Người thầy đặc biệt!

11/11/2016 06:45
Bài và ảnh: Phan Thị Anh Thư
(GDVN) - Dù sức khỏe thầy Phùng Phước Nguyên không tốt nhưng bao giờ thầy cũng rất đúng giờ, “cháy” hết mình trong các buổi lên lớp.

Xin được bắt đầu câu chuyện kể về người thầy giáo “đặc biệt” Phùng Phước Nguyên, giáo viên thỉnh giảng bộ môn nội, trường Đại Học Võ Trường Toản (tỉnh Hậu Giang) bằng lời nhận xét của chị Hà Như Thủy, học viên khóa Y2 liên thông với sự trân trọng vô cùng: 

Thầy Nguyên hướng dẫn học viên rất tận tình, chu đáo, có kiến thức chuyên môn sâu, bài giảng kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và lâm sàng thực tế nên những học viên đã có thời gian công tác trong ngành y như chúng tôi tiếp thu kiến thức rất nhanh…”.

Một giờ lên lớp của thầy giáo Phùng Phước Nguyên
Một giờ lên lớp của thầy giáo Phùng Phước Nguyên

Không chỉ những học viên liên thông dành cho người thầy giáo tận tâm này sự kính trọng về chuyên môn lẫn y đức mà hàng ngàn học viên các khoa Y, Dược của trường Đại học Võ Trường Toản cũng luôn dành cho bác sỹ này một niềm tin rất lớn vào phương pháp lên lớp rất khoa học, chuyên môn sâu, không khí lớp học cởi mở, sinh động.

Em Đỗ Hoàng Anh, sinh viên chính quy K5, khoa Y chia sẻ: "Chúng em rất thích những giờ lên lớp của thầy Nguyên vì được truyền thụ rất nhiều kiến thức bổ ích về lý thuyết, không khí tương tác giữa thầy và trò được thể hiện rất cao. 

Hơn nữa, chúng em được tự do phát biểu ý kiến, được tham vấn những thắc mắc rất thoải mái, các tiết học rất sôi động, hấp dẫn, không nặng nề, không chỉ dạy chúng em về kiến thức, thầy còn dạy chúng em đạo làm người, làm người thầy thuốc đúng mực trong cuộc sống phức tạp và nhạy cảm hôm nay…

Bác sỹ, thầy giáo Phùng Phước Nguyên
Bác sỹ, thầy giáo Phùng Phước Nguyên

Xuất thân trong một gia đình lao động nghèo tại Thành phố Cần Thơ, từ bé cậu học trò nghèo Phùng Phước Nguyên luôn mơ ước trở thành bác sỹ để có điều kiện chăm sóc cho người nghèo.  

Năm 2001 đến nay, anh lần lượt công tác ở nhiều đơn vị như: Bệnh viện huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang); bệnh viện huyện Phong Điền (TP Cần Thơ); và nay là Phòng Y tế huyện Phong Điền. Dù ở cương vị nào, anh cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Đặc biệt, sau hơn 15 năm công tác ở ngành y tế, anh đã vận động hàng tỷ đồng giúp đỡ nhiều người nghèo ở các địa phương. 

Anh vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều kỷ niệm chương, bằng khen các cấp về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và thực hiện nhiều công tác nhân đạo tại nhiều tỉnh, thành.

Bác sỹ Nguyên tâm sự: “Được phục vụ người bệnh, đặc biệt là người nghèo là hạnh phúc của tôi. 

Tôi đã và đang ôm ấp hoài bão được đứng trên bục giảng để truyền thụ kiến thức chuyên môn, những kinh nghiệm thực tế mà bản thân đã trải qua đến với các học viên, sinh viên để có thêm những Bác sỹ, Dược sỹ giỏi về chuyên môn, hồng về y đức phục vụ cộng đồng tốt và nhiều hơn
…”.

Người thầy đặc biệt! ảnh 3
Bác sỹ Nguyên tặng quà cho người nghèo

Sau khi tốt nghiệp chuyên khoa 1 vào năm 2009, anh tiếp tục vượt qua nhiều khó khăn, trở lực, công việc của một người trưởng phòng kế hoạch bệnh viện huyện Phong Điền để hoàn thành chương trình chuyên khoa 2 vào năm 2014. 

Tháng 6 năm 2015 nhận lời mời của trường Đại Học Võ Trường Toản, anh bắt đầu tham gia giảng dạy tại trường vào thời gian ngoài giờ công tác tại phòng Y tế huyện. 

Tuy công việc rất bộn bề, cự ly di chuyển từ nhà đến trường rất xa, sức khỏe không được tốt nhưng học viên và sinh viên trường này luôn bắt gặp hình ảnh một người thầy giáo tuổi 44 luôn có mặt tại giảng đường rất đúng giờ bất kể nắng hay mưa, gió với nụ cười rất đôn hậu, tự tin.

Anh Võ Thành Lâm, 37 tuổi hiện đang công tác tại Trung tâm phòng chống AIDS Thành phố Cần Thơ, học viên liên thông Y K2 xúc động nói: 

Dù sức khỏe thầy không tốt nhưng bao giờ thầy cũng rất đúng giờ, “ cháy” hết mình trong các buổi lên lớp, luôn giải đáp thỏa đáng những thắc mắc học viên đặt ra bất cứ lúc nào, ở đâu, thời điểm nào, chúng tôi rất cảm động và trân trọng sự tận tụy và phong cách rất gần gũi, bình dân của thầy…”

Bác sỹ chuyên khoa 2 Phùng Phước Nguyên chia sẻ kinh nghiệm thực tế giúp anh đạt hiệu quả trong quá trình giảng dạy.

Đó là phải có biện pháp sư phạm tốt; nhiệt huyết với nghề; chuẩn bị bài giảng sâu, phong phú, sâu phù hợp với đối tượng cần truyền đạt; phương pháp dạy và học chủ động cả thầy lẫn trò;

Đồng thời, kết hợp hài hòa giữa kiến thức trong bài giảng và những bài học thực tế; tạo không khí thoải mái không nặng nề, áp đặt với người tiếp thu. 

Tất cả đã giúp các tiết học do anh lên lớp rất hấp dẫn, thu hút và luôn để lại một hình ảnh đẹp, trân trọng cho những học viên, sinh viên được anh truyền dạy. 

Để động viên sinh viên học tốt, anh còn tự tiết kiệm các khoản chi cá nhân để mua sách quý hiếm, ống nghe để làm quà tặng khiến các học trò rất phấn khởi, xúc động ra sức học tốt.

Niềm ao ước lớn nhất của người thầy giáo tận tụy, người bác sỹ tận tâm, giỏi chuyên môn, luôn đặt cho mình phương châm sống vì bệnh nhân, vì học viên, sinh viên thân yêu là: cần có nhiều CLB sinh viên tự học của sinh viên; các diễn đàn sinh hoạt trao đổi chuyên môn giữa thầy và trò để có được những giải pháp điều trị, xử lý bệnh tốt nhất;

Và tạo được nhiều cơ hội cho nhiều học viên, sinh viên theo học bậc học cao hơn để hiệu quả phục vụ bệnh nhân tốt hơn. 

Điều quan trọng hơn cả ở anh là không để mai một những kiến thức được đào tạo bị thu hẹp, mà theo thời gian sẽ được phát huy nhân rộng nhiều hơn nữa trong vai trò người bác sỹ chuyên khoa 2, vai trò của một thầy giáo đang lặng thầm "nhả những sợi tơ" kiến thức cho hàng ngàn học trò của mình.

Với học viên, sinh viên anh được gọi bằng những danh từ ngôn xưng rất thân mật  “Thầy Nguyên”; “Bố Nguyên”; “Tía Nguyên”... 

Với chúng tôi, anh là người thầy giáo “đặc biệt” vì cùng lúc hoàn thành tốt hai chức năng: Bác sỹ và người giáo viên luôn sống đẹp, có ích cho đời.

Bài và ảnh: Phan Thị Anh Thư