Những phát ngôn về giáo dục ấn tượng nhất năm 2012

07/12/2012 06:02
Đỗ Quyên (TH)
(GDVN) -Nền giáo dục nước nhà đã được nhiều chuyên gia đầu ngành về giáo dục đóng góp thẳng thắn, tâm huyết. Sau đây là 10 phát ngôn ấn tượng nhất trong năm 2012 đã được Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải.
1. GS Hoàng Xuân Sính: Giáo dục như một mớ bòng bong

GS Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long cho biết, nhiều cơ chế chính sách sai đó là lỗi của người làm quản lí. Người quản lí trong tay có đủ quyền làm tất cả, có quyền làm chính sách, cho nên không thể đổ lỗi cho cái gì khác, khi mà nhiệm vụ quản lí về mặt chính sách làm còn chưa tốt.

Theo GS Hoàng Xuân Sính: Giáo dục hiện nay như mớ bòng bong là chính xác và trong lần này đổi mới căn bản giáo dục, nếu không giải quyết được vấn đề gốc đó là tiền thì 30 năm nữa sẽ càng rối. Chẳng phải cứ cho bao nhiêu từ tốt đẹp vào đổi mới mà nó sẽ đổi mới được. GS Hoàng Xuân Sính nêu quan điểm, tiền không thể bới ở đâu ra được, nước thì nghèo cho nên chúng ta phải tiết kiệm, đầu tư vào chỗ nào cho đúng, chứ đừng đổ tiền ra tràn lan.

2. GS Nguyễn Lân Dũng: "Tôi buồn vì sinh viên ra trường phải đi tiếp thị mì tôm"
GS Nguyễn Lân Dũng: "Không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp đã phải đi tiếp thị mì tôm hay các việc làm tương tự để kiếm sống. Hiện nay là như vậy, đến năm 2020 dự kiến sẽ có khoảng 350-400 sinh viên tính trên một vạn dân, nếu không đổi mới chất lượng đào tạo thì ngay cả việc đi "tiếp thị mỳ tôm" cũng đâu có dễ".

Về SGK, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: Quá nhiều bất cập, nhưng lỗi do chương trình chứ không phải do sách giáo khoa. Người viết sách giáo khoa bắt buộc phải theo chương trình. Mà chương trình thì chưa hoàn chỉnh. Phân ban không hợp lý. Học nhiều thứ chả để làm gì, học quá nhiều môn, sách tham khảo quá loạn, dạy chữ mà ít lo dạy người, ít lo hướng nghiệp... 

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

3. Nguyên PCT nước Nguyễn Thị Bình: "Giáo dục Việt Nam đi ngược quy luật"

PCT Nguyễn Thị Bình cho rằng: “Tình hình giáo dục bây giờ rất nghiêm trọng, chúng ta vẫn nói giáo dục phải đi trước nhưng thực tế có đúng thế không? Giáo dục không đi trước, không đi ngang mà còn đi sau, như vậy là trái quy luật”.

PCT nước Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh: Nếu không thay đổi tư duy và phương pháp, tiếp tục cách làm chắp vá, thiếu tầm nhìn tổng thể, thiếu kế hoạch đồng bộ thì không thể biến chuyển căn bản, toàn diện nào cả. 

4. GS Trần Hồng Quân: "Nền giáo dục hiện nay có nhiều lỗi hệ thống"
GS Trần Hồng Quân phát biểu: "Tôi cho là nền giáo dục của ta hiện nay có nhiều lỗi hệ thống nên không thể tìm khâu đột phá riêng lẻ cụ thể nào mà phải đột phá vào từ tư duy hệ thống... Chúng ta đã quá chậm rồi. Gần bốn thập niên sau giải phóng thống nhất đất nước, hơn một phần tư thế kỷ đổi mới kinh tế xã hội rồi mà giáo dục chưa trở thành một đòn bẩy quyết định thúc đẩy sự phát triển toàn xã hội. Thật đáng sốt ruột đến cháy lòng khi chất lượng giáo dục Việt Nam tụt hậu so với ngay cả các nước trong khu vực.”

GS Hoàng Tụy – người dành cả đời cho sự nghiệp giáo dục cũng phải thốt lên rằng, hiện đất nước đang đứng trước một thực trạng bi đát, xã hội nhiễu nhương, văn hóa suy đồi… Cuộc sống bức bách như bây giờ đòi hỏi phải cải cách giáo dục, coi đó là điều kiện sống còn của dân tộc. Cứu nước có nhiều việc khẩn cấp phải làm, trong đó có chấn hưng giáo dục là một nhiệm vụ khẩn cấp nhất.

Cũng theo GS Hoàng Tụy, nguyên nhân sâu xa của “bước thụt lùi” trong giáo dục là do “khuyết tật cấu trúc”, lỗi thiết kế hệ thống của giáo dục, sự lạc hướng, lạc điệu không giống ai, sự “không giống ai” này đôi khi chúng ta lại tự coi là bản sắc độc đáo để tự hào và cố gìn giữ. Sự lạc hướng, lạc điệu này nhìn từ gốc vấn đề tức là triết lý giáo dục, từ tư duy, quan niệm cơ bản về mục tiêu, đường lối, cung cách làm giáo dục. Nói cách khác, nhà trường không thể chỉ dạy chữ, dạy kiến thức mà còn phải dạy làm người. 

“Vì trách nhiệm trước lịch sử, vì nghĩa vụ đối với con cháu, thế hệ chúng ta cần vượt qua mọi trở lực tư tưởng, gạt bỏ các định kiến lỗi thời, tiến lên với trào lưu tiến hóa chung của nhân loại, đáp ứng tốt nhất mục tiêu tối thượng của dân tộc: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, GS Hoàng Tụy nhấn mạnh.

6. PGS.Văn Như Cương:"Chỉ Việt Nam có chuyện dùng văn bằng để thăng quan"

PGS. Văn Như Cương đã có những chia sẻ về hướng đi của nền giáo dục nước nhà. Theo ông thì nền giáo dục của chúng ta hiện nay đang đi lệch hướng, và một trong những vấn đề cần làm trước mắt là phải thay đổi mạnh mẽ chương trình và chuẩn kiến thức ở bậc phổ thông.

Nền giáo dục chúng ta đang ở trong trạng thái của một nền “giáo dục ứng thí”, mục đích đi học chỉ là để đi thi, đi thi để có một văn bằng, càng cao càng tốt. Nếu chưa có việc thì dùng văn bằng để tìm việc, nếu đã có việc rồi thì dùng văn bằng để thăng quan tiến chức. Đây là sự lệch hướng lớn nhất, kéo theo mọi lệch hướng khác.

7. GS Hồ Ngọc Đại: Giáo dục không gắn liền với thực tế đời sống

GS Hồ Ngọc Đại - cha đẻ của mô hình trường Thực nghiệm đã chia sẻ những trăn trở về giáo dục phổ thông đã chia sẻ những suy nghĩ tâm huyết: "Cho tới bây giờ nền giáo dục của chúng ta không gắn với thực tiễn cuộc sống mà chủ yếu vẫn theo đường lối của Khổng Tử, giáo dục hiện nay khi đã hoang mang trước thời đại thì lại quay đầu về quá khứ giống như “Tiên học lễ, hậu học văn”. Thời Khổng Tử học là để thi, thi trên giấy, thi trên ngôn từ. Thời đó không thực tiễn, mỗi một người một chõng tre tưởng thế là nghiêm chỉnh, nhưng đó cũng chẳng để làm gì. Chúng ta hiện nay đang bị mê muội như vậy vì bản chất của việc đó là không nghiêm túc, đó là hình thức kiểm tra trí nhớ của con người bằng ngôn từ, trò chơi bằng ngôn từ, như vậy không có ích gì cho đời sống, không có tiêu chuẩn gì về thực tế".

"Giáo dục bây giờ chỉ hơn nhau bằng cách lấy lòng cấp trên, hơn nhau ở chỗ được lòng thầy chứ không hơn nhau bằng thực lực. Một chương trình không tạo ra thực lực cho con người mà tạo ra sự lèo lá, sự khôn khéo, những cái đó ra đời thì vô nghĩa", GS Văn Như Cương nhấn mạnh thêm.

8. GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD& ĐT: SGK còn nhiều bất cập

Theo GS Phạm Minh Hạc: Chương trình SGK, đặc biệt là Toán, Văn vẫn còn nhiều bất cập và hết sức nặng nề. Khi tôi làm Bộ trưởng, tôi ra quyết định là bỏ hết các bài toán sao (toán khó – PV) và các cháu chỉ học rất cơ bản. Còn ngày nay thì những bài toán khó lại được in tràn lan. Ai đời sách tham khảo môn Toán có đến hơn 100 cuốn. 

Cụ thể, GS chia sẻ: "Có những người dạy Toán cả một đời người nói với tôi, chương trình Toán phổ thông thừa đến 50 – 60 %. Vậy học sinh có học được, nhớ được hết không? Còn môn Văn thì dạy quá nhiều định nghĩa, văn phạm, nhưng ngữ văn thực hành thì rất kém. Năm 2015 mới có bộ SGK mới, vậy chúng ta, con em chúng ta phải đợi lâu quá! Mà chưa chắc năm 2016 có bộ sách mới bởi còn phải tập huấn, thí điểm…!

Năm học 2011 – 2012, Bộ tiến hành giảm tải chương trình sách giáo khoa. Nhưng thực tế, giảm tải mang tính hình thức, vụn vặn, không đến nơi đến chốn.

9. GS. Nguyễn Đăng Hưng: "Giáo dục Việt Nam, bệnh đã quá nặng cần được giải phẫu"

GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng là một Việt kiều tâm huyết với giáo dục Việt Nam. Ông học tập tại ĐH Liège (Bỉ), tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư vật lý - Hàng không & không gian, và đã có 40 năm giảng dạy đại học, từng là Trưởng khoa Cơ học phá hủy của ĐH Liège.

GS Nguyễn Đăng Hưng nêu quan điểm: Lại một đề án mới về cải cách giáo dục? Thú thật, đã từ hơn 15 năm nay, tôi đã nghe nhiều về quyết tâm này, tôi đã bao lần đề đạt các ý kiến, đã mấy lần ký chung với các đồng nghiệp trong và ngoài nước những kiến nghị về cải cách giáo dục, chẳng hạn như kiến nghị phát xuất từ nhóm của GS Hoàng Tụy (2001 rồi 2009), nhưng chuyện đâu lại vào đó.
Vấn đề là chữa trị bằng cách nào và ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm đề đạt những biện pháp cụ thể. Sai lầm đã liên tục tác hại trên nửa thế kỷ, việc chữa trị tất nhiên đòi hỏi thời gian ít ra là một hai thập kỷ. 
Giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tích ngược đáng lo sợ. Chính tôi cũng là nhân chứng sống của sự kiện xuống dốc này. Trình độ trung bình của sinh viên các cao học thạc sỹ do chúng tôi tổ chức từ năm 1995 cho đến năm 2007 ngày càng xuống, điểm trung bình cuối năm của các em ngày càng tệ.
10. GS Nguyễn Xuân Hãn: "Chương trình SGK hiện nay có hại cho học sinh"
GS Nguyễn Xuân Hãn (Công tác tại Hội Vật lý Việt Nam, từng giảng dạy tại ĐH QGHN) cho rằng, SGK là tài liệu mang tính pháp lý trong dạy và học, song ở nước ta chương trình giáo dục chuẩn từ phổ thông đến đại học đều chưa có. Ở bậc phổ thông, học sinh bị bội thực vì sách, còn ở bậc đại học sinh viên đói sách cho nên học chay triền miên. Nghịch lý này tồn tại từ khi ta đổi mới, cải cách giáo dục đến nay.

Sự bất cập trong cách làm SGK hiện nay khiến GS Nguyễn Xuân Hãn phải thốt lên: "Không nên dùng chương trình SGK như hiện nay vì nó có hại cho học sinh. GS Hãn dẫn chứng, so với thế giới chương trình SGK của chúng ta phải giảm tải, bỏ bớt kiến thức khoảng 30% - 50% (loại bỏ phần kiến thức đại học) trong SGK ở các cấp, đồng thời sử dụng cách trình bày phổ thông, thay đổi căn bản con người và tổ chức biên soạn lại".

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Đưa giáo dục Việt Nam thoát khỏi yếu kém và lạc hậu

Giáo viên đánh học sinh gây mầm mống tội ác

Tâm sự xúc động: Những giáo viên chật vật "chạy ăn" từng bữa

Chùm ảnh: Những khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày 20/11

Câu chuyện xúc động ngày 20/11: Cha - Người thầy đầu tiên của tôi

Chân dung Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo qua các thời kỳ

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng


Đỗ Quyên (TH)