Người sưởi ấm tâm hồn cho trẻ khuyết tật qua những bản nhạc

23/11/2018 07:00
Thùy Linh
(GDVN) - Đối với học sinh thiểu năng, down và tự kỉ thì thầy Dương luôn tìm những bản nhạc giúp các em thư giãn, xoa dịu để các em không lên các cơn tăng động.

48 thầy cô được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 đến từ nhiều vùng miền trên cả nước là những tấm gương tiêu biểu trong dạy dỗ, chăm sóc trẻ khuyết tật

Đặc biệt, gắn bó với học sinh khuyết tật, các thầy cô luôn mong mỏi các em được hòa nhập với cộng đồng, không phải trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, các thầy cô giáo rất trăn trở với đào tạo nghề và tạo việc làm cho học sinh khuyết tật. 

Khi được hỏi về ước muốn lớn nhất của mình, thầy Nguyễn Thái Dương- giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Đắk Lắk nói rằng, bản thân là người khuyết tật nên thầy Dương rất hiểu và yêu thương các em có cùng hoàn cảnh. 

Thầy mong Nhà nước sẽ có thêm những chính sách để hỗ trợ trẻ khuyết tật được học tập, hoà nhập tốt hơn, các em có thể tìm được công việc phù hợp để nuôi sống bản thân và góp ích cho xã hội.

Thầy Nguyễn Thái Dương là một trong 48 thầy cô được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 (Ảnh: Thùy Linh)
Thầy Nguyễn Thái Dương là một trong 48 thầy cô được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 (Ảnh: Thùy Linh)

Qua chia sẻ của thầy Nguyễn Thái Dương, tôi được biết, năm 1979, thầy Dương được sinh ra và hoàn toàn là một đứa trẻ bình thường. 

“Nhưng sau một cơn sốt bại liệt năm lên 2 tuổi, tôi đã bị liệt chân bên phải và bắt đầu sống cuộc sống của một người khuyết tật. 

Trải qua 4 năm chữa chạy đến năm 6 tuổi, tôi có thể đi lại được và đi học. Nhưng chính từ khi bắt đầu thời gian học tiểu học rồi đến trung học cơ sở và trung học phổ thông, tôi luôn sống trong mặc cảm và những rào cản định kiến xã hội nhìn nhận chưa công bằng với những người khuyết tật”, thầy Dương nhớ lại tuổi thơ của mình. 

Người sưởi ấm tâm hồn cho trẻ khuyết tật qua những bản nhạc ảnh 2Tâm sự nhói lòng của cô giáo 9X nuôi ước mơ cho trẻ em khuyết tật

Trải qua nhiều khó khăn trong thời gian xa nhà tự thân đi học.

Năm 2003, chàng trai ấy tốt nghiệp trường Văn hóa nghệ thuật, sau đó xin về công tác tại Trường Hi Vọng nay là Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk; Dạy nhạc cho các em học sinh khiếm thị; Khiếm thính; Down; Tự kỉ; Thiểu năng trí tuệ...

Những công việc này khiến thầy Dương cảm thấy mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều những mảnh đời khác. 

Thầy Dương chia sẻ, những em khiếm thị luôn sống nặng nội tâm và ao ước được nhìn thấy ánh mặt trời.

Các em khiếm thính mơ ước được nghe tiếng nói của cha mẹ. Các em thiểu năng trí tuệ, down và tự kỉ thì như vô tri vô giác chỉ có 1 điều đôi mắt các em rất hiền nhưng vô cảm. 

Là một giáo viên dạy Âm nhạc, thầy Dương nhận ra rằng, đối với các em khiếm thị thì người thầy là sự giao thoa cả về kiến thức và tình cảm nhưng đối với các em thiểu năng, down,và tự kỉ thì người thầy không biết rõ được phương pháp dạy nào là tốt nhất cho các em. 

Chính vì điều đó, thầy Dương chỉ biết tìm tòi trong âm nhạc, những bản nhạc giúp các em thư giãn, xoa dịu để các em không lên các cơn tăng động. 

Mặc dù trong quá trình dạy người thầy ấy gặp nhiều những khó khăn như việc đi lại hay học sinh gào thét đi vệ sinh trong tiết học một cách vô thức mà phải dừng cả buổi học để dọn vệ sinh cho các em. 

Còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng người thầy khuyết tật Nguyễn Thái Dương vẫn luôn tự động viên mình cố gắng bởi niềm hạnh phúc của mỗi thầy cô dạy trẻ khuyết tật chính là nhìn thấy sự tiến bộ, lạc quan, niềm tin trong cuộc sống của những học trò nhỏ.

Người sưởi ấm tâm hồn cho trẻ khuyết tật qua những bản nhạc ảnh 3Cô giáo dạy trẻ khuyết tật nói về nghiệp duyên với nghề

Tri ân những “người lái đò” như thầy Dương, trong buổi gặp mặt các thầy cô dạy học sinh khuyết tật, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Văn Phúc đã khẳng định sự hy sinh, vất vả, khó nhọc của các thầy cô rất lớn bởi đối tượng dạy học là những học sinh kém may mắn, những học sinh có nhu cầu đặc biệt, cần sự quan tâm đặc biệt của người thầy để giúp các em tiến lên và hòa nhập cộng đồng. 

Có thể khẳng định, các thầy cô là những tấm gương sáng về tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, tận tụy hết lòng vì học sinh thân yêu. 

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục hoàn thiện và hỗ trợ các thầy cô trong những nội dung liên quan trực tiếp như chương trình, sách giáo khoa, chế độ cho giáo viên...

Thùy Linh