lớn các em đều có điểm tổng kết loại khá giỏi có phải là thực lực hay là do căn bệnh thành tích mà ra?
    
Với nhiều trường có điểm đầu vào rất thấp nhưng trớ trêu ở chỗ là khi vào học các em lại tiếp tục có những bước tiến ngoạn mục, lại là những bảng số liệu cực đẹp khi các em vào học các lớp 10, 11, 12. 

Xu hướng điểm năm sau bao giờ cũng phải cao hơn năm trước nên mỗi khi tổng kết năm học, các Ban giám hiệu báo cáo thì các vị quan khách và thầy cô ngồi dưới đều gật gù khen ngợi. 

Bởi phần lớn các khối, các môn đều hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm học. Rồi, khi các em thi Trung học quốc gia lại có tỉ lệ đậu tốt nghiệp gần 100%.
    
Và cái điệp khúc thi đầu vào thấp nhưng vào học và tốt nghiệp lại có số điểm cao ngất ngưởng lại tiếp tục được lặp lại ở các trường đại học và cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

Mấy năm nay, chúng ta áp dụng điểm sàn cho các khối học này. Năm nào điểm sàn cao đẳng, đại học cũng chỉ dao động ở mức 10-14 điểm/ 3 môn.

Những trường có thương hiệu thì tuyển sinh được các em có điểm thi lớn nhưng những trường thuộc tốp dưới thì chỉ lấy ở mức điểm sàn. 

Trong đó, trừ các loại điểm ưu tiên của các đối tượng tuyển sinh thì điểm thực đầu vào rất thấp. Thế nhưng, khi vào học thì các em lại có những bảng điểm đẹp. 

Phần lớn các trường đại học “thương” sinh viên của mình bởi các thầy cô quan niệm “điểm đẹp” để ra trường dễ xin việc làm hơn.

Đặc biệt những trường thuộc “tốp dưới” hay một số sinh viên theo học hệ tại chức, từ xa thì điểm tốt nghiệp càng đẹp hơn, phần lớn các em tốt nghiệp loại khá? 

Nghịch lí đại học: Đầu vào hạ hết cỡ, đầu ra nâng kịch khung ảnh 3

Chuyện chỉ tiêu và bệnh thành tích trong ngành giáo dục

Những sinh viên khi hoàn thành khóa học, nếu sinh viên nào được chọn làm khóa luận thì phần lớn khi báo cáo đề tài khóa luận đều có điểm trung bình là trên điểm 9. 

Những đề tài nghiên cứu cuối khóa học được xếp loại xuất sắc nhiều như thế nhưng chủ yếu là đề làm đề tài tham khảo cho sinh viên khóa sau. 

Rất hiếm những đề tài được đem ra áp dụng thực tiễn. Phải chăng, chúng ta đang lãng phí một lượng lớn chất xám hay những đề tài “xuất sắc” đó không có giá trị thực tiễn mà chỉ có giá trị để làm đẹp cho bảng điểm của sinh viên trong quá trình theo học tại nhà trường và là một lợi thế cho việc xin việc sau này?

Chỉ tiếc, phần lớn các em đều tốt nghiệp loại khá, giỏi của một số trường nhưng sau này đi xin việc lại không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng hoặc phải đào tạo lại.
   
Sau mỗi kì thi, hay tổng kết khóa học thì các Sở Giáo dục, các trường công bố điểm chuẩn đầu vào và tỉ lệ tốt nghiệp, tỉ lệ xếp loại học lực đã cho chúng ta nhiều suy ngẫm…

Vì sao điểm đầu vào đa số đều rất thấp mà khi học và khi thi tốt nghiệp chúng ta lại thấy tỉ lệ tốt nghiệp “đẹp” đến như vậy?

Nhiều năm nay, Bộ Giáo dục & Đào tạo phát động thực hiện phong trào “hai không” trong ngành giáo dục nhưng hình như cuộc vận động này luôn chứa đựng nhiều mâu thuẫn khó lý giải. 

Bởi giữa các văn bản chỉ đạo và cách thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị vẫn còn khá vênh với nhau.

Nghịch lí đại học: Đầu vào hạ hết cỡ, đầu ra nâng kịch khung ảnh 4

5 nghịch lý của nền giáo dục Việt Nam

Nếu tỉ lệ khá giỏi tương đồng với chất lượng thật của người học thì là một niềm vui lớn cho ngành giáo dục nước nhà nhưng ta cứ chạy theo thành tích thì lại là một tiền lệ nguy hiểm cho nền giáo dục!
      
Để thay đổi chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ những chính sách vĩ mô, từ cách đào tạo người thầy, cách đánh giá học sinh, sự thay đổi về hình thức xét thi đua, hình thức đánh giá chất lượng giảng dạy của ngành giáo dục để tránh chạy theo "bệnh thành tích". 

Nếu không, những kỳ thi cứ diễn ra vừa tốn kém tiền của cho nhà nước, nhân dân rồi lại “hòa cả làng”; “cả nhà nhà cùng vui” thì thật là… lãng phí đến vô cùng.

Nguyễn Cao