Nhà giáo Dương Quốc Việt luận bàn về dối trá

05/08/2018 07:34
Dương Quốc Việt
(GDVN) - Nói dối, hay sự dối lừa, được thể hiện ra muôn hình vạn trạng, với mục đích khác nhau. Nhưng tất cả chúng đều sinh ra từ những dục vọng căn bản của con người.

LTS: Nhà giáo Dương Quốc Việt gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết mới nhất của ông về những nhìn của sự dối trá.

Tòa soạn xin trân trọng cảm ơn thầy Dương Quốc Việt. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Tòa soạn trân trọng gửi đến quý độc giả. 

Trung thực và dối trá, luôn song hành cùng với con người, đó là một thực tế.

Nhân loại đã để lại bao tấm gương hy sinh vì lẽ phải, vì chân lý, mãi mãi được lịch sử ghi nhận.

Còn dối trá và tác hại của nó, thì bất kỳ ai trong chúng ta, cũng có thể đưa ra vô vàn ví dụ từ trong lịch sử, trong cuộc sống, hay trong chính những trải nghiệm của mình.

Nhưng, đứng trước hai hiện thực song hành: trung thực và dối trá, con người nên nhìn nhận và ứng xử ra sao, rõ ràng đó là một vấn đề không đơn giản.

Nhìn nhận về sự dối trá và trung thực (Ảnh minh họa: DAD).
Nhìn nhận về sự dối trá và trung thực (Ảnh minh họa: DAD).

Nó cũng cần phải được giáo dục và xem xét như những vấn đề khách quan khác, để con người bớt đi những đổ vỡ, bi kịch không đáng có.

Những huyền thoại

Xin được bắt đầu vấn đề, từ hai câu chuyện sau:

Một lần Tào Tháo dẫn đại quân đánh Trương Tú, trên đường hành quân, quân sĩ đã ba ngày không được uống đủ nước, khiến miệng khát khô bỏng, bởi vậy tinh thần quân sĩ giảm sút rõ rệt.

Khi đó, trên lưng ngựa bỗng Tào Tháo chỉ về phía trước mà nói: trước đây ta đã đi qua chỗ này, nhớ lại phía trước có rừng mơ.

Binh sĩ nghe thấy thế mà tinh thần phấn trấn, miệng ứa ra nước bọt làm giảm cơn khát, hăng hái đi về phía trước. Để rồi cuối cùng họ đã tìm thấy nguồn nước.

Một câu chuyện khác về nghĩa quân Lam Sơn: Buổi đầu Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, lòng người còn phân tán hoài nghi.

Vì thế để tụ hợp lực lượng, Nguyễn Trãi đã cho người lấy mỡ viết vào lá rừng tám chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”, nghĩa là "Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi".

Nhà giáo Dương Quốc Việt luận bàn về dối trá ảnh 2Đâu rồi, lòng trung thực?

Côn trùng ăn mỡ thành ra khoét lá rỗng thành chữ, lá rụng trôi theo các ngả dòng đi khắp mọi nơi.

Người người nhìn thấy lá với tám chữ ấy, cho là Trời muốn cứu dân, nên đã sai Lê Lợi, Nguyễn Trãi giáng trần trừ bạo, nên đã rủ nhau ùn ùn về Lam Sơn tụ nghĩa.

Dối lừa một thuộc tính bản năng

Trong cuộc sinh tồn khốc liệt, loài nào cũng có bản năng che đậy cho mình. Riêng với loài người, cao cấp hơn do có trí tuệ, vì vậy mà Yudhijit Bhattacharjee - không chỉ là một nhà văn nổi tiếng, ông còn là người viết các tiểu luận về khoa học cho các tạp chí:

The New Yorker, New York Times, và National Geographic, Wired và các tạp chí khác của Mỹ, trong một bài đã đăng trên tạp chí National Geographic, ông đã viết:

"Sự lươn lẹo và không thành thật khiến chúng ta là con người" và "Khả năng lôi kéo người khác mà không cần dùng sức được xem là một lợi thế trong cuộc tranh giành tài nguyên và bạn tình, như sự tiến hóa của các chiến thuật lừa dối trong thế giới loài vật, ví dụ như ngụy trang".

Còn Sissela Bok - nhà đạo đức học Mỹ, thì đã kiến giải: “Nói dối dễ dàng hơn nhiều so với những cách khác trong việc đạt được mục đích, chẳng hạn như lừa đảo thì dễ hơn rất nhiều so với việc cướp của hay cướp nhà băng”.

Nhiều công trình thực nghiệm đã chỉ ra rằng, con người biết nói dối từ rất sớm, bởi nói dối là một trong những cách để con người đạt được mục đích.

Vả lại con người còn bị chi phối bởi hai thị dục căn bản nhất, là “tình dục” và “thị dục huyễn ngã” (lòng mong muốn được người khác cho mình là vẻ vang, quan trọng) như Sigmund Schlomo Freud (1856-1939) đã chỉ ra, trong đó “Thị hiếu mạnh nhất của con người là thị dục huyễn ngã” - điều mà John Dewey (1859-1952) đã nhấn mạnh.

Vì thế mà có phải chăng khao khát công danh - sang giàu - quyền lực, luôn đi cùng với con người?

Rằng cũng có phải chính những khao khát này, mà con người đã phải sử dụng mọi biện pháp, trong đó có cả biện pháp lừa dối?

Nhà giáo Dương Quốc Việt luận bàn về dối trá ảnh 3Dối trá, gian manh, độc ác... cũng chỉ vì tiền

Nói dối, hay sự dối lừa, được thể hiện ra muôn hình vạn trạng, với nhiều mục đích khác nhau. Nhưng tất cả chúng đều sinh ra từ những dục vọng căn bản của con người.

Và cũng vì những dục vọng của mình, nên con người hoang tưởng, hám lợi, háo danh, thích được đề cao, bởi thế nên cũng rất dễ bị lường gạt.

Rồi nhẹ dạ và cả tin cũng là những bản năng của con người, khiến dối lừa luôn tìm được đất sống.

Chưa kể cũng có không ít người, do trưởng thành trong môi trường giáo dục và văn hóa nào đó, nên đã luôn cho rằng phần lớn hành động của con người đều chân thật.

Hay do ưa thích những thông tin phù hợp với lập trường của bản thân, cũng khiến con người dễ bị mắc lừa...

Tóm lại nếu như có vô vàn kiểu lọc lừa, thì cũng có vô vàn trạng thái tâm lý khiến con người bị mắc lừa.

Những nhìn nhận và sự chung sống 

Rõ ràng không phải nói dối lúc nào cũng xấu, cũng như không phải lúc nào nói thật cũng tốt.

Trong thực tế, nói dối có khi lại là cách tối ưu để bảo vệ quyền riêng tư, bảo vệ không chỉ bản thân, mà còn cả người khác thoát khỏi những điều tồi tệ.

Chưa kể trong không ít trường hợp, trong lịch sử, trong một bối cảnh đặc biệt nào đó, thì nói dối còn như một giải pháp hữu ích, nhằm tập hợp công chúng, hay thay đổi tình trạng tiêu cực của đám đông, như hai câu chuyện lịch sử đã dẫn ra ở trên.

Và tất nhiên những lời nói dối trơ trẽn, lặp đi lặp lại sẽ vô cùng tai hại, bởi nó làm hao mòn sự thật, hủy hoại niềm tin - một thứ keo liên kết trong xã hội.

Tò mò muốn biết sự thực cũng là một bản năng của con người. Và nhờ bản năng này, mà con người đã thu được nhiều khám phá to lớn, trong quá trình phát triển của mình.

Tuy nhiên, nếu chỉ một mực đề cao sự thực, mà không chấp nhận bất cứ một dối lừa nào, thì rõ ràng đó cũng là một thái độ không đáng được khuyến khích.

Nhà giáo Dương Quốc Việt luận bàn về dối trá ảnh 4Đừng buộc các thầy cô làm điều gian dối

Trở lại hai câu chuyện lịch sử, bây giờ nếu giả sử vào những thời điểm ấy, có kẻ tỏ ra thông tuệ, nhận biết được đó là những dối lừa, mà đứng ra vạch vòi, phản kháng, làm lộ “cơ mưu” thì liệu có đáng chém hay không?

Quả thật mặc dù hai mưu kế trên, đều là những dối lừa ngoạn mục, nhưng rõ ràng, dẫu là những kẻ “hủ nho” nhất, hay những kẻ tôn thờ sự trung thực tới mức ngớ ngẩn - cuồng dại nhất của mọi thời, cũng không thể dám mang ra báng nhạo.

Nhận biết những dục vọng của con người, cũng như những thuộc tính gắn liền với con người, như những vũ khí sinh tồn, làm thỏa mãn dục vọng của mình, rõ ràng là điều rất cần thiết.

Và thật nguy hại, nếu đâu đó, ở nơi này, nơi khác, hữu ý hay vô tình, lảng tránh những hiện thực khách quan tồn tại trong mỗi cá nhân con người, thì đó chỉ mang lại những thảm họa.

Nếu coi “dối lừa” và “nhẹ dạ, cả tin” là những thuộc tính thuộc về bản năng của con người, thì rõ ràng giáo dục không thể không dạy con người cách sử dụng, nhận biết, cũng như phòng chống, hay kìm nén chúng.

Đến đây, mỗi người chúng ta, thử nghĩ xem, xã hội loài người, sẽ ra sao, nếu mọi lời nói, mọi thái độ, mọi hành xử, đều là thật? Và ngược lại, xã hội cũng sẽ ra sao, nếu tất cả mọi người cùng nói dối?

Xin mỗi người hãy tự trả lời!

Biết nghi ngờ là rất cần thiết, nhưng con người cũng không thể thiếu lòng tin, bởi như Bhattacharjee đã nói:

"Khi không có niềm tin trong giao tiếp giữa người với người, chúng ta sẽ là những cá thể bị tê liệt và ngừng các mối quan hệ xã hội".

Dục vọng của con người là vậy, hành trang - vũ khí của con người là vậy, nhưng con người, lại cần phải chung sống và phát triển trong xã hội của mình, vì thế nó cần phải được thỏa hiệp, cần phải tuân thủ những quy tắc - luật pháp, và cao hơn là đôi khi cũng cần phải được giám sát.

Bên cạnh đó, con người cũng rất cần sớm được học hỏi - răn dạy, trong những môi trường giáo dục và văn hóa văn minh của mình.

Nhà giáo Dương Quốc Việt luận bàn về dối trá ảnh 5Ngộ nhận là mẹ đẻ của thất bại

Cuộc chiến với dục vọng

Thật nguy hại biết bao, nếu người ta giáo điều – chủ quan về bản thân mình, cũng như người khác, mà không chịu trói buộc bởi những nguyên tắc, cũng như những hiểu biết cần thiết.

Cha ông ta đã từng răn dạy và cảnh báo về những cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”, hay “ai học được chữ ngờ.”

Bởi, hoàn cảnh luôn nảy sinh những cơ hội, trong khi đó, mọi dục vọng bản năng vẫn còn đó trong mỗi con người, vì thế mà nguy cơ mắc tội, cũng như mắc lừa, luôn thường trực, mà con người cần phải biết, để không chỉ chế ngự, phòng chống, mà còn biết chấp nhận, khoan dung.

Hành động: “Gửi trứng cho Ác”, không chỉ có hại “trứng”, mà còn làm cho “Ác” đắc tội thêm.

Hay cái cảnh trong câu chuyện “Truyện anh chàng hiếu kỳ khờ dại”- trong tiểu thuyết nổi tiếng “Don Quijote xứ Mancha” của nhà văn Tây Ban Nha-Miguel de Cervantes y Saavedra (1547-1616), kể về một anh chàng, có người vợ lý tưởng: xinh đẹp - nết na - đức hạnh và một người bạn lý tưởng - một trang nam nhi - quân tử - tài ba - tuấn tú, vì hiếu kỳ -muốn thử sự trung thành của vợ và bạn, nên đã cố tình tạo ra hoàn cảnh, để cặp trai tài gái sắc này chung sống trong cùng một mái nhà, khi anh ta xa vắng.

Thế rồi cái gì đến đã đến, do không thể kiềm chế được dục vọng bản năng, cặp đôi đó đã “đắc tội” và phản bội lại chính anh ta. Chiến thắng dục vọng luôn là vấn đề không đơn giản.

Người anh hùng Odysseus trong cuộc chiến thành Troy - được kể trong hai sử thi Iliad và Odyssey nổi tiếng của Homer (850 - Trước công nguyên - Hy Lạp), bản lĩnh là vậy, mà chàng cùng với những người đồng hành của mình, vẫn cần phải bịt tai, buộc chặt thân thể, khi đi qua vùng biển có các nàng tiên cá Siren - thân hình tuyệt đẹp - cùng giọng ca tuyệt vời.

Rõ ràng “Gửi trứng cho Ác”, hay “Truyện anh chàng hiếu kỳ khờ dại”, đều phản ánh một thực tế, về những kẻ chủ quan - ngu ngốc, xa rời với bản chất con người, mà gây cảnh đau thương tội lỗi.

Còn câu chuyện về người anh hùng Odysseus, đã thể hiện cái nghiệt ngã mà con người phải đối mặt, khi phải khống chế dục vọng.

Cũng như biết bao câu chuyện khác quanh ta, đã như những thông điệp, cảnh báo về sự trỗi dậy thường trực của dục vọng con người, khi cơ hội đến.

Và trong thời đại của các trang mạng xã hội, thì chính bản tính “nhẹ dạ, cả tin”, “tâm lý bầy đàn”, “hiệu ứng đám đông”, hay ưa thích những tin tức mù mờ - nhưng hợp với quan niệm của mình..., sẽ là những thuộc tính bản năng, làm bùng nổ sự lan truyền những tin tức thất thiệt trong cộng đồng mạng.

Nhà giáo Dương Quốc Việt luận bàn về dối trá ảnh 6Vụ nâng điểm ở Sơn La khác Hà Giang ở điểm nào?

Gần đây, biết bao vụ việc được phanh phui, như cái cảnh gian lận trong thi cử.

Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, câu chuyện gian lận trong thi cử, là một câu chuyện của muôn thời.

Trước những kỳ thi gắt gao, cạnh tranh, sống còn, con người nói chung, thường tìm mọi cách, kể cả mắc lỗi, để nhằm đạt kết quả cao nhất cho mình, đó là một thực tế, không hoàn toàn đáng trách.

Vấn đề là ở chỗ, cần phải nhận ra bản chất đó, để trước hết không được “gửi trứng cho Ác”, hay “mỡ để miệng mèo”.

Nhiều người cho rằng, gian lận và tiêu cực ở tất cả các lĩnh vực ngày nay, đó là vì một mặt, quản lý - giáo điều và xa rời thực tiễn, dẫn đến “Gửi trứng cho Ác”, hay cảnh trong “Truyện anh chàng hiếu kỳ khờ dại”, cùng với vấn đề giám sát con người bị buông lỏng.

Và hơn tất cả, phải chăng người ta đã sắp đặt con người sai vị trí?

Bởi, mỗi một vị trí - quyền lực nhất định, cần phải có những phẩm chất tương thích, để con người có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Rõ ràng hoàn cảnh, luôn tạo nên những cơ hội, đánh thức dục vọng bản năng, nhưng con người chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh của mình, nếu biết tự tạo ra những cơ chế - rào cản, kiểm soát được những dục vọng của chính mình, như cái điều mà Odysseus cùng với thủy thủ đoàn đã làm, trên đường về quê hương của họ.

Dương Quốc Việt