Những nỗi khổ của thầy cô mùa tuyển sinh

11/08/2018 07:13
Phan Tuyết
(GDVN) - Gặp một số hiệu trưởng mùa tuyển sinh, thầy cô nào cũng nói quá căng thẳng, mệt mỏi khi vừa phải tuyển sinh lại phải đi xác minh, điều tra.

LTS: Đến mùa tuyển sinh, nhiều nhà trường gặp phải những chuyện khó xử liên quan đến việc nhận học sinh đúng tuyến hay trái tuyến.

Trong bài viết này, cô giáo Phan Tuyết chỉ ra các chiêu hợp thức hoá hồ sơ của phụ huynh và áp lực của nhà trường.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Dù tình trạng chạy trường ở thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) không nóng như nhiều địa phương khác, thế nhưng với tâm lý, muốn con học trường điểm, trường gần nhà không ít phụ huynh vẫn tìm mọi cách qua mặt nhà trường để đưa con vào học.

Điều này đã tạo nên áp lực khá lớn cho một số trường học nơi đây khi sĩ số học sinh học đúng tuyến chiêu sinh đã đủ.

Có tình trạng "chạy" hộ khẩu để hợp thức hoá hồ sơ tuyển sinh. Ảnh minh hoạ: http://luatdragon.vn
Có tình trạng "chạy" hộ khẩu để hợp thức hoá hồ sơ tuyển sinh. Ảnh minh hoạ: http://luatdragon.vn

Một số chiêu hợp thức hóa hồ sơ phụ huynh thường áp dụng

Ngoài một số chiêu thức như gọi điện thoại, nhờ người quen gửi gắm, điển hình nhất phải kể đến việc “chạy” hộ khẩu và giấy tạm trú tại địa phương.

Cô Đinh Mỹ Hằng - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã La Gi cho biết, có trường hợp một gia đình có 2-3 căn nhà, 2-3 hộ khẩu, 2-3 sổ tạm trú.

Có trường hợp, hôm nay khu phố xác nhận không có trong địa bàn nhưng ngày mai lại xác nhận có trong địa bàn… hoặc nhà ở khu phố 5 phường Phước Lộc xin tạm trú tại khu phố 3 phường Phước Lộc mà địa phương vẫn xác nhận.

Những nỗi khổ của thầy cô mùa tuyển sinh ảnh 2Hà Nội cảnh báo việc giả mạo chỉnh sửa thông tin tuyển sinh trực tuyến

Tiếp theo là gửi hộ khẩu cho con.

Có gia đình, cha mẹ ở một nơi nhưng khai sinh cho con trong hộ khẩu của ông bà nội ngoại hoặc cô dì chú bác ngay từ ngày cháu mới sinh.

Hay có những trường hợp trước đây, gia đình ở tại địa bàn ấy nhưng vài năm trước, họ chuyển đi nơi khác sinh sống và làm ăn nhưng không chuyển luôn hộ khẩu để chờ con sau này vào học cho đúng tuyến…

Tuyển sinh công khai, minh bạch 

Không phân biệt sang hèn, con cháu nhà ai, quy định tuyển sinh vào các trường trên địa bàn thị xã La Gi chỉ căn cứ vào việc người dân có nhà ở, có hộ khẩu ổn định và hiện đang sinh sống tại địa bàn quy định sẽ tuyển sinh vào trường.

Để tránh tình trạng “chạy” hộ khẩu như trên, trước mùa tuyển sinh khoảng vài tháng nhà trường đã cử cán bộ phụ trách phổ cập cùng cán bộ xã phường xuống địa bàn điều tra, xác minh để nắm rõ từng gia đình học sinh.

Có gia đình phải đi tới đi lui vài ba lần mới có kết quả. 

Thế là dù học sinh có hộ khẩu tại chính địa bàn ấy nhưng gia đình không có mặt sinh sống làm ăn ở đó, hoặc chỉ là hộ khẩu gửi, hay có nhà nhưng không ai ở…đều không được tuyển sinh vào trường.

Tất cả phụ huynh muốn con vào học ngôi trường họ đã ngắm, họ đã bỏ biết bao tâm sức như mua thêm nhà, gửi hộ khẩu, xin giấy tạm trú… thế nên khi bị nhà trường từ chối nhận hoặc trả lại hồ sơ đã tỏ ra bức xúc.

Không ít người đi rêu rao và đặt điều “vì không quen, không tiền…” gây hiệu ứng xấu trong dư luận.

Trong khi nhiều trường học nơi đây, tuyển sinh khá minh bạch rõ ràng. Làm công bằng đến mức không có trường hợp ngoại lệ dù đó là con cháu của ai.

Ngay thời điểm hiện tại, Phó Trưởng phòng Giáo dục thị xã La Gi khẳng định:

Trường Tiểu học Tân An 2 (điểm nóng tuyển sinh của thị xã vì nơi đây có rất nhiều phụ huynh khát khao cho con vào học) không có một học sinh trái tuyến”.

Những nỗi khổ của thầy cô mùa tuyển sinh ảnh 3Những lưu ý quý hơn vàng khi đăng ký tuyển sinh lớp 1, lớp 6 tại Hà Nội

Thế nhưng nhiều phụ huynh thì vẫn không chịu hiểu và cảm thông.

Trong khi ngay tại trường, có giáo viên vẫn không thể xin cho con vào học được.

Thế là mẹ dạy một nơi, con phải học một nơi xa hơn.

Dù rất thấu hiểu và thương giáo viên nhưng nhà trường vẫn không thể làm trái quy định.

Rồi cháu của cựu trưởng công an thị xã, con của trưởng phòng cảnh sát giao thông, mẹ là cán bộ ngân hàng, hay con của Hội trưởng hội phụ huynh nhà trường, thậm chí có năm cháu ruột của chính thầy hiệu trưởng cũng không thể vào học vì chưa đủ điều kiện.

Nhà trường hết lòng nhưng nhiều phụ huynh bất hợp tác

Sau khi nhà trường nắm chắc số lượng học sinh chỉ có hộ khẩu còn gia đình hiện đang sinh sống ở một địa bàn khác, nhà trường sẽ làm việc trực tiếp với cha mẹ các em.

Nào giải thích cho phụ huynh hiểu và chia sẻ với nỗi khó khăn của trường.

Không để các em thất học, nhà trường sẽ giới thiệu cho gia đình đưa con vào học ở ngôi trường bên cạnh (chỉ cách vài cây số).

Nhưng vẫn còn phụ huynh không chịu hợp tác và gây khó dễ.

Những nỗi khổ của thầy cô mùa tuyển sinh ảnh 4Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố dựa vào đâu mà không nhận học sinh đúng tuyến?

Có người còn dẫn chứng con ông bà A, bà B cũng hộ khẩu như thế sao những năm trước học được. Còn con tui thì không?...

Rồi, người chửi bới, hăm dọa, người viết đơn kiện cáo, người phao tin nói xấu…

Dù nhà trường đã giải thích rằng “Mỗi năm mỗi khác, bởi khi lượng học sinh quá tải nhà trường phải tiến hành khâu xác minh kĩ hơn”.

Gặp một số hiệu trưởng mùa tuyển sinh, thầy cô nào cũng nói quá căng thẳng, mệt mỏi khi vừa phải tuyển sinh lại phải đi xác minh, điều tra.

Ngoài ra còn mất khá nhiều thời gian, công sức để giải thích cho từng người lý do con không được nhận. Thế nhưng không ít phụ huynh vẫn chưa hài lòng.

Tránh tình trạng chạy trường cần chính quyền hợp tác

Những rắc rối, mệt mỏi mùa tuyển sinh phần lớn là do một số xã phường bỏ qua khâu xác minh trước khi cấp hộ khẩu hoặc cấp giấy tạm trú.

Điều này đã tạo cho phụ huynh cơ hội làm khó nhà trường.

Tránh việc chạy trường cũng như giảm áp lực cho các trường mùa tuyển sinh một mình trường học sẽ không thể đảm đương nỗi.

Bởi thế, từng địa phương phải có sự giám sát chặt chẽ từ việc theo dõi hộ khẩu của người dân trên địa bàn cũng như việc cấp hộ khẩu và giấy tạm trú mới cho người dân.

Phan Tuyết