Nhiều phụ huynh đang chạy hết tốc lực để con được vào lớp 10

27/05/2018 07:57
KIÊN TRUNG
(GDVN) - Ở các địa phương, năm nào cũng xuất hiện tình trạng một số phụ huynh “chạy” cho con em trúng tuyển trong kỳ thi tuyển sinh vào 10...

LTS: Mức độ quan trọng của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 khiến không chỉ thí sinh mà phụ huynh cũng đứng ngồi không yên.

Vì thế, vấn nạn chạy điểm trong kỳ thi này càng trở nên phức tạp hơn.

Toà soạn trân trọng gửi đến bài viết của thầy Kiên Trung với mong muốn vấn nạn này sớm được ngăn chặn.

Đầu tháng 6 tới, nhiều tỉnh, thành trong cả nước tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường trung học phổ thông công lập.

Năm nay, Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là hai địa phương có số lượng thí sinh dự thi vào lớp 10 đông nhất và nhiều trường trung học phổ thông có tỉ lệ chọi khá cao (5 em lấy 1 em).

Đây là kỳ thi tuyển nên các Sở Giáo dục và Đào tạo thường giao quyền tự chủ cho các trường có tổ chức thi.

Hầu hết các phụ huynh đều mong muốn con em mình được vào học các trường trung học phổ thông công lập, vì mức đóng học phí thấp rất nhiều so với các trường tư thục và dân lập.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thực sự là một cuộc thi cam go. (Ảnh minh họa: VTV)
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thực sự là một cuộc thi cam go. (Ảnh minh họa: VTV)

Để chọn lựa được những học sinh tốt nhất cho mình, các hội đồng coi thi tuyển sinh vào lớp 10 làm việc, thực hiện quy chế rất chặt chẽ, nghiêm túc.

Lãnh đạo nhà trường, hội đồng coi thi quán triệt kỹ lưỡng đối với tất cả giám thị.

Các giáo viên cùng chuyên môn với môn thi thì sẽ không bố trí vào phòng thi làm giám thị 1 và 2 mà chỉ phân công giám thị ngoài hành lang nhằm hạn chế tình trạng tiêu cực, “gà bài” cho cho một số thí sinh “quen biết”.

Tuy nhiên, ở các địa phương, năm nào cũng xuất hiện tình trạng một số phụ huynh “chạy” cho con em trúng tuyển trong kỳ thi tuyển sinh vào 10 ở các khâu: coi thi, chấm thi và phúc khảo lại bài thi.

Các thành phần: nông dân, buôn bán, cán bộ, viên chức… đều “chạy” cả, mà đông nhất vẫn là viên chức, cán bộ.

Con em học yếu, học trung bình “chạy” để trúng tuyển nguyện vọng 1 hoặc nguyện vọng 2; con em học khá, giỏi cũng “chạy” để có cơ hội vào trường chuyên, lớp chọn.

Nhiều phụ huynh đang chạy hết tốc lực để con được vào lớp 10 ảnh 2Những chiêu... chạy trường

Trước và trong những ngày thi tuyển sinh vào lớp 10, nhà riêng và điện thoại của các thầy cô giáo làm chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng coi thi luôn có nhiều phụ huynh tìm đến, gọi tới đặt vấn đề: nhờ quan tâm, nhờ giúp đỡ cho số báo danh này, số báo danh kia.

Rồi các giáo viên làm giám thị tại trường hoặc trường khác cũng được nhiều phụ huynh quan tâm, săn sóc, “gửi gắm” mấy trường hợp sau đây…

Có thầy cô giáo tìm cách trốn tránh, tắt, chặn số điện thoại để bị không phụ huynh làm phiền, để giữ mình… trong mấy ngày coi thi.

Nhưng cũng có không ít lãnh đạo, giáo viên của nhà trường nhận lời tất, ghi thành một tờ giấy thật dài: họ tên thí sinh, số báo danh, số phòng, con ai, ở đâu…

Đến các buổi thi, thay vì làm nhiệm vụ chính thì toàn tập trung lo cho các “con gà” đã nhận lời.

Khi có kết quả điểm thi, điểm trúng tuyển, vội liệt kê điểm của các “con gà” như thế nào… để sớm báo tin vui cho các phụ huynh đã tin tưởng mình.

Đến mùa thi năm sau, các giám thị đạt “thành tích cao” như thế lại càng “đắt sô” hơn. “Chạy”, “lo” tốt khâu coi thi được xem là chắc chắn và hiệu quả nhất.

Đi thi về, nhiều em nói với phụ huynh rằng: thi không được tốt, có nguy cơ trượt các nguyện vọng.

Phụ huynh đành phải tính đường “chạy” cho con em khâu: chấm thi.

Nhiều phụ huynh đang chạy hết tốc lực để con được vào lớp 10 ảnh 3Chưa thi, hơn 40.000 học sinh lớp 9 Hà Nội đã trượt công lập lớp 10

Nếu có quen biết, “chạy” được các vị giữ đầu phách bên Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với bộ phận thư ký, tổ trưởng tổ chấm và các giám khảo chấm có thể truy xuất được bài thi của thí sinh cần “hà hơi tiếp sức” từ ít điểm thành nhiều điểm, từ trượt thành trúng.

“Chạy” khâu chấm thi thường gặp khó khăn, “đụng” phải nhiều khâu, nhiều người hơn.

Biết con em bị trượt hoặc chưa đúng nguyện vọng trường, lớp tốt hơn, các phụ huynh đâu có chịu thua, tiếp tục nghĩ cách, tìm mối quan hệ, “chạy” khâu cuối cùng: chấm phúc khảo.

Nếu không có “võ” mà phúc khảo lại bài thi thì xem ra khó cơ hội lên điểm, từ trượt thành đậu.

Phần lớn các bài được lên điểm, từ trượt thành trúng tuyển, vào trường, lớp như ý đều thuộc diện “quân ta”, “có máu mặt” cả đấy.

Phúc khảo lại bài lên được điểm nhiều, thay đổi kết quả, nguyện vọng… một hiện tượng bất thường trở nên bình thường xảy ra ở một số địa phương trong thời gian qua.

Câu chuyện phụ huynh thi nhau: “chạy”: coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo hay nóng lên trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm.

Dẹp được nạn này dường như phụ thuộc tất cả vào lương tâm, đạo đức, ý thức trách nhiệm và cách tổ chức, quản lý, giám sát, kiểm tra của các bộ phận, cán bộ, thầy cô giáo tham gia ở mọi khâu từ coi thi, chấm thi đến chấm phúc khảo bài thi.

KIÊN TRUNG