Nguyên Phó Vụ trưởng vụ GDĐH: "Bộ Giáo dục vừa đá bóng vừa thổi còi"

25/05/2012 06:02
Kim Ngân (Thực hiện)
(GDVN) - Bộ Giáo dục vừa đưa ra luật, quy định lại vừa giám sát, kiểm tra. Công tác kiểm định đáng lẽ phải do các đơn vị kiểm định độc lập (tổ chức xã hội, hiệp hội…) thực hiện để đảm bảo khách quan và phải tập trung xem xét sự phù hợp giữa thực trạng với tuyên bố sứ mạng của nhà trường.
Ngày hôm nay, Quốc hội sẽ thảo luận để thông qua Dự luật Giáo dục Đại học (GDĐH), có rất nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo GDĐH chưa đáp ứng được mong đợi, với nhu cầu thực tế, ngay bản thân trong dự thảo hệ thống giáo dục còn rối rắm, chưa định hướng được sự phát triển chất lượng giáo dục Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về những vấn đề “tồn đọng” trong dự thảo, Báo GDVN đã ghi nhận những chia sẻ của TS Lê Viết Khuyến - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học.


TS Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (ảnh Kim Ngân).
TS Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (ảnh Kim Ngân).

- Thưa Tiến sĩ, Dự thảo Luật GDĐH còn điều gì chưa hợp lý, cần xem xét lại?


TS Lê Viết Khuyến: Từ thực tế nền giáo dục ở Việt Nam hiện nay, tôi thấy Dự thảo Luật GD có 3 điểm cần xem xét như sau:
Thứ nhất, hệ thống giáo dục giáo dục còn rối rắm, chưa định hướng được. Trong Luật giáo dục và trong các văn bản hiện hành, hệ thống còn mờ về triết lý, manh mún, thiếu hiệu quả. Nhiều khái niệm không định nghĩa một cách tường minh hoặc nếu có thì lại không chính xác, thậm chí sai.

Thứ hai, quyền tự chủ của các trường ngoài công lập (NCL) chỉ được xác lập theo hình thức, thông qua những quyết định trên trời, dễ dẫn đến hiện tượng tiêu cực “xin –cho”. Ví dụ, Điều 60 Luật Giáo dục (2005) quy định: “...Trường trung cấp, trường cao đẳng, trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy, học tập đối với các ngành nghề được phép đào tạo…”.

Nhưng tại Thông tư số 08/2011 của Bộ trường Bộ GD&ĐT quy định mở ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng lại bắt buộc những trường nếu không có đủ “ít nhất 5 giảng viên cơ hữu có bằng tiến sĩ, trong đó có ít nhất 1 giáo sư hoặc phó giáo sư hoặc tiến sĩ khoa học đúng ngành” thì phải gửi chương trình đào tạo đại học của mình về Bộ Giáo dục và Đào tạo để Bộ chỉ định một số cơ sở GDĐT khác thẩm định. Như vậy, thông tư 08 làm mất tự chủ cho các trường ĐH, CĐ.

Thứ ba, cơ chế “vừa đá bóng vừa thổi còi” của Bộ GD & ĐT. Tức là, Bộ Giáo dục vừa đưa ra luật, quy định lại vừa giám sát, kiểm tra. Công tác kiểm định đáng lẽ phải do các đơn vị kiểm định độc lập (tổ chức xã hội, hiệp hội…) thực hiện để đảm bảo khách quan và phải tập trung xem xét sự phù hợp giữa thực trạng với tuyên bố sứ mạng của nhà trường.

- Còn vấn đề phân tầng các trường, theo Tiến sĩ có nên hay không thực hiện sự phân tầng và hiện nay xu thế phân tầng giáo dục được thể hiện ở Việt Nam như thế nào?
TS. Lê Viết Khuyến: Phân tầng là tốt, không chỉ đối với các trường NCL mà đối với cả hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay. Một nền GDĐH phân tầng hoàn toàn không thể chấp nhận những cơ sở GDĐT chất lượng thấp. Phân tầng là gì? Đó có nghĩa là thừa nhận sự đa dạng về sứ mệnh của các cơ sở GDĐT. Nhưng trong dự thảo lại cho rằng, đó là xếp hạng chất lượng (đại học chất lượng cao và chất lượng thấp).

Thực tế, vấn đề phân tầng đại học được nhắc đến nhiều nhưng dường như chỉ dừng lại ở “ban phát” của Nhà nước. Hiện nay xu thế là tạo ra nền giáo dục đại chúng, nhiều loại đại học có sứ mệnh khác nhau. 

- Theo ông, các trường NCL nên phát triển theo hướng có lợi nhuận hay phi lợi nhuận?

TS. Lê Viết Khuyến: Theo Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ khẳng định phát triển mạnh các cơ sở NCL theo 2 loại hình: dân lập và tư nhân. Mỗi cơ sở ngoài công lập có thể hoạt động theo cơ chế lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận, nhưng ưu tiên hình thức phi lợi nhuận hơn.

Hiện nay, quy định còn mập mờ giữa trường phi lợi nhuận, lợi nhuận và các văn bản hiện nay giao cho các trường NCL chỉ xây dựng theo hướng phi lợi nhuận. Vì vậy, xuất hiện tình trạng là sau chuyển đổi ở một số trường ĐH Dân lập bị tuột khỏi tay những người thực sự có công lớn trong việc thành lập và xây dựng để rơi vào các nhà đầu tư nhiều tiền.

- Ở Điều 33, Luật giáo dục có đưa ra quyền tự chủ của các trường đại học, cao đẳng. Theo ông, quyền tự chủ của các trường NCL quy định như hiện nay đã thực sự rõ chưa?

TS. Lê Viết Khuyến: Quyền tự chủ được coi như là không khí, hơi thở. Quyền tự chủ được hiểu cho đúng là đưa ra khung chính sách và đưa ra những điều gì cấm, không được làm, còn những điều không cấm họ có quyền được làm. Tự chủ mà phải “xin phép”, phải được sự “cho phép”, chứ không phải là “đăng ký”, “công nhận”!?
Thực tế cho thấy rằng, nhiều trường NCL mất quyền tự chủ trong việc đào tạo, phát triển giáo dục. Ví dụ trong quy định về điều kiện tuyển sinh, về số % giảng viên cơ hữu để được mở ngành mới; quy định về trường phi lợi nhuận, lợi nhuận hoặc mập mờ quy định chuyển đổi trường dân lập sang tư thục…

- Vậy một hệ thống giáo dục đại học đa dạng, phân tầng phù hợp với Việt Nam cần những điều kiện gì, thưa Tiến sĩ?

TS. Lê Viết Khuyến: Cần phân loại theo cơ cấu tổ chức, hình thức các trường cần phân loại rõ các loại hình đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng (trong đó đại học và học viện có cơ cấu 3 cấp).

Phân loại theo sứ mệnh của loại hình: trường đại học quốc gia, trường đại học vùng, trường đại học (cao đẳng) ngành, trường đại học (trường cao đẳng) địa phương hay cộng đồng.

Phân loại theo đẳng cấp, tức là có các loại hình trường đại học nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng.

Theo sở hữu có các loại hình cơ sở GDĐH công và tư, trong đó các cơ sở GDĐH tư có thể hoạt động theo hai cơ chế: không vì lợi nhuận và vì lợi nhuận.

Theo phương thức tuyển sinh có các cơ sở GDĐH truyền thống và cơ sở GDĐH mở, từ xa.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!


NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Luật GD Đại học: Sao không chờ Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng?

Phân tầng trong dự luật giáo dục đại học sẽ dẫn đến cơ chế xin cho?

Những nữ sinh diện áo dài đẹp hơn cả Hoa hậu Mai Phương Thúy (P2)

Chùm ảnh: Sinh viên xuống đường kêu gọi "dừng xe, tắt máy"

Bức thư gửi mẹ đầy nước mắt của một ứng viên đề án 322

"Cậu ấm" chiếm trọn cảm tình của các Hoa khôi Hà Thành

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng




Kim Ngân (Thực hiện)