Nhiều băn khoăn của nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục với Kỳ thi quốc gia

08/07/2015 06:51
Xuân Trung
(GDVN) - Kỳ thi THPT quốc qua mục tiêu nhẹ nhàng chưa đạt được, hơn nữa còn tăng học lệch, học sinh chỉ học 4 môn bắt buộc.

Đây là quan điểm của ông Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khi chia sẻ những điều còn băn khoăn sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Kỳ thi THPT quốc gia đã khép lại với những điểm mới. Bên cạnh những điều được xã hội ghi nhận như rút ngắn được thời gian thi, thí sinh đỡ đi lại nhiều giữa các tỉnh, thành, hạn chế được học thêm, dạy thêm (theo báo cáo của Bộ GD&ĐT).

Ty nhiên, khi kỳ thi kết thúc vẫn còn đâu đó những tâm tư, những chia sẻ băn khoăn của những người làm giáo dục, tâm huyết với giáo dục. Những điều boăn khoăn này khó có thể diễn tả hết trong một bài viết.

Dưới đây, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, ông thừa nhận kỳ thi có đổi mới nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để rút kinh nghiệm cho năm tới.

Chưa đạt được mục tiêu

PV: Bằng kinh nghiệm và vai trò của một nhà giáo dục, ông nhận đình như thế nào về Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua? Ông còn băn khoăn điều gì?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Như vậy Kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã kết thúc, tính cả ngày chuẩn bị là 5 ngày. Tôi thấy thí sinh cũng phải tập trung về các cụm, nói là nhẹ nhàng nhưng cảm giác vẫn nặng, tôi thấy vẫn có những hội đồng tập trung chỉ có 1 thí sinh.

Mục tiêu nhẹ nhàng chưa đạt được, hơn nữa còn tăng học lệch, học sinh chỉ học 4 môn bắt buộc. Học sinh học lệch từ năm lớp 10, các trường phổ thông mới cảm thấy đau xót. Hơn nữa trong khi chương trình hiện tại chưa phải là phân hóa, vẫn là dạy đến kiến thức lớp 12.

Thực tế học sinh không học nhưng Bộ bắt các em phải học, trường bắt học sinh phải học, thầy phải dạy. Nhiều trường dạy các môn mà học sinh không muốn học, thầy cũng khổ. Nếu Bộ đã phân hóa thì hãy phân hóa thực sự đi. Có thể phương thức thi như THPT quốc gia lần này sẽ ảnh hưởng tới lớp học sinh hiện tại.

Ông Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, thi phổ thông nên giao về địa phương làm. Ảnh Xuân Trung
Ông Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, thi phổ thông nên giao về địa phương làm. Ảnh Xuân Trung

Tâm lí chung, nếu học sinh không học không lẽ thầy giáo lại cho điểm 0 hết lượt? Như vậy thầy cũng tiêu cực trong câu chuyện này. Do đó, cơ bản đổi mới không đúng, đổi mới phải làm cho toàn diện, phát triển, vừa nhẹ nhàng.

Tôi vẫn bảo, ngay từ đầu chúng ta có chủ trương phân thành hai cụm thi đã gây cho học sinh một tâm lí. Các em học ở phổ thông, nhưng ngay ở phổ thông đã bị phân biệt đối xử (loại thí sinh dự thi cụm địa phương xét tốt nghiệp và loại thí sinh dự thi do Đại học chủ trì xét vào các trường đại học, cao đẳng). Chủ trương này đưa ra là tự Bộ GD&ĐT mâu thuẫn với nhau.

Các địa phương, các Sở GD&ĐT không được tự tổ chức thi để kiểm tra xem công tác giảng dạy như thế nào, mà Bộ GD&ĐT bảo địa phương phải phối hợp với các trường để tổ chức thi, trong khi các trường đại học không trực tiếp giảng dạy học sinh phổ thông thì được đưa về làm những việc thay cho địa phương.

Ngay từ những việc như thế đã không đúng. Bây giờ thi phổ thông để đảm bảo chất lượng (tổ chức thi, đề thi, chấm thi…), đề thi là do Bộ ra cho cả nước thì hãy giao cho các địa phương tổ chức, trường nào lớn thì tổ chức ở trường, trường nào nhỏ có thể gộp 2-3 trường. Địa phương tổ chức xong thì tự đánh giá, nếu chấm thi không tin thì có thể chấm chéo giữa các địa phương.

Trên thế giới các nước cũng làm như vậy. Nếu sợ tiêu cực thì chúng ta phải làm nghiêm khắc. Tôi thấy năm nay số lượng thí sinh vi phạm quy chế thi tăng gấp vài lần năm trước. Thực ra, số tiêu cực có thể 100 hay 1.000 thí sinh trên tổng số 1 triệu thí sinh là con số rất nhỏ, vấn đề này không nên đánh giá.

Số lượng thí sinh vi phạm năm nay gấp 3 lần năm trước liệu có phản ánh công tác coi thi nghiêm túc hơn hay không?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Cũng chưa hẳn. Lỗi của thí sinh phần lớn là không chấp hành quy định,như mang điện thoại vào phòng thi. Những vi phạm nói đúng ra là thi không được nghiêm túc nên mới xảy ra.

Hay như các cụm thi địa phương tổ chức có ít thí sinh vi phạm hơn cụm thi đại học tổ chức cũng chưa phản ánh đúng thực tế là địa phương coi lỏng hơn.

Phản ánh từ nhiều nhà giáo và thí sinh cho rằng, đề thi năm nay dễ đối với thí sinh chỉ cần tốt nghiệp và khó với thí sinh lấy điểm xét đại học, cao đẳng. Như vậy, có thể các trường đại học sẽ rất khó lựa chọn thí sinh theo đúng năng lực để vào trường?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Vấn đề này từ Bộ mà ra, Bộ muốn như vậy. Bộ ra đề dễ đó là một thước đo không đúng với trình độ học sinh. Lỗi này không phải ở dưới các trường đại học khó tuyển mà là từ người chỉ đạo.

Đề dễ sẽ không đánh giá được chất lượng học sinh. Nếu như đề thi ra theo mức độ khó hình đồ thị đi lên để phân hóa thì mức độ đề này chỉ là mũi tên chạy ngang và vọt lên bất chợt, như thế là không phân hóa được thí sinh.

Ra đề như năm nay thì tỷ lệ phân hóa là ít, trong khi đó mục tiêu chúng ta lấy số lớn vào các trường đại học, cao đẳng. Thi là để sàng lọc và đề dễ thì không có ý nghĩa gì cả.

Giao về cho địa phương

Ông nghĩ sao về một kỳ thi đơn giản, gọn nhẹ?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Học sinh trong quá trình học ở phổ thông đã được đánh giá cả trong quá trình. Việc này để đảm bảo học sinh phải phấn đấu một cách liên tục, kết quả này phải từ lớp 10 chứ không chỉ coi như là lớp 12.

Cả quá trình này chúng ta không nên lãng phí, không nên bỏ đi và nên sử dụng hết để đánh giá học sinh. Việc sử dụng bao nhiêu phần trăm thì chúng ta phải tính.

Toàn bộ khâu tổ chức thi hãy giao cho cơ quan phụ trách giảng dạy, chính là các Sở GD&ĐT, các UBND, như thế Bộ GD&ĐT đâu có vất vả, phải tính điều này điều kia, phải huy động cả hệ thống?

Nhiều băn khoăn của nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục với Kỳ thi quốc gia ảnh 2

Những câu hỏi khó của thầy Văn Như Cương với Kỳ thi quốc gia

(GDVN) - Nhà giáo Văn Như Cương bằng kinh nghiệm, quan sát của mình đã đặt ra hàng loạt câu hỏi liên quan tới Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.

Thêm nữa, muốn rèn kỹ năng cho học sinh khi học sinh thi xong cho học sinh đi lao động một thời gian trong lúc chờ công bố điểm thi. Cho học sinh về các vùng nông thôn để thấy người dân cực khổ ra sao, ăn ở, lao động với người dân như thế nào. Một triệu học sinh mà ra quân như vậy là chúng ta có thêm hàng nghìn ngày công.

Trường đại học cũng cần căn cứ trên quá trình học của học sinh, căn cứ trên điểm thi tốt nghiệp, căn cứ thêm vào các hoạt động ngoại khóa.

Bằng kinh nghiệm của ông, ông có thể dự đoán tỷ lệ đỗ năm nay sẽ như thế nào?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Nếu ở hai cụm thi thì tôi nghĩ tỷ lệ đỗ sẽ lệch nhau, tỷ lệ đỗ ở cụm thi địa phương sẽ cao hơn cụm thi đại học.

Tuy nhiên, tỷ lệ đỗ giữa các cụm còn phụ thuộc vào công tác chấm thi.  Tùy theo sự chỉ đạo chấm của Bộ, nếu chấm thật chặt theo đúng brem thì sẽ khác, nếu chỉ đạo không chặt thì ở địa phương tâm lí thành tích vẫn còn nặng nề.

Thực ra cho thí sinh 4-5 hay 6 điểm chỉ là cảm quan là nhiều. Thực ra phổ thông chỉ làn sàn ban đầu, chính vào đại học mới là sàn thứ 2. Nhưng sàn quan trọng nhất là quá trình đào tạo đại học, tốt nghiệp đại học là một sàn nữa thì sản phẩm ra mới có chất lượng.

Vậy có cần bỏ thi tốt nghiệp hay không, thưa ông?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Theo tôi không nên bỏ, vì đã học là có thi, quan trọng chúng ta làm thật nhẹ nhàng, chứ bỏ thi là học sinh sẽ không học. Quan điểm của tôi vẫn là khi học xong lớp 12 địa phương đứng ra tổ chức thi, Bộ GD&ĐT ra đề, thậm chí sau này là ngân hàng đề để chọn lựa.

Trong câu chuyện tổ chức thi phổ thông, ông có kiến nghị gì không?

Ông Trần Xuân Nhĩ: Kết quả của kỳ thi THPT lần này chắc chắn xã hội sẽ lên tiếng, và tôi nghĩa năm tới không nên áp dụng vì chỉ làm cho học sinh học lệch.

Thứ nhất, cần loại bỏ ngay tư tưởng phân biệt học sinh ở hai cụm thi. Bậc phổ thông phải tạo ra sự bình đẳng.

Thứ hai, bỏ ngay việc có hai cụm thi (địa phương và đại học). Giao cho địa phương tổ chức thi.

Thứ ba, quay trở lại thi 5 môn bắt buộc và 2 bài thi tự nhiên và xã hội. Như thế mới đảm bảo cho học sinh học một cách toàn diện. Kết quả thi này sẽ giao cho các trường đại học tự chủ căn cứ vào kết quả đó để tuyển chọn.

Nếu trường đại học cần kiểm tra thêm gì thì kiểm tra, nếu không cần thi thôi. Và trong quá trình đào tạo sẽ có đào thải.

Trân trọng cảm ơn ông.

Xuân Trung