Ngưỡng mộ nghị lực của cậu học trò khiếm thị trường Nguyễn Thái Học

08/11/2017 13:22
Thùy Linh
(GDVN) - Ba năm học tại mái trường trung học phổ thông, Ánh luôn được các thầy cô trong mái trường Nguyễn Thái Học tự hào và trở thành điểm sáng của nhà trường.

Giờ đây mỗi khi nghe tên Lê Thanh Ánh, trong lòng tôi lại trào dâng niềm tự hào về nghị lực của cậu học trò nhỏ đã vượt lên hoàn cảnh éo le để trở thành nguồn động lực tốt đẹp cho thầy và trò trường Trung học phổ thông Nguyễn Thái Học, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tôi có dịp về trường Trung học phổ thông Nguyễn Thái Học vào ngày 7/11 khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, Nhà trường tổ chức Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.

Trong buổi giao lưu đầy ý nghĩa của thầy và trò Nhà trường với vị giáo sư đầu ngành về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tôi biết đến cậu học trò khiếm thị Lê Thanh Ánh khi em đặt câu hỏi được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đánh giá “câu hỏi rất hay”. 

Hơn 750 học sinh của trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thái Học, tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi giao lưu đầy ý nghĩa với diễn giả, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vào ngày 7/11 (Ảnh: Thùy Linh)
Hơn 750 học sinh của trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thái Học, tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi giao lưu đầy ý nghĩa với diễn giả, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vào ngày 7/11 (Ảnh: Thùy Linh)

Qua lời kể của thầy cô trong trường, tôi được biết, Ánh sinh ra ở thôn Khoái Trung, xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc trong một gia đình thuần nông nghèo. 

Tuổi thơ cứ trôi đi trong xóm làng yên bình với nhiều trò chơi tinh nghịch trẻ nhỏ. 

Năm lên 8 tuổi, do bất cẩn trong lúc chơi đùa với bạn bè, Ánh bị thương vào mắt trái, chảy máu rất đau đớn.

Vì sợ hãi và chưa có hiểu biết, em tìm nhiều cách để  giấu giếm bố mẹ. Khi gia đình phát hiện thì mắt trái của em đã teo dần, mất thị lực. 

Nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn em không được đưa vào bệnh viện chữa trị. Em vẫn đi học trong lúc thị lực dần suy giảm.

Em được đưa đến Trung tâm Giáo dục dạy nghề - Hội người mù tỉnh Vĩnh Phúc năm 11 tuổi. 

Tại đây, em đã nhận được sự quan tâm chăm sóc của các giáo viên, nhân viên trung tâm. Em tiếp tục theo học ở trường Trung học cơ sở Khai Quang. 

Năm 2010, khi em mới 13 tuổi, tai họa lại tiếp tục ập xuống gia đình em. Do mắc bệnh hiểm nghèo, kinh tế thiếu thốn bố em sớm qua đời. Gánh nặng gia đình dồn lên vai người mẹ tảo tần, lam lũ. Thương mẹ, biết ơn những người mẹ thứ hai ở trung tâm, Thanh Ánh quyết tâm học thật giỏi. 

Lúc đó em mong muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho chính mình. 

Năm 14 tuổi, mắt phải của em có dấu hiệu đau nhức thoái hóa, em đã trải qua 3 lần phẫu thuật phức tạp ở Bệnh viện Mắt Trung ương nhưng đều thất bại. 

Vậy là ánh sáng của cuộc đời bỗng trở thành một ký ức xa xôi đối với em. 

Thế nhưng 3 năm học tại mái trường trung học phổ thông, Ánh luôn được các thầy cô trong mái trường Nguyễn Thái Học tự hào và trở thành điểm sáng của nhà trường. 

3 năm học tại mái trường trung học phổ thông, Ánh luôn được các thầy cô trong mái trường Nguyễn Thái Học tự hào và trở thành điểm sáng của nhà trường. (Ảnh: Thùy Linh)
3 năm học tại mái trường trung học phổ thông, Ánh luôn được các thầy cô trong mái trường Nguyễn Thái Học tự hào và trở thành điểm sáng của nhà trường. (Ảnh: Thùy Linh)

Cũng qua lời kể của cô Hiệu trưởng nhà trường, tôi được biết, Ánh không những học giỏi mà còn hát hay, biết làm thơ và thổi sáo.

Em còn tham gia nhiệt tình vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Các bài kiểm tra, các kỳ thi khảo sát em đều đạt điểm cao. 

Trong giờ học em chăm chú, tập trung cao độ như uống lấy từng lời giảng của thầy cô đặc biệt, Ánh có khả năng tự ghi nhớ nhất là kiến thức về Khoa học xã hội. 

Và dù không nhìn thầy các thầy cô nhưng Ánh lại có thể nhận ra được từng thầy cô qua giọng nói. Em đã chuyển hóa nhuần nhuyễn tri thức bằng lời của thầy cô thành hiểu biết riêng của mình. 

Ngưỡng mộ nghị lực của cậu học trò khiếm thị trường Nguyễn Thái Học ảnh 3

“Nhìn bảng điểm thi đại học của học trò, tôi đã bật khóc vì quá hạnh phúc”

Ngoài ra, mỗi giờ ra chơi, Ánh thường ngồi nghe bạn đọc sách báo hoặc nhờ bạn giảng lại bài. 

Nhận thấy môn Lịch sử giúp bản thân hiểu được cội nguồn dân tộc, thêm yêu và tự hào về quê hương mình, năm lớp 11, Ánh theo đuổi đam mê môn Lịch sử và trở thành thành viên đặc biệt của đội tuyển học sinh giỏi Lịch sử của trường. 

Và em đã làm nên điều kỳ diệu, đó là giành giải Ba cấp tỉnh môn Lịch sử.
Ánh tâm sự:

“Ước mơ của em là trở thành giáo viên dạy chữ nổi cho học sinh khiếm thị. Em tin rằng mình sẽ đạt được. Em không muốn mọi người thương hại mình mà muốn mọi người tự hào về em”. 

Đáng quý biết bao, trong hoàn cảnh éo le, em đã vươn lên mạnh mẽ, bằng đôi tay cần mẫn, đôi tai sáng, niềm lạc quan yêu đời và nghị lực vươn lên, Thanh Ánh đang truyền cảm hứng cho mọi người. 

Nhìn cậu học sinh giản dị đọc 2 câu thơ (Sông đời bất chợt nông, sâu/ Học thầy em bắc chiếc cầu chữ Tâm) trong bài thơ “Vùng phấn bay” để gửi tới Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cùng toàn thể thầy cô, học sinh nhà trường, tôi tin rằng ước mơ của em sẽ thành hiện thực bởi em luôn quyết tâm, mạnh mẽ và bên em có mọi người cùng dõi theo và nâng bước.

Thùy Linh