Vụ bố sống trong cống nuôi 4 con học Đại học:

"Những hạt mầm nhân tài của đất nước cần phải được giúp đỡ"

14/08/2013 06:46
Xuân Trung
(GDVN) - “Những người có công với đất nước và những hạt mầm nhân tài của đất nước cần được giúp đỡ. Mọi người trong xã hội cần có trách nhiệm chung bằng việc làm cụ thể".
Trên đây là một lời đề nghị của độc giả có tên là Lê Công Minh (ở Hà Nội) khi đọc được bài báo “Thủ khoa ĐH Y trải lòng việc bố sống trong cống nuôi 4 con học ĐH” đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Vị độc giả này cho biết, anh sẵn sàng tiến hành mọi công việc để giúp đỡ cho gia đình Thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến, từ nơi ăn, nơi ở, đi lại và tạo công ăn việc làm cho cá nhân hai em Tiến và Tiền, thậm chí lo cả việc làm bố là Nguyễn Hữu Định với số lương nếu chịu khó cũng đủ tiền chang chải sinh hoạt cho 6 người.
Trong những ngày qua gia đình Thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến nhận được rất nhiều tấm lòng hảo tâm thông qua Báo Giáo dục Việt Nam. Ảnh Xuân Trung
Trong những ngày qua gia đình Thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến nhận được rất nhiều tấm lòng hảo tâm thông qua Báo Giáo dục Việt Nam. Ảnh Xuân Trung
Vị độc giả có tấm lòng hảo tâm này dẫn chứng từ kinh nghiệm và bài học từ hoàn cảnh chính gia đình  mình những năm tháng còn khó khăn, xuất phát từ quan điểm đồng cảm ở cảnh ngộ. Anh Lê Công Minh cho biết: “Theo kinh nghiệm bản thân tôi, bố mẹ tôi cũng có 5 người con, trong đó có 4 người học xong đại học, em gái út đang học năm thứ 3 Ngoại Thương. Bố mẹ tôi trước đây là bộ đội và công nhân viên quốc phòng, ông bà hai bên nội ngoại trước đây không giàu, bố mẹ tôi đều làm lên từ bàn tay trắng, thậm chí lúc em tôi gặp bệnh hiểm nghèo phải ra nước ngoài chữa bệnh mới sống được nhưng tất cả đều đâu vào đấy dù gia đình chúng tôi lúc đó không đủ tiền cho việc cứu em tôi, nhưng nhờ nỗ lực làm việc mọi khó khăn 10 năm trước giờ đã qua. Các cụ có câu, tiền vào tay người nghèo như gió vào nhà trống. Việc tất cả gia đình em Tiến ở một nơi là tốt nhưng điều kiện chưa cho phép (Con cái chưa làm kinh tế, chưa mua được nhà thì tạm thời nên tính phương án khả thi về kinh tế trước)” độc giả này chia sẻ với gia đình Thủ khoa Tiến. Anh gợi ý tiếp với gia đình bác Nguyễn Hữu Định, mẹ của em Tiến nên canh tác ở nhà, nuôi gia xúc, gia cầm và trồng rau sạch. Vợ anh và các bạn của vợ anh có thể giúp tiêu thụ các thứ này tại Hà Nội (Mới thấy báo nói là mẹ đi làm phụ hồ và vặt lông vịt thuê, đất không biết tại địa phương có đất trồng chọt và chăn nuôi hay không, nếu không có thì xin hợp tác xã hoặc thuê). Hoặc mẹ của Tiến có thể làm giúp việc ở Hà Nội. Ăn ở không phải lo, mỗi tháng tiết kiệm được 2,5 triệu, 1 năm được 2 bộ quần áo và hỗ trợ đi lại. Nếu có việc dọn nhà thêm có thể kiếm thêm khi rảnh. Ở khía cạnh chú Nguyễn Hữu Định, vị độc giả có tấm lòng nhân ái này gọi ý: “Bố của em Tiến nếu không ở nhà giúp vợ việc trên thì có thể làm bảo vệ cho nhà chung cư. Việc làm bảo vệ tôi không chắc chắn có xin giúp được hay không như tôi sẽ hỏi bố tôi việc này, nếu làm sẽ làm tại một khu Chung cư quận Thanh Xuân. Lương làm bảo vệ không cao, khoảng 800.000 đồng / ca /4h. Có thể làm 3 ca mỗi tháng = 2,4 triệu”. Ngoài ra, bố của Tiến muốn làm tự do có thể làm shipper (người đưa hàng), 1 đơn hàng phí trả công từ 10.000 đ đến 20.000đ, chạy gom khoảng 5 đến 20 đơn hàng, đi nhận và giao một vòng thì kiếm trung bình 1 ngày từ 100.000đ đến 300.000đ mà chi phí xăng mất khoảng 10% đến 20 %, nhưng công việc chưa chắc đã đều. Theo vị độc giả này, công việc giao nhận hàng vất vả nhưng Tiến và Tiền, thậm chí là hai con gái có thể giúp bố công việc khi không bận học. Công việc tốt có thể kiếm trên dưới 10 triệu / tháng nếu chịu khó chạy xe giao/nhận hàng. Về chỗ ở, theo độc giả này cho biết, như mong muốn của chú Định là cả gia đình cùng ở một nơi để tiện chăm sóc nhau, điều này rất khó kiếm. Tuy nhiên, vị độc giả này cũng rất nhiệt tình khi nhận nhiệm vụ sẽ “đàm phán” hộ gia đình Tiến một ngôi nhà giá 900.000đ/tháng, bao điện nước. “Tôi sẽ sang chơi và hỏi thử xem trường hợp nhà em Tiến có cho miễn phí được 6 người ở không, nếu chú không đồng ý thì tôi sẽ không đề cập lại vấn đề này nữa”. Độc giả này cũng cho biết, hiện tại gia đình anh đang ở với 80 mét vuông sàn, còn có 1 phòng độc lập cho 2 anh em Tiến ở là tiện, muốn có thêm phòng nữa phải cơi nới thêm một phòng khoảng 10 mét vuông ra đằng sau nhưng cơi nới đi kèm với nhiều bất cập với hàng xóm: “Tôi sẽ bàn với vợ việc này và lấy ý kiến của mọi người xung quanh. Việc ở trên cùng 1 mặt bằng và thêm 6 con người là vấn đề tôi cần phải xem xét và bàn bạc”. Theo vị độc giả này, kế hoạch thu xếp nơi ăn, chốn ở cho gia đình Thủ khoa Tiến sẽ được bàn bạc khi có sự đồng ý từ phía gia đình chú Nguyễn Hữu Định. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ là cầu nối để gia đình chàng Thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến có được cuộc sống phần nào bớt khó khăn hơn.
Cũng trong ngày hôm qua, trao đổi qua điện thoại một Công ty Dược đã quyết định trao đổi với Thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến về những công việc làm thêm sau này khi em có nhu cầu, theo đại diện của công ty này, Tiến sẽ  được tạo mọi điều kiện để vừa học vừa làm.

Tối qua, trao đổi với chúng tôi một cán bộ thuộc trường Đại học Y Hà Nội cũng muốn giúp đỡ trường hợp chàng Thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến, phương thức giúp đỡ cụ thể sẽ được triển khai ngay sau khi xác nhận lại ý kiến từ phía gia đình em Nguyễn Hữu Tiến.
Mọi sự giúp đỡ gia đình ông Nguyễn Hữu Định xin gửi về địa chỉ: Nguyễn Hữu Định (sinh năm 1961) ở thôn Động Phi, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội, hoặc liên hệ qua Báo Giáo dục Việt Nam theo số điện thoại đường dây nóng: 0938 766 888, mail: toasoan@giaoduc.net.vn

Quý độc giả muốn giúp đỡ bác Nguyễn Hữu Định và các con của bác xin chuyển về tài khoản của Báo Giáo dục Việt Nam: 054 1101 464009 Báo điện tử Giáo dục Việt Nam - Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - chi nhánh Thăng Long Hà Nội. (Ghi rõ số tiền gửi hỗ trợ bác Nguyễn Hữu Định) - Chúng tôi sẽ có trách nhiệm chuyển đến gia đình bác Định!

Xuân Trung