Nhận thức của các bậc phụ huynh là thứ phải lập tức thay đổi

01/08/2017 07:19
Sông Mã
(GDVN) - Với tâm lý lo lắng, sợ con học không tốt và muốn con giỏi hơn bạn, nên nhiều bậc phụ huynh đã gây áp lực và ép trẻ phải đi học thêm.

LTS: Phản ánh vấn nạn học thêm đang diễn ra phổ biến và tràn lan trong ngành giáo dục, tác giả Sông Mã cho rằng: Từ trước đến nay, mỗi khi nói đến áp lực học thêm của học sinh thì dư luận lại chĩa mũi nhọn về phía thầy cô giáo.

Nhưng, mấy ai hiểu và thừa nhận để tình trạng dạy thêm, học thêm xảy ra tràn lan và trở thành điểm nóng như hiện nay, một phần là “nhờ” sự tiếp tay đắc lực của nhiều phụ huynh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Vấn nạn học thêm luôn đè nặng trên vai của các em học sinh từ bậc học này sang bậc học khác (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)
Vấn nạn học thêm luôn đè nặng trên vai của các em học sinh từ bậc học này sang bậc học khác (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)

Học 2 buổi/ ngày đã đáp ứng đủ kiến thức kĩ năng

Phần lớn học sinh tiểu học hiện nay đã được học 2 buổi/ngày. Buổi sáng, các em sẽ học các tiết chính, buổi chiều thường là các tiết ôn tập đan xen được gọi là tiết bổ sung.
 
Nếu theo dõi kĩ thời khóa biểu, chúng ta sẽ thấy các tiết học được sắp xếp đan xen một cách rất hợp lý. Sau một, hai tiết học bài mới, sẽ có các tiết ôn tập lại những kiến thức đã học hoặc kiến thức chưa học xong ở buổi chính khóa. 

Thường thì buổi sáng các em đã được học bài mới, buổi chiều sẽ là các tiết ôn tập lại kiến thức đã học. Thầy cô có nhiệm vụ kèm cho những em học sinh yếu nắm vững kiến thức cơ bản. Đồng thời, bồi dưỡng thêm cho các em học sinh giỏi một số kiến thức nâng cao.

Bởi thế, với học sinh tiểu học đã được học 2 buổi/ngày thì chẳng cần phải cho các em học thêm

Sợ con thua thiệt

Dù cho các con đã được học, được ôn luyện cả ngày, nhưng bố mẹ vẫn chưa yên tâm. Với tâm lý lo lắng, sợ con học không tốt và muốn con giỏi hơn bạn, nên nhiều bậc phụ huynh đã gây áp lực và ép trẻ đi học thêm vào các buổi tối. 

Có nhiều giáo viên vì thương học trò phải học tập cả ngày vất vả nên đã tư vấn rằng: “các em cần được nghỉ ngơi, những kiến thức cơ bản cần phải nắm đã được giải quyết ngay trên lớp”. Nhưng, không phải phụ huynh nào cũng chịu nghe. 

Ngày nào cũng thế, khi các em tan học lúc 5 giờ chiều, thì bố mẹ đã chờ sẵn ngoài cổng trường rồi chở vội con đi ăn để kịp giờ vào lớp học thêm. 

Hôm thì vào hàng bún phở, hôm hàng cháo, có những hôm chỉ kịp cho con ăn cái bánh hay bắp ngô luộc vừa nhai nhồm nhoàm vừa vội vàng bước vào lớp.

8 giờ tối, sau khi các con tan học, bố mẹ đến đón và đưa chúng về nhà tắm rửa, ăn uống. Có lẽ, do mệt nên nhiều em vừa ăn vừa ngủ gục trên bàn.  

Nhiều thầy cô không cho bài tập về nhà, phụ huynh gọi điện “chất vấn” hoặc trực tiếp đến trường yêu cầu cô phải giao bài tập cho các em làm thêm buổi tối, sáng mai nhờ cô kiểm tra giúp. 

Phụ huynh thường hay “suy diễn” lời nói của cô khi trao đổi về lực học của các em trên lớp, thường thì giáo viên mong muốn sự hợp tác từ phía gia đình, cùng hỗ trợ để kèm thêm cho một số em chậm tiến thì phụ huynh lại nghĩ: “Chắc cô gợi ý cho con đi học thêm!”.

Nhận thức của các bậc phụ huynh là thứ phải lập tức thay đổi ảnh 2

Hè chưa về phụ huynh đã nháo nhác tìm lớp học cho con

Ở trường, không phải thầy cô nào cũng dạy thêm, vì thế, nếu cô chủ nhiệm không dạy, phụ huynh cũng sẽ gửi giáo viên khác.

Nếu ai đó đi dạo một vòng quanh thị xã quê tôi vào mỗi buổi tối, những điểm dạy thêm thường đông nghẹt học sinh lại toàn là lớp học của mấy giáo viên về hưu. 

Thường thì những em học sinh đã học giỏi, phụ huynh càng ép con học nhiều hơn. Nếu nhìn thấy cảnh các em vừa làm bài, vừa ngủ gục trên bàn, mới thấy xót xa nhường nào.

Nhiều em tiểu học đi học thêm nhưng cũng chẳng tiến bộ là bao, do số lượng học sinh đăng ký không nhiều, giáo viên không thể phân theo trình độ, nên buộc phải dạy theo cách “thập cẩm” giỏi hay yếu gì cũng làm mấy bài toán và viết bài chính tả cho chương trình ngày kế tiếp là xong. 

Chưa nói đến việc, cô dạy đủ khối lớp, giảng cho nhóm này, rồi chạy qua nhóm khác…Nhiều gia đình khá giả, mải lo làm ăn buôn bán nên muốn gửi con cho thầy cô cả ngày, vừa lo ăn uống, tắm giặt, đến sửa soạn bài vở cho các em. 

Học sinh tiểu học do bố mẹ ép phải đi học thêm, nhưng còn các em ở bậc trung học cơ sở thì sao? Do áp lực về điểm số, nhiều em phải theo học một số môn mặc dù mình không thích. 

Nếu chỉ đi học chính khóa, bài kiểm tra dù là học sinh giỏi cũng chỉ làm được khoảng 8 điểm là cao. Trong khi đó, đề ra bao giờ cũng có 2 câu nâng cao mà phần này bạn nào đi học thêm mới được nghe cô giảng. 

Thường thì các trường cấp 2 mở trung tâm dạy thêm ngay tại trường, vì thế hàng đêm, học sinh đi học đông như “trẩy hội”. Em này đi học, em kia cũng phải đi và thế là học thêm lại trở thành phong trào để được “bằng chị bằng em”.

Những học sinh nào cần phải học thêm?

Đối tượng phải đi học thêm đầu tiên là những học sinh có lực học yếu - kém. Nhưng trong thực tế, những học sinh này lại rất ít đi học. Có giáo viên tình nguyện dạy không công nhưng nhiều khi các em vẫn không chịu đi học mà gia đình học sinh cũng chẳng thiết tha gì. 

Nhận thức của các bậc phụ huynh là thứ phải lập tức thay đổi ảnh 3

9 năm con là học sinh giỏi, giờ tôi mới biết sự thật

Có phụ huynh còn thẳng thừng chia sẻ: “nó học được chữ nào thì được cô ơi! Tụi tôi cũng chẳng ép làm gì”.
Một lý do khác để phần lớn học sinh yếu không đi học thêm là do kinh tế gia đình của các em còn rất khó khăn, bố mẹ không có công ăn việc làm ổn định nên không có tiền đóng học phí. 

Nhiều giáo viên cũng không muốn dạy những học sinh này vì cho các em học chung với những bạn khác sẽ không đảm bảo được chất lượng và hiệu quả. Mà tách riêng để kèm các em thầy cô lại không có nhiều thời gian.

Đối tượng cần đi học thêm lại là những học sinh giỏi muốn tích lũy thêm kiến thức nâng cao. Những kiến thức này, thầy cô không đủ thời gian để dạy trên lớp và cũng không thể dạy đại trà cho mọi đối tượng học sinh được. 

Vậy, phải làm thế nào để chấm dứt được tình trạng dạy học thêm tràn lan như hiện nay? Khi mà các vị phụ huynh có nhu cầu thì việc dạy thêm sẽ khó mà chấm dứt. 

Sông Mã