Những cảm nhận của thầy Tạ Quang Sum về nền giáo dục nước nhà

29/09/2018 08:04
TẠ QUANG SUM
(GDVN) - Quốc gia đang phải làm rất nhiều việc để bước vào thời kỳ công nghệ 4.0, giáo dục có vai trò cực kỳ quan trọng.

LTS: Đưa ra những quan điểm và góc nhìn của mình về tình hình giáo dục của nước nhà hiện nay, thầy Tạ Quang Sum - nguyên Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Trần Hưng Đạo đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngày 24/9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã giải trình với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về nhiều vấn đề, trong đó có việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia

Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh: Kỳ thi từ năm tới đây sẽ không phải để phục vụ cho 2 mục đích đồng thời, mà phục vụ cho tốt nghiệp trung học phổ thông”.

Thông tin này lan nhanh trong cộng đồng mạng truyền thông, làm nức lòng rất nhiều người quan tâm đến giáo dục.

Các thí sinh tham dự kì thi trung học phổ thông quốc gia (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Các thí sinh tham dự kì thi trung học phổ thông quốc gia (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Có thể nhận định tích cực một chương mới đã được mở ra, trong rất nhiều công việc phải làm nhằm đẩy nhanh công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc gia thì kỳ thi trung học phổ thông quốc gia có vai trò và vị trí quan trọng.

Tất nhiên việc soát xét những yếu tố cấu thành kỳ thi là rất cần thiết, nhưng nó chỉ nên là kỳ thi nhằm kết thúc bậc học phổ thông.

Hệ quả và hiệu ứng rất mở của nó mặc nhiên là tiền đề bổ sung cho các bước và cách tiếp theo, nhằm đào tạo lực lượng nhân sự lao động lâu dài của cả nước.

Với chiến lược phổ cập giáo dục đến cấp trung học phổ thông thì cần mở rộng ý nghĩa và chức năng của kỳ thi phổ thông hơn, chứ không bó hẹp nhiều băn khoăn trong phạm trù tổ chức.

Kỳ thi cần diễn ra “Bình thường – an toàn – nghiêm túc”, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, giao cho cấp hành chính nào thực hiện đã có khung tổ chức.

Suy ra cho cùng mọi kỳ thi đều diễn ra với hoạt động của người coi thi và người thi.

Ai chỉ huy họ và điều hành cuộc thi đều phải tuân theo pháp lệnh giáo dục và quy chế khảo thí.

Kết quả kỳ thi thuộc về số đông, đánh giá kết quả mang tính danh dự thì sẽ không có nhu cầu cần thiết phát sinh bệnh thành tích.

Học nghề, được cấp bằng phổ thông, nên xem xét thận trọng

Việc tuyển sinh vào các trường đại học – cao đẳng là một vế khác thuộc về giai đoạn hậu phổ thông.

Mỗi học sinh mới tốt nghiệp phổ thông cần có thời gian chuẩn bị, tìm hiểu kỹ môi trường mới chủ yếu là định hướng nhằm được đào tạo nghề nghiệp tương lai.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đẩy mạnh việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, họ tuyển sinh bằng kỳ thi tuyển gắt gao hay một cuộc sơ khảo đại trà diễn ra trên mạng máy tính vào thời điểm thích hợp hoặc chỉ cần ghi danh đăng ký… là việc của mỗi trường.

Trong hoàn cảnh đó, Chính phủ nên cung cấp nguồn tài chính dồi dào để mở rộng và tăng cường trang thiết bị cho các trung tâm dạy nghề, đào tạo miễn phí nghề căn bản cho thanh niên, tạo ra lực lượng lao động phổ thông dồi dào có trình độ và ý thức lao động cao hơn.

Như vậy, sẽ có rất nhiều người nhận ra được năng lực và nhu cầu thật của mình, họ sẽ tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn để có công ăn việc làm sớm và ổn định.

Quá trình làm việc sẽ cho họ trải nghiệm và nếu cần chuyển đổi nâng cấp sẽ tỉnh táo hơn trong việc chọn lựa bước đào tạo tiếp theo.

Nên hạn chế việc mở tràn lan các cơ sở trường đại học, cao đẳng, cần chấm dứt việc liên kết đào tạo mà chỗ nào cũng có như hiện nay.

Rất nhiều trường đã thuê mướn cơ sở tại nhiều địa phương đến cả cấp huyện, học vào ban đêm và ngày nghỉ với khẩu hiệu quảng cáo liên thông từ trung cấp đến đại học.

Những lớp học này chỉ dạy và học lớt phớt rồi thi theo kiểu “Nhiều người thi – không người coi”, thậm chí nộp tiền dư thì đậu đủ bằng.

Có nên bỏ hệ đào tạo đại học tại chức?

Phải tiến đến việc học cấp nào, loại trường nào… thì đều phải có chung chương trình đào tạo.

Người đi học hệ bổ túc thì phải học với thời gian dài hơn người học phổ thông.

Cũng nên kết thúc việc học tại chức, chức danh tuyển dụng và vị trí việc làm phải đi kèm tiêu chuẩn trình độ học vấn.

Quốc gia đang phải làm rất nhiều việc để bước vào thời kỳ công nghệ 4.0, giáo dục có vai trò cực kỳ quan trọng.

Phải làm sao cho tất cả các bậc học, các cấp học, các cơ sở trường học, những con người đang phục vụ trong ngành giáo dục đi vào tư thế khởi động để tiếp nhận những cái mới nhằm đoạn tuyệt tư duy cũ – cách làm cũ… thì chắc chắn giáo dục sẽ hoàn thành trọng trách lịch sử của mình.

TẠ QUANG SUM