Những Bá Kiến trong ngành giáo dục

18/08/2017 06:05
Thanh An
(GDVN) - Không có nỗi cực nào hơn là nỗi cực đi dạy hợp đồng ăn lương tối thiểu hoặc theo tiết. Bởi nhiều trường học của nhiều địa phương có nhiều Bá Kiến đang tồn tại.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của tác giả Thanh An, một thày giáo đang đứng trên bục giảng.

Với trải nghiệm thực tế của chính mình và những câu chuyện của những đồng nghiệp cùng cảnh ngộ, thầy An đã chỉ ra những góc khuất trong công tác tuyển dụng cũng như nỗi cực khổ của các giáo viên dạy hợp đồng hiện nay.

Tòa soạn xin mời quý bạn đọc theo dõi bài viết này. Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của cá nhân tác giả.

Hơn 70 năm qua, tác phẩm Chí Phèo của nhà nhà văn Nam Cao luôn được đánh giá là một tác phẩm lớn của văn học nước nhà và những nhân vật trong truyện ngắn này đã bước ra cuộc sống đời thường để trở thành những câu cửa miệng của nhiều người, như: xấu như Thị Nở, đồ Chí Phèo…

Trong đó, nhân vật Chí Phèo luôn là nỗi ám ảnh cho mọi thế hệ bạn đọc. Nhưng, cuộc đời của Chí Phèo phải bước vào ngõ cụt là do ai? 

Có nhiều nguyên nhân…nhưng người trực tiếp đẩy cuộc đời của Chí Phèo từ thân phận người nông dân lương thiện với bao khát vọng, ước nguyện trở thành một tên quỷ dữ của làng Vũ Đại chính là Bá Kiến.

Vậy, Bá Kiến là ai? Đó là một kẻ đầy mưu mô thâm độc và xảo quyệt. Lão cứ lẳng lặng dấu mặt đẩy người ta xuống sông rồi lại ra mặt cứu người bị nạn để họ phải chịu ơn và lệ thuộc vào mình.

Nhớ đến Bá Kiến, tự nhiên, chúng tôi lại chạnh lòng nhớ đến những ông Hiệu trưởng, những lãnh đạo địa phương ở một số nơi. 

Họ thấy sinh viên sư phạm thất nghiệp nhiều, nhu cầu tìm việc cao thế là họ kí hợp đồng theo tháng, theo tiết để bắt buộc các giáo viên hàng năm phải mang ơn họ, phụ thuộc theo họ và phải tạo mối quan hệ “thân thuộc, gần gũi” với họ. 

Trong cái “bước đường cùng” đó, nhiều giáo viên hợp đồng cứ phải bấu víu, sống dở chết dở vì họ… để hưởng đồng lương bọt bèo mà đợi chờ những lời “hứa lèo” từ những người lãnh đạo của mình.

Những Bá Kiến trong ngành giáo dục ảnh 1

"Bá Kiến phiên bản mới và những Chí phèo đương đại"

Lợi dụng chủ trương nhiều nơi không tuyển dụng nhưng trong đơn vị có các môn học thiếu giáo viên nên nhiều Hiệu trưởng hợp đồng với một số giáo sinh vừa mới ra trường hoặc những giáo viên đã có thâm niên nhiều năm đi dạy hợp đồng. 

Lâu nay, có hai dạng hợp đồng kiểu này. Một là giáo viên hợp đồng nhận mức lương tối thiểu hàng tháng (lương tối thiểu hiện nay là 1.310.000 đồng) hoặc là kí hợp đồng theo tiết (giá phổ biến hiện nay là 50.000 đồng/1 tiết). 

Tuy nhiên, dù hợp đồng bằng hình thức nào thì trước khi xin hợp đồng cũng phải “đi lại” với Ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt là Hiệu trưởng. 

Những người không quen biết Hiệu trưởng thì phải đi lại với một lãnh đạo địa phương, rồi lãnh đạo địa phương đó tác động đến Hiệu trưởng các trường.

Nhiều người không có mối quan hệ nào với những lãnh đạo địa phương và nhà trường thì phải đi qua một bước trung gian nữa. 

Vì thế, việc dạy hợp đồng dù là có thời hạn nhưng cũng phải qua nhiều “cung đường” quanh co mới tới đích. Tất nhiên, đi bằng cách nào thì cũng phải có một điểm chung là chi phí rất nhiều.

Khi được hợp đồng rồi thì những giáo viên này tạo cho mình mối quan hệ mật thiết với Hiệu trưởng nhà trường để duy trì thời hạn làm việc. 

Thỉnh thoảng Hiệu trưởng lại “vô tình” nói chuyện với mấy giáo viên hợp đồng là người nọ người kia mới đến xin hợp đồng hoặc năm sau có giáo viên mới về.

Chỉ cần một vài lời “bóng gió xa xôi” như vậy thôi cũng khiến cho những giáo viên đang dạy hợp đồng sợ sốt vó rồi.

Những giáo viên hợp đồng gần như không có quyền lợi gì ngoài những đồng lương cơ bản được trả bằng mức lương tối thiểu hay trả theo tiết. 

Bảo hiểm không, các ngày lễ tết gần như cũng không có quyền lợi gì, năm thì mười họa được mời dự chung các ngày lễ mà nhà trường tổ chức

Những Bá Kiến trong ngành giáo dục ảnh 2

“Ký hợp đồng thỉnh giảng nhiều lần để giáo viên khỏi mai một kiến thức”

Nhưng họ - thân phận giáo viên hợp đồng nên phải ngồi “chiếu dưới” để lấy lòng lãnh đạo và những giáo viên biên chế hay hợp đồng không thời hạn.

Bởi, chỉ cần mất lòng một ai đó trong trường, đặc biệt là giáo viên trong tổ mà nhất là tổ trưởng chuyên môn thì tự nhiên mất đi tất cả.

Hết năm học, các giáo viên của trường vẫn được hưởng lương và các khoản phụ cấp khác, đôi khi trường còn tổ chức đi du lịch đây đó.

Còn giáo viên hợp đồng thì chỉ là con số 0 tròn chĩnh. Những tháng hè lại âm thầm đi lại tạo mối quan hệ tốt với lãnh đạo để sang năm được tiếp tục hợp đồng.

Một số địa phương, Hiệu trưởng họ thích hợp đồng với giáo viên theo tiết hơn giáo viên biên chế và giáo viên hợp đồng không thời hạn.

Bởi vì, giáo viên hợp đồng theo tiết thì “một dạ, hai vâng”, không bao giờ dám chống đối hay ý kiến gì hết. 

Nhất là giảm được rất nhiều kinh phí cho việc trả lương hàng tháng, bởi các trường hiện nay đều thực hiện kinh phí khoán hàng năm. Hơn nữa, cứ mỗi lần gia hạn hợp đồng là mỗi lần các giáo viên này đều phải “đến nhà” mình…(?).

Ngày mới ra trường, bản thân tôi cũng đã có mấy năm dạy hợp đồng theo tiết. Số tiền lương hàng tháng không đủ để trang trải các khoản “bôi trơn” để được Hiệu trưởng gật đầu hợp đồng và gia hạn thêm hợp đồng.

Tất cả cũng chỉ có một mong muốn duy nhất là giữ được kiến thức và hy vọng được kí hợp đồng không thời hạn.

Bởi có một điều mà bản thân mãi sau này mới nhận ra là không ít Hiệu trưởng họ vẽ ra cho mình một tương lai sáng lắm, họ hứa hay lắm. 

Chính vì những chiếc “bánh vẽ” đó mà nhiều giáo viên lỡ dở cả tuổi trẻ để đi theo những lời hứa hão huyền của nhiều lãnh đạo nhà trường. 

Không có nỗi cực nào hơn là nỗi cực đi dạy hợp đồng ăn lương tối thiểu hoặc theo tiết. Bởi nhiều trường học của nhiều địa phương có nhiều Bá Kiến đang tồn tại. 

Vì thế, những sinh viên ra trường đang tràn đầy lí tưởng sách vở rất dễ sa vào những lời hứa vu vơ để sau này phải tiếc nuối, ân hận nhưng đã muộn màng. Nhưng, nếu không dạy hợp đồng như vậy thì biết làm gì?

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thày cô Hiệu trưởng, Hiệu phó, các nhà quản lý giáo dục trên cả nước viết bài viết trao đổi, phản biện, xung quanh vấn đề tác giả Thanh An đã nêu, cũng như những vấn đề nổi bật hoặc nổi cộm về giáo dục mà quý thầy cô tâm đắc, góp tiếng nói bổ ích cho giáo dục nước nhà.

Bài viết xin gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn.

Thanh An