PGS Trần Xuân Nhĩ chỉ đích danh 7 vấn đề 'nóng' của giáo dục Việt Nam

20/12/2012 07:43
Đỗ Quyên (ghi)
(GDVN) - "Đã 4 năm, những nội dung quan trọng của Nghị định vẫn chưa đi vào cuộc sống. Do vậy, tốc độ và hiệu quả xã hội hóa trong giáo dục bị hạn chế khá nhiều. Điều này đã có ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng và phát triển số lượng trong ngành giáo dục".
Trước tiên, PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, việc xã hội hóa nói chung và công tác xã hội giáo dục nói riêng đã hỗ trợ một cách đáng kể cho sự phát triển số lượng và chất lượng ngành giáo dục, góp phần cùng ngành giáo dục đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu CNH, HĐH đất nước.
Để thúc đấy việc xã hội hóa trong nhiều lĩnh vực, ngày 30/5/2008 Chính phủ đã ban hành nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Trong nghị định này Chính phủ đã đề ra nhiều chính sách có lợi cho công tác xã hội hóa. Cụ thể, tại khoản 3 Điều 4 có viết: Nhà nước có nhiệm vụ giao đất, cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa. Vấn đề giáo dục đất cho thuê đất còn được nhắc kỹ trong Điều 6 của Nghị định này.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD & ĐT
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD & ĐT

PGS Trần Xuân Nhĩ nhận định: Trong quyết định này chưa đề cập đến chính sách hỗ trợ với người đi học tại các cơ sở xã hội hóa giáo dục từ bậc mầm non cho đến đại học ngoài công lập. Những chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế trong Nghị định nếu được thực hiện đầy đủ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hóa giáo dục.

PGS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh thêm: "Đã 4 năm, những nội dung quang trọng ấy của Nghị định vẫn chưa đi vào cuộc sống. Do vậy, tốc độ và hiệu quả xã hội hóa trong giáo dục bị hạn chế khá nhiều. Điều này đã có ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng và phát triển số lượng trong ngành giáo dục".

Thậm chí trong ngành giáo dục, ở một số địa phương còn có những chủ trương chính sách mâu thuẫn với tinh thần Nghị định, không phù hợp với Luật Giáo dục, gây ra những bất lợi không đáng có đối với các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Chẳng hạn như ở Đà Nẵng, Nam Định có những chủ trương từ chối tuyển công chức đối với những đối tượng học tại chức, hoặc học ở trường đại học dân lập, tư thục.
“Hiện nay, đa số các trường tư thục từ mầm non đến trung học, cao đẳng, đại học không nhận được sự hỗ trợ đất đai hay cho vay tín dụng để xây dựng nhà trường như trong Nghị định đã đề ra”, PGS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.

PGS Trần Xuân Nhĩ cho biết thêm: "Vấn đề thuế đối với các trường ngoài công lập, địa phương cũng được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, có địa phương đã thu thuế các trường tư thục như các doanh nghiệp thuần túy, có những điều kiện nghiệt ngã: Trường nào đạt tỉ lệ 25m2 đất/ 1 sinh viên thì mới được hưởng chính sách ưu đãi".

Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì làm sao các trường ngoài công lập thành lập từ trước năm 2007 không thể nào đạt được tiêu chí đất đai nêu trên. Hiện vẫn còn khá nhiều trường công lập được Nhà nước bao cấp về mọi mặt mà vẫn không đạt được tiêu chí đất đai đó thì làm sao các trường ngoài công lập có thể đáp ứng được.

Trước tình hình đó, trong hội thảo “Xã hội hóa trong giáo dục ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”, PGS Nguyễn Xuân Nhĩ đã kiến nghị với Chính phủ và một số bộ, ngành quan tâm đầy đủ đến những vấn đề sau:

1. Chính phủ cần có chỉ thị cho các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rà soát lại việc thực hiện Nghị định 69 và có chế tài đối với bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện, hoặc thực hiện chưa đầy đủ, hoặc có những chủ trương ngược lại với những điều quy định trong Nghị định 69.

2. Nhà nước cần cung cấp đất sạch, cung cấp đủ tiêu chuẩn, diện tích đất/ sinh viên, học sinh cho tất cả các trường, ngoài công lập từ mầm non cho đến đại học, cao đẳng.

Hội thảo “Xã hội hóa giáo dục- thực trạng và giải pháp”
Hội thảo “Xã hội hóa giáo dục- thực trạng và giải pháp”

3. Ngân hàng chính sách cần cho các trường ngoài công lập vay vốn ưu đãi để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà trường với lãi suất 0% trong vòng 5 năm đầu và 2-3% trong những năm tiếp theo, có thế thì các cơ sở giáo dục ngoài công lập mới nhanh chóng có đủ cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu dạy và học.

4. Nhà nước cần thực hiện miễn thuế cho các trường ngoài công lập cho đến khi trường có lãi. Số thuế thu sau khi trường có lãi, được cấp lại cho trường, xem như Nhà nước đầu tư phát triển nhà trường hoặc cung cấp học bổng cho học sinh nghèo tuân theo quy định của pháp luật.
5. Nhà nước cần hỗ trợ học bổng cho những học sinh ở tất cả các bậc học ở các trường ngoài công lập nhất là học sinh nghèo hoặc cận nghèo.
6. Nhà nước cần có chính sách phát triển các trường ngoài công lập hạn chế việc mở tiếp các trường công lập và từng bước chuyển một số trường công lập thành trường ngoài công lập.
7. Về công tác tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo cần có chủ trương mở rộng đầu vào, sàng lọc trong quá trình đào tạo và kiểm tra chặt chẽ đầu ra. Việc này không có gì mới, bởi đa pần các trường học trên thế giới đều thực hiện như vậy. Học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học, theo quy định của Luật Giáo dục học có quyền đăng ký vào học ở các trường đại học, cao đẳng.
Đỗ Quyên (ghi)