Nữ sinh Sư phạm mong tới ngày ra trường để... trả nợ

03/01/2013 06:05
Đỗ Quyên
(GDVN) - Sau khi ra trường, Hà muốn có một công việc ổn định, trước tiên là để... trả nợ ngân hàng cho số tiền đã vay trong thời gian Hà học đại học. Đối với nhiều người có thể đây là ước mơ đơn giản, nhưng đối với Hà là cả một kỳ vọng, bởi ngành sư phạm hiện nay còi cọc đồng lương, bấp bênh việc làm.
Đam mê sư phạm từ nhỏ
Hà Thị Hà sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo Lập Thạch, Vĩnh phúc, hiện đang là sinh viên năm thứ 3, ngành Sư phạm Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội II. 

Hà đã đạt rất nhiều thành tích trong học tập, những năm học cấp III em liên tiếp đoạt danh hiệu HSG. Lên Đại học, Hà nhận được học bổng của trường cũng như phần thưởng giành cho sinh viên nghèo vượt khó của toàn quốc.

Ngay từ nhỏ, Hà đã có ước mơ trở thành cô giáo dạy trẻ, một nghề nghiệp rất đỗi cao quý. Bố mẹ Hà cũng có nguyện vọng cho con vào sư phạm, bởi ngành sư phạm sẽ được hỗ trợ tiền học phí. Dự thi khối M vào trường trường ĐH Sư phạm 2 với môn toán, văn, năng khiếu, Hà đoạt điểm số cao. 

Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ Hà năm nay ngoài 50 tuổi, gia đình thuần nông, hoàn toàn dựa vào mùa màng, đời sống hết sức vất vả. Đã từng làm thuê, làm mướn nhiều nơi nên sức khỏe bố mẹ ngày một yếu dần. 

Hà Thị Hà coi khó khăn là thử thách.
Hà Thị Hà coi khó khăn là thử thách.

Hà là con út trong một gia đình nghèo có ba anh chị em, cũng là đứa con duy nhất được thi Đại học. Chị gái của Hà chỉ học hết lớp 9 rồi bắt buộc phải nghỉ học, anh trai của Hà do không có tiền nên đến mùa thi đại học phải ở nhà làm ruộng.

Hiện tại, hai anh chị đều đang đi làm thuê, cuộc sống rất vất vả. Điều này đã trở thành nỗi khổ tâm lớn nhất trong Hà, ngay từ lúc nhỏ. Càng lớn, Hà càng thương anh chị, em chỉ biết cố gắng học, học cho cả phần của anh chị mà thôi.

Gia đình Hà nghèo đến nỗi năm 2005 nhà em mới có điện, mặc dù những nhà xung quanh đã có điện từ trước đó. Không có điện cuộc sống của gia đình Hà càng thêm vất vả. Tuy vậy em không bao giờ có mặc cảm vì gia đình mình. Hà chỉ tủi thân vì không có điều kiện học hành như nhiều người bạn khác mà thôi. 
Không có điện, Hà phải thắp đèn dầu hoặc nhờ ánh sáng hắt le lói của nhà bên để hoc bài. Suốt những năm tháng đi học, bộ sách giáo khoa của Hà chỉ có vỏn vẹn vài quyển cơ bản, cũ mèm được truyền từ đời anh chị đi lớp trên. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn, đến lớp thầy cô sắp xếp cho Hà ngồi gần bạn bè có sách để cùng học chung. 

Lên cấp III, Hà có đầy đủ sách giáo khoa hơn nhưng không có sách tham khảo, càng không được đi học thêm. May mắn thay, thầy giáo của Hà đã cho phép em đi học chuyên đề mà không mất học phí. Hà từng bước một vượt qua khó khăn, bước gần hơn đến cánh cửa đại học. Đó cũng là cách duy nhất Hà có thể làm để thay đổi cuộc sống.

Không hối hận khi đã chọn Sư phạm

Sau khi ra trường, Hà muốn có một công việc ổn định, trước tiên là để...trả nợ ngân hàng cho số tiền đã vay để Hà học đại học. Đối với nhiều người có thể đây là ước mơ đơn giản, nhưng đối với Hà là cả một kỳ vọng, bởi ngành sư phạm hiện nay còi cọc đồng lương, bấp bênh việc làm. Đứng trước thực tế, sinh viên sư phạm ra trường rất khó khăn trong xin việc, muốn xin được việc phải có tiền “lót tay” tới cả trăm triệu đồng. Nhiều giáo viên lương không đủ sống, vừa phải đi dạy, vừa phải làm thêm các nghề khác để trang trải cuộc sống.

Thế nhưng, Hà không hề hối hận khi đã chọn ngành sư phạm, điều Hà quan tâm bây giờ vẫn là làm sao để học cho tốt, đạt điểm cao. Hà cố gắng có đủ bản lĩnh để sống thật đẹp với nghề. Công việc dù có nhiều khó khăn, áp lực cũng là niềm hạnh phúc.

Là một cô bé rất yêu quý trẻ con, học ngành sư phạm Tiểu học nên Hà cho rằng: Để dạy tốt trẻ cấp 1 thì người giáo viên phải thực sự yêu nghề sư phạm, coi con trẻ như ruột thịt trong gia đình mình. Đặc biệt, người giáo viên không được đánh học sinh, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng làm cho các em nghe lời, tôn trọng. Có như thế mới dạy dỗ được trẻ thơ. Học sinh mà có tâm lý sợ hãi, chống đối giáo viên thì cũng rất khó để dạy dỗ. 

Nếu trong trường hợp học sinh mắc lỗi. Hà sẽ cố gắng làm cho em nhận ra lỗi của mình, phân tích và sửa chữa lỗi lầm. Chỉ khi nào học sinh hiểu lỗi sai thì mới có thể sửa đổi được. 
Đỗ Quyên