PGS.Trịnh Hòa Bình:Phạt học phí "tàn khốc" ở ĐHCN TPHCM là quá lố bịch

31/05/2012 06:03
Bích Thảo (Thực hiện)
(GDVN) - "Việc phạt nặng về kinh tế ở các trường học là quá đáng thậm chí là lố bịch. Dù quy định riêng cũng không được quái chiêu, khác lạ quá khiến người ta giật mình".
Việc phạt sinh viên đóng học phí gấp đôi và phải học lại vào học kì sau của trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh đã gây ra rất nhiều bức xúc trong sinh viên. Sinh viên than trời vì hình phạt quá "tàn khốc", nhưng cũng có người lại cho rằng cần phải làm nghiêm để duy trì quản lí của nhà trường. Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với nhà xã hội học PGS.TS Trịnh Hòa Bình để phân tích nguyên nhân xã hội của việc phạt học phí này.


PGS.TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình
PGS.TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình


- Thưa PGS. TS Trịnh Hòa Bình, mới đây có Trường ĐH FPT "phạt" sinh viên đóng học phí muộn 100 USD, rồi bây giờ đến Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh phạt đóng học phí gấp đôi, ông đánh giá như thế nào về hình phạt kinh tế như vậy?

PGS. TS Trịnh Hòa Bình: 
Theo quan điểm về mặt an sinh, tạo cơ hội cho các bạn trẻ được học hành thì việc phạt nặng về kinh tế ở các trường học là quá đáng thậm chí là lố bịch. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng mỗi sân chơi có một quy định riêng. Nếu như có sự thông báo một cách đầy đủ ngay từ đầu khi các bạn đã chấp nhận tham gia vào sân chơi đó thì các bạn sẽ phải chấp nhận những quy định của họ. 


Tuy nhiên, nói thế nào thì nói dù có là sân chơi đi chăng nữa cũng cần phải tuân thủ những cái chung. Các quy định riêng không được quái chiêu, khác lạ quá khiến người ta giật mình.
Chúng ta thấy có những thông điệp rất quyết liệt từ cấp Nhà nước là không để cho học sinh, sinh viên phải nghỉ học vì thiếu tiền. Trong khi quyết sách của cấp vĩ mô nói như vậy thì các tầng vi mô lại làm khác. Điều đó phải chăng thể hiện tình trạng cát cứ, không phải quy trình lấy người học làm trung tâm (đang đặt ra như một kim chỉ nam, phương châm ứng xử điều hành của các cơ sở giáo dục).

Sự việc này tại Trường ĐH CN TP.HCM theo tôi có thể là do tình trạng nợ đọng lớn quá nên ban quản lí thực hiện hình phạt quyết liệt để răn đe. Tôi hi vọng là đây chỉ là hình phạt nhất thời cốt lấy lại trật tự thôi chứ không phải thường xuyên.
- Thông báo phạt này đã có từ vài năm trước, ông Trưởng phòng Đào tạo ĐH CN TPHCM nói rằng trước kia các em đóng muộn vẫn được đi học bình thường, nhưng bây giờ nhà trường sẽ làm chặt. Còn nhiều sinh viên thì than phiền, họ vì hoàn cảnh nên mới nộp học phí chậm... Quan điểm của ông thế nào?

PGS. TS Trịnh Hòa Bình: Tôi xin nói thẳng rằng việc theo dõi thông tin của nhà trường là trách nhiệm thường xuyên của sinh viên. Và tôi thấy rằng các bạn sinh viên chưa thật sự quan tâm đúng mức đến các thông báo của nhà trường. đấy là khuyết điểm của sinh viên.

Còn đối với trường tôi thấy rằng họ thể hiện thái độ quyết liệt, phương châm xử thế có tính chất độc đoán, không tính đến những cảnh huống, hoàn cảnh cụ thể bất khả kháng. Như vậy dường như thiếu nhân văn trong câu chuyện học phí này.

Hầu hết học trò không phải tự kiếm ra những khoản tiền đóng học phí mà phải trông chờ vào cha mẹ. Những khoản tiền được phép vay trong giáo dục thì cũng là do cha mẹ vay chứ không phải là sinh viên. Có những hoàn cảnh rất khó khăn thì cần phải được xem xét một cách cụ thể để có hướng giải quyết hợp tình, hợp lí.
Một số sinh viên đã phản ánh rằng, hình phạt "tàn khốc" này sẽ khiến họ có thể không ra trường được đúng hạn, dẫn đến nhiều cơ hội nghề nghiệp bị bỏ qua. Điều này quả thực rất đáng để lãnh đạo ĐH CN TPHCM suy ngẫm, có phải không thưa ông?

PGS. TS Trịnh Hòa Bình: Điều đó là đương nhiên vì rõ ràng là luật thì rất lạnh lùng, lãnh cảm. Đã thành luật là lạnh lùng nên nếu mọi người không chú ý đầy đủ thì sẽ chạm phải sự lạnh lùng đó. Nhưng nói gì thì nói, đây là môi trường giáo dục, mọi thứ chỉ nên tương đối chứ đừng tuyệt đối hóa một cách máy móc.

Cũng có những quan điểm cho rằng, trong lúc người dân đang đánh vật với đời sống, kinh tế đất nước đang ở tình hình khó khăn chung thì nhà trường không nên  áp dụng hình thức phạt tiền quá nặng nề như vậy...

PGS. TS Trịnh Hòa Bình: Theo tôi sinh viên khó khăn hay nhà trường khó khăn thì cần phải đưa ra một hướng giải quyết khác, thực sự phù hợp, vừa có lý mà lại không bị mang tiếng là "cạn tình".

Khó khăn của trường cần phải giải quyết bằng một kênh khác, không thể nào lấy hình thức phạt học phí sinh viên để đền bù vào sự thiếu hụt. Tôi nghĩ rằng, sự phạt này có lẽ cốt là để giữ nguyên quy định, nề nếp của trường thôi. Chứ môi trường sư phạm không nên áp dụng hình phạt kinh tế như vậy.

Nếu là một người quản lí giáo dục, ông xử lí như thế nào vấn đề học phí của sinh viên?

PGS. TS Trịnh Hòa Bình: Tất nhiên là tôi sẽ phải nghiên cứu kĩ. Nếu những người nghèo khó quá thì chả lẽ lại đuổi học họ? Còn riêng với những người có khả năng chi trả sẽ phải trả lãi nếu đóng muộn.

Điều quan trọng của môi trường sư phạm là có người học chứ việc phạt nặng nề quá thì sẽ dần dẫn người ta không thèm tìm đến học nữa.

Ông thấy việc quản lí của nước ngoài và Việt Nam khác nhau như thế nào?

PGS. TS Trịnh Hòa Bình: Sự quản lí của nước ngoài khác mình rõ ràng chứ. Đây một phần là do dân trí và nề nếp quản lí. Nền giáo dục Việt Nam chưa phải lấy người học làm trung tâm và còn nhiều điểm hạn chế cần khắc phục.

Xin cảm ơn ông!
Bích Thảo (Thực hiện)