Những việc “khó hiểu” ở Trường Đại học Kỹ thuật CN Thái Nguyên (Kỳ 1)

10/04/2012 06:02
Xuân Trung - Giàng A Cối
(GDVN) - Những quyết định khó hiểu của Hiệu trưởng Phan Quang Thế khiến nhiều cán bộ, nhân viên, giảng viên... không thể lý giải nổi.
Theo phản ánh, trong thời gian từ đầu tháng 10/2011 đến hết tháng 12/2011sau khi ông Phan Quang Thế lên làm Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên (ĐH KTCN Thái Nguyên) thì bắt đầu xuất hiện sự việc tại không bình thường. Theo một số giảng viên, lý do chính là do tính “độc đoán”, “không dân chủ” trong cách điều hành của ông Thế.

Điều chuyển rồi mới lập Hội đồng Thi đua khen thưởng?

Trong thời gian trên, Hiệu trưởng Phan Quang Thế chỉ đạo và ký QĐ điều động, chuyển vị trí công tác từ vị trí này sang vị trí khác trong phạm vi trường đối với 41 cán bộ viên chức (CBVC), cho thôi kiêm nhiệm giảng dạy 14 CBVC và chỉ đạo điều chuyển vị trí công việc trong nội bộ nhà trường đối với nhiều người khác. Theo phản ánh của một số CBVC, họ được điều chuyển sang những vị trí trái ngành, nghề, không đúng với chức năng và nhiệm vụ của mình. Một điều rất khó hiểu, hầu hết những giảng viên được điều chuyển đều rất bất ngờ với QĐ “chớp nhoáng” của Hiệu trưởng và không được thông báo trước. Thậm chí, có việc điều chuyển cả nữ CBVC đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng.

Trường ĐH KTCN Thái Nguyên nhìn từ trên cao.
Trường ĐH KTCN Thái Nguyên nhìn từ trên cao.

Theo văn bản số 690 QĐ – TCCB ngày 11/11/2011 về việc thành lập Hội đồng thi đua khen thưởng và công tác cán bộ của nhà trường, Hội đồng được lập ra lúc đó do ông Phan Quang Thế làm Chủ tịch, bao gồm 20 ủy viên, ngày 28/12/2011 Hiệu trưởng Phan Quang Thế ban hành QĐ số 846 bổ sung thêm ba ủy viên trong Hội đồng là các ông Đoàn Quang Thiệu - Trưởng khoa Kinh tế Công nghiệp, ông Dương Thế Hùng – Trưởng khoa xây dựng và môi trường, bà Trương Thị Thu Hương – Trưởng khoa Sư phạm kỹ thuật (tất cả 24 thành viên) với nhiệm vụ và chức năng trong công tác thi đua khen thưởng, quy hoạch và tuyển dụng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.

Xét nâng lương và thực hiện chính sách chế độ đối với cán bộ viên chức. Xét kỷ luật cán bộ viên chức. Phải chăng Hội đồng này được lập nên có đúng với các Điều 32, Điều 39 và Điều 40, Điều lệ trường đại học được ban hành theo QĐ số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ? Và, dựa vào kết luận của Hội đồng này ông Nguyễn Như Hiển, Phó Hiệu trưởng đã ký QĐ cho thôi kiêm nhiệm 14 CBVC thuộc các khoa Khoa cơ, Khoa điện, Khoa Sư phạm kĩ thuật, Khoa điện tử. Theo kết luận, lí do cho thôi kiêm nhiệm 14 CBVC là để “nhằm nâng cao kĩ năng của giảng viên” và “nhằm tăng cường đổi mới cho công tác quản lí và nâng cao chất lượng thí nghiệm, thực hành của nhà trường”...

QĐ số 690 về việc thành lập Hội đồng thi đua khen thưởng của trường ngày 11/11/2011, tuy nhiên trong các QĐ điều chuyển cán bộ đều có nội dung căn cứ vào kết luận của một Hội đồng khen thưởng trước thời điểm ngày 11/11/2011.
QĐ số 690 về việc thành lập Hội đồng thi đua khen thưởng của trường ngày 11/11/2011, tuy nhiên trong các QĐ điều chuyển cán bộ đều có nội dung căn cứ vào kết luận của một Hội đồng khen thưởng trước thời điểm ngày 11/11/2011.

Đặc biệt, theo tìm hiểu của chúng tôi, những mốc thời gian không trùng khớp liên quan tới việc điều chuyển cán bộ, giảng viên của trường được Hiệu trưởng Phan Quang Thế ký. Cụ thể, trong các QĐ điều chuyển cán bộ đều có nội dung căn cứ vào kết luận của một Hội đồng khen thưởng, tuy nhiên Hội đồng này chưa được thành lập trước thời điểm ngày 11/11/2011 (Cho tới ngày 11/11/2011 mới chính thức có QĐ số 690 về việc thành lập Hội đồng thi đua khen thưởng và công tác cán bộ).

Các QĐ như số 531: điều chuyển bà Phạm Kim Thoa. QĐ số 533: điều chuyển bà Trịnh Thúy Hà. QĐ số 564: điều chuyển bà Nguyễn Thị Thu Dung đều đề ngày 18/10/2011 (PHT Nguyễn Như Hiển ký). Trong khi đó, tại thông báo số 512 kết luận của Hội đồng thi đua khen thưởng và công tác tổ chức cán bộ, đào tạo cơ sở vật chất quý IV năm 2011 đều đề ngày: “Ngày 3/10/2011 Hội đồng thi đua khen thưởng và công tác cán bộ đã họp và đi đến thống nhất một số công việc cần triển khai trong quý IV năm 2011 về công tác cán bộ, công tác đào tạo và công tác cơ sở vật chất”. Tại điều 4 của QĐ 690 có ghi: QĐ có hiệu lực từ ngày ký (11/11/2011). Phải chăng những QĐ điều chuyển trên chỉ dựa vào một Hội đồng không có thật tại thời điểm đó (trước ngày 11/11/2011)?
QĐ số 531 điều chuyển bà Phạm Kim Thoa là một thí dụ.
QĐ số 531 điều chuyển bà Phạm Kim Thoa là một thí dụ.


Từ chối giảng viên đi nước ngoài làm Tiến sĩ?

Cũng liên quan tới sự việc của Trường ĐH KTCN TN, theo phản ánh, Hiệu trưởng Phan Quang Thế đã “từ chối” không cho nghiên cứu sinh (NCS) tiếp tục được làm NCS tại nước ngoài.
Theo phản ánh của ông Cao Thanh Long - Phó Bộ môn Chế tạo máy – Khoa cơ khí, ông Phan Quang Thế căn cứ kết luận cuộc họp ngày 06/01/2012 của Hội đồng thi đua khen thưởng và công tác cán bộ của nhà trường để ra quy định, bắt buộc các giảng viên sau 2 năm kể từ khi hoàn thành khóa đào tạo Thạc sĩ theo Đề án 322, mới được theo học bậc đào tạo Tiến sĩ diện nguồn học bổng nước ngoài.

Theo tìm hiểu, hiện tại Trường ĐH KTCN Thái Nguyên có 21 Tiến sĩ và Phó Giáo sư là giảng viên cơ hữu của trường. Với quy định trên, đã có ít nhất hai  nghiên cứu sinh (NCS) sẽ không tiếp tục được học tập, nghiên cứu tại nước ngoài để nâng cao trình độ. Và ngược lại, nếu tiếp tục theo học sẽ có nguy cơ phải bồi hoàn kinh phí đào tạo.

Cụ thể, giảng viên Dương Xuân Thắng (Bộ môn Chế tạo máy – Khoa Cơ khí) đã hoàn thành khóa đào tạo Thạc sĩ vào ngày 31/3/2011, và tiếp tục được nhận làm NCS lấy bằng Tiến sĩ tại Trường ĐH RWTH Aachen (CHLB Đức) với thời gian dự kiến là 3 năm kể từ khi kết thúc chương trình Thạc sĩ. Với lá đơn xin tiếp tục được làm NCS tại ĐH RWTH Aachen và cam đoan sẽ trở về nước làm việc, thậm chí, mẹ giảng viên Dương Xuân Thắng, bà Nguyễn Thị Tam đã gửi Bản cam kết lên Đại học Thái Nguyên với nội dung: Cam đoan con  trai mình sau khi hoàn thành khóa học Tiến sĩ sẽ về trường ĐH KT CN Thái Nguyên công tác, nhưng vẫn không được chấp nhận.
Theo PGS. TS Lê Lương Tài: Những nhân tài cần được "linh động" để trọng dụng.
Theo PGS. TS Lê Lương Tài: Những nhân tài cần được "linh động" để trọng dụng.

Trường hợp của giảng viên Nguyễn Vôn Dim (Bộ môn Chế tạo máy – Khoa Cơ khí) cũng tương tự. Được biết, giảng viên Dim sau khi bảo vệ luận án Thạc sĩ tại Pháp, tiếp tục dự tuyển và trúng tuyển vào làm NCS tại Trường ĐH Công nghệ Troyes (Pháp)  trong 3 năm. Tuy nhiên, những yêu cầu nâng cao trình độ, kiến thức của 2 giảng viên trên đã không được Hiệu trưởng đồng ý.

Một câu hỏi đặt ra, đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ Tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020” của Bộ GD&ĐT với mục tiêu: “Tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường đại học, cao đẳng của cả nước, phấn đấu đến năm 2020, đào tạo bổ sung được ít nhất 20.000 Tiến sĩ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam” và “Tăng cường công tác đào tạo Tiến sĩ cả về quy mô và chất lượng, nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiên cứu, giảng dạy và quản lý đại học tiên tiến của đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng...”, đang được xem nhẹ tại Trường ĐH KTCN Thái Nguyên?
Nếu có Luật cũng phải “phá” luật

“Trường có quy định, một số người đã đi học nước ngoài bằng Thạc sĩ, tự xin được học bổng, visa để học Tiến sĩ, nhưng nhà trường yêu cầu phải công tác đủ bằng này năm mới được đi. Tôi cho rằng, nếu trường hợp này có Luật cũng phải phá luật, vì chúng ta phải tôn trọng nhân tài, chính nhân tài là người phát sinh từ lúc còn trẻ. Nếu có trường hợp như này thì nhà trường phải báo cáo lên mọi cấp để tạo điều kiện cho những em này. Tôi cho rằng đây là tội hủy hoại chất xám.

Tôi nghĩ,  nhiệm vụ của các đồng chí lãnh đạo nhà trường nói chung là tập trung vào vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo trong các nhà trường, làm thay đổi rất căn bản bộ mặt giáo dục của nước nhà, phải cân đối được tình hình kinh phí để tập trung đào tạo. Không được để thiệt thòi đến người học, tôi cho rằng đây là trách nhiệm rất lớn, khi chúng ta làm thiệt thòi người học là làm hại đến người trẻ. Do đó quyết sách của nhà trường vô cùng quan trọng, không thể biến sinh viên thành một thứ để thực hiện ý định của mình. Người lãnh đạo nhà trường không được thử nghiệm những việc như là thử đi dạy cái này, thử đi dạy cái kia,… mình phải rèn luyện mình, mình phải học tập để nâng cao trình độ của mình sao cho đủ sức để làm được một việc,  chứ không phải thử làm, đừng để ý nghĩ: “cứ quyết định đi rồi sau này hãy hay”.

PGS.TS Lê Lương Tài, Nguyên Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên
(Còn tiếp)

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Ôn thi Đại học

Tư vấn tuyển sinh

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Xuân Trung - Giàng A Cối