Người sướng, kẻ khổ khi dạy ôn thi Quốc gia

27/04/2018 07:51
THIÊN ẤN
(GDVN) - Dạy và ôn tập thi ở trường, lớp có nhiều em học yếu kém thì nỗi vất vả, nỗi khó nhọc, lo lắng của thầy cô giáo gấp trăm lần so với giáo viên ở trường, lớp tốt.

LTS: Hiện nay, nhiều trường trung học phổ thông đang tổ chức ôn tập cho học sinh để chuẩn bị bước vào kỳ thi quốc gia 2018.

Từ thực tế quan sát và trao đổi với các đồng nghiệp, thầy giáo Thiên Ấn chỉ ra sự "sướng, khổ" của giáo viên khi ôn thi cho những đối tượng học sinh có chất lượng khác nhau.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có thể nói, thời điểm này, các thầy cô giáo dạy lớp 12 ở các trường trung học phổ thông trên cả nước rất tích cực, chủ động trong việc hướng dẫn, ôn tập cho các em để chuẩn bị tham gia kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018.

Từ khi lên lớp 10, các trường, lớp, khu vực trên từng địa phương đã có phân hóa rõ rệt về năng lực, trình độ của các đối tượng học sinh.

Những trường trung học phổ thông có truyền thống, bề dày thành tích dạy và học ở các trung tâm huyện, thị xã, thành phố bao giờ cũng nhận được số lượng học sinh tốt nhất về học lực lẫn hạnh kiểm.

Giáo viên hướng dẫn học sinh ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: Baoquangngai.n)
Giáo viên hướng dẫn học sinh ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: Baoquangngai.n)

Do đó, quá trình dạy học 3 năm và giai đoạn hướng dẫn, ôn tập thi trung học phổ thông quốc gia của các giáo viên của những nhà trường ấy thường diễn ra thuận lợi, luôn cảm thấy rất thoải mái, nhẹ nhàng, ít bị áp lực từ nhiều phía.

Thầy Bùi Văn Cường, giáo viên môn Toán, Trường Trung học phổ thông Võ Nguyên Giáp, thành phố Quảng Ngãi, cho biết:

"Trường của tôi thuộc trường tốp trên của tỉnh, chất lượng tuyển sinh vào lớp 10 khá cao, hơn mười mấy điểm so với các trường cùng hệ công lập trên địa bàn thành phố này.

Đại đa số các em chăm ngoan, có ý thức tự học tốt nên các thầy cô giáo đỡ phải vất vả, nhọc nhằn nhiều trong ôn tập thi.

Người sướng, kẻ khổ khi dạy ôn thi Quốc gia ảnh 2Ôn tập ở nhà, lựa chọn tốt nhất cho học trò lớp 12

Chẳng hạn, một bài toán, một vấn đề nào đấy, người dạy chỉ cần giảng giải, gợi ý qua là các em đã nắm tương đối vững rồi.

Tất nhiên, ở những trường, lớp, học sinh khá, giỏi nhiều, các giáo viên không thể chủ quan, sơ sài trong chuyên môn được mà cần đào sâu, mở rộng, nâng cao kiến thức vì khi lên lớp, có một số em giỏi hay hỏi thầy, cô giáo thêm…

Nếu bị “bí” mấy lần, dễ bị các em “chê”…”.

Trong khi đó, các Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, Trung học phổ thông Chu Văn An, Trung học phổ thông Nguyễn Công Trứ, Trung học phổ thông Nguyễn Công Phương… các trường công lập “sinh sau, đẻ muộn” cũng ở tỉnh Quảng Ngãi thì tình hình học hành, ôn tập của học sinh lớp 12 lại hoàn toàn trái ngược.

Diện học sinh học yếu, lười học khá nhiều khiến thầy cô giáo phải vất vả, cực nhọc vô cùng.

Giảng đi giảng lại mà các em vẫn lúng túng, tù mù, ra đề kiểm tra tương tự mà vẫn làm sai lên sai xuống.

Một số trường ở đây còn mở lớp tình thương, “chống trượt” miễn phí dành cho các em học yếu, tiếp thu bài vở chậm…

Buổi đầu tiên, các em đi tương đối đầy đủ nhưng đến mấy buổi sau, các lớp này lại thưa vắng, rơi rụng khá nhiều, một số thầy cô giáo đâm nản.

Dù khó khăn đến mấy song chúng tôi sẽ cố gắng, nỗ lực hết sức, vừa dạy vừa dỗ, kiên trì hướng dẫn, ôn tập cho các em trong giai đoạn về đích này.

Lơ là, thiếu quan tâm đến học sinh học yếu, để các em bị trượt tốt nghiệp sau 12 năm đèn sách, tốn bao nhiêu công sức, tiền bạc của mẹ cha, là người thầy, người cô chúng tôi không đành.

Ở trường có chất lượng đầu vào thấp, chúng tôi đành phải chấp nhận thôi. Dù gì đến nữa, các em vẫn là sản phẩm của chúng tôi”, thầy Nguyễn Đắc Vương, tổ trưởng tổ xã hội, Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Quảng Ngãi chia sẻ.

Người sướng, kẻ khổ khi dạy ôn thi Quốc gia ảnh 3Nhiều cơ hội học tập mở ra cho các thí sinh trong kỳ thi quốc gia 2018

Qua trao đổi, chuyện trò với các đồng nghiệp đang công tác tại các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; các trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, dạy nghề và các trường trung học phổ thông dân lập, tư thục (ngoài công lập) về việc học hành, ôn tập của các em lớp 12, họ than vãn:

"Trường loại 2, loại 3 như trường bạn là còn đỡ đấy. Trường tụi tôi, các em vừa yếu, vừa lười, tới thời điểm này mà việc học vẫn chưa ổn.

Thầy cô giáo dùng đủ biện pháp như tăng tiết, phụ đạo miễn phí, buổi tối cử giáo viên chỉ bài cho con em đồng bào ở khu vực nội trú, mời giáo viên có kinh nghiệm ở dưới đồng bằng lên đây hướng dẫn ôn tập những bài khó…

Có em tiến bộ, lo lắng lắm. Có em học trước quên ngay, vì mất gốc, hỏng kiến thức quá lớn".

Ở các địa phương, nhiều trường, lớp có sự phân hóa chất lượng học sinh ngày càng sâu rộng thì sẽ phát sinh nghịch cảnh: người sướng, kẻ khổ, “người ăn không hết, kẻ lần không ra”.

Dạy và ôn tập thi ở trường, lớp có nhiều em học yếu kém thì nỗi vất vả, nỗi khó nhọc, lo lắng (sợ học sinh trượt nhiều) của thầy cô giáo gấp trăm, gấp ngàn lần so với giáo viên ở trường, lớp tốt.

THIÊN ẤN