Nghịch lý Hà Nam bán sữa tươi cho Vinamilk, mua sữa bột pha lại cho con trẻ

14/03/2019 10:40
Hồng Thủy
(GDVN) - Hà Nam đã đầu tư rất nhiều để phát triển ngành chăn nuôi bò sữa, trải thảm chờ doanh nghiệp, bán sữa tươi cho họ và mua sữa pha lại cho học sinh.

Đề án Chương trình Sữa học đường không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong việc cải thiện dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc cho trẻ em và "tăng sức bật" của giống nòi, mà còn là một giải pháp chính sách khả thi để phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa.

Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai chương trình này đang xuất hiện những chệch choạc.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế lựa chọn sản phẩm sữa tươi cho chương trình đang bị một số địa phương không rõ vô tình hay cố ý xem thường, khi dùng ngân sách mua sữa bột pha lại để thay thế sữa tươi cho chương trình Sữa học đường.

Trong bài viết, Chính phủ chỉ đạo dùng sữa tươi, địa phương mua sữa pha lại cho học sinh, chúng tôi đã phản ánh thực trạng này tại Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nam.

Tại sao lại có tình trạng làm không đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế? Do doanh nghiệp cung cấp không đủ sữa tươi hay không muốn sử dụng sữa tươi cho chương trình nhân văn này?

Bán sữa tươi cho doanh nghiệp, mua sữa bột pha lại cho học sinh

Ngày 28/8/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị nghe báo cáo kết quả Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2016 - 2018, kế hoạch thực hiện đến năm 2020, do Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trương Minh Hiến chủ trì.

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Trương Minh Hiến chủ trì, kết luận hội nghị ngày 28/8/2018: tập trung thu hút Vinamilk...(ảnh: hanam.gov.vn).
Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Trương Minh Hiến chủ trì, kết luận hội nghị ngày 28/8/2018: tập trung thu hút Vinamilk...(ảnh: hanam.gov.vn).

Sau hơn 02 năm tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa, đến nay toàn tỉnh mới có 196 hộ chăn nuôi 3.139 con bò và bê (đạt 52,32% kế hoạch), đạt 15,7% theo đề án. 

Tổng lượng sữa là 4.452 tấn sữa, doanh thu đạt gần 58 tỷ đồng. Toàn tỉnh cũng quy hoạch được 12 khu chăn nuôi bò sữa với tổng diện tích là 281,81 héc ta, quy mô 335 trại bò, nuôi 5.830 con. 

Báo cáo tại hội nghị cho thấy kết quả phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2016 - 2018 đạt được còn thấp, nhất là tại các doanh nghiệp tổng đàn chỉ đạt được 1,63% kế hoạch, hầu hết các địa phương không đạt kế hoạch đề ra. [1]

Trước đó, ngày 30/01/2018 cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Nam (hanam.gov.vn) cho biết, 100% các hộ chăn nuôi bò sữa đã được ký hợp đồng bán sữa tươi cho Công ty Vinamilk và Công ty Friesland Campina.

Văn bản số 1388/TB-VPUN ngày 12/11/2015 thông báo kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam tại hội nghị làm việc với Công ty Vinamilk, Công ty Friesland Campina Hà Nam về thu mua sữa cho các hộ nông dân chăn nuôi bò sữa, cho biết:

Đến thời điểm ra văn bản này, Vinamilk có 3 điểm thu mua sữa tươi nguyên liệu tại xã Mộc Bắc, xã Chuyên Ngoại và thị trấn Ba Sao với lượng thu mua 6 đến 7 tấn / ngày, chiếm 2/3 sản lượng.

Nghịch lý Hà Nam bán sữa tươi cho Vinamilk, mua sữa bột pha lại cho con trẻ ảnh 2

120 ngàn con bò sữa Vinamilk ở đâu để Hà Nội thiếu sữa, 3 tỉnh dùng sữa pha lại?

Tuy nhiên thời điểm ra văn bản này, việc đăng ký cấp mã số thu mua sữa của nông dân gặp khó khăn, giá thu mua sữa tươi có xu hướng giảm.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đề nghị Vinamilk và Friesland Campina tạo điều kiện có kế hoạch thu mua hết lượng sữa tươi năm 2016 và các năm tiếp theo với giá ổn định, đảm bảo cho người chăn nuôi bò sữa có lãi, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp mã thẻ nhập sữa, đầu tư bổ sung tanh sữa trên địa bàn để thu mua sữa. [2]

Như vậy có thể thấy nguồn cung cấp sữa tươi nguyên liệu tại chỗ cho chương trình Sữa học đường tại tỉnh Hà Nam không hề thiếu, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm Sữa học đường trên địa bàn tỉnh vẫn thu mua sữa tươi nguyên liệu của nông dân.

Tại sao trẻ em Hà Nam nằm trong nhóm đối tượng thụ hưởng Chương trình Sữa học đường mà Chính phủ phát động phải uống sữa pha lại khi quê hương mình không thiếu sữa tươi?

Tại sao Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam không sử dụng Chương trình Sữa học đường như một đòn bẩy chính sách để thúc đẩy tiêu thụ sữa tươi và đảm bảo đầu ra cho bà con nông dân chăn nuôi bò sữa tỉnh nhà?

Chưa cần nói đến chuyện sử dụng ngân sách đấu thầu mua sữa học đường không đúng sản phẩm theo Quyết định 1340/QĐ-TTg và Quyết định 5450/QĐ-BYT có thể dẫn đến việc khó quyết toán, việc bỏ qua công cụ chính sách quan trọng này để đảm bảo đầu ra cho sữa tươi nguyên liệu Hà Nam bộc lộ rõ ràng bất cập.

Hà Nam tiếp tục trải thảm chờ doanh nghiệp, học sinh uống sữa pha lại đến bao giờ?

Ngày 12/10/2016 Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ra Quyết định số 1600/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án chăn nuôi bò sữa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016-2020, đặt mục tiêu:

Ngày 26/5/2017, Đoàn lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam do Phó chủ tịch Trương Minh Hiến dẫn đầu, tới tham quan mô hình nuôi bò sữa của Vinamilk tại Hà Tĩnh, ảnh: baohatinh.vn.
Ngày 26/5/2017, Đoàn lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam do Phó chủ tịch Trương Minh Hiến dẫn đầu, tới tham quan mô hình nuôi bò sữa của Vinamilk tại Hà Tĩnh, ảnh: baohatinh.vn.

Tổng đàn bò sữa đến năm 2020 của toàn tỉnh có 20 ngàn con, trong đó trang trại của các công ty đầu tư nuôi 13 ngàn con, các hộ nông dân / nhóm hộ nông dân nuôi 7 ngàn con.

Để đạt mục tiêu này, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã quy hoạch đến năm 2020 có 1400 héc ta đất trồng cỏ, trong đó 480 héc ta của dân và 918 héc ta cho doanh nghiệp.

Tỉnh Hà Nam cũng dự kiến hỗ trợ xây dựng 17 km đường giao thông cho 15 khu quy hoạch chăn nuôi bò sữa tập trung đã được phê duyệt, dự kiến kinh phí là 5,95 tỷ đồng; hỗ trợ 60% kinh phí xây lắp đường ông cấp nước đến chân hàng rào khu chăn nuôi tập trung.

Hỗ trợ kinh phí dồn đổi ruộng đất để xây dựng chuồng trại, công trình phụ trợ, trồng cỏ, ngô cho bò khoảng 40 ngàn đồng / sào, hỗ trợ 1 lần các hộ nông dân chuyển trồng lúa sang trồng cỏ 150 ngàn đồng / sào. [3]

Ngày 24/5/2017 Tỉnh ủy Hà Nam ra kết luận số 63-KL/TU của Ban thường vụ tỉnh ủy về chủ trương đầu tư Dự án trang trại bò sữa của Vinamilk tại xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, theo đó:

Nhất trí chủ trương chấp thuận Dự án đầu tư trang trại bò sữa của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) tại xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm với quy mô nuôi khoảng 4 ngàn con bò sữa;

Nghịch lý Hà Nam bán sữa tươi cho Vinamilk, mua sữa bột pha lại cho con trẻ ảnh 4

Bí ẩn Hà Nội né tránh trả lời câu hỏi tại sao sữa học đường hôm có, hôm không

Diện tích đất khoảng 150 héc ta, thời gian thuê đất 40 năm, giao đất từ ngày 1/7/2017, giá thuê đất 150 kg ngô / 350 mét vuông / năm (trả tiền thuê đất 40 năm 01 lần: 1.166,8 triệu đồng / héc ta / 40 năm).

Nhất trí chủ trương quy hoạch khoảng 500 héc ta xung quanh bán kính 20 km của trang trại bò sữa Vinamilk làm vùng trồng cỏ, ngô cung cấp cho trang trại và cho các vùng chăn nuôi bò sữa cung cấp sản phẩm sữa tươi cho Vinamilk.

Nhất trí chủ trương bố trí 01 lô đất (2000 mét vuông đến 3000 mét vuông) cho Vinamilk trên địa bàn xã Nhân Đạo để công ty đầu tư xây dựng trạm thu mua, bao tiêu sản phẩm sữa bò tươi cho các hộ dân chăn nuôi bò sữa trong khu vực quy hoạch với quy mô khoảng 3 ngàn con.

Ngày 19/5/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đã về thăm và làm việc với tỉnh Hà Nam.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Đình Khang đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nam chuyển đổi 149,9 héc ta đất trồng lúa tại xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm sang đất nông nghiệp khác để thực hiện Dự án Chăn nuôi bò sữa công nghệ cao của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). [5]

Các chính sách ưu đãi này của Hà Nam là theo đề nghị của Vinamilk [6], nói cách khác, yêu cầu doanh nghiệp đưa ra đã được địa phương đáp ứng.

Thế còn đề nghị đầu tư 700 tỷ đồng của doanh nghiệp này để phát triển trang trại bò sữa tại Hà Nam thực hiện đến đâu rồi?

Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 2/10/2018 có bài viết, Nửa thôn thành con nợ sau khi 'gom đất' cho doanh nghiệp thuê chưa... thành, phản ánh:

Thôn Kim Lũ, xã Thanh Nguyên (Thanh Liêm - Hà Nam) có 292 hộ thì chỉ có 22 hộ không liên quan gì đến chuyện cho dự án trang trại bò sữa Vinamilk thuê đất ruộng.

Chủ tịch xã Thanh Nguyên ông Đào Quyết Tiến kể chuyện vận động tích tụ ruộng đất của địa phương với hàng trăm cuộc họp lớn nhỏ. Lúc đầu Đảng bộ họp rồi đến các ban, ngành họp xong thôn đội mới họp. 

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Trương Minh Hiến (đứng) kết luận buổi làm việc với Vinamilk ngày 8/5/2017 về việc thuê đất triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa tại xã Thanh Nguyên (Thanh Liêm). Ảnh: baohanam.com.vn.
Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Trương Minh Hiến (đứng) kết luận buổi làm việc với Vinamilk ngày 8/5/2017 về việc thuê đất triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa tại xã Thanh Nguyên (Thanh Liêm). Ảnh: baohanam.com.vn.

Họp phổ biến chung rồi lại phân nhóm hộ đồng ý và nhóm hộ phản đối để họp chi tiết. 5 thường vụ của xã đi họp cả ngày lẫn đêm, riêng bản thân Chủ tịch dự cỡ 40 cuộc.

“Nếu để doanh nghiệp đến từng hộ dân để thỏa thuận thuê đất thì không bao giờ tích tụ được bởi mỗi người sẽ đòi một giá. 

Bởi thế, giá thuê được thống nhất là 150kg ngô/sào/năm trong 40 năm tương đương với 42 triệu, so với giá thu hồi vĩnh viễn của các dự án khác khoảng 62 triệu/sào cũng không chênh là mấy nên có khoảng 95% dân đồng thuận. 

5% do dự là bởi không hiểu giữa cho thuê đất và thu hồi đất khác nhau như thế nào”, ông Đào Quyết Tiến được Báo Nông nghiệp Việt Nam dẫn lời, cho biết.

150 héc ta đất liên quan đến 850 sổ đỏ của 592 hộ. Có những chủ hộ cao tuổi nhưng chưa từng làm chứng minh thư nên xã phải tổ chức 2 chuyến xe ô tô 16 chỗ để chở lên công an huyện. 

Hợp đồng soạn thảo, xã in cho trưởng thôn phát cho từng hộ để ký rồi chuyển ngược lại để chính quyền chứng thực, đóng dấu. 

Đến phần của doanh nghiệp, họ chỉ việc về huyện rà soát từng trường hợp, đủ điều kiện thì mang đi, chưa đủ điều kiện thì yêu cầu bổ sung.

Nghịch lý Hà Nam bán sữa tươi cho Vinamilk, mua sữa bột pha lại cho con trẻ ảnh 6

Ngân sách mua sản phẩm không đúng quy định cho Sữa học đường làm sao quyết toán?

Ngày 18/7/2017 khi đã xong hết thủ tục bỗng không thấy doanh nghiệp về nữa mà cũng chẳng có thông báo nào. 

Ông Tiến dò hỏi thì được biết do yếu tố vốn nước ngoài chiếm chi phối nên luật không cho phép Vinamilk được ký hợp đồng thuê đất của dân. 

500 triệu đồng chi phí cho việc chỉ đạo tích tụ đất chủ yếu là phụ cấp cho cán bộ thôn, xã được tỉnh trả xong rồi đợi đấy. 

Ông Đào Quyết Tiến được Báo Nông nghiệp Việt Nam dẫn lời, chia sẻ: “Dân mất niềm tin vào chính quyền vì chúng tôi chưa trả lời được cho họ là dự án có đầu tư nữa hay không”. [7]

Trong phiên họp ngày 28/8/2018, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Trương Minh Hiến vẫn chỉ đạo các địa phương: tập trung cao cho việc tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp Vinamilk đầu tư dự án tại xã Thanh Nguyên (huyện Thanh Liêm). [1]

Hơn một năm trước đó, ngày 25/5/2017, Phó chủ tịch tỉnh Trương Minh Hiến dẫn đầu đoàn công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đến tham quan, học tập mô hình chăn nuôi bò sữa của Vinamilk tại xã Sơn Lễ, Hương Sơn, Hà Tĩnh. [8]

Như vậy có thể thấy quyết tâm phát triển ngành chăn nuôi bò sữa của lãnh đạo tỉnh Hà Nam cũng như mong mỏi, hy vọng mà lãnh đạo tỉnh gửi gắm cả vào doanh nghiệp là rất lớn.

Không biết lãnh đạo, nhân dân tỉnh Hà Nam thành tâm và trải thảm chào đón như vậy đã đủ hấp dẫn chưa? 

Chỉ biết rằng, ngày 11/10/2018 Vinamilk khởi công dự án trang trại bò sữa tại xã Đức Phú, xã Đức Hòa huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi. [9]

Ủy ban nhân dân huyện Mộ Đức cũng đã phải xin cơ chế đặc thù trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án trang trại Bò sửa Vinamilk Quảng Ngãi. [10]

Thông tin Chủ tịch xã Thanh Nguyên "dò hỏi được" và chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam không rõ chính xác đến đâu: do yếu tố vốn nước ngoài chiếm chi phối nên luật không cho phép Vinamilk được ký hợp đồng thuê đất của dân.

Nghịch lý Hà Nam bán sữa tươi cho Vinamilk, mua sữa bột pha lại cho con trẻ ảnh 7

Vấn đề Sữa học đường Hà Nội không nằm ở đấu thầu, mà ở bài thầu

Cơ chế đặc thù mà Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đồng ý cho huyện Mộ Đức, chúng tôi cũng xin không bàn đúng sai ở đây, mà chỉ thấy kết quả cuối cùng, dự án cũng đã khởi công.

Vậy 270 hộ nông dân thôn Kim Lũ, xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm sẽ còn phải chờ đến bao giờ?

Trẻ em tỉnh Hà Nam được thụ hưởng Chương trình Sữa học đường sẽ còn phải uống sữa bột pha lại đến bao giờ? 

Liệu tỉnh Hà Nam có thể biến Chương trình Sữa học đường rất nhân văn thành công cụ chính sách tìm đâu ra cho nguồn sữa tươi nguyên liệu dồi dào tại địa phương, cho bõ công đầu tư ngân sách?

Những câu hỏi này xin được gửi đến lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam.

Chính phủ chọn sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường không chỉ vì tính ưu việt của nó trong việc cải thiện dinh dưỡng và tăng sức bật chiều cao cho trẻ em, mà còn tạo ra một giải pháp chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững.

Nhưng có làm được việc này hay không, phụ thuộc rất nhiều vào cái tầm của lãnh đạo các địa phương và cái tâm của doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://hanam.gov.vn/Pages/hoi-nghi-ubnd-tinh-nghe-bao-cao-ket-qua-de-an-phat-trien-chan-nuoi-bo-sua-giai-doan-2016---2018-ke-hoach-thuc-hien-den.aspx

[2]http://113.160.198.113:8080/vbpq_hanam.nsf/819971494054a7a647256f96002926e0/7f3d476561b4957047257f000030ed14?OpenDocument&Click=

[3]http://hanam.gov.vn/skhdt/Pages/Quyet-%C4%91inh-so-1600-Q%C4%90-UBND-ngay-12-10-2016-cua-UBND-tinh-Ha-Nam-ve-viec-phe-duyet-%C4%90e-an-phat-trien-c138995678.aspx

[4]http://hanam.gov.vn/stc/Pages/Ket-luan-so-63-KL-TU-cua-Ban-Thuong-vu-Tinh-uy-ve-chu-truong-%C4%91au-tu-du-an-trang-trai-bo-sua-cua-Vina964445359.aspx

[5]http://hanam.gov.vn/Pages/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-ve-tham-va-lam-viec-voi-tinh-ha-nam.aspx

[6]https://bnews.vn/vinamilk-dau-tu-trang-trai-quy-mo-4-000-con-bo-sua-tai-ha-nam/45214.html

[7]https://nongnghiep.vn/nua-thon-thanh-con-no-sau-khi-gom-dat-cho-doanh-nghiep-thue-chua-thanh-post227822.html

[8]https://baohatinh.vn/nong-nghiep/ha-nam-tin-vao-thanh-cong-cua-mo-hinh-nuoi-bo-sua-vinamilk-nhu-o-ha-tinh/134353.htm

[9]https://moduc.quangngai.gov.vn/i1139-le-khoi-cong-du-an-trang-trai-bo-sua-vinamilk-quang-ngai.aspx

[10]https://moduc.quangngai.gov.vn/i1148-ubnd-huyen-mo-duc-xin-co-che-dac-thu-trong-cong-tac-boi-thuong-gpmb-du-an-trang-trai-bo-sua-vinamilk-quang-ngai.aspx

Hồng Thủy