Nỗi ám ảnh của giáo viên chủ nhiệm với họp phụ huynh đầu năm học

30/08/2018 07:10
Nguyễn Cao
(GDVN) - Nhiều phụ huynh học sinh khi nhận được giấy mời họp phụ đầu năm thì tỏ ra nghi ngại, không muốn tham dự.

LTS: Thầy giáo Nguyễn Cao chia sẻ bài viết về nỗi khổ của giáo viên chủ nhiệm trong việc họp phụ huynh đầu năm học.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nhiều phụ huynh học sinh khi nhận được giấy mời họp phụ đầu năm thì tỏ ra nghi ngại, không muốn tham dự.

Có người còn nói hẳn: nhà trường lại thông báo các khoản tiền phải đóng chứ gì, thôi người ta sao, mình vậy, đi họp cũng có giải quyết được gì đâu.

Vì thế, nhiều phụ huynh lấy lí do khác nhau để không đến dự họp, có người thì cũng miễn cưỡng đến trường để nghe phổ biến.

Thực tế, một bộ phận phụ huynh có tâm lý không thích thú khi đến họp phụ huynh đầu năm cho con em mình và những giáo viên chủ nhiệm như chúng tôi cũng vậy.

Chúng tôi cũng ngại lắm bởi họp phụ huynh đầu năm thì vấn đề cốt lõi cũng chỉ xoay quanh vấn đề đóng góp đầu năm.

Việc họp phụ huynh đầu năm gây ám ảnh cho nhiều giáo viên chủ nhiệm. Ảnh mang tính minh họa: teachvn.com
Việc họp phụ huynh đầu năm gây ám ảnh cho nhiều giáo viên chủ nhiệm. Ảnh mang tính minh họa: teachvn.com

Bao giờ cũng vậy, cứ bước vào năm học mới 1-2 tuần là đa phần các trường tổ chức họp phụ huynh ở các lớp.

Nhưng, trước khi các lớp họp thì các giáo viên chủ nhiệm đã được triển khai những nội dung cơ bản để thông báo đến phụ huynh lớp mình.

Tuy nhiên, việc mời phụ huynh tham dự cuộc họp đầu năm không hề dễ chút nào cho dù các trường thường tổ chức vào ngày chủ nhật.  

Nhiều lớp, giáo viên đến từ rất sớm để chuẩn bị kê sẵn bàn ghế, dọn dẹp vệ sinh lớp sạch sẽ và chờ đợi phụ huynh đến. Nhưng, chờ mãi vẫn không bao giờ đủ.

Lớp thì được hơn một nửa, lớp thì một nửa, lớp thì lèo tèo vài người đến. Tuy nhiên, ít hay nhiều thì giáo viên cũng đều phải tổ chức cuộc họp.

Cay đắng buổi họp "tiền đâu" đầu năm học!Cay đắng buổi họp "tiền đâu" đầu năm học!

Phải nói thật là những buổi họp mà lèo tèo mấy phụ huynh tham dự thì tâm trạng của giáo viên cũng rối bời nhiều lắm. Vì biết rằng cuộc họp như thế sẽ rất khó “thành công”.

Thực ra, họp phụ huynh đầu năm học thì nội dung để triển khai đến các phụ huynh  chưa nhiều. Bởi các em học sinh vừa mới vào học, đa phần giáo viên chủ nhiệm còn chưa biết tên học sinh của lớp mình, bài học thì cũng vừa bắt đầu nên điểm số cũng chưa có.

Vì thế, giáo viên chỉ có thể phổ biến sơ qua về nội quy nhà trường, của lớp và mong muốn nhận được sự phối hợp giữa phụ huynh với nhà trường nhằm giáo dục học sinh được tốt nhất.

Đồng thời, cũng trong cuộc họp này sẽ tiến hành lựa chọn, xin ý kiến thống nhất về ban đại diện Hội cha mẹ học sinh của lớp.  

Sau vài nội dung như vậy rồi cuối cùng, vấn đề cốt lõi nhất là các khoản đóng góp cũng được giáo viên chủ nhiệm thông báo đến phụ huynh.

Trong các khoản đóng góp thì có những khoản bắt buộc như học phí, bảo hiểm y tế. Đây là 2 khoản tiền thường được cấp trên giao chỉ tiêu và thường ấn định thời gian nộp nên được nhà trường chú trọng đốc thúc thu sớm.

Nỗi ám ảnh của giáo viên chủ nhiệm với họp phụ huynh đầu năm học ảnh 3Bài ca năm tháng tiền trường, mỗi năm lại có thêm nhiều khoản thu mới

Vì vậy, sự đôn đốc học sinh đóng 2 khoản này là yêu cầu cấp thiết đầu năm để nhà trường nộp lên trên.

Tất nhiên, khi muốn học sinh đóng góp nhanh gọn các khoản này thì giáo viên nhà trường cũng phải trình bày những ưu điểm, vai trò, nghĩa vụ của các khoản đóng góp để phụ huynh hiểu rõ mục đích từng khoản thu.

Các khoản nhà trường thu thì giáo viên phải giải trình cặn kẽ đến phụ huynh bởi đây là những khoản tiền mang tính nhạy cảm nhất.

Đó là những khoản tiền xã hội hóa, tiền quỹ hội (trên danh nghĩa là thu giùm cho Hội cha mẹ học sinh).

Ngoài ra, còn các khoản như tiền ghế chào cờ, bảo trì máy tính, Đoàn, Đội, đồng phục, vệ sinh, giấy thi, tiền tin nhắn điện tử…

Mỗi khoản một ít nhưng cộng lại đều ra tiền triệu cả. Vì thế, giáo viên chủ nhiệm mà khéo léo, biết giải trình thì phụ huynh đỡ thắc mắc.

Nhiều giáo viên còn non kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp và khả năng ăn nói không tốt thì cuộc họp thường kéo dài, ít hiệu quả hơn.

Cái khó nhất của người giáo viên chủ nhiệm trong buổi họp phụ huynh đầu năm là vận động phụ huynh hỗ trợ xã hội hóa giáo dục.

Nói là vận động tự nguyện cho khách quan nhưng thường thì Ban giám hiệu đã “ang áng” cho mỗi lớp là bao nhiêu tiền rồi.

Vì thế, người giáo viên đứng vào thế kẹt. Nếu vận động được ít thì sợ Ban giám hiệu quở trách, so sánh với lớp khác. Vận động nhiều thì áy náy với phụ huynh học sinh.

Thực ra, khi tiếp cận hồ sơ học sinh đầu năm thì giáo viên chủ nhiệm đã biết được hoàn cảnh của học sinh mình.

Nếu gặp lớp có điều kiện thì vận động dễ dàng và không phải áy náy nhiều. Lớp có nhiều học sinh khó khăn nhiều thì cũng phải vận động rồi được bao nhiêu, qúy bấy nhiêu chứ biết sao bây giờ.

Nỗi ám ảnh của giáo viên chủ nhiệm với họp phụ huynh đầu năm học ảnh 4Lạm thu lỗi cũng ở phụ huynh

Có trường hợp giáo viên chủ nhiệm họp phụ huynh nhưng ít người tham dự quá thì việc vận động xem như thất bại ngay từ khi chưa tiến hành cuộc họp.

Nếu như nhà trường đưa ra mức đóng xã hội hóa càng nhiều thì giáo viên chủ nhiệm càng khổ, một bên là phải chấp hành mệnh lệnh, một bên là lương tâm, đạo đức của người thầy.

Vì thế, việc họp phụ huynh đầu năm không chỉ là nỗi chán ngán của phụ huynh mà còn là nỗi khiếp đảm của giáo viên chủ nhiệm.

Một số trường học ở thôn quê thì việc vận động xã hội hóa giáo dục chưa nhiều, thậm chí có nhiều trường không vận động.

Thế nhưng, các trường ở thành phố lớn hiện nay thì việc vận động xã hội hóa đã thành tiền lệ và vận động rất nhiều.

Những phụ huynh có điều kiện về kinh tế thì việc hỗ trợ nhà trường mỗi năm 1 vài triệu đồng không thành vấn đề gì đối với họ, nhiều người còn đóng nhiều hơn mức vận động.

Song, dù là trường thành phố thì hoàn cảnh học sinh trong lớp cũng không bao giờ đồng nhất. Vì vậy, nhiều khoản đóng góp của nhà trường đã quá tải cho phụ huynh…

Có một sự thật hiện hữu mà ai cũng thấy là phần lớn các trường học hiện nay đều có website riêng nhưng không thấy trường nào dám công khai các khoản thu hay đăng lên lời kêu gọi, thư ngỏ đến phụ huynh về việc xin hỗ trợ về vật chất.

Trong trường có kế toán, thủ quỹ nhưng việc thu tiền thì đa phần là các giáo viên đảm nhận.

Vì thế, phần lớn buổi họp phụ huynh đầu năm là để giáo viên chủ nhiệm làm tư tưởng phụ huynh để nhà trường thu các khoản tiền được nhanh hơn, hiệu quả hơn mà thôi.

Họp phụ huynh đầu năm học - nỗi khổ mà chỉ những giáo viên chủ nhiệm mới cảm nhận rõ điều này.

Cũng chỉ vì những đồng tiền mà làm cho phụ huynh ngán ngại khi nhận được thư mời họp, cũng vì đồng tiền mà có những lúc giáo viên chủ nhiệm phải “chai mặt” chịu trận trước những bức xúc của phụ huynh.

Vì thế, ngày họp phụ huynh đầu năm đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều giáo viên chủ nhiệm lớp.

Nguyễn Cao