PGS. Văn Như Cương: “Nếu tôi là… Bộ trưởng Đinh La Thăng”

09/04/2012 05:45
Thu Hòe
(GDVN) - Từ câu chuyện đổi giờ học đến việc thu phí lưu hành phương tiện cá nhân, phí ô tô vào nội đô, PGS. Văn Như Cương “nghi ngờ” tính khả thi của các quyết sách từ Bộ trưởng Đinh La Thăng.
“Nếu tôi là… Bộ trưởng Đinh La Thăng” Trả lời phỏng vấn của Báo Giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay, kể từ khi TP Hà Nội áp dụng thí điểm thay đổi giờ học, giờ làm từ đầu tháng 2 vừa qua, ghi nhận ban đầu cho thấy có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều nút giao thông của Hà Nội thường xuyên bị tắc kéo dài thì nay đã giảm đi trông thấy.
PGS. TS Văn Như Cương
PGS. TS Văn Như Cương
Tuy nhiên, theo quan điểm của PGS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội): “Tôi muốn Bộ trưởng nói rõ hơn mức độ giảm thiểu cụ thể như thế nào? Tình trạng ách tắc giảm bớt như thế nào? Những tuyến đường nào vốn nóng về ùn tắc đã được giảm thiếu? Nguyên nhân giúp giảm ùn tắc là do đổi giờ học, giờ làm hay do nguyên nhân nào khác? Đổi giờ học quyết định hay đổi giờ làm quyết định?...”
Ngay từ khi có quyết định đổi giờ học, giờ làm, PGS. Văn Như Cương đã rất băn khoăn và nghi ngại về tính khả thi của vấn đề. “Nếu tôi là Bộ trưởng Đinh La Thăng,  đã làm thì phải mất công, mất sức vì đây là vấn đề khoa học. Chỗ nào tắc đường lớn nhất phải cho người ra đó tìm hiểu, nghiên cứu. Ví dụ, trên tuyến đường đó đang có 1.000 người đang bị ách tắc, chúng ta rất dễ đếm được có bao nhiêu học sinh, sinh viên tham gia giao thông trên tuyến đường đó. Bởi học sinh đi học về chủ yếu là đi xe đạp, có balô, túi xách, phù hiệu, đồng phục của trường…

Nếu tỷ số học sinh, sinh viên tham gia giao thông trên tuyến đường đó chưa đến 10% thì không cần thay đổi giờ học của các trường trên tuyến đường đó. Còn tỷ lệ chiếm đến khoảng 30% thì chắc chắn phải thay đổi để cải thiện tình trạng giao thông trên tuyến đường đó. Phải dồn công, dồn sức như vậy mới hiểu được thực tế.

Tôi biết, vừa rồi Hà Nội không có làm bất cứ một động thái nào như thế. Việc quyết định đổi giờ học đến 19 giờ rồi chuyển lên 18 giờ chỉ là một giải pháp tình thế, cảm tính. Cách làm việc như thế là không khoa học”
, PGS Văn Như Cương chia sẻ.
PGS. Văn Như Cương đề nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội cần làm việc khoa học hơn, không nên quá gấp gáp mà đưa ra những quyết định sai lầm thiếu tính thực tế như thế. Trên thực tế, kế hoạch đổi giờ học đã “phá sản” khi UBND TP Hà Nội cho các trường được tự động điều chỉnh giờ học. Và đến thời điểm hiện tại, việc đổi giờ học đã không còn hiệu lực. Các trường đã quay lại như khi chưa đổi giờ học. PGS. Văn Như Cương coi đó là bài học “xương máu” cho Hà Nội.Tôi nghi ngờ tính khả thi của những quyết sách từ Bộ trưởng Đinh La Thăng Trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có nhiều “quyết sách” táo bạo nhằm giải bài toán giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, những quyết sách của Bộ trưởng được dư luận nhìn nhận ở những chiều hướng tích cực và tiêu cực khác nhau. Dư luận từng đánh giá đó là những quyết sách bất ngờ, sáng tạo, quyết liệt có tính đột phá thể hiện sự quyết tâm và thiện chí nghiêm túc trong việc giảm thiểu ách tắc giao thông ở Hà Nội hiện nay. Tuy nhiên, dư luận cũng nhận định Bộ trưởng Đinh La Thăng đã bộc lộ rõ sự nóng vội, thiếu cân nhắc trong các quyết sách của mình.
"Cá nhân tôi lại thấy nghi ngờ tính khả thi của những quyết sách này. Đổi giờ học là 1 ví dụ điển hình. Và “thu phí lưu hành phương tiện cá nhân, phí ô tô vào nội đô mà dư luận đặc biệt chú ý trong thời gian qua cũng không ngoại lệ", PGS. Văn Như Cương.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, PGS Văn Như Cương cho biết: “Cái quyết liệt, cương quyết để thực hiện cho bằng được ý tưởng của Bộ trưởng Đinh La Thăng là một điều tốt. Và nó sẽ tốt hơn nữa khi những ý tưởng của Bộ trưởng là chắc chắn đúng, chắn chắn phù hợp với tình hình thực tế.

Bộ trưởng Đinh La Thăng từ khi lên đảm trách chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT đã có nhiều chủ trương quyết liệt, sáng tạo thể hiện sự quyết tâm giảm thiểu bài toán giao thông ở các thành phố lớn đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, cá nhân tôi lại thấy nghi ngờ tính khả thi của những quyết sách này. Đổi giờ học là một ví dụ điển hình. Và thu phí lưu hành phương tiện cá nhân, phí ô tô vào nội đô mà dư luận đặc biệt chú ý trong thời gian qua cũng không ngoại lệ.”
Theo PGS. Văn Như Cương: "Thu phí ô tô vào nội đô, thu phí lưu hành phương tiện cá nhân rất phiền hà, phức tạp. Cá nhân ông không tán thành việc thu các khoản phí phí như thế này. Đơn cử như việc tôi có ô tô nhưng đi rất ít thì tại sao tôi lại bị áp 1 mức phí giống với những trường hợp đi nhiều. Như vậy là không công bằng với rất nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội." "Số tiền người dân phải bỏ ra để mua ô tô, xe máy đã cao hơn gấp nhiều lần so với thế giới. Rồi đến phí trước bạ, phí qua cầu... Bây giờ phải nộp thêm nữa thì nhiều quá! Mức phí tham gia giao thông không phù hợp với đồng lương bình quân hằng tháng của người dân.

Nhà nước xây dựng đường sá mà bắt nhân dân đóng phí tham gia giao thông là không hợp lý vì chúng tôi đã đóng thuế để nhà nước đầu tư cho giao thông…”
, PGS. Văn Như Cương nhấn mạnh.
Thu Hòe