Những nữ sinh gánh cả gia đình

21/11/2012 10:16
Theo VNN
Trên giảng đường, họ là những nữ sinh hồn nhiên. Lúc ở nhà, họ là người chị sẵn sàng hi sinh, đôi khi vì hoàn cảnh riêng, họ còn thay thế vị trí người mẹ, coi sóc quán xuyến cả gia đình.
Khoảnh khắc hồn nhiên của nữ sinh Lương Thị Kiều Ngân (HV Tài chính)
Khoảnh khắc hồn nhiên của nữ sinh Lương Thị Kiều Ngân (HV Tài chính)

Vừa làm chị vừa làm mẹ 
Nhiều đêm nằm thao thức, Lương Thị Kiều Ngân (SV năm 3 HV Tài chính Hà Nội) luôn nhủ lòng phải cố gắng và cố gắng hơn nữa. Ngân không có nhiều thì giờ để buồn chán. Em còn phải học, phải làm thêm phụ giúp bố lo cho các em ruột và lo cho chính mình ăn học. Từ lúc nhà vắng đi bàn tay mẹ, Ngân trở thành người thay thế, thành điểm tựa của các em.
Mẹ Ngân mất sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh ung thư máu. Sau sự ra đi của mẹ, gia đình em cũng gần như khánh kiệt. Ba bố con xoay sở, bàn tính chuyển lên Hà Nội ở để bố kiếm việc làm còn chị em Ngân tiện đi học, chăm sóc lẫn nhau. Vậy là cả nhà dắt nhau đi thuê trọ.
Bố Ngân xin được làm bảo vệ tại một siêu thị điện máy, vì đặc thù công việc nên bố đi vắng suốt. Ngân là chị cả, phải một tay thu vén nhà cửa. Căn phòng trọ nhỏ xíu, Ngân và em gái gắng sắp xếp để được hai chỗ ngủ: Một giường bên dưới dành cho bố và em trai và một chỗ đặt lưng cho hai chị em gái trên gác xép.
Phòng nhỏ đến mức, cái cầu thang con con khấp khểnh dùng để nối hai khoảng không gian cũng trở nên tốn diện tích. Đã bao lần, hai chị em Ngân bàn tính, làm sao để tranh thủ bán buôn được chút gì ngay tại nhà mà nghĩ mãi chưa ra.
“Hằng tháng em đi dạy thêm cũng được khoảng gần 1 triệu với lương của bố gần 3 triệu, chưa đủ đập vào tiền nhà, tiền ăn, tiền đóng học cho em trai. Nếu có thể kinh doanh gì đó, dù nhỏ thôi thì cũng đỡ được ít nhiều” – Ngân khẽ nhẩm tính. Nhưng làm gì cũng cần vốn và thời gian. Hai cái này, chị em Ngân đều thiếu...
Trong khi chờ tìm ra “giải pháp”, Ngân vẫn tiếp tục đi gia sư. Hôm nào không phải đi, Ngân thu xếp kèm em trai học, mong nó theo kịp những học sinh thành phố. Thằng bé sống tình cảm, nhưng quen được mẹ chiều, đôi lúc ngỗ nghịch khiến chị đỏ mặt vì giận. Giận, rồi lại thương, không nỡ đánh đòn, cũng không nỡ mắng mỏ, có khi chỉ biết quay đi giấu nước mắt. Cũng có khi, nước mắt chưa khô mấy chị em đã lại tíu tít cười đùa.
Ngân tự nhủ, có thể cô sẽ phải tìm đọc vài cuốn sách tâm lý lứa tuổi, biết đâu có thể uốn nắn em trai tốt hơn, và cư xử tâm lý hơn với em gái. Cuộc sống hiện tại, dù khó khăn thật nhưng cả 4 người thân yêu nhất với Ngân đều được khỏe mạnh và gần nhau, với Ngân là đủ.

Không sợ chết, không sợ “ết”, chỉ sợ em không có tiền đóng học

Là em trai của một bà chị “tài ba” – không bao giờ Bùi Anh Quang – SV năm 3, Viện Quản trị kinh doanh FSB – ĐH FPT quên được câu chuyện gắn với tình cảm yêu thương, sự hi sinh của chị gái dành cho mình.
Chị ruột của Quang sinh năm 1987, trẻ măng nhưng gần như đã là trụ cột trong gia đình từ nhiều năm nay. Thời sinh viên, chị làm đủ nghề để có tiền phụ mẹ nuôi cả gia đình. Bố mẹ đều đã lớn tuổi, kinh tế eo hẹp nên gánh nặng kinh tế vì vậy mà dồn lên vai chị, đặc biệt là khi Quang thi trượt đại học.
“Tôi định đăng ký nguyện vọng 2 vào một trường ĐH nào đó, hoặc thi lại, nhưng chị gạt đi. Chị tìm hiểu kỹ, và gợi ý tôi thi vào ĐH FPT . Chị cho rằng, ở đây có môi trường học tập phù hợp, tốt cho tôi phát huy những thế mạnh của mình. Thế nhưng học phí của trường cao ngất ngưởng. Bố mẹ không ủng hộ, tôi thì hoang mang vì số tiền học phí “khủng” cứ treo lủng lẳng trước mắt. Chỉ có chị là kiên quyết nói “chị sẽ đầu tư cho mày đi học. Mày sẽ không làm chị thất vọng, phải không?” – Quang xúc động kể lại.
Lời nói ấy của chị không bao giờ Quang quên được. Với một chàng trai 18 tuổi, câu nói ấy còn là niềm tin, là điểm tựa, giúp cậu lấy lại sự mạnh mẽ, tự tin để hướng về phía trước.
“Rùng rợn” hơn nữa là lần chị gái Quang bị hai gã nghiện dí kim tiêm vào người, mỗi lần nhắc lại đều khiến Quang cay cay nơi sống mũi: “Lần ấy, chị đi rút tiền để cho tôi đóng học, không ngờ bị hai gã nghiện bám đuôi. Chúng kề kim tiêm vào cổ chị đe dọa, rồi cướp đi toàn bộ ví tiền. Chị bảo, khoảnh khắc ấy, chị chẳng sợ kim tiêm, chẳng sợ nguy cơ lây “ết” mà chỉ xót cháy ruột gan vì đánh mất tiền đóng học cho em trai, không biết sẽ phải xoay sở như thế nào”.
Chuyện xảy ra đã lâu, nhưng mãi mãi khắc sâu vào lòng Quang tình cảm biết ơn, yêu thương dành cho chị.
Nhiều lần khác, Quang không cầm lòng được khi bất chợt nghe được một lời than thở vu vơ của chị, khi phát hiện hầu như chị rất ít đi chơi, rất ít mua sắm, rất ít chi tiêu cho riêng mình.
“Chị dạy tôi sống bằng chính nghị lực của chị. Tôi đi học, rồi đi làm thêm, tất bật với những dự án tình nguyện để tìm kiếm các cơ hội học tập, rèn luyện kỹ năng, kinh nghiệm. Có như vậy tôi mới tìm được một công việc tốt, lương cao. Có thể hơi thực dụng, nhưng tôi xác định mình phải giàu, để sống được, lo được cho gia đình, và đương nhiên, để chị không phải gồng mình lo lắng nữa” – Quang tâm sự.
Theo VNN