Những tín hiệu tích cực từ Bộ trưởng Nhạ

18/01/2019 07:03
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Bộ trưởng đã hướng tới việc giảm áp lực cho giáo viên, giảm bớt những cuộc thi không cần thiết đang tồn tại trong ngành giáo dục.

Thông tin một số trường Tiểu học ở Hải Phòng đã nhắn tin cho phụ huynh để cho một số em “học sinh khác” ở nhà trong thời gian thi giáo viên giỏi cấp thành phố đã khiến cho dư luận “dậy sóng” trong mấy ngày qua.

Điều đáng trân trọng là sự nhanh chóng vào cuộc của lãnh đạo Bộ Giáo dục-Đào tạo đã về Hải Phòng để tìm hiểu và đưa ra những kết luận về sự việc.

Bộ Nội vụ đang làm gì với “Quốc sách hàng đầu” vậy?

Sự sốt sắng của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã và đang nhận được sự đồng thuận của dư luận và tạo ra sự những kỳ vọng về thay đổi trong thời gian tới ở ngành giáo dục.

Chúng ta thấy rằng sự việc ồn ào trong Hội thi giáo viên giỏi ở Hải Phòng xảy ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đích thân chỉ đạo tổ công tác về Hải Phòng để tìm hiểu và chấn chỉnh tình trạng này.

Đồng thời, phát ra thông điệp là sẽ sửa đổi Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT ngày 20/7/2010 Ban hành Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong chuyến công tác tại Bắc Giang ( Ảnh minh họa: moet.gov.vn)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong chuyến công tác tại Bắc Giang ( Ảnh minh họa: moet.gov.vn)

Sự chỉ đạo tức thì của Bộ trưởng là điểm nhấn cần thiết cho ngành sau khi thông tin này được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Từ sự việc này cũng như một số hoạt động những ngày qua của Bộ trưởng cũng đang hướng tới những giá trị thật của ngành giáo dục và tiến tới việc giảm bớt những áp lực vô hình cho người thầy hiện nay là điều vô cùng cần thiết.

Phải công nhận một điều là ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2019 này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã và đang có những việc làm, những phát ngôn ấn tượng tạo nên những tín hiệu tích cực, lạc quan ở ngành giáo dục.

Đầu tiên là sự việc ông lựa chọn từ khóa “giảm áp lực cho giáo viên” và sau đó là trong những buổi làm việc, những chuyến công tác đến các địa phương thì ông đã có những chia sẻ hướng tới việc "giảm tải" cho giáo viên.

Trong chuyến đi công tác ở Bắc Giang (ngày 16/1/2019), ông đến thăm, tặng quà, chúc Tết những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn và nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên ở đây.

Khi nói về Hội thi giáo viên giỏi các cấp, Bộ trưởng đã có những chia sẻ như sau: “Phải làm sao để các thầy cô được vinh danh thấy xứng đáng, cơ sở giáo dục thấy tự hào. Nếu bản thân chúng ta còn thấy vất vả thì xã hội sẽ không đồng tình”.

Bộ trưởng Nhạ còn chia sẻ thêm:  “Mỗi người trong ngành chỉ cần có đổi mới nhỏ, thiết thực, chúng ta sẽ có một rừng đổi mới; quan trọng là chúng ta sẵn sàng và đoàn kết để đổi mới”.

Cũng tại Bắc Giang, ông đã gửi đến đội ngũ cán bộ, giáo viên nơi đây một thông điệp:

Giảm áp lực cho giáo viên”bằng việc cắt giảm mạnh các hồ sơ, sổ sách không cần thiết; mạnh dạn bỏ bớt các tiêu chí thi đua gây áp lực cho giáo viên; xem xét, điều chỉnh, cắt giảm các hội thi, cuộc thi không thiết thực…”.

Những tín hiệu tích cực từ Bộ trưởng Nhạ ảnh 2Giảm áp lực giáo viên, Bộ quyết tâm nhưng có địa phương vẫn ngó lơ

Có lẽ chưa bao giờ, người đứng đầu ngành giáo dục lại thể hiện sự quan tâm đến những bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ giáo viên dưới cơ sở như những ngày này.

Nếu những chia sẻ của ông mà thành hiện thực thì ắt sẽ có những thay đổi lớn trong ngành.

Bởi, một khi những áp lực vô hình của giáo viên không còn nữa, những bất cập của các Hội thi được tháo gỡ thì giáo viên sẽ tin yêu hơn với công việc của mình cũng như sẽ sẵn sàng dấn thân, phấn đấu nhiều hơn cho công việc mà mình đang gắn bó.

Giáo dục cần sự chung tay của mọi người

Điều dư luận quan tâm bây giờ đó là người đứng đầu ngành giáo dục đã và đang hướng tới những thay đổi tích cực cho ngành.

Bộ trưởng đã hướng tới việc giảm áp lực cho giáo viên, giảm bớt những cuộc thi không cần thiết đang tồn tại lâu nay.

Chính vì thế, cấp Sở, cấp Phòng, thậm chi là các Ban Giám hiệu nhà trường sẽ hưởng ứng những mong muốn, chỉ đạo của Bộ trưởng ra sao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở từng địa phương, từng đơn vị cụ thể.

Cấp Sở, Phòng là cấp quản lý gần nhất của các đơn vị trường học, vì vậy những chỉ đạo cần “sát” với tình hình thực hiện nhiệm vụ giáo dục của địa phương mình.

Hàng năm, cần giảm bớt các hội thi, các cuộc thi không cần thiết. Trong các phong trào phối hợp các các ngành khác cũng cần lựa chọn kỹ lưỡng.

Bởi, ngành giáo dục có một đặc thù là giáo viên phải giảng dạy hàng ngày.

Vậy nhưng, nhiều phong trào thi đua “liên ngành” giáo viên phải bỏ lớp hoặc phải nhờ người khác dạy thay để tham dự là điều thua thiệt cho học trò.

Các cuộc thanh, kiểm tra về chuyên môn các trường cũng cần giảm bớt.

Các chuyên đề thao giảng Hội đồng bộ môn cấp huyện, cấp tỉnh cũng chỉ nên lựa chọn mỗi năm một vài chuyên đề mới, thiết thực.

Không nên tổ chức mỗi môn học 5-6 chuyên đề như hiện nay, vừa không có hiệu quả mà lại gây áp lực cho nhà trường, các tổ chuyên môn và ngay cả với bản thân giáo viên.

Những tín hiệu tích cực từ Bộ trưởng Nhạ ảnh 3Bộ trưởng Nhạ: Mỗi thầy cô một thay đổi nhỏ, giáo dục sẽ có cả rừng đổi mới

Bởi, nhiều giáo viên phải đi đến đơn vị bạn dự 1 tiết thao giảng mà phải chạy hàng mấy chục cây số thì cực lắm.

Ban Giám hiệu nhà trường cũng bớt đi những gánh nặng về hồ sơ sổ sách cho giáo viên.

Hàng năm, giáo viên bị kiểm tra không biết bao nhiêu lần. Lúc thì kiểm tra nội bộ, lúc thì kiểm tra chuyên đề, lúc thì dự giờ, rồi liên miên các phong trào của trường.

Nếu Ban giám hiệu chịu lắng nghe giáo viên, chịu ngồi thảo luận với các tổ trưởng chuyên môn để định hướng cho một năm học sẽ có nhiều ý kiến cho việc giảm tải.

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo nhà trường bây giờ chỉ thích ra mệnh lệnh và ít chịu nghe những lời đóng góp.

Đối với bản thân của từng giáo viên cũng phải tự thay đổi mình. Sự thay đổi từ những thói quen trong giảng dạy để tránh nhàm chán cho học trò. Nhiều giáo viên rất cứng nhắc trong các hoạt động dạy học.

Vào lớp: kiểm tra bài cũ- dạy bài mới và ghi những học sinh vi phạm vào sổ đầu bài.

Học sinh nói chuyện, học sinh chán học thì la mắng học trò nên chưa tạo được sự thoải mái để học sinh chủ động học tập.

Ngành giáo dục cũng giống như một con tàu. Bộ trưởng như một đầu tàu, những bộ phận còn lại giống như những toa tàu.

Đầu tàu có khởi động nhưng các toa tàu không chịu chạy chung cùng đường ray của đầu tàu thì con tàu đó cũng khó lòng mà bon bon tiến về phía trước.

Vì vậy, giáo dục phải là sự chung tay của các cấp lãnh đạo và sự đồng thuận nhiệt tình hưởng ứng từ đội ngũ giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-truong-Nha-Moi-thay-co-mot-thay-doi-nho-giao-duc-se-co-ca-rung-doi-moi-post194854.gd

NGUYỄN NGUYÊN