Những sai sót khó hiểu trong sách tham khảo lớp 5

12/05/2014 07:03
Ninh Hải
(GDVN)- Trong thời gian gần đây, việc các loại sách được phản ánh có nội dung chưa phù hợp, sai chính tả, thậm chí sai sót về kiến thức đã được nhiều.

Một cuốn sách được nhiều giáo viên, phụ huynh cũng như học sinh tin tưởng và sử dụng khi học Toán ở bậc Tiểu học chính là cuốn: “Bài tập cuối tuần Toán 5, tập 2” nằm trong bộ sách “Bài tập cuối tuần Toán” từ lớp 1 đến lớp 5 do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Nhưng, có nhiều sai sót được phát hiện...

Những sai sót làm khó… người học

Sách “Bài tập cuối tuần Toán 5, tập 2” được chia làm hai phần. Phần 1 tổng hợp các bộ đề ôn tập theo các tuần. Phần 2 cuốn sách cung cấp đáp số, lời giải cho các bài tập nêu trong phần 1.

Qua theo dõi, cuốn sách này đã xuất hiện khá nhiều lỗi.

Theo phản ánh, sách tham khảo lớp 5 có nhiều lỗi.
Theo phản ánh, sách tham khảo lớp 5 có nhiều lỗi.
Trước hết, ở đề A, tuần 20 có bài tập 8 (trang 8) với nội dung: “Tính diện tích phần tô màu, biết: OB = 10 cm, AB = 7 cm”. Bài toán cho thêm hình ảnh minh họa là hai hình tròn đồng tâm O, bán kính OA, OB; ba điểm O, A, B thẳng hàng trong khi đó không hề có phần tô màu. Khi đọc đến đây, nhiều em học sinh lúng túng, không biết giải bài toán ra sao. Có em để trống không làm; có em đem thắc mắc của mình hỏi thầy cô, bố mẹ; lại có những em tính diện tích cả hai hình tròn bài cho.

Nội dung đáng bàn tiếp theo xuất hiện ở đề B, tuần 31 qua hai bài tập 10, 11 trong phần học sinh trình bày bài làm. Nội dung hai bài toán xin được trích nguyên văn như sau: “Tìm tổng của hai số, biết rằng nếu số hạng thứ nhất thêm 1,23 và số hạng thứ hai bớt 4,56 thì được 7,89.” (bài 10) và “Tìm hiệu hai số, biết rằng nếu số lớn bớt 1,35 và số bé bớt 2,46 thì được 20,09.” (bài 11). 

Hai bài toán này cũng gây ra nhiều tranh cãi, lí do bởi đề bài không rõ ràng. Ở đây xuất hiện hai cách hiểu nội dung bài toán. 

Cách hiểu thứ nhất, đối với bài 10 là: tìm tổng của hai số, biết rằng nếu số hạng thứ nhất thêm 1,23 đơn vị và số hạng thứ hai bớt 4,56 đơn vị thì được tổng mới là 7,89. Còn cách hiểu thứ nhất với bài 11 là: tìm hiệu của hai số, biết rằng nếu số lớn bớt 1,35 đơn vị và số bé bớt 2,46 đơn vị thì được hiệu mới là 20,09. 

Tuy nhiên lại có nhiều người cho rằng hai bài tập trên có cách hiểu hoàn toàn khác. Đối với bài 10, có ý kiến cho rằng nên hiểu yêu cầu đề bài là: tìm tổng của hai số, biết nếu số hạng thứ nhất thêm 1,23 đơn vị thì được 7,89 và số hạng thứ hai bớt 4,56 đơn vị thì cũng được 7,89. Tương tự, cách hiểu thứ hai ở bài 11 là: tìm hiệu của hai số, biết rằng nếu số lớn bớt 1,35 đơn vị thì được 20,09 và số bé bớt 2,46 đơn vị thì cũng được 20,09.

Cả hai cách hiểu trên đều hợp lí khiến nhiều học sinh rất lúng túng khi làm bài. Khi được trao đổi về nội dung bài, nhiều giáo viên Tiểu học cũng e ngại khi đưa ra cách hiểu đề cũng như đáp án chính xác của bài. Mở phần lời giải thì được biết, đáp án được làm dựa trên cách hiểu thứ nhất vừa nêu, tuy nhiên lời giải ở bài tập 10 còn ghi sai số. (đề là 4,56 thì đáp án ghi thành 4,65?!).

Ở bài tập 8 (trang 8), đề A, tuần 20, có thể đổ lỗi cho khâu in ấn sai sót nhưng đã gây khó khăn cho rất nhiều học sinh, thậm chí cả phụ huynh, giáo viên trong quá trình hướng dẫn con em mình thì sang bài tập 10, 11 (trang 54), đề B, tuần 31 đã không đảm bảo tính khoa học, rõ ràng của Toán học, đây là một điều tối kị vì Toán học đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối.

Một lỗi trong Bài tập 8, trang 8.
Một lỗi trong Bài tập 8, trang 8.

Một lỗi sai không thể bỏ qua ở cuốn sách này nằm ở bài tập 7 (trang 60), đề A, tuần 33. Nội dung đề bài như sau: “Tính diện tích hình tam giác có độ dài hai đáy là 6 m và 25 dm.”. Chúng ta vẫn biết quy tắc tính diện tích hình tam giác là lấy độ dài cạnh đáy nhân với chiều cao tương ứng rồi chia cho 2 (đối với tam giác thường) hoặc lấy tích độ dài hai cạnh góc vuông rồi chia cho 2 (đối với tam giác vuông). Bài toán này chỉ cho biết độ dài hai đáy và cũng không chỉ rõ đó có phải là tam giác vuông hay không nên việc tìm ra một đáp án chính xác cho bài toàn là hoàn toàn không thể, đặc biệt ở trình độ Tiểu học.

Lỗi ở đâu?

Cuốn sách mà chúng tôi phát hiện những lỗi sai trên, theo thông tin trang bìa thì được biết cuốn sách đã được tái bản làn thứ tư, có chỉnh lí bổ sung. Điều này chứng tỏ bộ sách nói chung và cuốn sách nói riêng nhận được sự ủng hộ của đông đảo quý thầy cô, phụ huynh và các em học sinh. 

Qua theo dõi, được biết sách thiết kế các bộ đề rất phong phú, đa dạng, bám sát nội dung chương trình các tuần học ở Tiểu học. Những người biên soạn đều là các nhà giáo đầu ngành có uy tín, kinh nghiệm lâu năm, có thể kể đến như Đỗ Trung Hiệu, Trần Thị Kim Cương, Nguyễn Ngọc Hải, Đỗ Trung Kiên. Những nhà giáo này đã từng có nhiều sách được xuất bản trong thời gian qua. Liệu đây có phải do đơn vị xuất bản hay vì một lí do nào khác?

Như vậy, những lỗi sai được nêu trong cuốn sách trên do đâu mà có? Câu trả lời xin dành cho Nhà xuất bản Giáo dục. Cũng mong rằng, qua đây, các tác giả cuốn sách, đơn vị xuất bản cần sớm có biện pháp chỉnh lí cho phù hợp, tránh đánh mất niềm tin ở người học. 
Ninh Hải