PISA và hiện tượng hàng trăm người “cướp bia" ở Đồng Nai

09/12/2013 07:23
Vũ Tuấn Anh – Viện Quản Lý Việt Nam
(GDVN) - PISA đánh dấu thành công của giáo dục Việt Nam. Chúng ta vui một lúc nhưng còn rất nhiều suy tư và vấn đề của giáo dục Việt Nam. Không cần tới PISA hay các công cụ đo lường tương tự, các vấn đề giáo dục của Việt Nam đã thể hiện rất rõ hàng ngày.
Hàng trăm người đã lao vào cướp bia trên đường khi tài xế gặt tai nạn ở TP Biên Hòa - Đồng Nai, có cả những người "lịch sự, sang trọng" lái ô tô cũng lao xuống hôi của.
Hàng trăm người đã lao vào cướp bia trên đường khi tài xế gặt tai nạn ở TP Biên Hòa - Đồng Nai, có cả những người "lịch sự, sang trọng" lái ô tô cũng lao xuống hôi của.
Ngày 4-12 hiện tượng cướp cạn bia xẩy ra tại thành phố Biên Hòa khi hàng trăm người xông vào hôi bia từ chiếc xe chở bị mất lái. Thật đáng lên án và khinh bỉ  khi có rất nhiều người sang trọng dừng cả xe ôtô và tiện tay bốc hốt vài thùng bia làm của riêng. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng giáo dục và công tác quản lý vẫn phải chịu trách nhiệm cho những sự băng hoại đạo đức trong xã hội như thế này. Thật trùng hợp khi ở đầu kia của Việt Nam – Hà Nội, bộ giáo dục và đào tạo đang hỉ hả với kết quả PISA khi Việt Nam chiếm thứ hạng khá cao trong cuộc khảo thí.   Chúng ta có nên vui mừng thái quá và tập trung vào những cuộc khảo sát mất tiền trong khi đó những bài test đơn giản trong xã hội đang phản ánh thực tại ngày càng xám xịt về kết quả của hệ thống giáo dục, quản lý không hiệu quả của chúng ta ?.
Ngày 4/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển thông báo, trong kì thi khảo sát đánh giá kiến thức và kĩ năng của học sinh lứa tuổi 15 trên thế giới (PISA), đánh giá hơn 510.000 học sinh tại 65 quốc gia và nền kinh tế về các kĩ năng toán, đọc và khoa học thì học sinh Việt Nam xếp trên rất nhiều nước có nền giáo dục phát triển (17/65).
Chúng ta có nên vui vẻ với kết quả PISA khi hầu như các công ty khi đầu tư vào Việt Nam đều than phiền về chất lượng nguồn nhân lực?. Chúng ta có nên vui vẻ khi thủ khoa thất nghiệp, thạc sỹ đi nuôi heo... trong các bài báo gần đây?
Một cá nhân muốn trở thành người đúng nghĩa với nhân tính và kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nhằm thực hiện một nghề trong xã hội cần ít nhất 9 năm học tới cấp hai và 1-2 năm học nghề. Tổng cộng là 11/12 năm cho tới 16 năm nếu như học hết cấp 3 và đại học.

PISA nếu thành công chỉ phản ánh một lát cắt trong chuỗi thời gian đó và cũng chỉ bao quát một phần tri thức của học sinh. Thành công tại PISA không đảm bảo sự thành công của toàn bộ chuỗi giáo dục cho tới khi học hết đại học hoặc học nghề.

Đơn giản PISA chỉ là một dấu hiệu rằng chúng ta đã làm tốt và cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa cho mục đích dạy người và nghề cho toàn bộ học sinh, sinh viên. Đây chính là mục tiêu và ước vọng giản dị của bất kỳ hệ thống giáo dục nào trên thế giới cần phải làm cho cha mẹ và học sinh. Điều kiện cần tiên quyết khi cha mẹ và học sinh đó là học có làm được hay không rồi mới tính tới những huy chương, thành tích gắn trên hệ thống giáo dục đó.
 
Trong các bài báo kế tiếp có đề cập tới vấn đề sang năm chúng ta sẽ lại tham gia PISA và có thể PISA sẽ trở thành một tiêu chí hàng năm để sử dụng đánh giá nền giáo dục của chúng ta. Theo tác giả, chúng ta không nên thực hiện thường xuyên như vậy vì nó sẽ làm lãng phí nguồn lực và nỗ lực của toàn bộ hệ thống giáo dục.

Quản lý đó là phải biết lựa chọn cái gì quan trọng nhất trong những cái quan trọng để thực hiện. Chưa có PISA, thầy cô giáo tại các trường đã phải ngập chìm trong hàng trăm công việc không tên tuổi (1) như trong các bài báo có đề cập gần đây. Tâm lý lạc quan với PISA cùng với bệnh thành tích trong quản lý, viễn cảnh thêm việc thêm áp lực từ PISA sẽ là hiển nhiên với các thầy cô giáo tại các trường.
 
Trong năm 2014, như Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận đã phát biểu nền giáo dục của chúng ta sẽ bước vào "trận đánh lớn nhất" trong lịch sử giáo dục- cải tổ hệ thống giáo dục. Khi thực hiện cải tổ, chúng ta rất cần những công cụ để kiểm nghiệm xem việc cải tổ có hiệu quả hay không. Một cách hiệu quả và rẻ tiền nhất trong kinh doanh cũng như giáo dục đó là hãy để khách hàng, xã hội cùng tham gia vào quá trình kiểm nghiệm.

Đầu ra của hệ thống giáo dục chính là công ty hay tổ chức sử dụng lao động. Tuy nhiên trong trận đánh lớn lịch sử, Bộ giáo dục và Đào tạo lại không nhắc gì tới Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội là khách hàng sử dụng trực tiếp “sản phẩm” của giáo dục- con người.

Câu chuyện tương tự như Bộ giáo dục và đào tạo là người nấu phở và Bộ LĐTB&XH là người ăn phở. Người bán phở chẳng cần tới ông A bà B từ phương trời OCED xa xôi cấp giấy PISA để kiểm nghiệm phở ngon hay không ngon.

Người ăn phở cũng chẳng cần quan tâm dấu kiểm nghiệm “PISA” trên từng bát phở vì họ có đầy đủ kinh  nghiệm và kiến thức để biết bát phở ngon hay không. Một cách đơn giản và hiệu quả nhất đó là hãy lắng nghe khách hàng và cải tiến chất lượng dịch vụ theo ý kiến của họ là điều Bộ GD&ĐT nên làm thường xuyên và có hệ thống.
  
PISA đánh dấu thành công của giáo dục Việt Nam. Chúng ta vui một lúc nhưng còn rất nhiều suy tư và vấn đề của giáo dục Việt Nam. Không cần tới PISA hay các công cụ đo lường tương tự, các vấn đề giáo dục của Việt Nam đã thể hiện rất rõ hàng ngày.

Câu chuyện của chúng ta nên tập trung nguồn lực và thứ tự ưu tiên nhằm giải quyết thật nhanh những vấn nạn xã hội có nguồn gốc từ giáo dục như “người giàu cướp bia" , “thủ khoa thất nghiệp”, “học sinh mù Anh văn" , “sinh viên nghèo kỹ năng sống”, “chảy máu ngoại tệ khi học sinh đi du học”... v/v thay vì chay theo những chỉ tiêu ngắn hạn như PISA... 

 Tài liệu tham khảo:

http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=767654
http://vtc.vn/2-463963/xa-hoi/hang-tram-nguoi-tranh-cuop-bia-loi-ke-kho-tin-tu-nhan-chung.htm
Vũ Tuấn Anh – Viện Quản Lý Việt Nam