Những con số biết nói về Việt Nam trong các kỳ Olympic Toán học quốc tế

29/07/2017 07:15
Linh Hương
(GDVN) - Đoàn Việt Nam đã đoạt được 59 Huy chương Vàng, 102 Huy chương Bạc, 70 Huy chương Đồng trong 41 kỳ tham dự Olympic Toán học quốc tế.

Kể từ năm 1974 đến nay (2017), Việt Nam không tham gia kỳ thi Olympic Toán học quốc tế các năm 1977 và 1981. Kỳ thi 1980 không diễn ra, vì nước đã đăng cai không thể tổ chức.

Trong 41 năm với 246 lượt học sinh tham dự Olympic Toán học quốc tế, đoàn Việt Nam giành 231 huy chương (93,9%), trong đó có 59 huy chương vàng, 102 bạc, 70 đồng, một giải thưởng đặc biệt (của Lê Bá Khánh Trình) và 3 bằng danh dự.

Trong đó có 8 thí sinh hai lần đạt Huy chương Vàng liên tiếp đó là: Ngô Bảo Châu, Đào Hải Long, Ngô Đắc Tuấn, Vũ Ngọc Minh, Lê Hùng Việt Bảo, Phạm Tuấn Huy, Nguyễn Thế Hoàn, Vũ Xuân Trung. 

Về xếp hạng toàn đoàn, Việt Nam 3 lần đứng thứ ba thế giới, vào các năm 1999, 2007 và 2017. 

Thí sinh Việt Nam đầu tiên giành Huy chương Vàng là Hoàng Lê Minh (38 điểm) trong kỳ Olympic Toán học quốc tế năm 1974. 

41 mùa Olympic Toán quốc tế trôi qua, Lê Bá Khánh Trình (đứng thứ 2 từ trái qua phải) vẫn là thí sinh Việt Nam duy nhất có được giải đặc biệt dành cho thí sinh có lời giải đẹp nhất (Ảnh: Ban tổ chức)
41 mùa Olympic Toán quốc tế trôi qua, Lê Bá Khánh Trình (đứng thứ 2 từ trái qua phải) vẫn là thí sinh Việt Nam duy nhất có được giải đặc biệt dành cho thí sinh có lời giải đẹp nhất (Ảnh: Ban tổ chức)

Thí sinh trẻ tuổi nhất tham dự Olympic Toán học quốc tế đó là Nguyễn Tiến Dũng, chưa tròn 15 tuổi. Dũng tham dự kỳ Olympic năm 1985.   

Đặc biệt, có 9 thí sinh đạt điểm tuyệt đối 42 điểm (năm 1979 điểm tuyệt đối là 40 điểm) bao gồm: 

Lê Bá Khánh Trình (dự thi năm 1979)- Trường Trung học phổ thông Quốc học Huế. 

Lê Tự Quốc Thắng (dự thi năm 1982) – Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (Thành phố Hồ Chí Minh). 

Đàm Thanh Sơn (dự thi năm 1984) – Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên. 

Ngô Bảo Châu (dự thi năm 1988) – Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên.
 
Đinh Tiến Cường (dự thi năm 1989) – Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học sư phạm Hà Nội. 

Ngô Đắc Tuấn (dự thi năm 1995) – Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên. 

Đỗ Quốc Anh (dự thi năm 1997) – Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên

Nguyễn Trọng Cảnh (dự thi năm 2003) – Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. 

Lê Hùng Việt Bảo (dự thi năm 2003) – Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên. 

Đặc biệt, cùng với việc nhận được Huy chương Vàng năm 1979 thì Lê Bá Khánh Trình nhận thêm giải đặc biệt dành cho thí sinh có lời giải đẹp nhất.

41 mùa Olympic Toán quốc tế trôi qua, Khánh Trình vẫn là thí sinh Việt Nam duy nhất có được thành tích này.

Olympic Toán quốc tế, tên viết tắt là IMO (International Mathematical Olympiad), là cuộc thi Toán dành cho học sinh Trung học phổ thông.

Từ lúc khởi đầu đến năm 1981, mỗi nước cử đội tuyển 8 thành viên, riêng năm 1982 rút xuống còn 4. Từ năm 1983 cho đến nay, quy định của IMO tối đa là 6 thành viên.

Đề thi IMO gồm 6 bài toán, mỗi bài có số điểm tối đa là 7. Như vậy số điểm tối đa mỗi thí sinh có thể đạt được trong một kỳ thi là 42.

Linh Hương