Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Bỏ hệ tại chức là đi ngược với thời đại

18/09/2012 06:00
Kim Ngân
(GDVN) - “Tư tưởng hiện đại của thế kỷ 21 là học suốt đời, học thường xuyên, cả xã hội học tập. Ở Thái Lan có nửa triệu người học tại chức, vậy sao mình có thể đi ngược lại với thời đại được?”.
Cách đây không lâu, một số tỉnh như: Quảng Nam, Hà Nam, Nam Định, Đà Nẵng, Quảng Bình đã có quyết định không tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp đại học hệ tại chức. Quyết định này khiến dư luận sốc, có nhiều ý kiến cho rằng, việc đó là cực đoan, là “phân biệt”.
Một lớp đại học tại chức ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). (Ảnh: Như Hùng)
Một lớp đại học tại chức ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). (Ảnh: Như Hùng) 
Cũng có nhiều quan điểm được đưa ra về vấn đề nên hay không nên bỏ hệ đào tạo tại chức. Bởi không ít người cho rằng việc học tại chức hiện nay vừa lỗi thời, vừa tốn tiền của, thời gian và công sức của người học. 

Thẳng thắn nói về thực trạng học tại chức, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: “Hiện nay, các trường thi nhau mở lớp, hệ tại chức. Mở một ách ồ ạt, lung tung và lộn xộn. Không thể lấy số lượng là mục tiêu, để tăng thêm thu nhập được. Một vài trường có số sinh viên tại chức lại bằng tổng số sinh viên chính quy là vô lý. Vô lý quá!”.
Tuy nhiên, GS Hạc khẳng định rằng, không phải vì “người quản lý” tổ chức sai mà lại “chối bỏ” đứa con tại chức được. “Đó là cái sai của những người quản lý, không thể vì thế mà lại xóa bỏ. Đấy là do tổ chức sai, chứ không phải do tính chất loại hình đào tạo sai. Học tại chức, học E –learning (điện tử - PV) và học từ xa là loại hình tiến bộ, mang tính chất rất nhân văn, nhân đạo. Nếu đào tạo đúng, học thực sự, thi thật, bằng thật… thì rất tốt”.

GS Phạm Minh Hạc cho rằng việc xóa bỏ hệ tại chức là không công bằng về mặt pháp lý. Nếu đúng nghĩa của nó, tại chức là dành cho người lao động vừa làm vừa học. Có nhiều con đường để đi đến học vấn, bằng cấp. Một người công nhân muốn học lên đại học để thành kỹ sư; một người đang học trung cấp nghề, họ muốn học lên… vì không có điều kiện học đại học chính quy, họ phải học tại chức buổi tối.

“Tư tưởng hiện đại của thế kỷ 21 là học suốt đời, học thường xuyên, cả xã hội học tập. Ở Thái Lan có nửa triệu người học tại chức, vậy sao mình có thể đi ngược lại với thời đại được?”, GS Phạm Minh Hạc lý giải.

Đưa ra giải pháp làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo tại chức, GS Phạm Minh Hạc cho rằng các cơ sở đào tạo tuyệt đối không chạy theo số lượng, thành tích mà tập trung vào chất lượng.

Bộ GD-ĐT cũng phải nghiêm túc xử lý sai phạm của các cơ sở trong đào tạo hệ tại chức, hiệu trưởng phải có các biện pháp để kiểm soát việc giảng dạy của giảng viên, việc tổ chức dạy học...cần được chấn chỉnh, củng cố.

“Không thể buông lỏng quản lý đối với các cơ sở đào tạo và những người được cử đi học nhưng không hiệu quả, không mang lại lợi ích cho công việc. Nhà nước cần có quy định cụ thể, chặt chẽ đối tượng nào được đi học, học như thế nào…”, GS Hạc nhấn mạnh.
 “Khẳng định không có cơ sở để xóa bỏ hình thức đào tạo này vì vừa làm vừa học vẫn có vai trò và vị trí của nó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong tương lai, Bộ GD-ĐT sẽ giảm dần chỉ tiêu đối với hệ đào tạo tại chức, từ 50% so với hệ chính quy xuống khoảng 20%”. (Theo Báo Hà Nội mới).

Theo thống kê, năm 2011, chỉ tiêu tuyển sinh theo hình thức vừa làm vừa học, liên thông đào tạo văn bằng 2 là 60%, năm 2010 khoảng 80%. Năm 2012 không quá 50%.
Kim Ngân