“Nó học đến đâu tùy nó, thầy cũng đừng ép cháu quá!”

01/12/2016 08:49
Phan Tuyết
(GDVN) - Cả gia đình và nhà trường phải cùng phối hợp để giáo dục con em mình. Nếu chỉ giao con hoàn toàn cho nhà trường, người thiệt thòi chính là các em học sinh.

LTS: Nhiều bậc phụ huynh đang hoàn toàn phó mặc việc nuôi dạy con cái cho nhà trường, thiếu trao đổi với thầy cô. 

Cô giáo Phan Tuyết cho rằng việc này đang gây ra những "đứt gãy" lớn trong mối quan hệ giáo viên và phụ huynh, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giáo dục học sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Nỗi khổ của nhiều giáo viên hiện nay là việc phụ huynh không chịu hợp tác với thầy cô trong việc giáo dục và dạy dỗ học sinh nhưng họ lại hay bắt bẻ và phản pháo khi cảm thấy chưa vừa lòng điều gì đó với thầy cô.  

Bao giờ cũng thế trong các câu chuyện kể của nhiều thầy cô giáo chủ đề được mọi người bàn tán, thảo luận, chia sẻ với nhau nhiều nhất vẫn là chuyện về học sinh, về phụ huynh như chuyện học hành, rèn luyện của các em, chuyện hợp tác của phụ huynh với các thầy cô giáo chủ nhiệm.

Để giáo dục trẻ toàn diện cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. (Ảnh minh hoa trên giaoduc.net.vn)
Để giáo dục trẻ toàn diện cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. (Ảnh minh hoa trên giaoduc.net.vn)

Phần lớn, thầy cô đều có bức xúc “Nhiều phụ huynh không hợp tác với giáo viên chỉ giao con đến trường là hết trách nhiệm”.

Có giáo viên kể “Khi cần trao đổi về việc học tập rèn luyện của học trò trên lớp, em liên lạc với phụ huynh theo số điện thoại gia đình cung cấp nhưng điện thoại cứ ồ í e, lúc có chuông đổ lại không ai bắt máy.

Nhiều lần em viết giấy về mời phụ huynh lên gặp chỉ nghe cậu học trò nói lại ‘Mẹ nói hôm nào rảnh sẽ lên’ hay ‘Mẹ con nói mẹ phải đi làm’.


Giáo viên khác lên tiếng “Có phụ huynh trả lời thẳng thừng, tôi bận lắm không có thời gian đâu cô. Cô thông cảm, giáo dục cháu dùm”.

Cũng có người chối bỏ trách nhiệm “Việc dạy dỗ học sinh ở trường là trách nhiệm của giáo viên thế nên chúng tôi mới đóng tiền cho con theo học”.

Nhiều giáo viên liên lạc không được, mời giấy không đến đã tìm đến tận nhà để mong gặp cha mẹ các em trao đổi, người miễn cưỡng tiếp nhưng học sinh ấy cũng chẳng tiến bộ gì.

“Nó học đến đâu tùy nó, thầy cũng đừng ép cháu quá!” ảnh 2

Bất ổn văn hóa học đường chủ yếu do đứt dây liên kết nhà trường-gia đình

Người lảng tránh vì theo họ “Cô thầy cứ kể tội con nghe xót ruột lắm”.

Không có sự hợp tác của phụ huynh, giáo viên đã tự “bơi” nhưng nhiều khi cũng bất lực.

Có em lên lớp thường quên sách vở, không có viết, bảng con, thước kẻ… nếu chỉ một em còn có cách giúp đỡ nhưng dăm ba em như thế biết phải làm sao?

Học sinh không thuộc bài, lực học yếu, gia đình không có sự kèm cặp ở nhà giáo viên dù nỗ lực đến đâu cũng chịu.

Mỗi tiết học đều có thời gian quy định sẵn, nếu dành quá nhiều để kèm cặp cho những em này những học sinh khác sẽ thế nào? Học trên lớp nhưng tối về không ôn bài mọi kiến thức cũng quên lãng.

Học sinh thường xuyên đánh bạn, nói tục chửi thề, được thầy cô nhắc nhở có em còn phản ứng “Sao con thấy ở nhà ba con nói được hả cô?”

Dù không có sự hợp tác trong việc hỗ trợ dạy học và giáo dục học sinh giữa cha mẹ và giáo viên chủ nhiệm nhưng nhiều phụ huynh lại rất quan tâm đến chuyện của con trên lớp như việc con mình bị bạn nào đánh, bạn nào chửi (nói là đánh thì hơi nặng, thực ra trẻ nhỏ chỉ quẹt qua quẹt lại với nhau hay em này nói em kia phản ứng…).

Có phụ huynh lên mắng cô sỗ sàng “Sao cô để thằng nhỏ đó đánh con tôi? Lần sau mà thế tôi không để yên đâu!”, “Nó chửi con nhỏ hoài sao cô không phạt? Cô thầy mà cũng thiên vị thế à?”.

Thậm chí có cả phụ huynh lên yêu cầu giáo viên “Nhà tôi gần trường nên tôi không cho nó đội mũ bảo hiểm, cô cũng đừng nhắc nhở cháu nhiều”.

Có người lại nói “Nó học đến đâu tùy nó, thầy cũng đừng ép cháu quá!

Phụ huynh yêu cầu thế nhưng áp lực về chất lượng học tập của các em, thầy cô giáo phải làm gì đây? Giáo viên chịu áp lực quá lớn về chất lượng học tập của học sinh nên đã lên lớp là thầy cô đều giảng dạy hết mình.

“Nó học đến đâu tùy nó, thầy cũng đừng ép cháu quá!” ảnh 3

Giải quyết bài toán học sinh bỏ học như thế nào?

Nhiều thầy cô không quản giờ nghỉ thường tranh thủ để kèm thêm cho học sinh còn yếu hai môn Toán và Tiếng Việt để các em theo kịp các bạn.

Nhưng dù cô thầy có nỗ lực đến đâu mà phụ huynh không hợp tác thì sự tiến bộ của các em cũng vô cùng chậm.

Với những học sinh có lực học yếu kém, nếu ở nhà không ôn lại bài mỗi tối những kiến thức đã học trên trường lại trở về vạch xuất phát.

Xui cho giáo viên nào đó vì quá tức giận với những vi phạm thường xuyên của trò mà dùng biện pháp phạt trẻ sẽ bị gửi đơn kiện, gọi điện hăm dọa, chửi bới không tiếc lời.

Mà có phạt gì cho nặng, chỉ chép phạt vài lần khi viết bài sai, hứa không phạm lỗi hay dùng cây thước kẻ bé tí của học sinh khẽ vào tay khi các em làm bài ẩu…

Thay vì chỉ chăm chăm bắt lỗi giáo viên, phụ huynh hãy thường xuyên quan tâm đến việc giao lưu hợp tác với thầy cô giáo dạy con mình để lắng nghe những thiếu sót của con trên trường cũng như kịp thời thông báo cho thầy cô biết việc học tập, rèn luyện của các em ở nhà.

Có như vậy việc học tập và rèn luyện của các em mới theo được chiều hướng tốt.

Phan Tuyết