Ông già “dở hơi” mở lớp dạy chữ 1.000 đồng/buổi

19/10/2013 06:58
Diệp Hương
(GDVN) - Đến giờ, lứa học trò được dạy chữ Thái đầu tiên của ông Lo đã tốt nghiệp. Ông đã khơi dạy và ươm mầm tình yêu chữ viết, tiếng nói dân tộc vào lòng bao con em dân tộc Thái ở vùng dẻo cao Tây Bắc. Người đàn ông ở cái tuổi xưa nay hiếm đã có đủ cháu nội, cháu ngoại luôn đau đáu khát vọng giữ gìn chữ viết dân tộc...

Trăn trở nỗi niềm con chữ

Ở Sơn La, người dân tộc Thái chiếm 80% dân số nên các nét văn hóa đặc sắc của người Thái ở đây rất đậm đà. Cuộc sống hiện đại lấn áp thì cũng là lúc tiếng Thái được sử dụng ít hơn, chữ Thái thì càng ít được dùng đến. Điều đó làm ông Lường Văn Lo (Bản Pán, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) lo sợ nếu không dạy cho thế hệ trẻ chữ viết của người Thái thì một ngày chữ viết dân tộc sẽ bị mai một.

Là người con sinh ra trên vùng đất Tây Bắc, ông Lo là một trong số rất ít người Sơn La hiện nay biết viết chữ Thái. Ông tâm sự, bố và các anh của ông đều biết chữ nên từ ngày còn nhỏ ông đã được dạy chữ thái. Ngày xưa phải đi học, đi công tác xa nhà ông thường rèn luyện chữ viết dân tộc bằng cách viết thư về nhà bằng chữ Thái. Ông chia sẻ, đối với người Thái phải viết bằng chữ Thái mới truyền tải được hết tâm tư, tình cảm của người dân tộc Thái.

Ông Lường Văn Lo nói về chữ, văn hóa Thái với niềm say mê và nhiệt huyết của người con dân tộc Thái.
Ông Lường Văn Lo nói về chữ, văn hóa Thái với niềm say mê và nhiệt huyết của người con dân tộc Thái.

Từ ngày trước người Thái biết viết chữ dân tộc mình đã ít, đến giờ số người còn biết sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thực tế ấy làm ông Lo không nguôi trăn trở làm cách nào truyền dạy niềm khao khát biết và giữ gìn chữ viết dân tộc mình.

Là một trong số rất ít những người dân tộc Thái được đào tạo đến bậc Đại học từ thập niên 70. Ông cũng là một trong số ít người có nhiều cái chữ trong bụng nhất ở đất Thuận Châu. Ngày còn đi học ông được thầy cô quý vì sáng dạ, hồi phổ thông ông từng đạt giải nhì học sinh giỏi văn toàn tỉnh. Ông Lường Văn Lo (sinh năm 1947) là người đầu tiên trong xã tốt nghiệp trung cấp, rồi tốt nghiệp Đại học. Ông tốt nghiệp khoa Cơ khí, Đại học Giao thông Vận tải khóa 18 (khóa 1977-1982) khi đã 35 tuổi. Sau khi tốt nghiệp ông về công tác tại Sở Giao thông Vận tải Sơn La.

Lớp học 1.000 đồng/buổi

Là kỹ sư cơ khí nhưng ông luôn đau đáu với chữ viết dân tộc. Với vốn chữ Thái của mình, sau khi nghỉ hưu ông nhen nhóm ý định mở lớp dạy chữ Thái. Nhưng để mở lớp học phải có chứng chỉ của các cơ quan chức năng theo đúng quy định của ngành giáo dục - đào tạo. Thế là ở cái tuổi mà bạn của ông thảnh thơi chơi với con cháu, thì ông lại lọ mọ xuống tỉnh đi học.

Ông viết tờ trình xin giúp đỡ từ chính quyền, liên hệ với Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh xin được theo học lớp dạy chữ Thái để có giấy phép hành nghề. Sau 3 tháng theo học, ông đã được Hội đồng thi của Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh cấp chứng chỉ đạt loại giỏi.
Với những người không hiểu về văn hóa Thái thì rất khó để học chữ.
Với những người không hiểu về văn hóa Thái thì rất khó để học chữ.

Có chứng chỉ năm 2010, ông bắt tay vào tuyển sinh lớp học đầu tiên. Có sự cho phép của chính quyền nhưng để mở lớp phải có địa điểm, có bàn, ghế, bảng… Sau khi trao đổi với Hội khuyến học dòng họ Lường ở bản Pán, ông được bố trí mượn tạm gầm sàn nhà ông Lường Văn Khuôm làm lớp học. Còn bàn ghế ông đã liên hệ xin lại bàn ghế, bảng cũ của trường THCS Chiềng Ly.

Lớp học đầu tiên bắt đầu năm 2012 với trên 40 học viên từ 18 đến 40 tuổi. Họ chủ yếu là những người nông dân trong xã Chiềng Ly.  Ông và ông Lường Văn Mứt, Hội trưởng Hội khuyến học dòng họ Lường bản Pán là giảng viên. Lớp học tổ chức vào buổi tối từ 19h đến 21h30 các ngày từ thứ 2 đến thứ 7.

Tài liệu dạy học do Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh cung cấp gồm 69 bài, chia làm ba phần: phần 1: học mẫu chữ, phần 2: ghép vần, tập viết chữ cơ bản, phần 3: tiến hành tập đọc, viết chính tả, đánh giá kết quả học tập. Lớp học có nội quy rõ ràng đối với giảng viên và học viên, có sổ ghi chép cụ thể tên, tuổi, địa chỉ học viên. Sau mỗi bài học, ông Lo cho kiểm tra, đánh giá và chấm điểm kiến thức tiếp thu của các học viên.

Kinh phí cho việc học ở đây của mỗi học viên chỉ có 1.000 đồng mỗi tối để trả tiền điện, còn sách, bút tự mua. Giảng viên tự đầu tư mua phấn, tài liệu, các dụng cụ dạy học. Ông Lo dạy chữ Thái không được trả lương với ông đó chỉ là góp một chút công sức giữ gìn chữ viết dân tộc.

Anh Lò Văn Ón, một thanh niên trong bản tâm sự “Tỉnh Sơn La giờ có mấy người biết chữ Thái, người chịu bỏ thời gian dạy chữ không công cho mọi người như ông Lo một nghìn người may ra có được một người”.

Cầm quyển giáo án chữ Thái ông giải thích: “Chữ Thái khó với người chưa biết về văn hóa Thái thôi. Một từ tiếng Thái có nhiều nghĩa, nếu không hiểu có thể dịch sai hết nội dung. Nếu dịch một cách rập khuôn, máy móc tiếng Thái sang tiếng kinh sẽ không truyền tải được hết văn hóa, tâm hồn người Thái. Bởi vậy phải yêu, hiểu văn hóa Thái mới có thể học được”.
Cứ ngồi vào bàn soạn giáo án là ông Lo như quên thời gian.
Cứ ngồi vào bàn soạn giáo án là ông Lo như quên thời gian.

Vợ ông bà Lường Thị Tuyết kể: “Cứ ngồi vào bàn soạn giáo án nhiều lúc ông ấy quên ăn, quên ngủ.”

Ông Lo cũng chia sẻ thời gian đầu học viên đi học sôi nổi hăng hái lắm, nhưng được tháng rưỡi vào vụ thu hoạch lớp vắng dần. Bà con ban ngày lao động vất vả buổi tối mệt mỏi nhiều người nghỉ. Ông cho biết Sau khi lớp tốt nghiệp có khoảng 20 người thành thạo viết chữ Thái. Ông bảo lớp học đầu tiên như thế là thành công rồi.

Bao kỷ niệm vui buồn từ ngày làm thầy dạy chữ trong tâm trí ông. Ông nhớ giọt nước mắt lăn dài trên má chị Lường Thị Ban (bản Pán, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu) bàn tay quen cầm quốc, cầm liềm trai sạn và thô cứng cầm cây bút cứ ngệch ngoạc viết không ưng ý. Nhớ ánh mắt chăm chú đến lạ của cậu học sinh Hà Văn Sơn (lớp 10 Trường THPTCS Thuận Châu ) khi lần đầu tiên nhìn ông viết chữ dân tộc mình trên bảng…

Tiếp xúc với nhiều học trò, ông nhận ra: “Có nhiều người yêu và muốn biết chữ viết dân tộc lắm. Chỉ cần mình tận tâm, nay mai nhiều người biết chữ, chữ thái sẽ được lưu giữ...”.

Nhiều học trò của ông giờ đã thành thạo chữ Thái có người trở về với ruộng lúa, nương ngô. Có người tiếp tục theo học các trường chuyên nghiệp như cậu học sinh Hà Văn Sơn. Nhưng có một điểm chung ở họ đó là tiếp tục đi gieo chữ khắp nơi. Chị Quàng Thị Xanh (học trò của ông Lo) cho biết: “Thầy thường dặn chúng tôi hai điều. Thứ nhất là phải biết và sử dụng tiếng nói chữ viết dân tộc thường xuyên. Thứ hai là phải chia sẻ  với mọi người... Mình không bao giờ quên hai lời dạy ấy”.

Nói với chúng tôi. ông Lo vẫn còn trăn trở, “Ước mơ của tôi là làm sao giúp người Thái biết chữ viết của mình càng nhiều càng tốt. Vì thế ai muốn học, tôi đều dạy hết”.

Ông dự định mở lớp dạy chữ cho các cháu học sinh dịp nghỉ hè, vì lứa tuổi các cháu việc tiếp thu nhanh hơn, với lại chính tuổi trẻ như các em sẽ là thế hệ tiếp theo lưu giữ và phát huy văn hóa, chữ viết dân tộc mình. Ông ấp ủ mong muốn tiếp tục mở các lớp dạy chữ Thái trên quy mộ rộng hơn. Để làm được việc này ông đã phối hợp với chính quyền gửi các thông báo chiêu sinh đến từng xã, từng bản.

Trước khi chia tay, ông bật mí rằng ông đang nghiên cứu sưu tầm viết lại các truyền thuyết, bài hát của người dân tộc Thái. Bởi theo ông, hiện nay chưa có một tài liệu nào ghi chép đầy đủ về các sự tích, truyền thuyết của người Thái, nếu không ghi chép lại người thái sau này rồi sẽ quên cội nguồn.

Diệp Hương