Những đứa trẻ thất học từ trong... bụng mẹ

07/04/2012 05:46
Kim Ngân
(GDVN) - Cứ như vậy, từ đời này sang đời khác, người dân ở đây chỉ biết nói một câu giống nhau, nhưng thật, rất thật: “Làm gì có tiền cho con học đại học".
Không chỉ mình Vàng A Sử có ước muốn được đến trường, học đại học mà còn rất nhiều học sinh nội trú ở xã miền núi Cát Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái hàng tuần vẫn đi bộ trèo đèo lội suối xuống núi tìm chữ, để thoát nghèo.

Đi bộ 3 – 4 tiếng đến trường là bình thường

Nhìn thấy đoàn chúng tôi, học sinh trong khu nội trú dân nuôi Trường tiểu học Cát Thịnh lén chạy trốn, ngại ngùng giấu bát cháo đầy ụ đang ăn dở. Tôi nhẹ nhàng bước vào phòng. Mùi ẩm mốc, lạnh lẽo sộc vào mũi. Sát những mảng tường loang lổ là mấy cái giường tầng cũ kỹ. Đồ dùng học tập, sinh hoạt cũng thật ít ỏi, sơ sài. Vài ba bộ quần áo, cái nào cũng mỏng, cũng nhàu nhĩ. Đến chiếc chăn chống rét mùa Đông cũng không đủ ấm.

Khu nội trú gồm 2 phòng có 31 học sinh, mỗi phòng có 16 học sinh, 2 em ở chung một giường. 

A Tụa bẽn lẽn khi có người lạ vào. A Tua kể rằng đi bộ về nhà nhiều mệt lắm. Cuối tuần mấy đứa nấu cháo trắng để ăn cho no.
A Tụa bẽn lẽn khi có người lạ vào. A Tua kể rằng đi bộ về nhà nhiều mệt lắm. Cuối tuần mấy đứa nấu cháo trắng để ăn cho no.
Sùng A Tua (giữa) đang học lớp 5 Trường tiểu học Cát Thịnh
Sùng A Tua (giữa) đang học lớp 5 Trường tiểu học Cát Thịnh 
Tôi lại gần rồi hỏi: “Tại sao không ăn cơm mà lại ăn cháo?” Lặng hồi lâu, Sùng A Tụa (đang học lớp 5) đưa mắt nhìn tôi bẽn lẽn trả lời: “Vì thứ 7, chủ nhật nhà trường không nấu cơm. Ăn cháo là no rồi”.

A Tụa kể rằng tuần nào cũng về quê, nhưng đi bộ nhiều mệt lắm. Nhà của A Tụa ở làng Cà, chẳng biết cách bao nhiêu cây số, chỉ biết rằng: “Trời nắng đi nhanh thì mất 1 tiếng đồng hồ, nếu trời mưa, đường bị sói mòn, dốc trơn, sợ núi và có nhiều cây rừng khó đi thì mất gần 2 tiếng đồng hồ”, Tụa nói.

Ở cùng với A Tụa, có Hờ A Gia đang học lớp 4. Nhà Hờ A Gia cũng ở cách khá xa khu nội trú, nên cậu bé phải tự chăm sóc cho bản thân. Nhà Hờ A Gia rất nghèo. Nhà các em khác cũng nghèo vậy. Ấy thế nên những đứa trẻ ở đây lúc nào cũng sống trong tình trạng thiếu thốn đủ bề. “Gạo bố mẹ cho mang từ ở nhà đi. Ăn cháo là đủ no rồi. Không có tiền mua thịt, mua cá”, Hờ A Gia rụt rè nói. 
Hờ A Gia (lớp 4, trường tiểu học Cát Thịnh) người dân tộc Mông. Để tìm chữ, A Tua phải ở nội trú bởi nhà em cách trường 8km đường đi bộ
Hờ A Gia (lớp 4, trường tiểu học Cát Thịnh) người dân tộc Mông. Để tìm chữ, A Tua phải ở nội trú bởi nhà em cách trường 8km đường đi bộ

Theo cô Phạm Thị Lâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cát Thịnh thì tổng số học sinh của trường là 523 học sinh bao gồm các dân tộc Kinh, Dao, Tày, Mường, Mông, Thái. Có một điểm trung tâm và 4 điểm trường lẻ có cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn. Đặc biệt khó khăn nhất và xa nhất là làng Lao (cách trung tâm xã 18 km đi bộ) và làng Ca (cách trung tâm 8 km đi bộ).
Gian nan hơn khi Vàng A Sử mất 3 – 4 tiếng để đi bộ hơn 18 cây số đến trường THCS Cát Thịnh để thỏa ước mơ đến trường của mình. Nhà A Sử ở tận làng Lao với, Sử kể rằng nhà A Sử nghèo lắm, chẳng có xe máy, không có xăng, mà đường cũng chẳng đi được xe máy, nên chủ nhật hàng tuần vẫn đi bộ cùng bạn.

Con đường học tập của A Sử, của A Tụa còn quá nhiều chông gai khi mà đời sống còn quá nhiều khó khăn…

Học đại học: Ước mơ xa vời

Cô Hà Thị Bích Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Cát Thịnhcho biết nhà trường có 80 học sinh nội trú theo hình thức bán trú dân nuôi. Các em là người trên địa bàn xã nhưng đi bộ từ nhà đến trường phải hết nửa ngày. Học sinh chủ yếu là người dân tộc H’mông.

Nhà trường có 4 phòng nội trú, trong đó ba phòng nam, một phòng nữ. Mỗi phòng rộng 24m2 mà có đến 9 em ở, thậm chí vào mùa đông có 12 em ở chung một phòng và thiếu thốn rất nhiều về cơ sở vật chất cũng như điều kiện ăn uống.

Bí thư xã Cát Thịnh, anh Phạm Quốc Huy cho biết: “Làng Lao là một trong hai làng nghèo và xa nhất của xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đa số là người Mông, đời sống còn nhiều khó khăn. Nguồn thu chủ yếu chỉ trông vào cây lúa, cây ngô, sắn”.

Theo lời của A Sử thì hai năm trở lại đây học sinh không phải tự nấu ăn nữa, mà có nhà trường nấu cho. Hỏi về số tiền bố mẹ phải đóng cho em đi học, A Sử nói: “Từ đầu năm, cả tiền đồng phục, tiền ăn là đóng gần một triệu rồi. Bố mẹ chẳng có cách gì mà làm ra tiền đâu chị ạ!”.
A Sử nói rằng: "Có muốn đi học đi học nhưng không có cơ hội"
A Sử nói rằng: "Có muốn đi học đi học nhưng không có cơ hội"

A Sử giải thích: “Bố mẹ em làm ruộng, được ít thôi, chẳng đủ ăn, phải mua gạo ở chợ. Có khi chỉ đủ ăn 2 – 3 tháng thôi. Năm vừa rồi bệnh dịch, mất mùa, bố mẹ chẳng có tiền”.

A Sử là con thứ 3 trong gia đình 4 anh chị em. Sau A Sử còn một em gái 8 tuổi, nhưng bố mẹ không cho đi học, phải ở nhà trông nhà, vì theo quan niệm của người Mông con gái đi học cũng chẳng để làm gì. Ở nhà lấy chồng.
Vườn rau tự trồng sau khu nội trú dân nuôi của Trường THCS Cát Thịnh.
Vườn rau tự trồng sau khu nội trú dân nuôi của Trường THCS Cát Thịnh.

Tôi hỏi: “Em có thích đi học không? Có muốn lên Hà Nội học đại học không?”. A Sử thỏ thẻ nói: “Có muốn học giỏi để không phải làm nương, để không nghèo. Có muốn nhưng em không có cơ hội. Nhà em nghèo lắm”.

A Sử nói đến đây, giọng trùng xuống. Cổ họng tôi bỗng nghẹn lại. Thật xót xa! Học đại học phải chăng là một ước mơ có phần xa xỉ với những đứa trẻ ở xã miền núi Cát Thịnh? Có lẽ vậy, bởi cái nghèo đang bủa vây từng nóc nhà, bám chặt lấy từng số phận ở nơi heo hút này. Chẳng biết bao lâu nữa thì họ mới hết nghèo. Nghèo đói khiến cho nhiều người dân ở Cát Thịnh bị thất học, mù chữ. Còn những đứa trẻ như A Sử, A Tụa may mắn được đi học. Chúng đã thuộc mặt chữ, biết đọc, biết viết, biết làm phép tính. Nhưng có lẽ tất cả cũng chỉ có vậy, rồi đây chúng lại trở về với nương rẫy. Chúng sẽ được cưới vợ, gả chồng... sinh con. Rồi cái nghèo lại đeo bám những đứa con của A Tủa, A Sử ngay từ khi chúng còn chưa chào đời, và như một định mệnh, những đứa bé ấy cũng chỉ được học hành qua quýt, biết chữ nào hay chữ ấy. Chúng thậm chí đã thất học ngay từ trong... bụng mẹ. Cứ như vậy, từ đời này sang đời khác, người dân ở đây chỉ biết nói một câu giống nhau, nhưng thật, rất thật: “Làm gì có tiền cho con học đại học”.
Theo quy định của Bộ GD & ĐT thì đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại 62 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các huyện này thì hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học. 

Huyện Văn Chấn không phải là một trong 62 huyện nghèo được phép tuyển thẳng vào đại học theo quy định của bộ GD & ĐT.

Kim Ngân