PGS.Trần Xuân Nhĩ: "Rút ngắn bậc phổ thông tiết kiệm 10.000 tỷ đồng"

24/09/2012 16:38
Theo VNE
"Cần phải đổi mới quan niệm, coi giáo dục phổ thông chỉ là công cụ, các em ra đời có thể học tiếp. Tiểu học không cần nhiều môn, phổ thông rút ngắn còn 11 lớp".
- Từng nhiều năm làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục, ông nhận xét gì về dự thảo Đề án đổi mới giáo dục sắp trình Hội nghị trung ương 6?
PGS. Trần Xuân Nhĩ: Tôi mới nhận được dự thảo Đề án đổi mới giáo dục của Bộ GD&ĐT cách đây vài ngày. Tôi đọc xong và bất ngờ bởi toàn bộ nội dung đề án chưa có gì đổi mới cả, vẫn là những cái cũ được nhắc lại như chuyển giáo dục sang mô hình mở, xây dựng mô hình học tập suốt đời, đào tạo liên thông…Những điều này đã nói từ lâu rồi, không còn mới mẻ gì nữa. Cái quan trọng là học tập suốt đời làm như thế nào thì lại không được nói đến.
Thực trạng của nền giáo dục đã có nhiều chuyên gia phân tích. Đó là sự nặng nề, cồng kềnh, không đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không hội nhập được. Nhiệm vụ của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục một cách tổng quát phải đổi mới theo hướng xây dựng cả nước thành xã hội học tập theo tinh thần nghị quyết trung ương 9.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng muốn đổi mới căn bản, tòan diện nền giáo dục, trước hết những người lãnh đạo ngành phải thay đổi tư duy.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng muốn đổi mới căn bản, tòan diện nền giáo dục, trước hết những người lãnh đạo ngành phải thay đổi tư duy.

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Trước đây chưa có xã hội học tập nên phải dồn ép học sinh học mọi thứ, coi đó là nồi cơm, để các em ra đời kiếm sống. Giờ xã hội học tập, việc dồn ép là không cần thiết bởi kiến thức là vô cùng rộng lớn, không thể trong một khoảng thời gian nhất định mà học hết được.

- Vậy theo ông, nhiệm vụ đầu tiên của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là gì?
PGS. Trần Xuân Nhĩ: Muốn đổi mới giáo dục thì trước hết phải đổi mới tư duy những người làm công tác quản lý hệ thống giáo dục. Đó là đổi mới quan niệm, coi giáo dục phổ thông chỉ là công cụ, để học sinh ra đời có thể học tiếp. Thực tế cho thấy, sinh viên học ở đâu ra cũng phải lăn lộn, học tiếp mới có thể làm được việc.
Tiểu học không cần học nhiều môn mà phải tích hợp. Có thể một bài văn mà qua đó học sử. Ví như sự kiện Hai Bà Trưng, khi làm văn thì ra đề về hai bà nổi dậy đánh giặc Hán thì vừa học văn vừa học sử. Hay đất nước ta có bài Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, vừa học văn vừa học địa. Đó là tích hợp kiến thức, tích hợp môn, để học sinh không cần học nhiều môn như hiện nay và cảm thấy học nhẹ nhàng.
Xưa chương trình phổ thông tăng từ 9 năm, đến 10 năm, 12 năm… Quan điểm của tôi điều này không đúng. Giáo dục phải rút ngắn thời gian đào tạo để người ta nhanh chóng ra đời phục vụ. Khi cấp 3 rút một năm, một triệu học sinh bớt được một năm học là đã tiết kiệm cho xã hội 1 triệu năm. Mỗi em một năm ăn tiêu hết 10 triệu đồng, khi rút một năm sẽ tiết kiệm cho xã hội một số tiền không nhỏ trong lúc đất nước còn khó khăn.
Hơn nữa, khi giáo dục phổ thông còn 11 năm sẽ giải quyết được một số vấn đề như quá tải, tạo điều kiện cho học sinh học 2 buổi một ngày. Số lượng giáo viên và cơ sở vật chất vốn dành cho học sinh của ba năm cấp 3, nay chỉ còn 2 năm sẽ cho kết quả tốt hơn.
Cấp 3 cũng nên phân loại thành ba trường, đào tạo học sinh giỏi vào đại học, đào tạo nghề tương đối phức tạp và đào tạo nghề đơn giản. Học sinh ở mỗi nơi hoàn toàn có cơ chế chuyển hóa linh hoạt, và việc đánh giá được thực hiện trong cả quá trình.
- Hiện cao đẳng chúng ta cũng có đủ loại, từ cao đẳng nghề (do Bộ Lao động quản lý), cao đẳng chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục quản lý. Điều bất hợp lý là sao Bộ Lao động sử dụng lao động lại cũng giành đào tạo? Tại sao không dùng một hệ thống cao đẳng thôi?
PGS. Trần Xuân Nhĩ: Hệ đại học cũng không nhất thiết phải 4 năm, kiến thức nào không cần thì bỏ, và học tín chỉ cho phép năm kết thúc. Như vậy, nếu làm tốt thì đại học chỉ cần 3 năm, phổ thông rút một năm, học sinh có thể ra đời năm 20 tuổi. Với tư duy bây giờ, giới trẻ thông minh hơn ngày xưa nhiều lắm, chúng hoàn toàn có thể ra đời sớm, tiết kiệm cho xã hội 2 năm.
- Các bước tiếp theo của quá trình đổi mới giáo dục sẽ là gì thưa ông?
PGS. Trần Xuân Nhĩ: Có đổi mới căn bản hệ thống như trên thì mới có thể đổi mới các lĩnh vực khác. Cụ thể, trong hệ thống đó, phải sắp xếp lại hết tất cả mọi thứ. Không nên quan niệm tất cả học sinh đều phải đại học hết. Mâm cơm cũng phải có cá, thịt, rau, trong xã hội không phải cứ đại học hết mới làm cho xã hội phát triển.
Sau khi đổi mới hệ thống, ngành giáo dục không thể dùng bài ca cũ để áp vào dạy nữa mà phải thay đổi chương trình, nội dung, phương pháp. Ngành giáo dục phải xác định trang bị cho học sinh những công cụ cơ bản nhất là ngoại ngữ, công nghệ thông tin.
Tiếng Anh trong nền giáo dục nước ta như leo cột mỡ. Trong khi kinh nghiệm cho thấy ở hội nghị quốc tế, trong chính trường không đạt được thỏa hiệp nhiều, nhưng nếu biêt tiếng, nói chuyện ngoài hành lang sẽ đạt được nhiều hơn. Mình không biết tiếng Anh mình sẽ thua tất cả các nước.
Ông Lý Quang Diệu (Thủ tướng đầu tiên của Singapore) đã giải thích nguyên nhân nước ông giàu là vì: "Điều đầu tiên tôi dạy ngoại ngữ cho người dân, họ đi khắp thế giới lấy tiền về cho đất nước tôi. Nước tôi nói tiếng Anh nên toàn thế giới đến giao dịch với tôi, tôi móc túi họ đem về cho nước tôi”. Câu nói đó tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất thâm thúy và là bài học sâu sắc.
- Chúng ta không nên bảo thủ phải dạy tiếng Anh cho trẻ từ lớp 3 bởi trí óc của trẻ phát triển, tiếp thu rất sớm. Độ tuổi vàng để tiếp thu kiến thức là từ 0 đến 6 tuổi, đặc biệt là 0 đến 3, vậy tại sao phải áp đặt dạy ở lớp 3?
PGS. Trần Xuân Nhĩ: Về phương pháp, ở Singapore, một lớp cao đẳng 24 em. Sáng đến thầy hướng dẫn học bài gì, lên mạng lấy tài liệu ra sao, rồi chia nhóm làm đề tài chiều báo cáo. 6 nhóm chia nhau công việc để hoàn thiện bài tập, em này thuyết trình thì em kia bổ sung, như vậy là thuộc hết. Ở mình thì lên lớp là thầy nói, học sinh không nghe, cuối kì mới kiểm tra thì các em chỉ học vẹt, đối phó. Giờ phải học cách dạy tiên tiến ở các nước, đánh giá thường xuyên để các em học một cách hứng thú.
Chương trình, nội dung, phương pháp đã thay đổi thì đánh giá cũng phải thay đổi. Đánh giá hiện nay mang tính thời điểm. Học bao nhiêu năm cũng chỉ có thi học kỳ, tốt nghiệp, đại học, độ may rủi rất lớn. Nếu đánh giá thường xuyên thì học sinh sẽ học thường xuyên và đánh giá cả thời kì thì thật chất, thúc đẩy người học hơn.
- Nhà xuất bản Giáo dục mới đây vừa nhập khẩu sách giáo khoa Toán của Pháp, ông bình luận gì về việc này?
PGS. Trần Xuân Nhĩ: Có nhiều người cho rằng hiện nay giáo dục đang quá tải và học 12 năm mới đủ. Tôi không đồng tình với ý kiến này, vì nếu nói như vậy thì 20 năm cũng không đủ. Từ đổi mới hệ thống giáo dục, nội dung các môn học cũng phải thay đổi, cái gì cần thì dạy, không thì bỏ, thế nên sách giáo khoa cũng cần viết lại cho phù hợp hơn.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Tài liệu của độc giả "tố" TS Lê Thẩm Dương đạo văn

GS Nguyễn Hữu Đức: "Xếp hạng đại học là xu thế toàn cầu"

'Thật bi hài! Cả đời làm giáo dục, tôi chưa gặp chuyện như ĐH Tây Đô'

Thiếu tướng Nguyễn Đức Tỉnh nói về thu hút nhân tài ở Bộ Quốc Phòng

Những hình ảnh độc của Barack Obama thời sinh viên

SV gửi tâm thư tới Bộ trưởng Giáo dục: "Em bị biến thành Chí Phèo..." 

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Theo VNE