Những chuyện đời về hợp đồng giáo dục cả ở Ta lẫn Tây

12/06/2017 07:09
Đất Việt
(GDVN) - Biết làm sao bây giờ, khi đối mặt với những khó khăn của cuộc sống, nhiều người thầy đã cạn kiệt tình thương với học trò của mình.

LTS: Chia sẻ câu chuyện của mình liên quan đến những hợp đồng giáo dục, tác giả Đất Việt, hiện đang nghiên cứu giáo dục tại Mỹ cho thấy một bức tranh không đẹp như mơ khi giáo viên dạy hợp đồng.

Theo đó, với những bản hợp đồng, người giáo viên được trả lương để dạy học chứ không phải để yêu thương học trò và cơ hội việc làm của họ hoàn toàn phụ thuộc vào người chủ trường.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tôi là một người không thành tựu, không tên tuổi, không nhạy bén, trong hệ thống kinh tế thị trường tự do.  

Tôi chỉ là người tự lựa chọn không làm cho nhà nước, dù dưới bất kỳ hình thức nào, sau khi tôi đã có tuổi thơ hơn 20 năm chứng kiến bố mẹ mình đã cống hiến tận tụy cho hệ thống giáo dục công lập như thế nào.  

Nhưng có lẽ là số phận, khi tôi lại có được những cơ duyên chứng kiến những câu chuyện về hợp đồng lao động của nhiều giáo viên, Mỹ, Singapore, Úc hay ở Việt Nam.  

Mỗi một vấn đề của giáo dục, luôn có trăm nghìn quan điểm và cảm xúc, bởi đây không chỉ là vấn đề của hợp đồng. 

Xin được kể vài mảnh vắt ngang qua đời giáo viên (nằm ngoài hệ thống công lập), để các bạn cùng biết và chiêm nghiệm…

Các sợi dây xích của Hợp đồng. (Ảnh: Gettyimages)
Các sợi dây xích của Hợp đồng. (Ảnh: Gettyimages)

“Tôi được trả lương để dạy, chứ không phải để yêu thương học trò…”

Khi đến Mỹ học tập, điều đầu tiên tôi thấy choáng là thái độ của giáo sư dạy luật giáo dục đại học…

Không rõ có phải do môn luật, hay do hợp đồng lao động của thầy với ít ỏi lương và lợi ích, mà tôi cứ nhớ mãi câu thầy nói: “Tôi được trả lương để dạy, chứ không phải để yêu thương học trò”. 

Sau này, khi học về học thuyết giúp cho sinh viên thành công, tôi mới biết được một nguyên tắc khác là “Học sinh chỉ thích học, với những người thầy mà họ yêu quý”. 

Biết làm sao bây giờ, khi đối mặt với những khó khăn của cuộc sống, nhiều người thầy đã cạn kiệt tình thương với học trò của mình.  

Cuộc đời học tập của tôi dường như luôn bị ám ảnh với những hình ảnh, những câu nói đầy cảm xúc, dù tốt đẹp hay không của những người thầy, mà tôi hiểu, họ đã bị “cơm áo gạo tiền” chi phối, dẫn đến không còn nghĩ, học sinh cũng là mình, đều là con người và có cảm xúc!

“Luật chỉ ở những nơi văn minh thôi”

Những chuyện đời về hợp đồng giáo dục cả ở Ta lẫn Tây ảnh 2

Nếu bỏ biên chế giáo viên thì Hiệu trưởng chẳng khác gì vua

Trong hơn 20 năm làm việc với các dự án giáo dục tại Việt Nam, tôi đã trải qua nhiều đêm mất ngủ, bởi những công việc mình phải làm theo chức phận và với những mảnh đời giáo viên mà hàng ngày mình phải giải quyết.  

Chỉ để tiết kiệm ngân sách cho nhân sự trong một năm học, Chủ tịch một trường quốc tế thuộc hàng có nhiều chi nhánh nhất tại Việt Nam đứng ra tuyên bố việc ban giám đốc phải làm thế nào để cắt giảm 20% quỹ lương, trong khi số học sinh nhận vào tăng lên 40% so với các năm trước.  

Việc “tái cấu trúc” (hy vọng từ này quen thuộc với các giáo viên hay những người làm lao động ngoài nhà nước) tổ chức được quy định trong Bộ Luật Lao động và các văn bản của Việt Nam không đủ rõ, nên cứ thế mà cắt giảm lao động.  

Nhiều trường hợp, không có bồi thường đầy đủ những khoản theo luật.  

Chỉ có rất ít người dám đi thưa kiện, bởi khi đã làm tư nhân và với một ông chủ tồi, bạn phải chấp nhận chủ sa thải bạn bất kỳ khi nào, vì luật pháp Việt Nam không đứng về kẻ yếu, như ngài Chủ tịch nêu trên đã mạnh miệng tuyên bố:

Nếu ở Singapore, bạn đã thắng kiện rồi. Nhưng đây là Việt Nam! Ai dám kiện tôi?

“Tại sao tôi lại phải tôn trọng giáo viên, khi hàng nghìn người đang xếp hàng ngoài kia?”

Cũng tại trường quốc tế trên, các trường chi nhánh và các bộ phận hoạt động dựa theo tính khí của vợ chồng người chủ trường.  

Ở đó, giáo viên mỗi lần nhận được tin Mr. and Mrs. Come Come (đang đến), họ cảm thấy lo lắng, sợ sệt và đâu đó, luôn cảm thấy sự thấp hèn của người giáo viên khi bất kỳ việc gì mình làm cũng có thể bị đánh giá không đúng với sự thật, chỉ do hôm nay trời có mưa hay nắng!

Những chuyện đời về hợp đồng giáo dục cả ở Ta lẫn Tây ảnh 3

Bỏ biên chế, có còn chỗ cho giáo viên dám đấu tranh?

Trong lịch sử hơn 30 năm làm dịch vụ giáo dục (theo họ tự quảng cáo), không rõ làm sao mà họ có thể nói rõ với ứng viên trong quá trình tuyển dụng “Bạn có chịu đựng được thái độ khó chịu của tôi không?”, vì ngoài cửa kia, có hàng nghìn đơn xin việc vào trường tôi.  

Có rất rất ít người có lòng tự trọng để bỏ việc, dù đã được hỏi câu hỏi này.

Chỉ vì họ cần có việc làm và có tiền qua ngày!

Một nỗi niềm chua xót vô cùng cho những con người Việt Nam làm nghề giáo, và trong hệ thống giáo dục được gọi là quốc tế này!

Khi sang Singapore, có người đã nói rất ý nhị rằng, “Chúng tôi là những nhà giáo dục. Chúng tôi không làm dịch vụ giáo dục. Và đấy là điều khác biệt lớn nhất giữa những con người trong giáo dục”.

“Xin hãy giúp tôi, tôi đã làm giáo viên âm nhạc vì tôi yêu nghề, yêu trẻ. Đừng sa thải tôi chỉ vì tuổi tác!”

Trong những ngày cuối năm 2011, một cô giáo nhạc đã lên gặp tôi suốt một tuần, chỉ để trình bày về việc cô yêu nghề, cô đã gắn bó và xây dựng chương trình âm nhạc cho trường trong suốt 7 năm qua, và xin trường đừng sa thải cô, chỉ vì đã tuyển được một bạn mới, trẻ hơn, đẹp hơn, ít lương hơn và ít kinh nghiệm hơn!

Điều mà tôi không thể nói ra với cô là, không phải vì cô có kinh nghiệm, cô yêu nghề, cô làm tốt công việc mà họ sa thải cô.  

Họ sa thải cô, vì cô đã xây dựng xong chương trình và hệ thống cho họ. Họ đâu cần cô nữa… trong khi họ có thể tuyển một người chỉ làm được có 1/10 công việc của cô, nhưng quan trọng gì… Họ đã “xài” cô đủ rồi!

“Bạn có biết tôi là ai? Tôi là người quyết định bạn có được làm ở đây hay không, hợp đồng của bạn như thế nào…”

Những chuyện đời về hợp đồng giáo dục cả ở Ta lẫn Tây ảnh 4

Biên chế mang đến ổn định nhưng cũng là nguyên nhân của sự trì trệ đáng sợ

Trong nhiều buổi tham dự phỏng vấn các bạn vào làm việc ở các trường, tôi có dịp được học và trải nghiệm về đánh giá nhân sự, gồm cả người phỏng vấn và người được phỏng vấn.

Cuộc đời tôi khá ấn tượng với một câu hỏi chốt cuối cùng của một vị Chủ tịch tập đoàn lớn, trong đó có đầu tư vào giáo dục, khi hỏi các ứng viên:

Rồi, các bạn biết nhiều về giáo dục rồi, nhưng các bạn có biết tôi là ai không?” 

Nhiều ứng viên ngơ ngác, vì khi vào phỏng vấn, chưa thấy có ai giới thiệu ai là ai cả…

Họ nhận được câu giới thiệu như sau: “Tôi là người quyết định bạn có được làm ở đây hay không, và hợp đồng của bạn sẽ được viết như thế nào!

Sau này rồi, tôi mới nhận ra được sức mạnh “trấn áp” tinh thần giáo viên và người lao động, từ ngày đầu tuyển dụng có tác dụng như thế nào trong suốt thời gian họ làm việc tại công ty. 

Chúng ta nói đến giảng dạy sáng tạo, phản biện, tự chủ… nhưng nói thật, chỉ với câu hỏi trên đây thôi, đố giáo viên nào dám có tinh thần sáng tạo, tự chủ ở trong từng hoạt động của mình đấy!

Đừng nhầm lẫn! Vì nếu giáo dục mà là sức mạnh, thì đáng ra giáo viên phải là những người có quyền lực rồi.  

Ở trường này, tôi là người quyết định tất cả, chương trình, sách giáo khoa, giáo viên, chương trình thi…

Khi các giáo viên ở hệ thống trường công lập nhìn sang trường tư nhân hay trường quốc tế, họ đều thấy đau khổ vì khoảng cách quá xa về nhiều điều kiện, mặc dù cùng là giáo dục ở Việt Nam cả.   

Ví dụ, những nỗi khổ về chạy trường, chạy giáo viên, chạy điểm, học thêm… thì chỉ có trường công và cả xã hội đều biết! 

Nhưng những nỗi khổ của giáo viên trường tư hay trường quốc tế, ít người hay.  

Vì chả nhẽ, người ta đang vinh danh trường quốc tế, hay trường tư, học phải trả nhiều tiền, mà lại nói nó không tốt? 

Trong một cuộc họp giữa các lãnh đạo cao cấp trong tập đoàn với đối tác nước ngoài nhằm xây dựng chương trình sao cho tương thích với các đầu vào khác nhau, các giám đốc chương trình hăng say trình bày những điều kiện cần và đủ, nhằm đảm bảo chất lượng cho học sinh và thời lượng cho giáo viên giảng dạy.  

Sau khi nhìn thấy mô hình và con số dự tính, ngài Chủ tịch phán luôn: “Nếu không đảm bảo được lợi nhuận 35% sau khi trừ chi phí, các anh lấy gì để trả lại tôi tiền đầu tư? Đừng nhầm lẫn. Ở đây, tôi là người quyết định tất cả!

“Tôi viết thư này xin lỗi các phụ huynh học sinh, vì đã thông tin cho quý vị một sự thật rằng chương trình học đã bị cắt bỏ 1/3 bởi quyết định của Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục…

Vì điều này, tôi đã bị buộc phải chấm dứt hợp đồng ngay lập tức, nhưng tôi không hối tiếc. Xin quý vị đừng gửi con học ở đây!”

Trên đây là một trích đoạn thư của một thầy giáo Mỹ đã dạy ở một trường quốc tế Việt Nam được hơn 3 năm và bị sa thải, do đã dám “nói thật” với phụ huynh về thực trạng cắt chương trình dạy tại trường.  

Những chuyện đời về hợp đồng giáo dục cả ở Ta lẫn Tây ảnh 5

Bỏ biên chế, thận trọng kẻo tạo thuận lợi cho kẻ cơ hội

Tôi không bao giờ có thể tin được, nếu đó không phải là từ thầy giáo nêu ra…

Chỉ vì muốn tiết kiệm tiền lương không phải trả cho giáo viên tháng hè nếu chương trình được dạy đủ, ai đó của ban giám đốc ra lệnh “bỏ 1/3 chương trình” đang nằm trong lịch học của toàn trường!

Đây là một trong số ít, rất ít giáo viên nước ngoài, dám lên tiếng phản đối những gì gọi là “phi giáo dục” trong hệ thống các trường quốc tế ở Việt Nam.  
Nhưng giá phải trả khá đắt, vì người thầy này đã bị sa thải, không có giấy giới thiệu đi làm việc ở bất kỳ đâu, trong khi thầy có con nhỏ bệnh…

Những mẩu chuyện như thế này, nếu cha mẹ nào quan tâm và muốn biết về trường nào ra làm sao, cứ google mà tìm những nhận xét của giáo viên nước ngoài, những người đã dạy ở Việt Nam. Rất đau lòng!

“Nếu có ai hỏi tôi là tại sao tôi đầu tư vào giáo dục, đơn giản bởi vì đấy là mảng có lợi nhuận cao, và hầu hết giáo viên là người không cứng đầu”

Có một thời ở Việt Nam có câu, “lời nhất là đầu tư vào chùa chiền và giáo dục”… quả là không sai! 

Nhưng chỉ là dành cho những ai làm ăn cơ hội, lấy mỡ nó rán nó thì mới có thể có lợi nhuận cao, vì giáo dục đúng nghĩa, không thể là ngành sinh lợi nhuận nhanh và ngay được!

Ấy thế nhưng, nếu chúng ta thử tra cứu danh sách các tập đoàn đứng sau các trường, từ mầm non đến đại học, có lẽ sẽ có ngạc nhiên to! 

Không hiểu được ai đó kinh doanh mía đường cũng đầu tư vào giáo dục, bất động sản cũng đầu tư vào giáo dục, phân phối hay làm dệt may cũng nhảy vào làm giáo dục… và còn làm “to”! 

Tại sao lại thế, nếu giáo dục không sinh lợi nhuận cao?

“Thưa Ông, tại sao trường quốc tế mà Ông lại tuyển nhiều hàng năm thế ạ?

Ồ, đơn giản thôi, vì tôi có thể thương lượng lại lương mới và không phải trả nhiều bảo hiểm cho thời gian họ làm!”

Chúng ta đang nói đến kinh tế thị trường, đến nâng cao chất lượng giáo dục công thông qua hợp đồng với giáo viên.  

Điều này về cơ bản không sai, nếu nhìn đến tất cả các nước trên thế giới, vì như Singapore, họ cũng dùng hợp đồng với giáo viên dạy trường công, nhưng là hợp đồng không thời hạn, và được đảm bảo bởi hệ thống lương, hệ thống đánh giá năng lực và đào tạo giáo viên tốt, hệ thống pháp luật, bao gồm cả Hiệp hội giáo viên toàn quốc, đủ mạnh để bảo vệ giáo viên. 

Nhưng nếu nhìn đến đúng thực trạng của giáo viên Việt Nam hiện đang dạy ở trường tư thục hay trường quốc tế, đơn giản là hãy đến Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội để kiểm chứng về việc có bao nhiêu lao động là giáo viên được ký hợp đồng không thời hạn, hay chỉ với thời hạn rất ngắn như 1 năm, 2 năm rồi sau đó là chia tay nhau.  

Những chuyện đời về hợp đồng giáo dục cả ở Ta lẫn Tây ảnh 6

Bỏ biên chế giáo viên, hợp đồng luôn với cả Hiệu trưởng

Với giáo viên nước ngoài dạy ở Việt Nam, hầu hết các trường cũng chỉ duy trì hợp đồng 2 năm và sau đó, có thể ký lại. 

Điều này chỉ có lợi cho bên giao kết hợp đồng mà không hề có lợi cho giáo viên và quan trọng nhất, học sinh.  

Lý do là vì, hầu hết với một giáo viên có hợp đồng 2 năm, họ mới chỉ đang làm quen với môi trường và học sinh, làm quen phương pháp để dạy, chứ chưa nói được đến việc dạy tốt hơn như thế nào…

Nếu đã xác định 2 năm, hầu như đến năm thứ 2 là họ đã tìm nơi mới để xin việc, mà không có thực sự tập trung vào giảng dạy ở nơi làm hiện tại.

Với hợp đồng lao động 2 năm – 4 năm trong môi trường giáo dục, trường học được biến thành mô hình giống hệt trung tâm đào tạo ngoại ngữ, mà một thời nổi tiếng vì tuyển Tây balo vào dạy tiếng Anh, mặc dù Tây này chưa có kỹ năng dạy sư phạm hay dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ!

Chuyện về giáo dục, về giáo viên, về muôn mặt của cuộc sống trong trường học… có lẽ tôi kể cả phần đời còn lại cũng chưa hết được…

Nó đã trở thành một phần đời của tôi, nó ám ảnh tôi đến mức tôi đã tự hứa không bao giờ trở thành giáo viên thực sự (full-time).  

Tôi chỉ mong, qua những chuyện đời thực trên, xin các bạn đừng thần tượng hóa nghề giáo. 

Xin đừng buộc những người làm nghề giáo phải tốt đẹp hơn người, đạo đức hơn người, vì cuối cùng, “tôi chỉ được trả tiền để dạy” có lẽ lại là câu nói thật nhất của người giáo viên, dù là trong hệ thống nào, và ở đất nước nào!

Là giáo viên tốt hiện giờ rất khó, dù có biên chế, hợp đồng hay bất kỳ loại thỏa thuận nào đi nữa.  

Đây đã là vấn nạn của nền giáo dục toàn cầu. Để giải nạn này, chúng ta cần những con người có trái tim nhân hậu, chứ không phải những con người chỉ nghĩ đến 35% lợi nhuận được…

Tiếc là, ở Việt Nam hay trên thế giới, chưa tìm thấy ai là “anh hùng” trong cuộc chiến đấu vì một nền giáo dục tốt cho con trẻ! 

Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.

Đất Việt