Nhìn nhận những than phiền của người dân và sự nỗ lực của ngành giáo dục

25/08/2015 06:57
Xuân Dương
(GDVN) - Đổi mới giáo dục, trước hết là đổi mới tư duy, sai lầm của Giáo dục trong nhiều năm qua đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ, kéo theo tụt hậu của cả đất nước.

Khép lại đợt 1 đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường Đại học, Cao đẳng là việc nhận trách nhiệm của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về những bất cập đối với công tác tuyển sinh.

Bài viết này không nhằm vào những sự việc đã được truyền thông và các nhà giáo dục mổ xẻ mà muốn bàn đến một vài khía cạnh khác. Cần nhìn nhận một cách công bằng những than phiền của người dân và những nỗ lực của ngành Giáo dục.  

Người viết đồng ý với ý kiến của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, rằng cách thức xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm nay mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh lựa chọn hơn các năm trước.

Nói cách khác khả năng đỗ Đại học, Cao đẳng được mở rộng với những người đạt chuẩn kỳ thi quốc gia vừa qua. Sử dụng một dịch vụ mang lại tiện ích cao hơn thì giá dịch vụ cao hơn là điều bình thường trong cơ chế thị trường. 

Vấn đề là ở chỗ, đã là nhà cung cấp dịch vụ thì khách hàng phải được xem là “thượng đế”, nhà nước, mà cụ thể là Bộ GD&ĐT phải bằng mọi cách cung cấp cho thí sinh những dịch vụ tốt nhất với chi phí rẻ nhất có thể, về điều này thì ngành Giáo dục chưa làm được trong đợt xét tuyển Đại học, Cao đẳng vừa qua.

Không đỗ ngành này thì chọn ngành khác, không học trường này thì chọn trường khác, nếu phụ huynh và thí sinh không phải lặn lội từ khắp nơi về các trường ăn chực nằm chờ để xem kết quả xét tuyển thì có lẽ kỳ thi "Hai trong một" năm nay đã có những thành công nhất định.

Việc cho phép rút, nộp hồ sơ xét tuyển kéo dài trong 20 ngày là quá dài trong khi thao tác “rút-nộp” lại hoàn toàn thủ công, nghĩa là phải cầm tay hồ sơ đi nộp hoặc rút sang trường, cách làm không khoa học này cho thấy sự trì trệ, bảo thủ trong chỉ đạo, điều hành vẫn còn hết sức nặng nề.

Nhiều báo ví đợt xét tuyển này như chơi chứng khoán, người viết cho rằng đó không chỉ là lời phê phán mà là một gợi mở. 

Với một chiếc máy tính cá nhân, người lướt sóng trên sàn chứng khoán ngồi tại nhà vẫn có thể tiến hành giao dịch, khớp lệnh, vậy tại sao việc đăng ký xét tuyển Đại học, Cao đẳng không làm được? 

Câu trả lời chỉ có thể là mảng Công nghệ thông tin của Bộ GD&ĐT chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn, cũng có thể còn có lý do khác là lãnh đạo Bộ chưa quan tâm đúng mức đến vai trò của Công nghệ thông tin trong đổi mới giáo dục.

Nhìn nhận những than phiền của người dân và sự nỗ lực của ngành giáo dục ảnh 1
Nhiều báo ví đợt xét tuyển này như chơi chứng khoán (Ảnh: Xuân Trung)

Có thể lấy thêm một ví dụ khác trong lĩnh vực thương mại điện tử, người mua hàng sau khi bỏ hàng vào “giỏ hàng” điện tử, sẽ nhận được thông tin, chẳng hạn hàng còn hay hết, màu sắc, tính năng hàng hóa mà khách đã chọn… Khách hàng đồng ý trả tiền là hàng sẽ được đưa đến tận nhà. 

Người viết cho rằng nên kết hợp các ý tưởng của thương mại điện tử và chứng khoán trong một phần mềm phục vụ công tác tuyển sinh, từ lúc đăng ký thi tốt nghiệp đến khi nhận kết quả xét tuyển. 

Thí sinh ngồi nhà lướt “sàn xét tuyển”, chọn mã trường, mã ngành phù hợp bỏ vào “giỏ hàng”, xác nhận việc lựa chọn bằng mã số cá nhân hoặc bằng số báo danh, nếu quá trình “khớp lệnh” thành công, giấy báo nhập học sẽ gửi về tận nhà. 

Đương nhiên còn rất nhiều yếu tố kỹ thuật mà các kỹ sư lập trình phải quan tâm như khi thí sinh chọn trường, họ sẽ được cảnh báo về khả năng trúng tuyển hoặc bị trượt, khi một mã số cá nhân được “khớp lệnh”, hệ thống sẽ tự động khóa mã thí sinh khiến họ không thể tiếp tục “lướt sàn tuyển sinh” với các trường khác nhằm loại bỏ tình trạng thí sinh ảo…

Nhìn nhận những than phiền của người dân và sự nỗ lực của ngành giáo dục ảnh 2

Ai sẽ đổi mới giáo dục?

(GDVN) - Chỉ có cải cách giáo dục, giải phóng tư duy thì mới có cơ hội rút ngắn được khoảng cách với các nước.

Làm được điều này sẽ chẳng còn chuyện xét tuyển đợt 1 hay đợt bổ sung, chẳng còn ăn chực nằm chờ cả tuần lễ hay phải thuê xe cứu thương chạy hàng trăm cây số nộp hồ sơ như báo chí đã đề cập. 

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT không nên lo ngại đội ngũ lập trình viên người Việt không đủ kiến thức thiết kế phần mềm.

Bộ hãy nêu yêu cầu tỷ mỉ và cho đấu thầu công khai, người viết cho rằng kinh phí chi cho thiết kế phần mềm sẽ chỉ tương đương một đề tài cấp Bộ mà ý nghĩa thực tế thì toàn xã hội sẽ công nhận.  

Từng ngồi nghe thuyết trình và phản biện đề tài cấp Bộ, người viết thấy nên nói thẳng, rằng hàng năm không ít đề tài cấp Bộ (của Bộ GD&ĐT) được nghiệm thu sau đó chỉ có ý nghĩa cho việc phong học hàm giáo sư, phó giáo sư, ngoài ra còn chẳng có ý nghĩa gì khác! 

Trong đợt 1 xét tuyển, thí sinh chỉ được nộp hồ sơ vào 1 trường và có thể chọn một trong bốn ngành, chuyên ngành khác nhau thuộc trường đó theo tứ tự ưu tiên mà thí sinh kê khai. 

Không thể nói đây là chủ trương hợp lý của Bộ bởi lẽ nó khuyến khích thí sinh chọn trường chứ không phải chọn ngành. Cách làm này cổ vũ tâm lý phổ biến của người dân và con em họ là phải đỗ Đại học và phải đỗ vào trường “danh tiếng” còn học ngành gì không quan trọng. 

Sẽ là thế nào nếu thí sinh yêu thích Toán nhưng buộc phải chuyển sang học Lý, Hóa chỉ vì muốn học tại Đại học Sư phạm 1 chứ không muốn học Toán tại ĐH Sư phạm 2?

Tương tự như vậy sinh viên muốn học Y phải chuyển sang học Kinh tế chỉ vì không muốn học tại các trường Y ở Thái Bình, Thái Nguyên, Hải Dương hay Hải Phòng?

Sẽ là như thế nào sau bốn, năm năm nữa, hàng vạn cử nhân, kỹ sư ra trường với chuyên ngành đào tạo mà mình không ưa thích, trong đó có những người đánh liều đăng ký nhập học chỉ để đỗ Đại học chứ không phải chọn nghề cho tương lai? 

Tình trạng “học giữ chỗ” sang năm thi lại năm nào cũng có, năm nay cũng không ngoại lệ. Đó không chỉ là sự lãng phí tiền bạc mà còn bỏ phí một năm tuổi trẻ của sinh viên vì những cân nhắc sai lầm xuất phát từ  “khuyến khích xét tuyển” mà ngành Giáo dục đã thực hiện.

Nhìn nhận những than phiền của người dân và sự nỗ lực của ngành giáo dục ảnh 3

Bộ trưởng Giáo dục nhận trách nhiệm trước Chính phủ và nhân dân

(GDVN) - Ông Luận cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó, trong đó có phần trách nhiệm lớn của Bộ GD&ĐT là chưa cân nhắc hết tính phức tạp.

Về tâm lý thí sinh, đương nhiên hầu hết các cháu đều có mơ ước được học một ngành mà mình yêu thích, song dưới áp lực của gia đình và xã hội, không ít cháu sẵn sàng từ bỏ ngành nghề mơ ước chỉ để được tiếng là được tuyển chọn vào một trường Đại học thuộc tốp đầu.

Xóa bỏ tâm lý sai lầm này không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Giáo dục mà là của cả hệ thống chính trị.

Phải dạy cho trẻ em niềm đam mê về một ngành khoa học từ bậc phổ thông chứ không phải dạy các cháu học để đỗ đại học. 

Về điều này, các trường chuyên, lớp chọn ở phổ thông đã phần nào đáp ứng và cần được nhân rộng. Học sinh ở các trường chuyên được tập trung quỹ thời gian vào môn học mà mình ưa thích, đó là một trong các lý do vì sao các cháu đạt thành tích cao trong các kỳ thi trong nước và quốc tế.

Người viết cho rằng loại bỏ trường chuyên, lớp chọn, trộn đều học sinh vào các lớp  không phải là một ý kiến hay.

Không được học chuyên ngành mình yêu thích đương nhiên ảnh hưởng đến đam mê học hỏi, hậu quả mà đất nước sẽ phải gánh chịu là hàng vạn cử nhân, kỹ sư ra trường với ngành học bất đắc dĩ, đến lúc đó bao nhiêu lời xin lỗi, bao nhiêu lời nhận trách nhiệm có thể bù đắp được?

Vấn đề khác liên quan đến tình trạng hỗn loạn xét tuyển nguyện vọng Đại học, Cao đẳng vừa qua còn nằm ở quy hoạch mạng lưới các trường Đại học, Cao đẳng và chủ trương tự chủ đại học. 

Sự thành lập ồ ạt trường Đại học tại các địa phương làm phân tán đội ngũ giảng viên Đại học vốn đã vừa yếu, vừa thiếu. Hậu quả kéo theo là chất lượng đào tạo kém và đây là nguyên nhân khiến thí sinh có tâm lý “tẩy chay” các trường này, dồn nguyện vọng về các trường đã khẳng định được thương hiệu ở các thành phố lớn.

Bắt đầu xuất hiện tình trạng có tỉnh không nuôi nổi trường Đại học do mình thành lập đến nỗi phải nghĩ đến phương án bán trường cho tư nhân như ở An Giang.

Không ít trường Đại học tư thục sống thoi thóp và chỉ mong chờ câu kéo được vài trăm sinh viên là đã mãn nguyện trong khi các trường Đại học công lập chả dại gì mà không tranh cướp sinh viên với trường tư, về điều này đã có một số bài báo phân tích. [1], [2], [3], [4]…

Từ năm 2013, bài báo “Dự báo thời tiết khu vực ‘đổi mới giáo dục’” trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã khuyến cáo:

Trong chiến tranh, những trận đánh lớn đều gây tổn thất cho cả hai phía không phải chỉ là về vũ khí, trang thiết bị mà còn là sinh mạng hàng nghìn, hàng vạn binh lính. Có thể trận đánh mà Bộ trưởng Luận đề cập không có tổn thương nhân mạng, nhưng liệu có chắc nó không gây thiệt hại về kinh tế và những hệ lụy xã hội?". 

Câu hỏi này hôm nay đã có câu trả lời, chỉ tiếc rằng hai năm trước không ai muốn nghe.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nêu ý kiến đại ý: “Nếu muốn có một khâu đột phá thì trước hết cùng với đổi mới thi cử phải đột phá ở khâu quản lý, đổi mới tại Bộ GD&ĐT đầu tiên”. 

Người viết cho rằng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ý kiến trên chắc hẳn vì đã nhận thấy những vấn đề trầm trọng cả trong chỉ đạo điều hành lẫn tâm đức cán bộ. 

Có cảm giác như Bộ GD&ĐT đang né tránh trách nhiệm quản lý chất lượng cán bộ và chất lượng đào tạo tại các trường Đại học, Cao đẳng. 

Nếu tất cả chuyên viên của Bộ đều đủ tâm, đủ tầm thì vì sao lại xuất hiện các “văn bản trên trời” như báo chí đã nói, vì sao các trường công như Đại học Ngoại Thương, Bách Khoa… gần một năm không có Hiệu trưởng, có trường tư thục ba năm không có Hiệu trưởng, gần hết Ban Giám hiệu dùng bằng rởm hoặc mạo nhận học vị vẫn không bị xử lý, vì sao Bộ cho phép trường Đại học chỉ có chưa đến 10 giảng viên vẫn được đào tạo cao học, vì sao kết luận thanh tra do Thứ trưởng chỉ đạo lại hoàn toàn ngược với kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ mà cán bộ thanh tra không bị xử lý?… 

Tất cả những câu hỏi trên đều có dẫn chứng cụ thể và đều đã được báo chí đăng tải, vì sao lãnh đạo bộ không quan tâm lắng nghe, không quan tâm giải quyết? [5], [6]

Lãnh đạo Bộ nên xem xét năng lực cán bộ có đáp ứng nhu cầu công việc hay không chứ đừng bị động bổ nhiệm vì các lý do khác. Ngành Giáo dục đòi hỏi người thầy tâm phải trong, lòng phải thẳng, người làm công tác quản lý giáo dục còn phải có những tiêu chuẩn khắt khe hơn. 

Liệu có chuyện trường ngại tự chủ vì quen được Bộ “ôm ấp” hay cũng còn do Bộ chưa muốn mất đi đặc quyền “xin-cho” của mình? (Ảnh:Phạm Đức Minh)
Liệu có chuyện trường ngại tự chủ vì quen được Bộ “ôm ấp” hay cũng còn do Bộ chưa muốn mất đi đặc quyền “xin-cho” của mình? (Ảnh:Phạm Đức Minh)

Qua vụ tuyển sinh này, người dân thấy được điều gì mới trong công tác chỉ đạo, điều hành tại Bộ GD&ĐT? Phải chăng sự “chữa cháy chớp nhoáng” các bất cập là một đổi mới đáng ghi nhận?

Ngoài quy hoạch mạng lưới và chất lượng đào tạo, góp phần không kém vào tình trạng bất cập trong xét tuyển vừa qua là  sự chậm trễ quá trình tự chủ đại học.

Liệu có chuyện trường ngại tự chủ vì quen được Bộ “ôm ấp” hay cũng còn do Bộ chưa muốn mất đi đặc quyền “xin-cho” của mình?

Nếu Bộ không ôm đồm, nếu các trường Đại học, Cao đẳng tự chủ hoàn toàn thì việc xét tuyển không diễn ra ồ ạt trong mấy chục ngày, thí sinh không phải ngồi xe cứu thương đi nộp hồ sơ và báo chí cũng không tốn quá nhiều giấy mực bình luận.

Cho đến thời điểm này, có thể cho rằng những khâu đột phá mà Bộ lựa chọn như sách giáo khoa, như thi quốc gia hai chung, như xét tuyển nguyện vọng… chỉ nên xếp hàng thứ hai sau khâu đột phá về tư duy lãnh đạo, về con người đảm nhận các trọng trách. Chủ trương, đường lối đúng không thể đưa đến thành công nếu người thực hiện vẫn “đẽo cày giữa đường”.

Người viết hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc đổi mới đầu tiên là phải đổi mới tại cơ quan Bộ GD&ĐT.

Không làm ngay việc đó, đừng nghĩ đến đổi mới bất kỳ lĩnh vực nào bởi không thể thay đổi tư duy cũ bằng những người trưởng thành trong vành nôi tư duy đó. 

Đổi mới giáo dục, trước hết và quan trọng nhất là đổi mới tư duy của người làm giáo dục, sai lầm của Giáo dục trong nhiều năm qua đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ, đã kéo theo sự tụt hậu của cả đất nước. Xin đừng “thí nghiệm đổi mới” một lần nữa.

Tài liệu trích dẫn:

[1] Chủ trương xã hội hóa GD đang bị rào cản bởi "nhóm lợi ích công lập"? (giaoduc.net.vn)

[2] “Chùm khế ngọt” ngân sách là nguyên nhân chính làm giáo dục tụt hậu? (giaoduc.net.vn)

[3] Có người bảo ngành giáo dục rất "dại" (Tuanvietnam/Vietnamnet)

[4] Điểm sàn và 'nhóm lợi ích'- đâu là sự thật? (Tuanvietnam/Vietnamnet)

[5] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Co-the-doi-moi-toan-dien-nen-giao-duc-phang-cua-Viet-Nam-post130311.gd

[6] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tu-chu-tuyen-sinh-truong-lua-bo-ngo-thi-sinh-dung-nhe-da-post142000.gd

Xuân Dương