Nguyên Thứ trưởng Bộ GD: “Giáo dục phổ thông 11 năm là vừa đủ”

11/10/2012 06:01
Kim Ngân
(GDVN) - "Đổi mới chính là đổi mới tư duy nhà làm giáo dục. Rút ngắn thời gian đào tạo phổ thông còn 11 năm cũng như xây một ngôi nhà, đầu tiên phải có cột, kèo, có khung sau đó mới đắp da thịt...  chứ không phải đem những cái cũ để lắp vào cái mới".
LTS: Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) đang diễn ra, dự thảo Đề án đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện nhận được nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, tâm huyết của các chuyên gia đầu ngành về giáo dục. Báo Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận quan điểm, mong muốn của PGS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD & ĐT, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Ngoài công lập trong chuyên đề “Thất vọng và kỳ vọng nền giáo dục Việt Nam hiện nay”.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD & ĐT khẳng định giáo dục phổ thông nên rút ngắn còn 11 năm để phù hợp với hoàn cảnh nước ta. (ảnh Kim Ngân).
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD & ĐT khẳng định giáo dục phổ thông nên rút ngắn còn 11 năm để phù hợp với hoàn cảnh nước ta. (ảnh Kim Ngân).
- Trong lần chia sẻ gần đây, ông cho rằng giáo dục phổ thông nên học 11 năm. Tuy nhiên, cũng không ít người phản đối ý kiến đó, ông thấy sao?

Nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ: Tôi rất cảm ơn những người có ý kiến không đồng tình…Điều đó chứng tỏ vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục đúng là chỗ cần “gãi” hiện nay. Toàn xã hội quan tâm, cùng nhau tư duy, bàn bạc mới tìm ra cái mới, ra vấn đề. Cái mình sợ nhất là thái độ “makeno” (mặc kệ nó – PV). 

Xây dựng giáo dục cũng như làm một cái nhà. Đầu tiên phải có cột, có kèo, có khung, sau đó đắp da đắp thịt vào. Tôi nghĩ rằng giáo dục phổ thông 11 năm là vừa đủ. Khung thời gian được dựng, mình sẽ xem xét, sắp xếp, thay đổi chứ không phải đem những cái cũ để lắp vào. Tức là đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp…cơ chế quản lý điểu hành như thế nào, thi cử ra làm sao. 

Nói đơn giản là mình phải dọn một mâm cơm một cách hài hòa, ai ngồi vào ăn cũng thích, vừa có thịt, có cá, rau… 

- Vậy tại sao chúng ta dùng cái khung 11 năm chứ không phải 12 năm như các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, thưa ông?

Nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ: Thực tiễn, chúng ta đã có đào tạo 9 năm, 10 năm, 11 năm, 12 năm. Và trên thế giới cũng có. Có người thắc mắc, nước Mỹ tiên tiến vẫn 12 năm, vậy tại sao chúng ta lại không theo. Đối với tình hình nước ta hiện nay, bao nhiêu năm là vừa nếu chúng ta không đổi mới nội dung, phương pháp?

Đổi mới giáo dục trước hết phải đổi mới tư duy của nhà làm giáo dục. Sở dĩ 11 năm vì nó phù hợp với tâm sinh lý hiện nay, khoa học thời đại, định hướng phát triển của nhà nước là học tập suốt đời, cả xã hội học tập mà vẫn đảm bảo học sinh thành người.

Trước hội nghị Trung ương 6, vấn đề đổi mới giáo dục lại một lần nữa trở thành "điểm nóng". Giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu, là nền tảng cho sự phát triển của đất nước… tuy nhiên sau ba lần hô hào đổi mới thì cho tới nay nền giáo dục nước nhà vẫn còn bộc lộ quá nhiều bất cập. Đó là lý do vì sao Báo Giáo dục Việt Nam tổ chức chuyên đề “Thất vọng và kỳ vọng vào giáo dục Việt Nam”.

Mời các chuyên gia, độc giả quan tâm tới vấn đề đổi mới giáo dục Việt Nam gửi bài về toàn soạn theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn

GS Trần Hồng Quân:

GS Trần Hồng Quân: "Nền giáo dục hiện nay có nhiều lỗi hệ thống"

Kỳ vọng và thất vọng về giáo dục: Nguyên GĐ sở GD TP.HCM lên tiếng

Kỳ vọng và thất vọng về giáo dục: Nguyên GĐ sở GD TP.HCM lên tiếng

Thứ nhất, trẻ con ngày nay hoàn toàn thông minh, giỏi hơn ngày xưa. Dựa vào nhiều điều kiện khoa học công nghệ, tâm sinh lý để chúng ta có thể rút ngắn chương trình. Đổi mới cách dạy để rút ngắn thời gian… Chúng ta có cần đưa tất cả mọi thứ cho trẻ hay không, cái gì cần thì mới đưa chứ. Cách học hiện nay, cái cần thì không đưa, không cần thì cứ dồn rồi nhồi nhét. Học hết cấp 3 mà có nhiều kiến thức chẳng bao giờ…đụng đến! Mình vẫn bị tâm lý dạy là học để thi đại học, chứ không phải dạy để làm. Đó là nền giáo dục thi cử.
Thứ 2, có người nói Mỹ học 12 năm, tại sao mình lại học 10 năm? Làm sao mình có thể áp dụng khung của họ vào thực tiễn Việt Nam được. Mình phải học một cách sáng tạo chứ. 

Thứ 3, rút ngắn thời gian giáo dục phổ thông sẽ tiết kiệm được kinh phí. Hiện nay, Nhà nước dành 20 % ngân sách cho giáo dục, cũng đã “thắt lưng buộc bụng”, đòi hỏi hơn sao được. Nhưng vẫn không đủ. Làm thế nào để đủ? Thay đổi cách học, cách dạy. Đáng lẽ học 1 giờ, 2 giờ, giờ mình học 15 phút - 30 phút. Thay đổi khung, sau khi có khung thì lồng ghép, sắp xếp, thay đổi nội dung…như vậy mình có thể tiết kiệm chi phí.

- 12 năm dân đã kêu là nặng, giờ nếu rút xuống 10, 11 năm các em chịu sức ép còn tăng thêm nhiều hơn. Ông có nghĩ thế không?

Nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ: Tôi xin khẳng định lại là khi có khung chương trình mới, chúng ta phải thay đổi cả nội dung, phương pháp giảng dạy, cơ chế quản lý… Tức là dùng “da thịt” mới để đắp vào phù hợp, hoàn thiện chứ không phải “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Vì thế không thể là chắp vá cái cũ, lạc hậu để nặng hơn được, 11 năm vẫn đảm bảo chất lượng 12 năm, thậm chí còn hơn.

Cụ thể, đổi mới toàn bộ khối lượng kiến thức, dạy cho trẻ “câu cá” chứ không phải đưa con cá cho anh ta ăn. Trường nên dạy cách học, cách làm để ra đời anh tự học, rèn luyện, chứ không phải bày sẵn chỉ việc ăn. Cũng như người ta đưa cho mình chìa khóa, dạy mình cách mở khóa vào nhà chứ không phải đi đục tường hết chỗ này chỗ kia.

- Đã từng làm Thứ trưởng Bộ GD – ĐT nhiều năm, ông có đóng góp như thế nào về bước đầu tiên thay đổi cấu trúc giáo dục phổ thông 11 năm?

Nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ: Thay đổi phải từ từ, từng bước một, không thể làm ngay được và phải làm đến nơi đến chốn. Thay đổi từ khung – chương trình – nội dung – phương pháp – đánh giá. Từ 11 năm ta chia ra cấp 1 học 5 năm yêu cầu đến đâu; cấp 2 học cái gì, cấp 3 bắt đầu phân hóa, phân luồng. Phải xem cái nào phù hợp, cái gì bỏ thì bỏ, rồi chọn lọc chứ không phải đem cái cũ vào được.

Ví dụ, ngày xưa là phương pháp cũ – truyền thụ kiến thức, tức là thầy dạy trò nghe. Học ở lớp thì lơ là, học ở nhà là chính. Đôi khi tư cách của người thầy đi xuống vì đời sống kinh tế người ta quá khó khăn, thầy đọc trò chép… Nhưng bây giờ cần đổi mới cách dạy là thầy hướng dẫn, học sinh tư duy, tự học, trao đổi.

Hết cấp 1, cấp 2 nhà trường căn bản đã trang bị cho trẻ những kiến thức cơ bản để ra nghề, dạy nó biết lễ phép, hiếu thảo, tự lập… Sau đó cấp 3, phân hóa ra nhiều trường. Học và đánh giá thường xuyên, nhà trường đào tạo phục vụ cho xã hội, cho cá nhân. Đâu phải ai cũng có thể trở thành Ngô Bảo Châu. Trong số đại trà phải chọn ra tinh hoa được đào tạo để trở thành nhà bác học, nghiên cứu. Còn lại chia ra dạy nghề nghiệp, định hướng. Lúc đó, thầy sẽ ra thầy, thợ sẽ ra thợ. 

- Dự án sửa đổi bổ sung chương trình, nội dung sách giáo khoa được Bộ GD thực hiện từ năm 2001 – 2015, ước chừng sẽ tốn 70.000 tỷ đồng. Theo ông, việc xây dựng khung chương trình phổ thông 11 năm có mất quá nhiều thời gian và tiền của không?

Nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ: Người dân chờ quá lâu để có một bộ sách giáo khoa mới. Vấn đề là Bộ không biết thay đổi cái gì. Cho nên tôi hy vọng Đại hội 6, khóa XI khẳng định cụ thể mục tiêu đổi mới quản lý. Hoàn thành khung chương trình, tập hợp các chuyên gia lại cùng thảo luận, tích hợp như thế nào môn, giờ học như thế nào. Sẽ mất thời gian, nhưng chúng ta sẽ làm được.

Tôi nghĩ hãy làm đi, việc hôm nay đừng để đến ngày mai. Việc đầu tiên là xác định khung thời gian hệ thống giáo dục, phải xác định rõ yêu cầu cần thiết cho từng bậc học về kiến thức, kỹ năng…Nói thẳng thắn, thảo luận rồi thống nhất đi sâu vào chương trình. Ví dụ, cần dạy gì học sinh tiểu học về ngoại ngữ, giáo dục giới tính… Nếu áp dụng thực tế, 3 năm chúng ta sẽ làm được.

Điều quan trọng là người quản lý giáo dục đổi mới tư duy, suy nghĩ, biết cách làm. Phải thực sự tâm huyết, lăn lộn, day dứt với nó!

Kim Ngân