PTT Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu đẩy mạnh đào tạo năng lượng nguyên tử

24/07/2013 08:05
Ngọc Quang
(GDVN) - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trong tháng 8/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính cần ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về mức chi đối với đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, tập hợp đầy đủ các vị trí công tác, xác định cụ thể bậc, ngạch trong từng nhóm công việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nguyên tử (ngày 23/7), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai đề án, mà cụ thể là từ đầu năm tới nay đã gửi 70 sinh viên sang Nga học tập chuyên ngành “Thiết bị và lắp đặt nhà máy điện hạt nhân”.

Đồng thời yêu cầu Bộ Giáo dục nhanh chóng rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nhân lực năng lượng nguyên tử trên toàn quốc; không sử dụng vốn  cấp cho công tác đào tạo vào công tác xây dựng cơ bản; đẩy mạnh công tác phối hợp với các bộ, ngành trong nhiệm vụ xây dựng chính sách liên quan đến công tác đào tạo nhân lực năng lượng nguyên tử.

PTT Nguyễn Thiện Nhân chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nguyên tử.
PTT Nguyễn Thiện Nhân chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nguyên tử.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong tháng 8/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính cần ban hành Thông tư  liên tịch hướng dẫn về mức chi đối với đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, tập hợp đầy đủ các vị trí công tác, xác định cụ thể bậc, ngạch trong từng nhóm công việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị EVN có kế hoạch quản lý và giao nhiệm vụ cho 230 sinh viên học chuyên ngành Năng lượng Nguyên tử tại Nga dự kiến sẽ về nước vào năm 2014.
EVN cho biết, trong giai đoạn cao điểm xây dựng, số lượng cán bộ của Ban Quản lý dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào khoảng 400 người; khối vận hành và bảo dưỡng cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, mỗi nhà máy cần khoảng 1.100 người với cơ cấu trình độ cụ thể là đại học 442 người (chiếm 40%), cao đẳng nghề 461 người (chiếm 42%), lao động phổ thông 197 người (chiếm 18%).
Theo thông tin mới nhất thì hiện đã xây dựng kế hoạch đào tạo tổng thể nhân lực phục vụ nhà máy điện hạt nhân, nhân lực phục vụ công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nguyên tử đến năm 2020, trên cơ sở tổng hợp nhu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); đã xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Tuy nhiên, Thông tư liên tịch hướng dẫn nội dung và mức chi thực hiện Quyết định số 1558/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “ Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” chưa hoàn thành.
Trước đó, trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam vào ngày 25/6, TS Phạm Đình Khang, Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) cho biết, đến thời điểm hiện tại chưa xây dựng xong chương trình đào tạo sinh viên ở ngành này.
Theo TS Khang, các đơn vị được giao đào tạo trong nước mới bắt đầu khởi động xây dựng chương trình  đào tạo, nhưng hiện tại để có được chương trình giảng dạy cũng không dễ. 
Vị GĐ Trung tâm Đào tạo hạt nhân đánh giá đây là một đề án quan trọng và cần thiết với sự phát triển của đất nước, tuy nhiên cần phải tính toán rất kỹ lưỡng các nhiệm vụ từng giai đoạn và chương trình đào tạo tương ứng thì sẽ dẫn tới tình trạng vừa đi vừa dò đường, sẽ gây ra tốn kém và lãng phí không lường trước được.
"Vấn đề quan trọng nhất được đặt ra là: Đào tạo xong thì họ làm gì, ở đâu thì cái đó chưa được xác định rõ. Học ngành hạt nhân ra thường khó xin việc vì số cơ quan tuyển ngành này ít lắm. Ở Việt Nam chưa có nhiều cơ sở công nghiệp điện hạt nhân nên đa số sinh viên ra trường từ nay đến khi tuyển người vào làm ở cơ sở công nghiệp điện hạt nhân sẽ đi xin việc khác rất xa thứ được đào tạo", TS Khang nói.
Ngọc Quang